Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định mục đích phát triển nông nghiệp theo hướng, “kiến tạo một nền sản xuất nông nghiệp” bền vững cả về mặt lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; Có tốc độ tăng trưởng, năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng cao một cách vững chắc; Có mô hình sản xuất kinh doanh bền vững, đáp ứng ổn định lương thực, thực phẩm, nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng trong nước, xuất khẩu cả trước mắt và lâu dài.
Theo đó, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững trên nền tảng cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao. Theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Để phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực nông nghiệp bình quân trên 3,0%/năm trong 5 năm tới.
Trên thực tế nhiều biện pháp đã và được thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ như đang tháo gỡ những rào cản về đất đai, tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, từng bước hình thành chuỗi sản xuất lớn. Có những vùng sản xuất lớn, trong đó nòng cốt là DN, hợp tác xã sản xuất những mặt hàng theo quy hoạch. Tập trung nguồn lực để ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mục tiêu trên, chúng ta phải đối mặt với không ít khó khăn về biến đổi khí hậu, thiên tai, tư duy sản xuất nhỏ vẫn đang ngự trị trong người nông dân… Thêm vào đó, vấn đề “được mùa mất giá” vẫn thường xuyên xảy ra gây khó khăn không nhỏ cho người nông dân và tình trạng thịt lợn rớt giá thê thảm như trong những ngày qua, do dư thừa nguồn cung quá lớn, dẫn đến một thực tế là “giải cứu nông nghiệp” diễn ra quanh năm.
Trong đó ngành Ngân hàng thường xuyên phải thực hiện cơ cấu lại kỳ hạn nợ, xóa nợ cho người nông dân. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhất là vấn đề giải quyết nợ xấu. Nếu cứ tiếp tục “giải cứu” như vậy, e rằng sẽ không hiệu quả cho phát triển nông nghiệp nói riêng và cho phát triển kinh tế nói chung.
Vì vậy, đã đến lúc phải có giải pháp lâu dài, căn cơ hơn. Và thực trạng trên cho thấy, việc tổ chức lại sản xuất trong nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ còn nhiều vấn đề cần tập trung xử lý, trước hết là về tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Do đó, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cần đưa ra giải pháp có tính dài hạn về phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước cũng như ngoài nước một cách ổn định, lâu dài.
Từ đó, mới tính đến việc theo đuổi một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn, năng suất cao mới có ý nghĩa thiết thực. Bởi nếu tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp mà không tiêu thụ được với giá cả có thể bù đắp được chi phí sản xuất và tạo tích lũy thì khó tạo ra được nguồn lực để thực hiện mục tiêu phát triển một nền nông nghiệp bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đặt ra.
13.11.2024
30.10.2024