29.06.2016 13:51

Ngành Ngân hàng và Kế hoạch hành động

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Sau những chỉ đạo tại Chỉ thị 04 nhằm triển khai quyết liệt Nghị quyết của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn cho DN, ngày 28/6/2016, NHNN tiếp tục ban hành Chỉ thị 05/CT-NHNN về triển khai Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020. Như vậy, chỉ trong vòng một tháng NHNN đã ban hành hai kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai tại Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ.

Trong giai đoạn 2016 – 2017 và định hướng đến năm 2020, ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm góp phần cải thiện Chỉ số tiếp cận tín dụng. Trong đó, tập trung vào hỗ trợ nâng cao xếp hạng tín dụng quốc gia, mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ ngân hàng, cải thiện và minh bạch hệ thống thông tin tín dụng…

Thống đốc yêu cầu các đơn vị phải tạo điều kiện cho DN nhất là DNNVV, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế được bình đẳng, thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, từ đó, nâng cao năng lực trong việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế.

 Mục tiêu quan trọng nữa của NHNN nhấn mạnh tại Chỉ thị 05 là tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch hành chính với NHNN... Kế hoạch hành động của NHNN được Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính – Marketing TS. Trần Hoàng Ngân đánh giá là tích cực. Theo TS. Ngân, việc cải cách chính sách của ngân hàng sẽ tác động tích cực đối với môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển DN.

Để thực hiện các mục tiêu lớn trên, trong kế hoạch hành động, NHNN đã đưa ra những giải pháp, mục tiêu cụ thể, được nêu rõ trong Quyết định 1355/QĐ –NHNN: Giải pháp nhằm góp phần nâng cao xếp hạng tín dụng quốc gia; Giải pháp nhằm nâng cao mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ  NH, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế; Giải pháp nâng cao năng lực của hệ thống ngân hàng trong việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế thông qua lành mạnh hóa hệ thống TCTD.

Đặc biệt, NHNN rất chú trọng đến các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt là DNNVV. Cùng với đó NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện, minh bạch hóa thông tin tín dụng...

Theo Quyết định 1355, NHNN sẽ tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để có thể kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra trong từng thời kỳ, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho sản xuất kinh doanh...

Tình hình thế giới đang khá bất ổn cả về kinh tế lẫn chính trị, vì vậy, NHNN thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường ngoại hối và vàng để có những giải pháp quản lý kịp thời, hiệu quả khi thị trường có biến động. NHNN sẽ chủ động triển khai, hoàn thiện công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động ngoại hối trong và ngoài nước theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo quyền tiếp cận các lợi ích kinh tế từ các hoạt động này của các tổ chức, cá nhân góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...

Tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống TCTD

NHNN xác định để nâng cao năng lực của hệ thống ngân hàng trong việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, cần thiết phải lành mạnh hóa hệ thống các TCTD. Theo đó, các TCTD phải tăng cường năng lực tài chính bảo đảm đủ vốn tự có theo chuẩn mực Basel II. Đổi mới và phát triển hệ thống quản trị ngân hàng phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quản trị NH hiện đại, trong đó tập trung nâng cao hiệu quả của các hệ thống quản trị rủi ro, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ.

Việc khẩn trương xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 nhằm cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các TCTD được nhấn mạnh trong kế hoạch hành động của NHNN. “Đến năm 2020 phát triển được hệ thống các TCTD đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh lớn hơn và nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế...” – Quyết định 1355 nêu rõ.

Thống đốc yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, đặc biệt là nợ xấu của TCTD yếu kém; Phấn đấu duy trì bền vững tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3% tổng dư nợ theo chuẩn mực phân loại nợ của Việt Nam...

Trong các vấn đề liên quan đến hỗ trợ DN, theo TS. Trần Hoàng Ngân, vốn ngân hàng có vai trò rất quan trọng. Do vậy, việc NHNN đưa ra nhiều ra giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhất là DNNVV trong tiếp cận vốn  tín dụng ngân hàng rất có ý nghĩa. NHNN đã đưa ra yêu cầu khá chi tiết để cụ thể hóa mục tiêu này.

Cụ thể, Thống đốc yêu cầu rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về cho vay của TCTD đối với khách hàng cho phù hợp quy định của pháp luật có liên quan và điều kiện thực tế, đồng thời đơn giản hóa thủ tục vay vốn... tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

TS. Trần Hoàng Ngân cho rằng trong các giải pháp, NHNN luôn yêu cầu phải đảm bảo nguyên tắc an toàn, hiệu quả là điều cần thiết. Vì an toàn trong hoạt động ngân hàng có tác động lớn đến nền kinh tế. Một vấn đề khác, mặc dù thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã duy trì mặt bằng lãi suất thấp, nhưng để hỗ trợ nhiều hơn cho DN, Thống đốc yêu cầu các TCTD trên cơ sở khả năng tài chính, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Ngoài ra, một trong những nội dung được các chuyên gia cho là cần thiết trong thời gian tới đã được đưa vào trong kế hoạch hành động của ngành ngân hàng đó là cải thiện, minh bạch hóa thông tin tín dụng. Đây là xu thế đã được triển khai nhiều nước trên thế giới, hỗ trợ tích cực trong việc hạn chế rủi ro tín dụng, nợ xấu.

Hà Thành/TBNH

Các tin liên quan