17.04.2008 15:52

Những quy định tại luật đất đai năm 2003 có liên quan đến hoạt động tín dụng của Quỹ Tín dụng nhân dân (P1)

Tín dụng được thực hiện đưới các hình thức :

1. Cho vay có bảo đảm bằng tài sản: thế chấp, cầm cố tài sản của bên vay vốn; bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ 3.

2. Cho vay không có bảo đảm bằng tài sản (cho vay tín chấp).

3. Cho vay khác.

Để hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân được an toàn hiệu quả, đảm bảo tính pháp lý, chấp hành nghiêm túc các quy định về cho vay có tài sản bảo đảm. Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam xin gửi tới các hội viên phần 1 tập tài liệu: “Những nội dung cơ bản của Luật đất đai năm 2003” liên quan đến hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân để các hội viên tham khảo, áp dụng trong công tác tín dụng tại đơn vị. Cụ thể:

      PHẦN 1 - QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI SDĐ
                 ----------------------------------------------

1. Khái niệm quyền và nghĩa vụ của người SDĐ

1.1. Khái niệm quyền của người SDĐ
Dưới góc độ ngôn ngữ học: “Quyền: Điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho được hưởng, được làm, được đòi hỏi”[1] ;
Dưới góc độ pháp lý: Quyền, những việc mà một người được làm mà không bị ai ngăn cản, hạn chế. Phân loại quyền gồm có: 1. Quyền đương nhiên như quyền làm người, quyền được sống, quyền được tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc; 2. Quyền do luật pháp cho phép làm hoặc luật pháp không cấm làm (quyền pháp lý); 3. Quyền do điều lệ của tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng cho phép hội viên được làm; 4. Quyền do người khác uỷ quyền v.v. [2]

Từ khái niệm quyền trên đây, có thể hiểu quyền của người SDĐ như sau: Quyền của người SDĐ là những việc mà người SDĐ được pháp luật đất đai cho phép làm hoặc những việc do người SDĐ thực hiện mà không bị pháp luật ngăn cấm trong quá trình SDĐ. Ví dụ: quyền được cấp GCNQSDĐ; quyền được khiếu nại, tố cáo về đất đai v.v.

1. 2. Khái niệm nghĩa vụ của người SDĐ
Dưới góc độ ngôn ngữ học: “Nghĩa vụ: Việc mà pháp luật hay đạo đức bắt buộc phải làm đối với xã hội, đối với người khác” [3];
Dưới góc độ pháp lý: Nghĩa vụ: những hành vi mà một người phải thực hiện vì lợi ích của người khác. Có 3 loại nghĩa vụ: (a) Nghĩa vụ theo phong tục: nghĩa vụ do phong tục, tập quán của địa phương quy định; (b) Nghĩa vụ về đạo đức, nhân văn: con phải có hiếu với cha mẹ, vợ chồng phải sống chung thuỷ với nhau v.v; (c) Nghĩa vụ pháp lý: những nghĩa vụ đã được pháp luật quy định, nghãi vụ công dân do Hiến pháp và các luật quy định [4]
.
Từ khái niệm chung về nghĩa vụ được đề cập trên đât, chúng ta có thể hiểu nghĩa vụ của người SDĐ như sau: Nghĩa vụ của người SDĐ là những hành vi do pháp luật quy định buộc người SDĐ phải thực hiện hoặc không được thực hiện vì lợi ích của Nhà nước, của xã hội và của tổ chức, cá nhân khác trong quá trình SDĐ. Ví dụ: Nghĩa vụ SDĐ đúng mục đích, đúng ranh giới; nghĩa vụ bồi bổ, cải tạo đất v.v.

2. Quyền chung và nghĩa vụ chung của người SDĐ
Pháp luật đất đai hiện hành đã xây dựng một “mặt bằng pháp lý” bình đẳng về quyền và nghĩa vụ cho người SDĐ; theo đó, người SDĐ không phân biệt là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hay người nước ngoài khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đều có các quyền chung và nghĩa vụ chung sau đây:

2.1.Quyền chung của người SDĐ
Theo Điều 105, Luật Đất đai năm 2003 thì người SDĐ có những quyền chung sau:
- Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ);
- Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất;
- Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước về bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp;
- Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp;
- Được Nhà nước bảo hộ khi bị người khác xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp của mình;
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.

2.2. Nghĩa vụ chung của người SDĐ
Theo Điều 107, Luật Đất đai năm 2003 thì người SDĐ có những nghĩa vụ chung sau:
- SDĐ đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật;
- Đăng ký QSDĐ, làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho QSDĐ; thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng  QSDĐ theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;
-Thực hiện các biện pháp bảo vệ đất;
- Tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan;
- Tuân thủ các quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất;
- Giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi hoặc khi hết thời hạn SDĐ.

3. Chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ)
Về vấn đề này, Điều 106 Luật đất đai năm 2003 quy định như sau:
(1). Người SDĐ được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho QSDĐ; thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng QSDĐ theo quy định của pháp luật khi có các điều kiện sau đây:
·      Có GCNQSDĐ;
·      Đất không có tranh chấp;
·      QSDĐ không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
·      Trong thời hạn sử dụng đất.
(2). Người SDĐ được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

4. Quyền lựa chọn hình thức giao đất, cho thuê đất
Một trong những quan điểm chỉ đạo của việc xây dựng Luật đất đai năm 2003 là bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người SDĐ, xác lập cơ chế quản lý đất đất đai theo hướng đơn giản hoá các thủ tục hành chính, thông thoáng, công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho người SDĐ. Chính vì vậy, Luật đất đai năm 2003 đã bổ sung quy định cho phép người SDĐ được quyền lựa chọn hình thức giao đất, cho thuê đất phù hợp với điều kiện và khả năng SDĐ của họ. Theo đó:
-Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân SDĐ làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh, SDĐ để xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh; tổ chức kinh tế SDĐ vào mục đích đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê, SDĐ để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối được lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền SDĐ hoặc thuê đất;
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam được lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền SDĐ hoặc thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm hoặc thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao được lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm hoặc thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;
- Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã thuê đất của Nhà nước để làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh, xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê thì được chuyển sang hình thức giao đất có thu tiền SDĐ nếu có nhu cầu và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
Như vậy theo quy định của Luật đất đai năm 2003, người SDĐ được quyền lựa chọn hình thức giao đất, cho thuê đất trong quá trình SDĐ.


[1] Từ điển tiếng Việt 1994: NXB Khoa học Xã hội - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - 1994, tr. 786.

[2] Từ điển Luật học: Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội - 1999, tr. 395 - 396.

[3] Từ điển tiếng Việt 1994, Sđd, tr. 657.

[4] Từ điển Luật học, Sdd, tr.320.

Xem tiếp phần 2=>>
Ban Đào tạo

Các tin liên quan