Cùng với công tác cho vay, NHHT thường xuyên bám sát hoạt động của các Chi nhánh để nhằm chỉ đạo và chấn chỉnh kịp thời; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng tín dụng để nâng cao hiệu quả kinh doanh và đảm bảo an toàn hệ thống....
Cho đến giờ, nguồn vốn huy động của các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh. Phần lớn các QTDND đều tự cân đối được nguồn vốn huy động tại chỗ để cho vay, đồng thời còn dư thừa nguồn gửi về Ngân hàng Hợp tác (NHHT). Thực tế này đặt ngân hàng vào bài toán vừa phải dồn lực hỗ trợ hệ thống, vừa đảm bảo kinh doanh có hiệu quả để giảm chi phí, gia tăng nguồn lực hỗ trợ hệ thống.
Ông Đỗ Mạnh Hùng - Tổng giám đốc NHHT phát biểu tại Hội nghị HĐQT NHHT, tháng 7/2018
Quyết tâm và nỗ lực
Tâm sự với ông Tạ Trung Bình - Chủ tịch HĐQT QTDND Yên Minh, xã Tiên Phong, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên càng cảm nhận rõ cái ân tình trong mối liên kết hệ thống giữa NHHT và QTDND. Ra đời vào thời điểm “nước sôi, lửa bỏng” năm 2008, những cán bộ quỹ ngày ấy ăn cơm nhà, làm việc cho quỹ. 200 nghìn đồng hỗ trợ đồng đều từ Chủ tịch HĐQT đến nhân viên chẳng đủ xăng xe đi lại. Cái khó nhất lúc bấy giờ là vốn và chỉ khi quỹ được NHHT hỗ trợ, cơ hội phát triển mới được khơi mở cùng với sự nỗ lực tận tâm của từng cán bộ quỹ.
Điều tâm đắc nhất với ông Bình là nguồn vốn từ QTDND đã giúp những người dân tha phương trước kia trở về quê hương an cư lập nghiệp. Từ một miền quê nghèo khó với hơn 20% hộ nghèo, cả xã khi ấy chẳng có lấy con đường bê tông, ngày nay, xã Tiên Phong đã trở thành đất nghề, như nghề gỗ, vận tải du lịch với những chuyến hàng nối đuôi nhau cấp mối xuất khẩu.
Và trên mảnh đất mà nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất lớn, đến nay, NHHT vẫn là bà đỡ vốn quan trọng cho quỹ với mức vay 30 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng dư nợ của quỹ. Dòng lưu chuyển hàng hóa trong địa bàn thêm nhịp đẩy với việc QTDND Yên Minh mở dịch vụ chuyển tiền điện tử. Qua đó, những người dân trong xã có thể bắt nhịp thời điểm mua hàng hợp lý cũng như thanh toán chi phí cho đối tác một cách nhanh chóng thuận lợi thay vì cứ phải chạy lên tận huyện.
Ngoài việc cho vay các QTDND để đảm bảo thanh khoản, mở rộng tín dụng, đối với các QTDND gặp khó khăn trong hoạt động, một mặt NHHT cho vay hỗ trợ khả năng chi trả kịp thời, mặt khác tham mưu, phối hợp với Chi nhánh NHNN, chính quyền địa phương có những biện pháp giúp đỡ để QTDND vượt qua khó khăn.
NHHT cũng đã triển khai nhiều sản phẩm cho vay đối với QTDND để tăng trưởng dư nợ như: cho vay hợp vốn, cho vay liên kết, thấu chi tài khoản tiền gửi thanh toán… Trong 9 tháng năm 2018, hoạt động thanh toán của NHHT luôn được duy trì và phát triển cả chiều sâu và chiều rộng, vừa tập trung củng cố và hoàn thiện nền tảng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật vừa mở rộng mạng lưới thanh toán đến các QTDND. Đồng thời tiếp tục triển khai hoạt động thanh toán theo chủ trương của Chính phủ và NHNN về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020.
Hệ thống ngân hàng điện tử CF-eBank đã có mặt tại 558 điểm, gồm 32 Chi nhánh, 62 Phòng Giao dịch và 464 QTDND. Ngoài ra, NHHT cũng duy trì các kênh thanh toán ngoài hệ thống, tham gia kênh thanh toán điện tử liên ngân hàng (CITAD) và thanh toán đa phương để phục vụ tốt hơn nhu cầu thanh toán đa dạng của QTDND và khách hàng.
Để đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của thành viên nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các QTDND, NHHT đã triển khai nghiệp vụ thấu chi tài khoản thanh toán đối với QTDND tham gia hệ thống CF-eBank. Trong 9 tháng đầu năm đã có 288 QTDND được cấp hạn mức thấu chi với số tiền 316,7 tỷ đồng, doanh số thấu chi đạt 1.849 tỷ đồng. Hầu hết các QTDND đã sử dụng hạn mức thấu chi đúng mục đích, thanh toán nợ thấu chi đầy đủ, đúng thời hạn.
NHHT tiếp tục phát hành thẻ ghi nợ nội địa cho khách hàng của 32 Chi nhánh, 64 Phòng giao dịch và 38 QTDND liên kết. Trong 9 tháng đầu năm, NHHT đã phát hành thêm 1.947 thẻ, nâng tổng số lượng thẻ phát hành lên 13.820 thẻ.
NHHT tích cực triển khai các dự án nhằm tăng cường hỗ trợ cho các QTDND
Tăng chất cho hoạt động
Việc mở rộng tăng trưởng tín dụng của NHHT được thực hiện theo đúng chỉ tiêu được NHNN giao và theo đúng định hướng ưu tiên cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó tập trung cho vay đối với các hộ gia đình, CBCNV là giáo viên nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phục vụ đời sống tại khu vực nông thôn. Ngoài việc cho vay trực tiếp đối với khách hàng, NHHT cũng tích cực triển khai cho vay và giải ngân thông qua các QTDND theo hình thức cho vay liên kết và cho vay đồng tài trợ. Đến 30/9/2018, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đối với doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình là 7.406 tỷ đồng.
Cùng với công tác cho vay, NHHT thường xuyên bám sát hoạt động của các Chi nhánh để nhằm chỉ đạo và chấn chỉnh kịp thời; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng tín dụng để nâng cao hiệu quả kinh doanh và đảm bảo an toàn hệ thống. Việc xử lý nợ xấu được gắn liền với các biện pháp phòng ngừa, hạn chế và kiểm soát có hiệu quả nợ xấu có thể phát sinh trong tương lai.
Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 của NHNN về việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, NHHT đã giao chỉ tiêu kế hoạch thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết 42 cho từng Chi nhánh, bao gồm các chỉ tiêu thu hồi: nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ, nợ xấu nội bảng, nợ đã xử lý rủi ro, nợ đã bán cho VAMC.
NHHT cũng tiếp tục triển khai tích cực các dự án tín dụng, dự án hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế cho hệ thống QTDND… qua đó góp phần nâng cao uy tín và vị thế của hệ thống QTDND, giữ vững sự phát triển ổn định của hệ thống.
Để hỗ trợ hệ thống QTDND hiệu quả nhất cũng như đảm bảo an toàn hoạt động, NHHT đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ triển khai những tháng cuối năm. Trong đó tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, điều hành lãi suất linh hoạt, đa dạng hóa các hình thức huy động, nâng cao chất lượng các sản phẩm huy động truyền thống, phát triển các sản phẩm mới về cho vay và huy động; Thực hiện mở rộng tín dụng có hiệu quả, tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và NHNN, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạng lưới thanh toán và các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt, tiếp tục triển khai CF-eBank, kết nối giao dịch điện tử tới các QTDND đáp ứng đủ điều kiện. Đồng thời tiếp tục triển khai Dự án STEP (Dự án tăng cường năng lực thể chế cho NHHT và QTDND) của Canada.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của NHHT vẫn còn nhiều khó khăn, để đáp ứng yêu cầu hoạt động, hỗ trợ các QTDND phát triển an toàn, bền vững, thời gian tới, NHNN cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét chỉnh sửa và ban hành cơ chế quản lý phù hợp với tính đặc thù trong hoạt động của QTDND đảm bảo cho sự phát triển hiệu quả, an toàn của QTDND và NHHT. Đồng thời, NHNN cần sớm ban hành cơ chế xử lý đối với khoản cho vay hỗ trợ của NHHT đối với QTDND thành viên gặp khó khăn hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động khi không thu hồi được nợ; Mở các lớp tập huấn, quán triệt các nội dung của Thông tư mới về QTDND, về cho vay… để cho các cán bộ quản lý, thanh tra của NHNN và các QTDND thống nhất thực hiện.
13.11.2024
30.10.2024