NHHT không chỉ là đầu mối liên kết điều hòa vốn mà hỗ trợ phát triển sản phẩm dịch vụ và liên kết đối với các QTDND cơ sở trên cả nước.
5 năm chuyển đổi mô hình từ Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) Trung ương, Ngân hàng Hợp tác (NHHT) xã đang là một điểm tựa cho hệ thống QTDND tiếp tục củng cố chấn chỉnh để thực sự trở thành một kênh tín dụng thông suốt kết nối các nguồn lực tại địa phương, hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống góp phần thực hiện chủ trương của đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp - nông thôn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là các hợp tác xã.
Ông Đỗ Mạnh Hùng – Tổng giám đốc NHHT phát biểu tại Hội thảo khởi động dự án “Đẩy mạnh hệ thống QTDND - STEP” tại Cần Thơ
Nâng cao năng lực
Nhìn lại dặm dài phát triển của Quỹ tín dụng Trung ương từ ngày đầu thành lập, hỗ trợ và tăng cường tính liên kết hệ thống đã là sứ mạng. Song trong bối cảnh thực thi Luật Các TCTD năm 2010 đặc biệt là sau hơn 12 năm thực hiện Chỉ thị 57/CT-TW của Bộ Chính trị, việc chuyển đổi thành NHHT là một đòi hỏi tất yếu và cần thiết để hệ thống QTDND có một đơn vị đầu mối đủ sức dẫn dắt hệ thống trong giai đoạn mới.
NHHT không chỉ là đầu mối liên kết điều hòa vốn mà hỗ trợ phát triển sản phẩm dịch vụ và liên kết đối với các QTDND cơ sở trên cả nước. Hoạt động của NHHT không vì mục tiêu lợi nhuận mà chủ yếu là hỗ trợ hệ thống QTDND phát triển an toàn, ổn định và bền vững.
Để đảm đương được trọng trách đó, điều đầu tiên và tiên quyết nhất là phải xây dựng NHHT thực sự vững mạnh cả về năng lực tài chính và trình độ quản trị… Chính bởi vậy, cùng việc chuyển đổi mô hình sang thành NHHT năm 2013, hệ thống QTDND và NHHT đã có những phương án tái cơ cấu của riêng mình.
Đặc biệt, từ sau khi có Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu (XLNX) của các TCTD và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với XLNX giai đoạn 2016 – 2020”, NHHT đã xây dựng kế hoạch XLNX giai đoạn 2017 – 2020 và triển khai đến toàn bộ các chi nhánh trên toàn quốc với các mục tiêu cụ thể về giảm nợ xấu so với tổng dư nợ cho từng năm…
Đến nay, sau 3 năm thực hiện phương án tái cơ cấu, vốn chủ sở hữu đạt 3.809 tỷ đồng, vốn điều lệ đã đảm bảo đủ mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ đạt 3.026 tỷ đồng; Kế hoạch phát triển mạng lưới cũng đã cán đích với việc có thêm 5 chi nhánh.
Kể từ thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực, NHHT đã thu hồi được 217 tỷ đồng nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu theo Nghị quyết 42 giảm 1,17% đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Nợ xấu nội bảng hiện tại chỉ còn chiếm 1,48% tổng dư nợ.
Hiện NHHT cũng đang kiện toàn bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, hiện đại và chuyên nghiệp; Kiện toàn và nâng cao năng lực quản trị, điều hành của HĐQT và các bộ phận chuyên trách trực thuộc HĐQT; Hoàn thành việc ban hành và triển khai thực hiện các Quy chế quản trị, điều hành và hệ thống cơ chế, quy chế nghiệp vụ phục vụ quá trình hoạt động kinh doanh của NHHT cũng như đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động.
Đây là những nền tảng để trong những năm tới NHHT đảm đương trách nhiệm và sứ mệnh đảm bảo an toàn hoạt động cho hệ thống QTDND. Đồng thời, hỗ trợ hệ thống QTDND tái cơ cấu theo đề án tái cơ cấu chung và riêng mình để đáp ứng yêu cầu tồn tại và phát triển cũng như tăng cường vai trò sứ mệnh của mình là tập hợp nguồn lực địa phương, hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất, đáp ứng mục tiêu xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và thích ứng hơn với nền kinh tế hội nhập.
Được sự hỗ trợ của NHHT, các QTDND thành viên cho vay thành viên phát triển sản xuất mang lại hiệu quả cao
Vì một sứ mệnh
Để đảm đương vai trò ngân hàng của hệ thống các QTDND, những năm qua, NHHT tập trung nguồn lực rà soát, chỉnh sửa, ban hành các văn bản nhằm triển khai thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của NHHT đối với hệ thống QTDND. Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND (Quỹ bảo toàn) được thành lập và kiện toàn và vận hành đã tạo thêm một công cụ hỗ trợ an toàn cho sự phát triển của hệ thống QTDND. Nguồn đóng góp của NHHT và các QTDND xây dựng quỹ đã giúp 19 QTDND được vay vốn khắc phục khó khăn tài chính, khó khăn chi trả tiền gửi. Đây là một dẫn chứng điển hình cho việc liên kết hệ thống ngày càng khăng khít.
Vai trò “Ngân hàng của các QTDND” của NHHT được thể hiện rõ nét nhất qua công tác điều hòa vốn, cho vay hỗ trợ các QTDND mở rộng tín dụng cũng như hỗ trợ thanh khoản cho các QTDND gặp khó khăn tạm thời. Mặc dù nửa đầu năm NHHT thường rơi vào tình cảnh lợi nhuận âm, tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu thấp và trong bối cảnh nguy cấp, song NHHT vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ này. Đó là một minh chứng rõ nét cho thấy ngân hàng hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận mà chủ yếu vì sự phát triển của hệ thống QTDND.
Song song với đó, NHHT cũng đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ an toàn hệ thống như: Phần mềm và bộ chỉ tiêu của hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ; xây dựng đề cương kiểm tra, giám sát thống nhất chung trong toàn hệ thống với mục tiêu khuyến cáo, cảnh báo với QTDND về những sai sót, vi phạm hoặc nguy cơ có thể xảy ra nhằm giúp QTDND kịp thời có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh.
NHHT đã đầu tư nghiên cứu, phát triển thêm nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại để chuyển giao cho hệ thống QTDND cung cấp cho các thành viên. Hệ thống phần mềm giao dịch ngân hàng điện tử CF-ebank là một ví dụ.
Góp sức bền cho hệ thống
Báo cáo mới đây của NHNN qua giám sát từ xa và trực tiếp cho thấy vẫn còn một số QTDND hoạt động chưa đúng với tôn chỉ mục đích. Nguyên nhân được chỉ ra đa phần là rủi ro đạo đức, trong bối cảnh chất lượng nhân lực, quản trị của các QTDND còn yếu kém, mang nặng tính gia đình. Để phát triển các QTDND trở thành một nhân tố mang tính đòn bẩy trong phát triển kinh tế hợp tác, thời gian qua NHNN đã tập trung hoàn thiện về mặt cơ chế pháp lý đối với tổ chức bộ máy cũng như vận hành hệ thống, gia tăng năng lực hỗ trợ hệ thống cho chính NHHT.
Rõ nhất là việc Thống đốc NHNN Việt Nam ban hành Thông tư 01/2018/TT-NHNN, đối tượng thụ hưởng vốn vay từ Quỹ bảo toàn thêm mở. Việc bổ sung quy định NHHT cho vay đặc biệt theo quyết định của NHNN với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ thanh khoản đối với QTDND từ Quỹ bảo toàn khi QTDND có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trước khi phương án cơ cấu lại được phê duyệt; Cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% để hỗ trợ phục hồi đối với QTDND từ Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.
Bên cạnh những nhiệm vụ mà Chính phủ, NHNN Việt Nam giao phó như trợ lực quản trị và tài chính, hỗ trợ các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, NHHT đang phát huy vai trò cầu nối các dự án nâng cao năng lực cho QTDND. Một số dự án hỗ trợ kỹ thuật đang được triển khai trong hệ thống QTDND như:
Dự án hỗ trợ tái cơ cấu Ngân hàng do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, các dự án phát triển khu vực tài chính vi mô Việt Nam do NHNN chủ trì gồm: Dự án Tăng cường năng lực hoạt động và giám sát tài chính vi mô TA8391; Dự án Hỗ trợ phát triển ngành tài chính vi mô TA8587; Dự án Chương trình phát triển tài chính vi mô – tiểu chương trình 2.
Dự án “Đẩy mạnh hệ thống QTDND (STEP) do Bộ các Vấn đề Toàn cầu Canada tài trợ với ngân sách tài trợ 17,7 triệu đô la Canada đến tháng 3/2021. Dự án sẽ hỗ trợ cho hệ thống QTDND Việt Nam phát triển an toàn, bền vững, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp và nông thôn, tăng trưởng kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, NHHT cũng đang gặp một số khó khăn nhất định trong quá trình triển khai quyền và trách nhiệm đối với hệ thống QTDND. Cụ thể là một số cơ chế hỗ trợ hoạt động cho NHHT như cơ chế xử lý các khoản cho vay đối với các QTDND yếu kém không có khả năng phục hồi chưa được ban hành.
Mạng lưới chi nhánh mới chỉ có tại 30/57 tỉnh thành đang khiến công tác điều hòa vốn và hỗ trợ hoạt động trực tiếp cho các QTDND gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống công nghệ thông tin của NHHT mới đáp ứng được nhu cầu hoạt động của ngân hàng và 40% số QTDND trong khi nhu cầu về dịch vụ thanh toán chuyển tiền của gần 1.200 QTDND qua hệ thống đòi hỏi quy mô lớn…
Chính vì vậy việc hoàn thiện hành lang pháp lý của NHHT và QTDND được xem là điểm tựa cho sự phát triển hệ thống trong giai đoạn hiện tại.
13.11.2024
30.10.2024