Sự cần thiết của Thông tư 36
Với mục tiêu đưa hoạt động của hệ thống ngân hàng theo thông lệ quốc tế, hoạt động an toàn và hội nhập với kinh tế thế giới, ngày 20/11/2014, Thống đốc NHNN Việt Nam đã ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN (Thông tư 36) quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Cần có những “chính sách đặc thù” với một mô hình đặc thù như Ngân hàng Hợp tác.
Các quy định của Thông tư 36 hướng đến 6 mục tiêu cụ thể: hoạt động của ngân hàng an toàn hơn, khắc phục những tồn tại hiện tại của hệ thống ngân hàng, phát triển bền vững hơn và hướng tới thông lệ quốc tế, siết lại sở hữu chéo để đẩy mạnh tái cấu trúc ngân hàng, lành mạnh trong hệ thống.
Theo đó, Thông tư 36 khống chế mức độ sở hữu của một ngân hàng tại ngân hàng khác không quá 5%, giới hạn tối đa được sở hữu đối với 2 tổ chức tín dụng, nhằm giảm sự chi phối, sở hữu chéo và thao túng của các cổ đông lớn trong hệ thống ngân hang.
Để làm tốt các mục tiêu cụ thể này, các ngân hàng được yêu cầu phải ban hành các quy định nội bộ trong hoạt động ngân hàng và tuân thủ tuyệt đối theo quy định, bao gồm: Quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay để đảm bảo việc sử dụng vốn vay đúng mục đích; Quy định nội bộ về đánh giá chất lượng tài sản có và tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; Quy định nội bộ về quản lý thanh khoản.
Mô hình đặc thù cần những chính sách đặc thù
Sau hơn 5 tháng thực hiện, Thông tư 36 đã phát huy rõ tác dụng trong việc hỗ trợ thị trường tài chính tiền tệ phát triển lành mạnh, hiệu quả. Tuy nhiên, đối với một ngân hàng đặc thù như Ngân hàng Hợp tác, Thông tư 36 cũng mang đến những khó khăn không nhỏ.
Với chức năng “Ngân hàng của các Quỹ tín dụng nhân dân”, Ngân hàng Hợp tác thường xuyên phải nhận tiền gửi điều hòa của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND). Những năm gần đây, lượng tiền gửi này tăng cao do hoạt động tín dụng gặp nhiều khó khan.
Tuy nhiên, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ngân hàng Hợp tác không thể không nhận, và để tối ưu hóa hiệu quả nguồn vốn, Ngân hàng Hợp tác đã đẩy mạnh đầu tư trái phiếu Chính phủ, đây là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả đồng thời cũng gián tiếp hỗ trợ phát triển kinh tế trong nước.
Tuy nhiên Thông tư 36 quy định: Nguồn vốn ngắn hạn “không bao gồm tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn của tổ chức tín dụng”. Với quy định này, toàn bộ khoản tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn còn lại dưới 12 tháng của các QTDND gửi điều hòa vốn cho Ngân hàng Hợp tác sẽ không được tính vào nguồn vốn ngắn hạn trong khi nguồn vốn này luôn chiếm khoảng 50% tổng nguồn vốn của Ngân hàng Hợp tác.
Như vậy, Ngân hàng Hợp tác không được dùng nguồn vốn này để đầu tư, mua trái phiếu Chính phủ cũng như không được dùng vốn này để cho vay trung và dài hạn.
Ngân hàng Hợp tác vốn đã và đang gánh một khoản lỗ lớn do dư thừa nhận vốn điều hòa từ hệ thống QTDND, nay lại bị hạn chế trong giới hạn tăng trưởng tín dụng ngoài hệ thống cũng như bị hạn chế tỷ lệ đầu tư, mua trái phiếu Chính phủ khiến cho mức lỗ càng lớn.
Năm 2014: Lãi suất tiền gửi bình quân của QTDND là 5,7%; Lãi suất Ngân hàng Hợp tác gửi liên ngân hàng là 1,74%, lỗ do chênh lệch lãi suất là 48,99 tỷ đồng. Tính đến 30/6/2015: Lãi suất tiền gửi bình quân của QTDND là 4,85%, Lãi suất Ngân hàng Hợp tác gửi liên ngân hàng là 2,50%, lỗ do chênh lệch lãi suất là 27,75 tỷ đồng.
Dự báo lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sẽ không có biến động nhiều, nên với số lượng tiền dư thừa do nhận vốn điều hòa từ QTDND như hiện nay, Ngân hàng Hợp tác sẽ tiếp tục chịu lỗ.
Trước thực tế này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, để Ngân hàng Hợp tác có thể thực hiện tốt vai trò “Ngân hàng của các QTDND”, Ngân hàng Nhà nước cần có những “chính sách đặc thù” với một mô hình đặc thù như Ngân hàng Hợp tác.
Trước mắt, trong khi vẫn phải tuân thủ các quy định của Thông tư 36, Ngân hàng Hợp tác nên coi hoạt động điều hòa vốn trong hệ thống QTDND như thị trường liên ngân hàng. Theo đó, hoạt động gửi vốn và nhận vốn theo lãi suất thị trường với kỳ hạn ngắn tối thiểu 01 tuần, tối đa 3 tháng (thay vì nhận vốn lãi suất cao, kỳ hạn dài) để tránh áp lực tăng nguồn vốn lãi suất cao trong khi cơ chế đẩy vốn ra qua kênh tín dụng trung dài hạn, kênh đầu tư trái phiếu Chính phủ… gặp khó khan.
13.11.2024
30.10.2024