Từ khi chuyển đổi mô hình từ QTDTW thành Ngân hàng Hợp tác, hoạt động tín dụng của Ngân hàng Hợp tác đã tăng trưởng theo hướng an toàn và bền vững. Đặc biệt, việc chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với nợ xấu, nâng cao chất lượng hoạt động đã giúp Ngân hàng Hợp tác hoàn thành tốt vai trò ngân hàng của các QTDND.
Ông Đỗ Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác
Ngày 21/6/2017, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu. Ông Đỗ Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác đã trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, từ khi chuyển đổi mô hình (năm 2013), Ngân hàng Hợp tác đã luôn kiểm soát và xử lý rất tốt vấn đề nợ xấu. Vậy,“bí quyết” của Ngân hàng Hợp tác là gì?
Nói đến câu chuyện xử lý nợ xấu, có thể nói đây là một trong những trọng tâm mà Ngân hàng Hợp tác đã đặt ra trong kế hoạch chuyển đổi mô hình tái cơ cấu hệ thống 2013 – 2015. Một ngân hàng để phục vụ tốt các QTDND đòi hỏi không chỉ cung ứng các dịch vụ, mà còn đòi hỏi một năng lực tài chính ổn định vững mạnh, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, từ đó mới có thể phát huy công năng tối đa hỗ trợ hệ thống.
Chính vì vậy, cùng với việc triển khai đề án tái cơ cấu hệ thống, Ngân hàng Hợp tác đã xây dựng Kế hoạch số 336/KH-NHHT ngày 22/10/2013 triển khai xử lý nợ xấu trong hệ thống Ngân hàng Hợp tác. Trong đó áp dụng các biện pháp quản lý, phòng ngừa, xử lý rủi ro trong quá trình cho vay, bả̉o lãnh để thu hồi được các khoản nợ đã cho khách hàng vay hoặc giảm thiểu tổn thất trong quá trình cho vay, hoặc các khoản phải trả thay trong quá trình bảo lãnh.
Đồng thời, phân định rõ trách nhiệm, mối quan hệ của từng bộ phận, cán bộ trong quá trình tác nghiệp, đảm bảo chặt chẽ, khép kín khi thực hiện công tác cấp tín dụng, hạn chế rủi ro phát sinh. Trong thực hiện quy trình nghiệp vụ đảm bảo quy định việc bố trí cán bộ có sự giám sát, kiểm soát lẫn nhau giữa các cán bộ và giữa các phòng chuyên môn nhằm kịp thời phát hiện sai sót để có biện pháp khắc phục, xử lý.
Ngân hàng Hợp tác thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác thẩm định, tín dụng. Nâng cao trình độ quản lý, năng lực giám sát rủi ro và ý thức trách nhiệm cá nhân trong công tác thẩm định, cấp tín dụng.
Vấn đề quản lý rủi ro thị trường đã được đặt ra và quan tâm với việc sử dụng công cụ tính toán để đo lường, dự đoán được những biến động về lãi suất để đưa ra những quyết định đúng đắn. Để kiểm soát rủi ro lãi suất và hạn chế mức tổn thất vào thu nhập, Ngân hàng Hợp tác thiết lập giới hạn rủi ro phát sinh từ các biến động bất lợi của các loại lãi suất trong hệ thống.
Các hoạt động quản lý rủi ro thanh khoản được hiện thực hóa với việc xây dựng quy trình nhận dạng và theo dõi trạng thái thanh khoản trong toàn hệ thống Ngân hàng Hợp tác để đảm bảo các sự kiện sụt giảm thanh khoản được nhận dạng ngay từ giai đoạn ban đầu.
Được biết, NHNN đã chỉ đạo xuyên suốt trong toàn Ngành triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Vậy Ngân hàng Hợp tác đã có kế hoạch gì để có thể phát huy được “cây gậy” xử lý nợ xấu nâng cao chất lượng hoạt động?
Ngay sau khi Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020, Ngân hàng Hợp tác đã xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 – 2020 (Kế hoạch 1135/KH-NHHT) và triển khai đến toàn bộ các chi nhánh trên toàn quốc.
Ngân hàng Hợp tác cũng đã đưa ra các mục tiêu cụ thể về giảm nợ xấu so với tổng dư nợ theo đúng định hướng của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị số 06/CT–NHNN: Đến cuối năm 2017 giảm 1% nợ xấu; cuối năm 2018 giảm 1,5% nợ xấu; cuối năm 2019 giảm 1,5% nợ xấu; cuối năm 2020 giảm tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% so với tổng dư nợ.
