21.03.2018 07:00

Nâng cao năng lực QTDND: Cần chiến lược dài hạn

Cần có định hướng chiến lược dài hạn cho hệ thống QTDND, có hệ thống cơ chế chính sách phù hợp với mô hình đặc thù của QTDND. Đi cùng với đó là tăng cường giám sát, thanh tra hệ thống QTDND, tiếp tục kiện toàn hệ thống để có thể phát huy cao độ vai trò từng thành viên.

 

Hệ thống QTDND thời gian qua không ngừng được tăng cường, củng cố, chấn chỉnh

Chính phủ giao NHNN xây dựng Đề án Phát triển Hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đây là Đề án quan trọng nhằm xác định hiện trạng hoạt động của hệ thống QTDND hiện nay, đồng thời xây dựng định hướng phát triển của hệ thống trong thời gian tới. Đây cũng là nội dung chính được các đại biểu thảo luận tại Tọa đàm “Phát triển QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và yêu cầu bắt buộc về tăng cường năng lực hoạt động thanh tra, giám sát mạng lưới QTDND” do NHNN phối hợp với NH Phát triển châu Á (ADB) tổ chức ngày 20/3/2018 tại Hà Nội.

Thách thức luôn song hành

Tính đến năm 2017, trên cả nước có 1.177 QTDND đang hoạt động với 1.643.425 thành viên ở 57/63 tỉnh, thành phố tại 2.831 xã phường, thị trấn, tăng 11 QTDND so với năm 2016 - đây là thông tin được ông Nguyễn Quốc Cường, Phó tổng giám đốc NH Hợp tác xã, Chủ tịch Hiệp hội QTDND Việt Nam đưa ra tại toạ đàm.

Cũng theo đánh giá của ông Cường, hệ thống QTDND thời gian qua không ngừng được tăng cường, củng cố, chấn chỉnh. Về cơ bản hoạt động lành mạnh, hiệu quả hơn và tạo được một kênh tín dụng thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ NH cho các đối tượng nghèo. Đặc biệt hoạt động của QTDND giúp giảm thiểu nạn cho vay nặng lãi, ổn định tình hình trật tự, kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn nông nghiệp nông thôn.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, Chủ tịch Hiệp hội QTDND Việt Nam nhận thấy tại một số địa bàn tỉnh, thành phố vẫn còn ít các QTDND hoạt động chưa hiệu quả, yếu kém.

Thách thức đặt ra với quá trình phát triển về góc độ cả hệ thống theo góc nhìn của ông Hoàng Quốc Mạnh, Phó Chánh văn phòng, Cơ quan Thanh tra, giám sát NH (NHNN), là phải phát huy đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của NH Hợp tác xã và Hiệp hội QTDND; đồng thời tạo lập và phát huy đầy đủ các cơ chế an toàn của hệ thống hỗ trợ cho QTDND (như quỹ bảo toàn, kiểm toán, đào tạo...).

Còn xét riêng từng thành tố, với các QTDND, yêu cầu đặt ra là phải bám sát và tuân thủ tốt mục tiêu hoạt động - phát huy đủ các nguyên tắc của hợp tác xã, luôn lấy thành viên làm trung tâm. “Phải thật sự chủ động, tránh tư tưởng ỷ lại, lệ thuộc vào NHNN, có lực lượng cán bộ đủ trình độ tiếp thu, xử lý linh hoạt, có hiệu quả hoạt động; hệ thống thông tin hiện đại, hệ thống báo cáo thông suốt và thống nhất”, ông Mạnh chia sẻ.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Quốc Cường chỉ ra sự phát triển không đồng đều giữa các QTDND trong hệ thống. Điều này cũng chính là thách thức trong quá trình phát triển, quản trị và giám sát tình hình hoạt động của cả hệ thống QTDND.

Đơn cử như với QTDND có quy mô hoạt động nhỏ (dưới 5 tỷ đồng) thì khả năng thích ứng với các biến động của thị trường (như tăng, giảm lãi suất) thường thấp, khả năng cạnh tranh với các TCTD khác trên cùng địa bàn hạn chế. Các công cụ hỗ trợ để nâng cao năng lực điều hành, giảm bớt rủi ro như đầu tư nâng cấp trang thiết bị ứng dụng công nghệ vào hoạt động NH cũng còn khiêm tốn có thể dẫn đến chậm trễ trong kiểm soát rủi ro tại đơn vị, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.

Tìm điểm mấu chốt

Để phát triển hệ thống QTDND, các đại biểu tham dự toạ đàm chung quan điểm là cần có định hướng chiến lược dài hạn cho hệ thống QTDND, có hệ thống cơ chế chính sách phù hợp với mô hình đặc thù của QTDND. Đi cùng với đó là tăng cường giám sát, thanh tra hệ thống QTDND, tiếp tục kiện toàn hệ thống để có thể phát huy cao độ vai trò từng thành viên.

Bàn tới vấn đề giám sát, ông Sigitas Bubnys, Phó giám đốc Khối tài chính, Công ty tư vấn AFC cho rằng, cần tăng cường việc giám sát từ xa, thông qua hệ thống cảnh báo sớm. Ông nêu ra 7 bước trong quy trình cảnh báo sớm gồm: thiết lập vai trò và trách nhiệm; sử dụng công cụ cảnh báo sớm; rà soát dữ liệu cảnh báo sớm; phân tích dữ liệu cảnh báo sớm; phân công và tiến hành can thiệp; kiểm tra các biện pháp can thiệp; đánh giá và cải tiến quy trình cảnh báo sớm. Ông cho rằng phải đặt ra những câu hỏi như việc ai cần có mặt trong nhóm cảnh báo sớm và các thành viên trong nhóm cần những kiến thức gì? Tần suất cung cấp và kiểm tra dữ liệu cảnh báo sớm? Và cần những gì để có thể tự tin rằng dữ liệu mình có là chính xác?.

Chuyên gia này cũng chia sẻ sự quan trọng của việc nhóm cảnh báo sớm phải xem xét ngoài các chỉ số. Bởi các chỉ số chỉ là dấu hiệu dễ nhận thấy, không phải là nguyên nhân gốc rễ. Các nguyên nhân gốc rễ chỉ được phát hiện ra thông qua việc kiểm tra dữ liệu bổ sung từ các nguồn khác nhau ngoài các chỉ số cảnh báo sớm. “Việc xem xét các dữ liệu ngoài các chỉ số cảnh báo sớm có thể nêu lên các câu hỏi mới, tăng thêm hiểu biết về việc tại sao các hợp tác xã tài chính bị trượt ra khỏi tình trạng hoạt động bình thường”, ông Sigitas Bubnys bày tỏ.

Không chỉ tiếp tục phát huy vai trò bảo vệ quyền lợi, cầu nối giữa hội viên và các cơ quan chức năng, Chủ tịch Hiệp hội QTDND cũng cho biết, Hiệp hội sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - yêu cầu bắt buộc trong quá trình phát triển hệ thống QTDND, đặc biệt trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay. Để nâng cao chất lượng đào tạo, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của NHNN, Hiệp hội đã phối hợp với Học viện NH xây dựng bộ giáo trình đào tạo QTDND thay thế bộ giáo trình cũ trước đây. Đến nay, bộ giáo trình đã được Thống đốc NHNN phê duyệt; Hiệp hội cũng đã xây dựng quy trình đào tạo cán bộ QTDND đáp ứng yêu cầu quy định của NHNN để thống nhất triển khai thực hiện. Tiếp tục hỗ trợ triển khai công tác tin học cho các QTDND, giúp các QTDND phát triển sản phẩm mới, nhất là thực hiện cho vay theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan