27.03.2017 09:52

Ngân hàng Hợp tác: Xứng danh là “Ngân hàng của các QTDND”

Sau 4 năm chuyển đổi mô hình hoạt động, đến nay, Ngân hàng Hợp tác xã (NHHT) đã có bước phát triển “đột phá” từ mô hình tổ chức, năng lực tài chính, năng lực quản trị... cho đến cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin. Đó là những nền tảng giúp NHHT vượt qua những khó khăn thách thức, phát triển bền vững và đảm đương tốt trọng trách “Ngân hàng của các QTDND”. Ông Đỗ Mạnh Hùng - Tổng giám đốc NHHT đã khẳng định như vậy khi chia sẻ với phóng viên.

                 

Ông Đỗ Mạnh Hùng - Tổng giám đốc NHHT

Thưa ông, sau 4 năm chuyển đổi từ Quỹ tín dụng Trung ương thành Ngân hàng Hợp tác, đâu là thành công lớn nhất mà Ngân hàng Hợp tác đã đạt được?

Sau 4 năm chuyển đổi mô hình hoạt động, NHHT đã có những bước phát triển “đột phá” từ mô hình tổ chức, năng lực tài chính, năng lực quản trị... cho đến cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin. Nhưng theo tôi, thành công lớn nhất là hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Thống đốc NHNN Việt Nam giao, hỗ trợ các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững.

Theo đó, chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc Thông tư 31/2012/TT-NHNN và Thông tư 03/2014/TT-NHNN của Thống đốc NHNN Việt Nam, thực hiện tốt chức năng điều hòa vốn, cũng như tiếp tục đẩy mạnh triển khai các trách nhiệm, quyền hạn đối với hệ thống QTDND.

Thưa ông, chúng tôi nhận thấy trong vài năm gần đây, do dư thừa vốn nên các QTDND có xu hướng giảm vay NHHT. Điều này có làm suy giảm vai trò hỗ trợ của NHHT đối với hệ thống QTDND không?

Tôi cho rằng việc các QTDND giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay của NHHT là một xu hướng tất yếu bởi tích luỹ dân cư tăng, trong khi các QTDND đã tạo được uy tín và có những nhân tố phát triển mới.

Tuy nhiên, ngay cả khi các QTDND không có nhu cầu vay vốn thì vai trò điều hòa vốn của NHHT cũng không vì thế mà thuyên giảm. Nhìn lại những năm gần đây, số dư nhận tiền gửi điều hòa từ QTDND liên tục tăng trong khi doanh số cho vay QTDND tăng trưởng thấp. Cụ thể, đến 31/12/2016, số dư nhận tiền gửi điều hòa đạt 12.116 tỷ đồng (tăng 18,87%); trong khi dư nợ cho vay trong hệ thống chỉ đạt 4.866 tỷ đồng (6,27%), còn dư nợ cho vay ngoài hệ thống chỉ được NHNN cho phép tăng trưởng ở mức nhất định dẫn đến dư thừa vốn (thời điểm dư thừa cao nhất lên tới trên 5.400 tỷ đồng).

Thực tế này đã tạo áp lực lớn đối với NHHT trong việc cân đối và sử dụng vốn, đặc biệt khi lãi suất liên ngân hàng giảm thấp. Số tiền dư thừa (5.400 tỷ đồng) gửi tại NHNN lãi suất là 0%, gửi tại các NHTM cũng chỉ 0,5%. Thế nhưng, NHHT sẵn sàng chia sẻ khó khăn với các QTDND (lãi suất nhận tiền gửi của QTDND bình quân vẫn là 5,2%/năm) giảm bớt áp lực thừa vốn, góp phần tăng tính liên kết, an toàn của hệ thống.

Bên cạnh đó, ngoài việc cho vay để các QTDND mở rộng tín dụng, NHHT còn hỗ trợ các QTDND gặp khó khăn trong hoạt động để giúp đỡ, tư vấn trong quản trị điều hành, huy động vốn và cho vay. Quan trọng hơn, NHHT còn cho vay hỗ trợ thanh khoản kịp thời đến các QTDND để chi trả tiền gửi cho khách hàng của QTDND, giúp các QTDND vượt qua khó khăn tạm thời, nhờ đó góp phần tăng uy tín và đảm bảo an toàn trong hoạt động của QTDND. Tính đến 31/12/2016, doanh số cho vay QTDND để hỗ trợ chi trả tiền gửi là 199,5 tỷ đồng. Đây là lợi ích mà chỉ có NHHT chia sẻ với hệ thống QTDND.

Ngoài ra, NHHT tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ các QTDND khắc phục khó khăn theo đề án củng cố, chấn chỉnh hoạt động đã được NHNN Việt Nam phê duyệt. Đối với các QTDND có dấu hiệu mất an toàn, gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn chi trả tiền gửi, NHHT đã tư vấn kịp thời cho các QTDND về biện pháp khắc phục, xây dựng phương án củng cố, chấn chỉnh; khẩn trương báo cáo và đề xuất lên NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố; cấp ủy, chính quyền địa phương để có sự phối hợp và chỉ đạo kịp thời để triển khai các biện pháp tuyên truyền giải thích đến khách hàng gửi tiền và thành viên QTDND.

Một trong những nhiệm vụ đặt ra cho NHHT trong Thông tư 31 đó là xây dựng, phát triển và ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ mới trong hoạt động của QTDND đáp ứng nhu cầu của các thành viên QTDND. Vậy đến nay, các thành viên của NHHT đã cộng hưởng được những lợi ích nào?

