22.11.2017 10:21

Phá sản ngân hàng được xem xét cẩn trọng, toàn diện

Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Không sử dụng ngân sách Nhà nước

Với 436/444 đại biểu tán thành, chiếm 88,80% tổng số đại biểu Quốc hội, chiều ngày 20/11, Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (Luật Các TCTD).

Luật Các TCTD sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2018 với các điều khoản bổ sung lần này có các phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt, gồm phương án phục hồi; sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; phương án giải thể TCTD được kiểm soát đặc biệt; và cuối cùng là phương án phá sản các TCTD được kiểm soát đặc biệt.

 

Luật Các TCTD sửa đổi tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho hoạt động ngân hàng trước yêu cầu mới 

Theo đó, tại Điều 152a về xây dựng và phê duyệt phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt: Thứ nhất, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Chính phủ quyết định chủ trương phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với TCTD được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt trình NHNN xem xét. Trường hợp xây dựng phương án phá sản quỹ tín dụng nhân dân, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với quỹ tín dụng nhân dân được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thực hiện.

Thứ hai, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phương án phá sản, NHNN có trách nhiệm xem xét, đánh giá tính khả thi của phương án, trình Chính phủ phê duyệt phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Nội dung phương án phá sản, theo Điều 152b gồm: Đánh giá thực trạng và quá trình xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt được quyết định chủ trương phá sản; Đánh giá tác động của việc thực hiện phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt đối với sự an toàn của hệ thống TCTD; Phương án chi trả tiền gửi của khách hàng là cá nhân; và Lộ trình thực hiện và trách nhiệm triển khai phương án phá sản.

Điều 152c quy định về tổ chức thực hiện phương án phá sản: NHNN chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung tại phương án phá sản đã được phê duyệt, bao gồm cả việc yêu cầu TCTD được kiểm soát đặc biệt nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

Trước đó, vào ngày 26/10, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, đã có 23 ý kiến đại biểu phát biểu và 1 ý kiến đại biểu tranh luận. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về nguồn lực thực hiện phương án cơ cấu lại TCTD có ý kiến cho rằng quy định của dự thảo Luật thực chất vẫn gián tiếp sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) để hỗ trợ cơ cấu lại TCTD, như vậy không bảo đảm nguyên tắc không sử dụng NSNN trong cơ cấu lại các TCTD; có ý kiến đề nghị trường hợp cần thiết vẫn phải sử dụng NSNN nhưng phải quy định minh bạch, bảo đảm quản lý chặt chẽ, bảo toàn NSNN.

Ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, Dự thảo Luật đã được rà soát để bảo đảm đúng chủ trương theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020. Theo đó không sử dụng NSNN để cơ cấu lại DNNN, xử lý nợ xấu hệ thống NHTM nhà nước, cấp vốn điều lệ cho TCTD thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cơ cấu lại TCTD, đúng như các đại biểu Quốc hội có ý kiến, thực chất một số chính sách trong trường hợp cần thiết, cấp bách, để bảo đảm an toàn hệ thống có thể có những tác động gián tiếp làm ảnh hưởng, giảm thu NSNN (ví dụ như số nộp NSNN về chênh lệch thu chi của NHNN sau khi trích lập các quỹ), song không sử dụng chính sách miễn, giảm thuế và không sử dụng nguồn chi NSNN để xử lý.

Có thể chi trả vượt hạn mức cho người gửi tiền

Về thẩm quyền quyết định cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt (Điều 146), có ý kiến cho rằng quy định giao Chính phủ thẩm quyền xử lý trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt là không phù hợp, vì nếu giao Chính phủ thì quá trình kéo dài, phức tạp, không kịp thời; đề nghị nên giao NHNN và Thủ tướng Chính phủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo dự thảo Luật, đa số các trường hợp xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt đều thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và NHNN. Việc thực hiện phương án phá sản, phương án giải thể, phương án chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt có khả năng gây ảnh hưởng và tác động lớn đến an toàn hệ thống, trật tự an toàn xã hội, do vậy cần giao thẩm quyền quyết định chủ trương áp dụng và phê duyệt cho Chính phủ để quá trình xem xét, quyết định cẩn trọng, cân nhắc toàn diện.

Về phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt (Mục 1e), một số ý kiến đề nghị trong trường hợp không thực hiện được phương án chuyển giao bắt buộc và phá sản TCTD yếu kém thì cần quy định Nhà nước phải thực hiện vai trò người mua cuối cùng. Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự thảo Luật đã bổ sung thêm phương án chuyển giao bắt buộc và quy định một số biện pháp hỗ trợ khi thực hiện phương án này, thực chất là cho TCTD thêm cơ hội để phục hồi. Trường hợp không thể thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc thì thực lực của TCTD đã quá kém, nếu Nhà nước mua lại cũng sẽ tạo gánh nặng và rủi ro, không phù hợp với quy luật thị trường. Do vậy, xin giữ quy định như dự thảo Luật.

Một số ý kiến đề nghị quy định rõ Chính phủ và NHNN được cho vay đặc biệt với lãi suất đặc biệt để hỗ trợ cho các TCTD bị phá sản chi trả cho người gửi tiền sau khi bảo hiểm tiền gửi đã thực hiện chi trả nhưng không đủ; cho phép hỗ trợ từ NSNN hoặc nguồn lực Nhà nước khác để chi trả tiền gửi vượt hạn mức cho người gửi tiền cá nhân, chi trả trong trường hợp các khoản cho vay đặc biệt không thu hồi được đầy đủ do khi thanh lý tài sản của TCTD không đủ để thu hồi; đề nghị tỷ lệ chi trả cho người gửi tiền tương ứng theo số tiền gửi.

Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 146 của dự thảo Luật giao Chính phủ quyết định áp dụng biện pháp đặc biệt nhằm bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt. Việc chi trả tiền gửi vượt hạn mức, mức chi trả, nguồn chi trả đối với người gửi tiền là cá nhân trong trường hợp phá sản TCTD sẽ tùy thuộc vào tình hình nguồn lực nhà nước theo từng thời kỳ và theo mức độ tác động của từng trường hợp phá sản cụ thể, do vậy xin không quy định trong Luật.

Sở hữu chéo sẽ được xử lý một cách triệt để và chặt chẽ

Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 17/11, xung quanh vấn đề sở hữu chéo, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, để khắc phục và xử lý vấn đề sở hữu chéo, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan như khái niệm người có liên quan để tạo cơ sở xác định được cổ đông đích thực và cổ đông hưởng lợi cuối cùng. Tăng thẩm quyền và trách nhiệm của NHNN trong việc kiểm soát các cổ đông và nhóm các cổ đông lớn. Đã tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, điều kiện đối với chức danh chủ tịch hội đồng quản trị, hội đồng thành viên và ban điều hành của các TCTD theo hướng rất chặt chẽ. Tập trung rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về giới hạn sở hữu cổ đông tại TCTD cổ phần nhằm đại chúng hóa hoạt động của các TCTD và hạn chế sự thao túng TCTD của các cổ đông chi phối.

NHNN đã tập trung rà soát sửa đổi, bổ sung đưa vào dự thảo Luật các quy định về góp vốn và mua cổ phần của các TCTD. Chúng tôi tin rằng nếu dự thảo Luật được Quốc hội thông qua thì việc sở hữu chéo sẽ được xử lý một cách triệt để, chặt chẽ và minh bạch hơn.

 

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan