Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quản lý, đặc biệt là trong công tác kiểm tra, giám sát; phối hợp cụ thể, sâu sát với cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn quản lý QTDND, trong những năm qua, nhất là năm 2017, NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ đã quản lý chặt chẽ, chỉ đạo sâu sát đồng thời hỗ trợ hệ thống QTDND phát triển an toàn, hiệu quả.
Đưa hoạt động vào quỹ đạo
Đặt trong bối cảnh kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, ngành Ngân hàng đang tập trung quyết liệt tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, cũng như mô hình kinh tế hợp tác cần có những bước chuyển căn bản để thực sự gắn với lợi ích các thành viên, ngay từ đầu năm 2017, NHNN tỉnh Phú Thọ đã chủ động phối kết hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, định hướng tốt công tác đại hội các QTDND năm 2017, trong đó: 13 QTD Đại hội nhiệm kỳ, 25 QTD Đại hội thường niên. Việc chỉ đạo tốt công tác chuẩn bị, sắp xếp, bố trí, chuẩn y nhân sự theo quy định của NHNN đã góp phần thay đổi bộ máy nhân sự QTDND.
Cùng với đó, Chi nhánh NHNN đã tổ chức hướng dẫn các QTDND nâng cao vai trò quản trị hoạt động thông qua xây dựng các báo cáo, xây dựng chỉ tiêu kế hoạch; sửa đổi, bổ sung kịp thời quy chế, quy định... Sau đại hội, HĐQT các đơn vị đã triển khai Nghị quyết đại hội thành viên gắn với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội của địa phương và định hướng của NHNN tỉnh.
“Hoạt động của hệ thống được cập nhật cùng các văn bản mới trong năm về hoạt động của các QTDND đều được NHNN tỉnh triển khai kịp thời thông qua hòm thư điện tử. Hoạt động tập huấn, hướng dẫn thậm chí là “cầm tay chỉ việc” thực thi các quy định của NHNN đã giúp các QTDND trên địa bàn không chỉ thấu hiểu mà còn có thể áp dụng ngay vào hoạt động quản lý kinh doanh”, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ, Phạm Trường Giang cho biết.
Trong năm qua, NHNN tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn cho Chủ tịch HĐQT, Kiểm soát trưởng, Giám đốc và cán bộ tín dụng về triển khai Thông tư 39/2016/TT-NHNN của NHNN, bộ quy chế mẫu về cho vay, bảo đảm tiền vay và quy định nội bộ về quản lý rủi ro…
Cũng trong năm 2017, NHNN tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu (thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội) của hệ thống QTDND trên địa bàn giai đoạn 2017–2020 cho Chủ tịch HĐQT, Kiểm soát trưởng, Giám đốc và Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn hoạt động QTDND. Từ đó tăng cường công tác phối hợp với các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững hơn.
Năm 2017 tiếp tục ghi nhận bước chuyển mạnh mẽ của NHNN từ thanh tra định kỳ sang thanh tra trên cơ sở có dấu hiệu rủi ro. Thanh tra chuyên quản thực hiện giám sát phần mềm kết nối thông tin báo cáo giữa QTDND và NHNN tỉnh hàng ngày. Hoạt động thanh tra, kiểm tra trực tiếp chủ yếu tập trung đánh giá chất lượng hoạt động tín dụng, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro (DPRR), công tác chi tiêu nội bộ; kết quả thực hiện các giải pháp xử lý trong giai đoạn chuyển tiếp theo Thông tư số 04/2015/TT-NHNN.
Với việc nâng cao khả năng giám sát từ xa, nắm bắt kịp thời hơn những diễn biến trong hoạt động của các QTDND nhất là việc đánh giá chất lượng tín dụng, các chỉ tiêu bảo đảm an toàn trong hoạt động. Trong năm cán bộ chuyên quản đã đề xuất kiểm tra hướng dẫn 3 QTDND mới thành lập, kiểm tra đột xuất 3 QTDND, thanh tra trực tiếp 11 QTDND; đồng thời chấn chỉnh xử lý cá nhân vi phạm.
NHNN Chi nhánh tỉnh đã đưa ra 79 kiến nghị, yêu cầu các QTD nghiêm túc khắc phục, chỉnh sửa. Cán bộ chuyên quản đã chỉ đạo việc chấp hành nghiêm các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động, hướng dẫn các đơn vị hạch toán đúng tính chất tài khoản, phân loại nợ và trích lập DPRR đúng quy định...
Củng cố nền móng, phát triển bền vững
Chất lượng hoạt động của các QTDND càng phản ánh rõ nét trong kết quả kinh doanh năm 2017. Tính đến cuối năm 2017, tỉnh Phú Thọ có 39 QTDND hoạt động tại 59 xã, phường, thị trấn trong 11 huyện, thị, thành phố với 43.978 thành viên (TV) tham gia góp vốn. Trong đó, có 10 QTD có trên 1.500 TV (lớn nhất là QTD Hùng Lô có 1.986 TV); từ 1.000 TV đến 1.500 TV có 12 QTD; dưới 1.000 TV có 17 QTD (có số TV thấp nhất là QTD Hương Lung mới thành lập tháng 11/2017 có 99 TV).
