Mặt bằng lãi suất giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước đạt mức kỷ lục, xấp xỉ 52 tỷ USD.
Năm 2017 có thể nói là năm thành công với một loạt các chỉ số kinh tế đạt kết quả rất tích cực. Có lẽ đầu tiên phải kể tới con số tăng trưởng kinh tế (GDP) cán đích mức 6,81% - vượt qua cả mục tiêu đặt ra từ đầu năm (6,7%) và là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua.
Từ con số này, cho thấy sự nỗ lực trong công tác điều hành của Chính phủ đã luôn kiên định với mục tiêu ngay cả những thời điểm khó khăn nhất. Quý I và quý II GDP tăng chỉ lần lượt là 5,15% và 6,17% khiến nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ nên xem xét điều chỉnh mục tiêu GDP năm nay. Tuy nhiên qua các phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đều khẳng định là không điều chỉnh mục tiêu và yêu cầu các bộ, ngành phải đưa ra giải pháp cho từng tháng, từng quý để đạt mục tiêu đặt ra từ đầu năm.
Nhìn lại chặng đường của GDP năm nay, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương cuối tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, từ đầu năm, nhiều động lực tăng trưởng chính như khai khoáng, nông nghiệp, công nghiệp, xuất khẩu gặp khó khăn, kinh tế vĩ mô chịu nhiều áp lực về lạm phát, nợ xấu cao tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống nếu không được xử lý thực chất. Nguy cơ giảm sút đầu tư nước ngoài khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP không được thông qua.
“Lúc đó, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên điều chỉnh lại chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực đến nay các chỉ tiêu kinh tế đều đạt, vượt kế hoạch” - Thủ tướng nói. Chúng ta đã nhất quyết kiên định mục tiêu tăng trưởng rất cao mà Quốc hội đã đề ra. Đến nay, kết quả phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được khá toàn diện. Tất cả các chỉ tiêu Quốc hội đưa ra đều đạt và vượt kế hoạch.
Điều đáng lưu ý là kết quả tăng trưởng trên đạt được trong bối cảnh ngành khai khoáng giảm 7,1% và không dựa vào những công cụ kích cầu ngắn hạn, mà tập trung nỗ lực phát huy tăng trưởng từ tiềm năng, lợi thế so sánh của các ngành và các địa phương. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, chỉ số đổi mới sáng tạo có sự cải thiện rõ rệt, triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam được nâng từ “ổn định” lên “tích cực”.
Các chỉ số vĩ mô cũng ở mức khá đẹp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 3,53% so với bình quân năm 2016, đạt mục tiêu dưới 4% mà Quốc hội đặt ra. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2017 tăng 1,41 so với bình quân năm 2016. Kiểm soát lạm phát tốt giúp cho việc điều hành các chính sách thuận hơn và mang lại hiệu quả tích cực, trong đó có điều hành CSTT khi tín dụng tăng khoảng 19%, cơ cấu chuyển dịch tích cực, chất lượng được nâng lên, an toàn hệ thống được bảo đảm.
Mặt bằng lãi suất giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước đạt mức kỷ lục, xấp xỉ 52 tỷ USD. Công tác điều hành chính sách tỷ giá và thị trường ngoại tệ đã cung ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế, đảm bảo hỗ trợ cho xuất khẩu, kiểm soát được sự ổn định của thị trường ngoại tệ.
Đặc biệt việc tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước có ý nghĩa rất lớn trong việc củng cố vị thế của Việt Nam. Với con số tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 19%, cho thấy NHNN đã thực hiện theo mục tiêu định hướng từ đầu năm và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Vào những thời điểm, tăng trưởng GDP gặp khó khăn, có ý kiến cho rằng có thể đẩy tăng tín dụng năm 2017 trên 20% để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, song NHNN đã điều hành chính sách tín dụng dựa trên hài hòa các mục tiêu, đảm bảo ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Những kết quả thông qua các con số cụ thể nói trên là khá ấn tượng nhưng các ý kiến phát biểu của lãnh đạo Đảng và Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương đều cho rằng, chúng ta không được thỏa mãn mà phải tiếp tục nỗ lực để đạt kết quả tốt hơn nữa trong năm 2018.
13.11.2024
30.10.2024