Ban lãnh đạo Ngân hàng Hợp tác cũng đã quán triệt đến từng bộ phận phòng ban, chi nhánh xác định công tác xử lý nợ xấu phải khẩn trương, quyết liệt, thống nhất trong toàn hệ thống. Đồng thời, triển khai bằng nhiều biện pháp nhưng phải đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ và đặt trong kế hoạch tái cơ cấu hệ thống, chấp hành nghiêm túc các cơ chế, chính sách của Quốc hội, Chính phủ và NHNN.
Ngân hàng Hợp tác cũng đã quán triệt sẽ phát huy tối đa mọi nguồn lực và năng lực hiện tại của toàn hệ thống để xử lý nợ xấu vừa bảo đảm hài hoà lợi ích của ngân hàng và các bên có liên quan; chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong việc xử lý nợ xấu.
Việc xử lý nợ xấu phải đảm bảo công khai, minh bạch, theo nguyên tắc thị trường và đúng quy định; tránh để xảy ra tiêu cực trong quá trình xử lý nợ xấu. Không chỉ hướng tới mục tiêu kiểm soát nợ xấu ở mức an toàn, các giải pháp xử lý nợ xấu phải gắn liền với phòng ngừa, hạn chế và kiểm soát có hiệu quả nợ xấu phát sinh trong tương lai.
Để thực hiện kế hoạch xử lý nợ xấu hiệu quả, Ngân hàng Hợp tác đã thành lập Ban Chỉ đạo về xử lý nợ xấu tại Trụ sở chính và 02 Tiểu ban xử lý nợ xấu theo 02 khu vực: phía Bắc và phía Nam. Thành phần Tiểu ban xử lý nợ xấu gồm một Phó Tổng giám đốc – Thành viên Ban Chỉ đạo xử lý nợ xấu là Trưởng Tiểu ban và một số Trưởng, Phó phòng, chuyên viên tại Trụ sở chính là Thành viên.
Thưa ông, theo Kế hoạch số 1135/KH-NHHT về xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020 của Ngân hàng Hợp tác thì đến năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3%. Phải chăng kế hoạch này là khá thận trọng?
Chúng tôi đặt ra mục tiêu này là bám sát theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị 06/CT-NHNN là đưa tỷ lệ nợ xấu bình quân chung toàn Ngành về dưới 3%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu bao gồm: nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ xấu đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ.
Hơn thế nữa, trong kinh doanh tín dụng ngân hàng, rủi ro và lợi nhuận là hai mặt của một vấn đề, các diễn biến thị trường hiện rất khó lường cũng là một thách thức trong hoạt động, đôi khi ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng. Điều này cũng có nghĩa Ngân hàng Hợp tác sẽ cần nỗ lực hơn nữa để xử lý nợ xấu. Bên cạnh việc phối hợp tốt với VAMC giải quyết khoản nợ đã bán, thời gian tới, Ngân hàng Hợp tác cũng cần nâng cao năng lực hoạt động giảm thiểu rủi ro, từ đó vừa có thể giảm tỷ lệ nợ xấu theo tỷ lệ tương đối và con số tuyệt đối.
Trong quá trình triển khai kế hoạch xử lý nợ xấu, ông có thấy quan ngại điều gì?
Đối với Ngân hàng Hợp tác, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục coi việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 là một thời cơ để gia tăng năng lực hệ thống, tái cơ cấu hệ thống theo đề án mà NHNN đã phê duyệt năm 2014 cũng như các kế hoạch phát triển đến năm 2020. Xử lý nợ xấu chính là xử lý tài sản đảm bảo của khoản vay vì vậy rất cần thời gian cũng như sự hợp tác của người vay.
Đặc biệt rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tôi tin rằng sau giai đoạn thí điểm, chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng sẽ được nâng lên với cơ cấu nợ xấu thấp, góp phần khơi thông điểm nghẽn vốn hỗ trợ nền kinh tế, và với Ngân hàng Hợp tác sẽ phát huy vai trò Ngân hàng của các QTDND, giúp hệ thống gia tăng năng lực vốn và khả năng phục vụ đáp ứng nhu cầu nền kinh tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
13.11.2024
30.10.2024