Tổng nguồn vốn hoạt động đến 31/12/2017 là 3.363 tỷ đồng, so với cuối năm 2016 tăng 491 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 17,1%. Trong đó QTDND Hùng Lô đạt 218,4 tỷ đồng, QTDND Thạch Sơn đạt 165,7 tỷ đồng, có 2 QTD có nguồn vốn hoạt động cao trên 150 tỷ đồng. Vốn điều lệ bình quân đạt 3,78 tỷ đồng/Quỹ.
Tổng nguồn vốn huy động đạt 2.715,8 tỷ đồng (bình quân đạt 69,6 tỷ đồng/Quỹ), so với cuối năm 2016 tăng 427,7 tỷ đồng (+18,7%); có 25 QTD có nguồn vốn huy động/tổng nguồn vốn đạt từ 80% trở lên, có 3 QTD có nguồn vốn huy động/tổng nguồn vốn đạt từ 70 - 80%, Quỹ có nguồn vốn huy động đạt cao nhất là QTDND Hùng Lô (vốn huy động đạt 197,5 tỷ đồng, chiếm 90,4%/tổng nguồn vốn).
Nguồn vốn dồi dào đã giúp các QTD mở rộng cho vay thành viên với tổng dư nợ cho vay 2.987 tỷ đồng, so với cuối năm 2016 tăng 415,9 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 16,17%. Đáng nói là 15/39 QTD hạch toán không có nợ xấu, 17/39 QTD có nợ xấu dưới 1%. Kết quả kinh doanh năm 2017 của các QTD trên địa bàn đạt 28,9 tỷ đồng với tất cả các QTD đều có lãi (trừ QTDND Hương Lung mới thành lập). Các QTD đã trích lập DPRR, trích nộp phí bảo hiểm tiền gửi, phí bảo toàn hệ thống theo quy định.
Sự tăng trưởng cả về quy mô, nâng cao về chất lượng và hiệu quả hoạt động QTDND đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, cải thiện an sinh, trật tự xã hội từng địa phương nói chung và đời sống thành viên QTDND theo đúng mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu tín dụng với cho vay ngành nông, lâm nghiệp chỉ chiếm 8,9% tổng dư nợ, cho vay công nghiệp chiếm 14% tổng dư nợ, chủ yếu là cho vay dịch vụ, đời sống với 77,1% tổng dư nợ cho thấy nguồn vốn chưa thật sự đáp ứng được mục tiêu và yêu cầu thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế trên địa bàn.
Cùng với một số biểu hiện tư tưởng xa rời tôn chỉ, mục đích hoạt động của QTDND là những khó khăn của hệ thống khi hoạt động chủ yếu là khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng đồng bào, thành viên còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp. Quy mô nhỏ, địa bàn hoạt động hạn hẹp, vốn chủ sở hữu thấp khiến mức độ tự chủ về tài chính và khả năng cạnh tranh của các Quỹ còn rất hạn chế.
Và mặc dù được NHNN tạo điều kiện ưu đãi hơn về lãi suất kể cả huy động và cho vay nhưng mức độ rủi ro còn cao. QTDND là tổ chức tín dụng được xây dựng dưới mô hình HTX, đội ngũ cán bộ ít, một bộ phận hoạt động mang tính nhiệm kỳ do vậy đã ảnh hưởng tới tính chuyên nghiệp.
Chính vì vậy, “mục tiêu kết thúc năm 2018 mà NHNN Chi nhánh Phú Thọ đặt ra là chất lượng hoạt động của các QTDND trên địa bàn dần được trong sạch, lành mạnh, các đơn vị đều kinh doanh có lãi. Năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát phải được nâng lên một bước (cơ bản quản trị được hoạt động, kiểm soát được rủi ro và hoạt động an toàn).
Tiếp tục thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các QTDND trên địa bàn giai đoạn 2017–2020, trong đó kiềm chế, kiểm soát phát sinh đi đôi với quyết liệt xử lý nợ xấu, lãi đọng”, Giám đốc Phạm Trường Giang cho biết.
Hướng tới mục tiêu này, NHNN tỉnh tiếp tục đề cao nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động hệ thống QTDND trên địa bàn mà trọng tâm là công tác giám sát và tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý kịp thời. Hoạt động các QTDND đặt mục tiêu trọng tâm đảm bảo về chất lượng, an toàn, hiệu quả; không chạy theo quy mô, số lượng.
NHNN tỉnh cũng đề nghị các cấp chính quyền cơ sở cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của QTDND; tạo điều kiện thuận lợi giúp QTDND xử lý các tồn đọng, khó khăn trong hoạt động. Thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo cùng Chi nhánh NHNN đối với hoạt động và an toàn của các QTDND, gắn với hỗ trợ thành viên, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.