Hơn 22 năm hình thành và phát triển, Ngân hàng Hợp tác và hệ thống Qũy tín dụng nhân dân (QTDND) đã khẳng định vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, đất nước đang bước vào tiến trình hội nhập mới với nhiều cơ hội song cũng tiềm ẩn không ít khó khăn thách thức cho nền kinh tế nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng. Trong khi cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 sẽ mang lại nhiều đổi thay trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là với hoạt động ngân hàng. Bản thân hệ thống ngân hàng cũng đang nỗ lực thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 – 2020… Tất cả những điều đó đòi hỏi từng TCTD phải có những bước đột phá mới, trong đó nguồn nhân lực phải đi trước một bước.
Nguồn nhân lực được xem là là một trong 3 khâu mũi nhọn đột phá và có tính quyết định đến sự phát triển của hệ thống QTDND. Dưới đây là ghi nhận các ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo của Ngân hàng Hợp tác, QTDND tại Hội thảo: “Phát triển nguồn nhân lực tại Tổ chức tín dụng hợp tác nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới” do Ngân hàng Hợp tác, Tạp chí Ngân hàng và Hiệp hội QTDND Việt Nam phối hợp tổ chức vào ngày 25/8/2017.
T.S. Cao Sĩ Kiêm – Nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam:
Tất cả đều xuất phát từ sự khác biệt
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng TCTD là hợp tác đã vượt qua và những đóng góp của Ngân hàng Hợp tác và hệ thống QTDND đối với nền kinh tế, đối với xã hội đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận.
Tuy nhiên, có một vấn đề mấu chốt, đó là sự khác biệt của TCTD này đối với các TCTD khác và vấn đề này còn cần phải nghiên cứu sửa đổi và bổ sung để hoàn thiện. Không giống như các loại hình TCTD khác, TCTD hợp tác xã một mặt vừa mang tính chất kinh doanh, cạnh tranh, bình đẳng với các TCTD khác; mặt khác, phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, có yếu tố là không vì lợi nhuận.
Chính sự khác biệt này khiến cho từ công tác xây dựng cơ chế, chính sách, cho tới trang bị công nghệ, đào tạo cán bộ, đánh giá sử dụng cán bộ, cũng như sự quan tâm của NHNN, của các cấp lãnh đạo đối với TCTD hợp tác phải có những đặc thù.
Hy vọng rằng, qua Hội thảo, Ngân hàng Hợp tác có điều kiện và cơ sở để chọn lựa ra được những vấn đề khác biệt, hình thành tiêu chí để xây dựng tiêu chuẩn đào tạo nguồn nhân lực, bố trí, sử dụng cán bộ, đánh giá cán bộ, quản lý quản lý cán bộ phù hợp đối với hệ thống…
PGS.TS. Đào Minh Phúc – Tổng Biên tập Tạp chí Ngân hàng:
Phát triển nguồn nhân lực tại TCTD hợp tác là cần thiết
Một trong những nhận thức rõ ràng về lý luận cũng như thực tiễn, nguồn nhân lực là một điều kiện then chốt trong chiến lược phát triển, quyết định sự thành công của mỗi tổ chức, doanh nghiệp. Tài sản quý báu, quan trọng nhất, quyết định quá trình phát triển của mỗi doanh nghiệp chính là những con người có tri thức, sáng tạo, nhiệt huyết, tận tâm, có trách nhiệm cho việc đạt tới tầm nhìn, sứ mạng của doanh nghiệp. Chất lượng nguồn nhân lực sẽ quyết định sự thành bại trong cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp.
Hiện nay, nhân lực tại TCTD hợp tác, nhất là đối với các QTDND cơ sở – là TCTD hợp tác quy mô nhỏ, hoạt động chủ yếu ở địa bàn nông thôn, có mặt bằng trình độ chưa đồng đều, nhiều tổ chức có nguồn nhân lực còn bất cập về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng phân tích, am hiểu pháp luật, kỹ năng giao tiếp… Do vậy, phát triển nguồn nhân lực tại tổ chức tín dụng hợp tác là rất cần thiết và luôn được xem là một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay.
Ông Nguyễn Thạc Tâm – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Hợp tác:
5 vấn đề then chốt để phát triển nguồn nhân lực của Ngân hàng Hợp tác
Hiện tại, Ngân hàng Hợp tác gồm 1 trụ sở chính và 27 chi nhánh, có địa bàn hoạt động tại 56/63 tỉnh, thành phố, với số lượng cán bộ khoảng gần 2.000 lượt người. Với nguồn nhân lực hiện tại, Ngân hàng Hợp tác cần nỗ lực rất nhiều để duy trì và phát triển hệ thống của mình cũng như đảm trách vai trò “ngân hàng của hệ thống QTDND”.
