Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết như vậy khi phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2017 diễn ra ngày 3/10. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu, tuyệt đối không được chủ quan.
3/4 chặng đường của năm 2017 đã trôi qua và nền kinh tế tiếp tục gặt hái được những thành quả hết sức tích cực. Nếu như tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 5,15%, thì quý II đã tăng lên 6,28%, đặc biết nền kinh tế đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong quý 3 khi tăng trưởng GDP đạt tới 7,46%.
Tăng trưởng tăng tốc song kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng chỉ tăng 1,83%; CPI bình quân 9 tháng tăng 3,79% so với cùng kỳ năm 2016; Lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,45%.
Các cân đối lớn của nền kinh tế cũng được giữ vững. Cụ thể trong 9 tháng năm 2017, thu ngân sách tăng gần 14%; xuất khẩu ước đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ, đạt gần 82% kế hoạch năm; Tổng vốn FDI đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần trên 25,5 tỷ USD, tăng 34,3%; vốn thực hiện đạt 12,5 tỷ USD.
Đáng chú ý, tín dụng tăng tích cực ngay từ những tháng đầu năm đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Theo đó, tín dụng đã tăng khoảng 12% trong 9 tháng qua, cao hơn nhiều mức tăng 10,46% của cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, các TCTD đã nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp. Theo đó, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên được các ngân hàng giảm 0,5%/năm; đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh được giảm 0,5%-1%/năm... Đặc biệt, nhóm khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4%-5%/năm.
Một điểm tích cực không thể không nhắc tới là nỗ lực cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ và các bộ, ngành địa phương. Kết quả đó đã được ghi nhận thông qua việc Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá tăng 5 bậc; được thể hiện qua con số gần 94.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 9 tháng qua. “Điều này thể hiện không khí làm ăn, kinh doanh đáng mừng”, Thủ tướng cho biết.
Với tốc độ này, và nếu không có thiên tai lớn xảy ra, nếu chúng ta không chủ quan trong chỉ đạo điều hành và khắc phục một số tồn tại bất cập thì điều đáng mừng năm nay có thể là năm đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta hoàn thành vượt mức tất cả 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt, 8 chỉ tiêu đạt, trong đó có nhiều chỉ tiêu chất lượng quan trọng, làm động lực phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên Thủ tướng cũng lưu ý, để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2017, tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt việc thực hiện các giải pháp đề ra.
“Nếu chúng ta cứ say sưa với kết quả đạt được trong 9 tháng mà quên nhiệm vụ nặng nề còn ở quý 4 thì vẫn có khả năng không hoàn thành kế hoạch, đặc biệt là tăng trưởng GDP”, Thủ tướng cho biết. Quả vậy 9 tháng tăng trưởng 6,41%, cao hơn cùng kỳ nhưng để cả năm đạt 6,7% thì quý 4 phải tăng 7,4-7,5%, đó là điều không hề dễ dàng.
Đặc biệt Thủ tướng lưu ý tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn khi vẫn còn 8.700 doanh nghiệp giải thể. Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công chậm, chưa đạt yêu cầu.
“Chúng ta đang nói thiếu vốn, nhưng có vốn rồi, giải ngân không phải dễ. Đây có phải là việc chúng ta cần quan tâm để góp phần tăng trưởng chăng?”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh địa phương nào, ngành nào không làm được thì kiên quyết cắt giảm vốn theo đúng quy định để dành cho các việc cấp bách khác.
Vấn đề cổ phần hóa DNNN và thoái vốn cũng rất chậm (mới cổ phần hóa 18/44 doanh nghiệp; thoái vốn mới đạt 11.800 tỷ đồng trong kế hoạch 60.000 tỷ đồng)…
Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng phải tìm ra các hạn chế, yếu kém, các địa phương trọng điểm phải tìm các giải pháp cụ thể để tiếp tục tăng trưởng.
13.11.2024
30.10.2024