Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD, cho thấy xử lý nợ xấu đang là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Tuy nhiên nợ xấu luôn tiềm ẩn trong hoạt động của các TCTD. Bởi vậy, việc ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh còn quan trọng hơn gấp bội. Muốn vậy, cần phải nâng cao chất lượng tín dụng. Với hệ thống Qũy tín dụng nhân dân (QTDND), điều đó lại càng quan trọng hơn do nguồn vốn mỏng, lại hoạt động trong môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sau hơn 23 năm thành lập và phát triển hệ thống QTDND theo Quyết định số 390/TTg ngày 27/7/1993 của Thủ tướng Chính phủ, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Đảng, chính quyền, sự hỗ trợ tích cực của NHNN tỉnh, thành phố cùng sự năng động, sáng tạo biết phát huy những ưu thế của loại hình tín dụng hợp tác đặc thù, hệ thống QTDND trên cả nước đã từng bước phát triển cả về số lượng thành viên lẫn năng lực tài chính.
Đến nay trên cả nước có 1.177 QTDND đang hoạt động ở 56/63 tỉnh, thành phố trên cả nước với 2.831 xã phường, thị trấn. Tính đến cuối tháng 9/2017, tổng nguồn vốn hoạt động của 1.177 QTDND đạt 97.798 tỷ đồng; với tổng số thành viên của QTDND là gần 2 triệu thành viên là các hộ gia đình chủ yếu ở khu vực nông nghiệp – nông thôn. Dư nợ cho vay thành viên đạt 73.829 tỷ đồng, trong đó trong đó chủ yếu là cho vay nông nghiệp nông thôn. Hệ thống QTDND đã khẳng định được vai trò to lớn của mình trong quá trình phát triển kinh tế hợp tác, tạo ra một kênh tín dụng thuận tiện thúc đẩy phát triển kinh tế, đáp ứng kịp thời, hiệu quả nguồn vốn tín dụng cho người dân ở khu vực nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ nạn cho vay nặng lãi, ổn định tình hình trật tự kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn nông nghiệp nông thôn.
Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế có nhiều biến động, hoạt động của hệ thống QTDND với quy mô nhỏ luôn phải chịu nhiều thách thức. Để tiếp tục hoạt động an toàn, phát triển ổn định, bền vững và hỗ trợ thành viên tốt hơn nữa, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói riêng, phát triển thành phần kinh tế hợp tác nói chung thì QTDND cần quan tâm chú trọng hơn tới chất lượng tín dụng.
Muốn vậy, điều đầu tiên là các QTDND cần tích cực thực hiện các giải pháp tái cơ cấu theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Phải từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực điều hành, năng lực tài chính theo hướng tăng vốn điều lệ, thu hút thêm thành viên mới trên cơ sở gắn kết giữa mở rộng nguồn vốn với hỗ trợ cho vay thành viên, tăng cường tính liên kết hệ thống, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật, chấp hành các tỷ lệ, giới hạn an toàn hoạt động.
Do con người luôn là yếu tố quyết định, nên phải thường xuyên tổ chức đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức cho các cán bộ nhân viên để đáp ứng yêu cầu hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Chủ động có kế hoạch, đề xuất, phối hợp với NHNN, Ngân hàng Hợp tác, Hiệp hội QTDND Việt Nam tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, các khóa hội thảo về chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm giữa các cán bộ của các Quỹ trên địa bàn và hệ thống QTDND.
Bên cạnh đó, để tránh rủi ro trong hoạt động tín dụng đòi hỏi QTDND cần thẩm định hồ sơ một cách nghiêm túc, chặt chẽ, tuân thủ theo đúng quy trình, quy chế cho vay của NHNN, của QTDND và hướng dẫn của Ngân hàng Hợp tác. Cán bộ tín dụng phải thu thập đầy đủ thông tin và hồ sơ của thành viên vay vốn, ngoài ra cần thu thập thêm thông tin khác liên quan đến khoản vay như thông tin về thị trường, ngành nghề lĩnh vực hoạt động kinh doanh… đặc biệt thẩm định kỹ về tư cách, uy tín của thành viên và phương án kinh doanh để từ đó có những nhận xét, phân tích chính xác về nhu cầu vay vốn của thành viên và đề xuất lên Giám đốc tín dụng về việc cho vay hoặc từ chối cho vay.
Song song với đó, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát quá trình cho vay và sử dụng vốn của thành viên. Đây là một trong những biện pháp cực kỳ quan trọng nhằm ngăn ngừa rủi ro đạo đức trong hoạt động tín dụng, việc kiểm tra, giám sát giúp QTDND kiểm soát được hoạt động kinh doanh của các thành viên, bảo đảm thành viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, đúng phương án vay, nhận diện sớm các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro để có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời để ngăn ngừa rủi ro.
Đặc biệt cần hoàn thiện quy trình cấp tín dụng. Do đối tượng vay vốn tại QTDND phần lớn là thành viên ở khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn, quy mô kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, vì vậy cần xây dựng một quy trình cho vay riêng, có tiêu chuẩn đánh giá xét duyệt riêng, sản phẩm cho vay, dịch vụ và phương thức cho vay linh hoạt hơn để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho thành viên nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ đúng quy định của NHNN. Ngoài ra cần tách bạch hóa, quy định rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn, chức năng của từng bộ phận trong quá trình cấp tín dụng, tăng tính khách quan, tạo thêm chốt kiểm tra chéo trong hoạt động cho vay giảm thiểu rủi ro xảy ra trong hoạt động tín dụng của QTDND.
Một giải pháp vô cùng quan trong nữa là phải tăng cường tính liên kết hệ thống giữa các QTDND thành viên với nhau trên cơ cở tuân thủ nguyên tắc mục tiêu hoạt động của mô hình tín dụng Hợp tác, định hướng phát triển hỗ trợ các thành viên về vốn để sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế địa phương. Nghiêm túc tham gia và xây dựng Quỹ bảo toàn lớn mạnh để hỗ trợ các QTDND trong trường hợp gặp khó khăn về thanh khoản, tài chính, hỗ trợ cho vay để khắc phục, phục hồi hoạt động trở lại bình thường, tránh xảy ra tình trạng đổ vỡ QTDND ngoài vòng kiểm soát, giúp hệ thống QTDND phát triển ổn định, an toàn và bền vững.
Khi đã phát sinh nợ xấu, phải xử lý dứt điểm xử lý, quyết liệt thu hồi các khoản nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro.
Tin rằng nếu thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ hạn chế được tối đa nợ xấu mới phát sinh, và như người xưa đã nói “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đó chính là “phương thuốc” xử lý nợ xấu hiệu quả nhất.
Theo Website Ngân hàng HTX
13.11.2024
30.10.2024