Để phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần tập trung vào 5 vấn đề then chốt sau:
Thứ nhất, lựa chọn cách thức phát triển nguồn nhân lực. Hiện hoạt động phát triển nguồn nhân lực của Ngân hàng Hợp tác hiện mới chủ yếu tập trung ở hai khâu tuyển dụng và đào tạo; còn quản trị nhân lực mới chỉ dừng ở mức quản lý nhân sự truyền thống và các hoạt động đào tạo đi kèm. Trong khi xu hướng hiện đại tại các định chế tài chính trong nước cũng như quốc tế đang hướng đến các hoạt động cao hơn là Quản trị tài năng và Nguồn vốn nhân lực.
Thứ hai, tuyển dụng, thu hút nhân lực. So về quy mô, thị phần và thương hiệu, hiện tại Ngân hàng Hợp tác còn nhỏ hơn so với các NHTM lớn khác, đây cũng là một hạn chế khả năng thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao trên thị trường. Bởi vậy, Ngân hàng Hợp tác cần có những chiến lược và cách đi riêng để thu hút cán bộ có kinh nghiệm, có trình độ cao.
Thứ ba, chuẩn hóa cán bộ, nâng cao năng lực cán bộ. Đây là khâu vô cùng quan trọng bởi có thực hiện chuẩn hóa lại cán bộ trong hệ thống, xây dựng các bản mô tả công việc, tiêu chuẩn chức danh đối với từng vị trí, đi đôi với tạo lập các chính sách hỗ trợ đào tạo, các cơ chế liên quan đến thăng tiến… mới có thể khuyến khích cán bộ tự học tập, bổ sung kiến thức chuyên môn, nâng cao trình độ nghiệp vụ, từng bước tạo ra đội ngũ cán bộ có trình độ, chuyên nghiệp.
Thứ tư, xây dựng đội ngũ kế cận. Mặc dù đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay của Ngân hàng Hợp tác tuy có năng lực, nhiều kinh nghiệm nhưng đã nhiều tuổi, cần phải có một đội ngũ kế cận. Yêu cầu cấp thiết của phát triển nguồn nhân lực hiện nay là xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý kế cận có đủ tâm – tầm – tài để tiếp nối.
Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực của tổ chức không thể nằm ngoài xu hướng phát triển hiện nay là hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Điều này đòi hỏi NHHTX cần có sự quan tâm, đầu tư đúng đắn cho kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực hiện tại cho các yêu cầu tương lai.
Ông Nguyễn Vĩnh Hưng – Tổng Thư ký Hiệp hội QTDND Việt Nam:
Góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ QTDND đủ mạnh
Hiện nay, nhu cầu đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống QTDND là rất lớn với hàng vạn học viên và phải được tổ chức thường xuyên, liên tục.
Với vai trò là tổ chức đầu mối của hệ thống, Hiệp hội QTDND xác định công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho cán bộ hệ thống QTDND luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Xây dựng đội ngũ cán bộ QTDND đủ mạnh, có chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, điều hành, có đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu công việc.
Theo đó, để chuẩn hóa công tác đào tạo cán bộ cho hệ thống QTDND, Hiệp hội QTDND đã phối hợp với Học viện Ngân hàng, Vụ Tổ chức cán bộ và Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng hoàn thành chỉnh sửa bộ giáo trình đào tạo gồm 8 modul theo QĐ 31/2006/QĐ-NHNN (nay là Thông tư số 04/2015/TT-NHNN về việc Ban hành Chương trình đào tạo nghiệp vụ QTDND và Quyết định 1012/QĐ-NHNN về việc ban hành Bộ tài liệu đào tạo nghiệp vụ QTDND.
ThS. Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng – NHNN:
Cần chuẩn hóa về kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm
Để một ngân hàng phát triển chuyên nghiệp và bền vững thì cần có 3 trụ cột: vốn – công nghệ – nguồn nhân lực. Đối với trụ cốt con người thì con đường tất yếu phải luôn được đào tạo, cập nhật các kiến thức chuyên môn và kỹ năng trong quản lý ở các nấc thang trong vị trí công việc của từng mảng nghiệp vụ mà đặc thù của ngân hàng đó cần.
Ngân hàng Hợp tác với 22 năm hình thành và phát triển đã không ngừng hoàn thiện về bộ máy tổ chức từ Trụ sở chính đến Chi nhánh, đội ngũ cán bộ có bước trưởng thành nhất định.