Trong những năm qua, NHHT đã tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống trung tâm dữ liệu bảo mật, trung tâm xử lý theo tiêu chuẩn quốc tế TIA-942… để phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đa năng hiện đại phục vụ các QTDND và khách hàng, nhất là người dân ở khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng sâu, vùng xa như dịch vụ thanh toán, chuyển tiền điện tử, thẻ ATM…

NHHT đã kết nạp 433 QTDND vào hệ thống Ngân hàng điện tử (CF-eBank), nâng tổng số điểm kết nối thanh toán của hệ thống lên trên 500 đơn vị, bao gồm các Chi nhánh, Phòng giao dịch của NHHT và QTDND. Dịch vụ này cũng nối gần hơn các QTDND với NHHT trong công tác điều hoà vốn, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại. Đồng thời hạn chế giao dịch tiền mặt của thành viên, khách hàng tại khu vực nông thôn.

10.000 thẻ ghi nợ nội địa cũng đã được NHHT phát hành phục vụ khách hàng trong toàn hệ thống, giúp khách hàng khu vực nông thôn tiếp cận các dịch vụ, công nghệ hiện đại trong ngành Ngân hàng. Đặc biệt với việc thẻ ghi nợ nội địa tích hợp thêm chức năng tín dụng (tức là có thêm hạn mức tín dụng thấu chi), không chỉ hỗ trợ tài chính cho chủ thẻ mà còn tăng thêm việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nữa của NHHT là hỗ trợ đào tạo và kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay của các QTDND. Vậy thời gian qua, nhiệm vụ này đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Tôi cho rằng việc hỗ trợ đào tạo, giám sát hoạt động QTDND của NHHT xuất phát từ lợi ích chung của hai bên.

Về đào tạo, rõ ràng đây là một phần việc không thể thiếu khi NHHT triển khai các sản phẩm dịch vụ mới cho các QTDND. Đơn cử như dự án Ngân hàng điện tử CF-eBank dành cho các QTDND. Đến nay, NHHT đã đào tạo nghiệp vụ chuyển tiền cho hơn 1.400 học viên là lãnh đạo và cán bộ của 466 QTDND trên phạm vi 47 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ngân hàng Hợp tác đã và đang tiếp tục phát triển các cơ sở đào tạo để chủ động hơn trong việc thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp với các QTDND. Ngân hàng Hợp tác cũng đang tích cực liên kết với các Trường đại học, các tổ chức tư vấn có uy tín trong nước và quốc tế để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý có tính thực tiễn cho các QTDND.

Còn đối với việc các QTDND thực hiện chế độ thông tin báo cáo, việc thực hiện gửi báo cáo theo quy định của NHNN Việt Nam và một số báo cáo theo quy định của NHHT cũng là một trong các yếu tố quan trọng thể hiện tinh thần liên kết để đảm bảo sự an toàn hệ thống.

Qua hệ thống thông tin báo cáo này, NHHT có thể chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của các QTDND thành viên từ đó đưa ra quyết định về cho vay đáp ứng nhu cầu vốn, thanh khoản của thành viên một cách nhanh chóng, cũng như có các biện pháp tư vấn, khuyến nghị phù hợp kịp thời khi có những vướng mắc, rủi ro có thể phát sinh.

Với những QTDND không có những thông tin gửi về NHHT, khi có những rủi ro xảy ra, NHHT cũng rất khó để có thể xem xét và có sự hỗ trợ nhanh chóng.

Nhìn về chặng đường phía trước đặc biệt là năm 2017, NHHT sẽ có những kế hoạch gì để ngày càng làm tốt hơn trọng trách hỗ trợ hệ thống của mình?

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt vai trò điều hòa vốn cho toàn hệ thống, năm 2017, NHHT cũng đã đặt ra một số định hướng tập trung phát triển. Đó là tiếp tục đa dạng hóa các hình thức huy động, nâng cao chất lượng các sản phẩm huy động truyền thống, phát triển các sản phẩm mới về cho vay, huy động, điều hòa vốn,…

Song song với đó là tiếp tục mở rộng tín dụng đi kèm với hiệu quả, tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và NHNN Việt Nam, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình, cá nhân nhằm đáp ứng vốn phát triển kinh tế và phục vụ đời sống khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Xác định rõ công nghệ là chìa khóa để cạnh tranh nên NHHT sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng công nghệ. Theo đó hệ thống CF-eBank tiếp tục được kết nối đến các QTDND đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của NHHT, năm 2017 dự kiến sẽ kết nạp 100 QTDND thành viên tham gia thanh toán chuyển tiền.

Đặc biệt, NHHT sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn vốn cũng như các trợ giúp kỹ thuật của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ thành viên phát triển, nâng cao năng lực quản trị điều hành, phát triển sản phẩm dịch vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức và tăng nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn khác về cho hệ thống NHHT nói riêng và hệ thống QTDND nói chung.

Tuy nhiên, để có thể hỗ trợ hiệu quả hơn cho hệ thống QTDND, NHHT tiếp tục đề nghị NHNN Việt Nam có cơ chế xử lý rủi ro phù hợp đối với các khoản NHHT cho vay hỗ trợ chi trả tiền gửi với các QTDND gặp khó khăn không có khả năng thu hồi.

Đồng thời sớm xem xét ban hành Thông tư quy định về mạng lưới NHHT và QTDND, Thông tư quy định về chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, thanh lý, phá sản đối với hệ thống TCTD là Hợp tác xã và các văn bản pháp quy khác tạo hành lang pháp lý giúp tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quá trình hoạt động, nhằm hướng dẫn, chấn chỉnh và uốn nắn các QTDND hoạt động đúng mô hình tổ chức Hợp tác xã, đúng tôn chỉ mục đích, phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo Thời báo ngân hàng

Các tin liên quan