Tuy nhiên, so với yêu cầu của quá trình tái cơ cấu để phát triển thì công tác đào tạo và phát tiển nguồn nhân lực càng phải quan tâm đặc biệt hơn; các kiến thức, kỹ năng hiểu biết năm bắt pháp luật, về phân tích môi trường kinh doanh, lập, quản lý kế hoạch kinh doanh, về quản trị rủi ro… cần được cập nhật nhiều hơn nữa…
Ông Phạm Văn Vũ – Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội:
Cần chuẩn hóa độ tuổi đối với QTDND ở mô hình cơ sở
Hiện có số lượng QTDND hoạt động trên địa bàn Hà Nội khá đông, gồm 98 Quỹ. Các QTDND không chỉ làm nhiệm vụ thông thường là huy động, cho vay mà còn thực hiện các chức năng khác như chuyển tiền điện tử trong nước, quốc tế…
Mô hình này ngày càng phát triển, nên việc tăng cường nguồn nhân lực là hết sức cần thiết. Hiện tại, số cán bộ làm việc ở 98 Qũy là 1.159 người, trong đó, có bộ phận cán bộ tuyển dụng từ giai đoạn 1993, số tuổi đã cao nhưng vẫn chưa nghỉ (60 tuổi hoặc trên 60 tuổi), việc tiếp cận công nghệ thông tin tương đối khó khăn, chủ yếu dựa trên cơ sở kinh nghiệm, dẫn đến nhiều hạn chế trong đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Từ một số khó khăn trên, xin đưa ra một số kiến nghị: (i) đối với Nhà nước, cần chuẩn hóa độ tuổi đối với QTDND ở mô hình cơ sở, có quy chuẩn về độ tuổi; (ii) đối với NHNN: Cần có quy chuẩn với việc tuyển dụng đối với QTDND cơ sở. Mỗi năm QTD nên tuyển dụng một số cán bộ tốt nghiệp đại học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của Quỹ; (iii) về đào tạo: Cần nghiên cứu để làm cho chương trình đào tạo thực sự phong phú và chất lượng. Xen lẫn đào tạo là kỹ năng dự báo rủi ro, nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp gắn với đào tạo. Bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực nên tập trung vào cả cơ chế chính sách, từ đó tạo điều kiện để QTDND phát triển bền vững.
TS. Nguyễn Minh Phong – Nhà báo, Chuyên gia kinh tế:
Đón cách mạng công nghiệp 4.0
Đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Ngân hàng Hợp tác nói riêng và cho toàn bộ hệ thống QTDND phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nhằm thích ứng bối cảnh CMCN 4.0.
Theo đó, về nội dung đào tạo, cần dựa trên khảo sát kỹ càng, khoa học và nhu cầu thực tế, yêu cầu thị trường, cũng như xu hướng phát triển chung của hoạt động ngân hàng và của bản thân Ngân hàng Hợp tác. Ưu tiên tập trung đào tạo nhóm cán bộ theo vị trí công việc quản lý và ở những khâu nghiệp vụ quan trọng, ưu tiên đào tạo sâu về quản trị rủi ro, nâng cao về kỹ năng dự báo, quản trị điều hành, quản lý thanh khoản, phát triển sản phẩm…; Hoạt động đào tạo nhân lực còn đòi hỏi sự cầu thị và tham khảo các mô hình đào tạo của các tổ chức trong và ngoài nước. Cán bộ ngân hàng cũng cần được trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mới của nghiệp vụ ngân hàng hiện đại cần thiết.
Đặc biệt, cần hướng tới chuẩn hóa chương trình đào tạo, chuẩn hóa trình độ cán bộ theo bộ quy tắc chuẩn về chức danh các công việc ngân hàng,tiêu chuẩn nghề nghiệp ngân hàng tương đương với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực. Ngoài ra, việc đào tạo tại chỗ cũng là một hình thức đào tạo tích cực và thiết thực để nâng cao các kiến thức và kỹ năng: kiến thức chuyên môn, lề lối làm việc, kỹ năng quản lý, kỹ năng giao tiếp ứng xử với khách hàng, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, chuẩn hóa phong cách…
TS. Vũ Đình Ánh – Chuyên gia kinh tế:
Thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với quy mô
Ngân hàng Hợp tác có chức năng tương trợ và tăng cường hiệu quả cho hoạt động của hệ thống các QTDND, làm đầu mối điều hòa vốn cho hệ thống QTDND. Do đó, nguồn nhân lực và mục tiêu phát triển nguồn nhân lực của Ngân hàng Hợp tác phải đáp ứng yêu cầu hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động, đồng thời chuẩn bị tốt cho kế hoạch và chiến lực phát triển Ngân hàng Hợp tác trong tương lai.
Ngân hàng Hợp tác cần nghiên cứu và phát triển theo các hướng sau: Ngân hàng Hợp tác đại diện cho hình thức sở hữu tập thể, phát triển nguồn nhân lực như thế nào để tương thích với sở hữu tập thể; xem xét quy mô và chất lượng của các QTDND để thiết kế chương trình đào tạo phù hợp; có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân sự theo đúng vị thế và yêu cầu của Ngân hàng Hợp tác và phục vụ lợi ích cho hệ thống QTDND.
TS. Đinh Ngọc Thạch – Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Thái Bình:
Chúng tôi rất kỳ vọng vào kết quả Hội thảo
Tại một số QTDND cơ sở, cán bộ chủ chốt tuổi đã cao, trình độ năng lực hạn chế, đào tạo “chắp vá”, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và kết quả hoạt động của các QTDND. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế để cho các cán bộ QTDND trên 60 tuổi phải nghỉ. Một số QTDND cũng chưa xây dựng được chiến lược đào tạo nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực được đào tạo thì thiếu kỹ năng mềm: Khả năng giao tiếp, kỹ năng làm việc, kỹ năng ứng xử còn nhiều hạn chế. Các QTDND chưa có bộ quy tắc chuẩn mực về các chức danh công việc và tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với cán bộ…
Hiện tại, đang có những bất cập trong công tác quản lý, điều động, tuyển dụng cán bộ QTDND. Toàn bộ cán bộ QTDND là do xã cử ra, do đó chất lượng nhân sự của Quỹ như thế nào NHNN chưa nắm được rõ, không giống như các NHTM đã có chế tài đầy đủ để quản lý. Do vậy, việc tổ chức Hội thảo là rất cần thiết, chúng tôi rất kỳ vọng kết quả Hội thảo sẽ góp phần để nâng cao chất lượng hoạt động của các QTDND hiện nay.
Ông Vũ Xuân Hạnh – Giám đốc QTDND xã Châu Quế Hạ (Yên Bái):
Nâng cao năng lực cán bộ để đảm bảo an toàn hoạt động
Hoạt động trên địa bàn xã thuộc vùng cao của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, QTDND Châu Quế Hạ phải đối mặt với nhiều khó khăn: Kinh tế địa bàn còn chậm phát triển, cơ cấu chưa cân đối, tỷ lệ hộ nghèo cao; địa bàn xã rộng, 100% giao thông vẫn là đường đất; trình độ học vấn của nhân dân trong xã thấp, không đồng đều, nhiều thành viên còn không biết chữ; sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, thu nhập theo mùa vụ, quay vòng đồng vốn còn chậm, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của Quỹ…
Qua Hội thảo này, QTDND Châu Quế Hạ đề nghị: Ngân hàng Hợp tác sớm mở thêm chi nhánh Ngân hàng Hơp tác tại tỉnh Yên Bái, tạo điều kiện thuận tiện, đáp ứng kịp thời khả năng thanh khoản, giảm chi phí đi lại cho các Quỹ; Mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, đặc biệt là nghiệp vụ tín dụng, nghiệp vụ kiểm soát nhằm nâng cao năng lực cán bộ để đảm bảo an toàn hoạt động cho các Quỹ; Đề nghị Hiệp hội QTDND Việt Nam giúp các mẫu biểu hồ sơ vay vốn, đảm bảo các yếu tố pháp lý theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN.
Ông Trần Quang Khánh – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác:
Phát triển nguồn nhân lực nhằm làm tốt vai trò Ngân hàng của các QTDND
Mô hình tín dụng hợp tác xã là loại hình TCTD nhưng hoat động không vì mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận mà mục tiêu chính là hỗ trợ các thành viên nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua giải pháp thị trường. Cụ thể là hệ thống QTDND, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cũng như góp phần củng cố, nâng cao cơ chế, cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn nơi có QTDND phát triển. Mô hình này có được đã đóng góp vào thành công chung của hệ thống từ năm 1993 tới nay.
Việc đào tạo nguồn nhân lực cũng phải được thấm nhuần giữa mục tiêu hoạt động với mối liên kết chặt chẽ giữa các QTDND với Ngân hàng Hợp tác, giữa các QTDND với Ngân hàng Hợp tác và Hiệp hội QTDND Việt Nam. Đó chính là thành quả cũng như động lực thúc đẩy hệ thốngTCDTD là hợp tác xã ở Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định, an toàn và bền vững.
Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã tập trung làm rõ tầm quan trọng và có vai trò quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực TCTD hợp tác xã bao gồm Ngân hàng Hợp tác xã và hệ thống QTDND. Qua Hội thảo, Ngân hàng Hợp tác sẽ có những giải pháp và chính sách để phát triển hơn nữa nguồn nhân lực nhằm làm tốt hơn nữa vai trò Ngân hàng của tất cả các QTDND, qua đó, góp phần hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo phát triển ổn định, an toàn, bền vững của hệ thống QTDND trong giai đoạn mới.
Theo Ngân hàng Hợp tác13.11.2024
30.10.2024