Đó là yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hà Nội đối với hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu (Nghị quyết 42) và Đề án cơ cấu lại Quỹ tín dụng nhân dân gắn với xử lý nợ xấu trên địa bàn TP. Hà Nội được tổ chức sáng 2/8/2017.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Hội nghị tập trung quán triệt tới toàn thể Chủ tịch, Giám đốc QTDND nắm rõ tinh thần Nghị quyết 42. Tận dụng lợi thế để tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020, thực hiện tái cơ cấu chính QTDND của mình để đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, thực hiện công cuộc xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội khẳng định: Nghị quyết 42 tạo thuận lợi cho ngành Ngân hàng trong việc thực hiện tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Trong 4 năm qua, việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng đã thu được nhiều kết quả, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, còn tồn tại lượng lớn tài sản đảm bảo chưa được xử lý. “Nếu khơi thông được nguồn vốn, giải quyết được tài sản đang chôn vùi ở nợ xấu này thì chúng ta sẽ có nguồn lực lớn đưa vào lưu thông, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, có điều kiện tốt để giảm lãi suất”, ông Tuấn chia sẻ.
Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hà Nội cũng cho rằng, một loạt những văn bản và chỉ đạo của Chính phủ đã thể hiện tính quyết liệt, sự vào cuộc rất tích cực của Chính phủ trong triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội. Ngay sau đó, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 06 chỉ đạo các đơn vị, vụ, cục, chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố, các TCTD, trong đó có hệ thống QTDND triển khai một số nhiệm vụ thực hiện tái cơ cấu gắn với XLNX. Thống đốc NHNN cũng ban hành Quyết định 1533 về kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng, đưa ra lộ trình, giải pháp cụ thể triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với XLNX giai đoạn 2016-2020 (Đề án 1058).
Tại Hội nghị, ông Phạm Văn Vũ, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội đã trình bày một số nội dung cơ bản về Nghị quyết 42 cũng như Đề án 1058, trong đó có đề cập tới một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình XLNX. Có thể nói tới như việc theo Luật Đất đai hiện nay chỉ cho phép tổ chức tín dụng nhận bảo đảm quyền sử dụng đất còn tài sản gắn liền trên đất thì chưa. Nhiều TCTD, trong đó có các QTDND xử lý vấn đề này còn rất nhiều vướng mắc. Ông Vũ cũng cho hay, đa phần để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng. Nếu nợ xấu không được xử lý triệt để sẽ gây khó trong việc khơi thông dòng chảy tín dụng, doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận vốn, ảnh hưởng phát triển kinh tế.
Chia sẻ tại Hội nghị, nhiều ý kiến của các Chủ tịch, Giám đốc QTDND đã được bày tỏ để cùng tìm ra giải pháp tháo gỡ, giúp cho việc hoạt động của các QTDND thực chất và hiệu quả nhất. Ông Phan Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT QTDND Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội cho rằng để Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Chính phủ đạt kết quả cao nhất, NHNN và các bộ, ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc xử lý các vấn đề liên quan tới các TCTD, quan tâm hơn nữa đến hoạt động của các TCTD nói chung, đặc biệt là hệ thống QTDND nói riêng. Bên cạnh đó, NHNN cùng các cơ quan liên quan sớm ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời, quan tâm hơn tới công tác đào tạo cho cán bộ, nhân viên các QTDND nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc, giúp cho các QTDND hoạt động ngày càng an toàn, ổn định và bền vững.
Đồng tình với ông Tuấn, bà Mai Thị Minh Hương, Giám đốc QTDND Quang Trung, quận Hà Đông, TP. Hà Nội cũng nhận thấy việc NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội yêu cầu mỗi QTDND tiếp tục xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng trong việc cơ cấu các mặt hoạt động của đơn vị mình cụ thể theo thời gian và định kỳ báo cáo về NHNN Hà Nội là điều thực sự cần thiết. “Qua nội dung của Nghị quyết, phần nào các QTDND cũng yên tâm và phấn khởi hơn về tính hiệu quả, khả thi đối với các chính sách trong quá trình thu giữ TSBĐ để thu hồi nợ xấu và thực hiện đề án tái cơ cấu. Cần tạo sự lành mạnh hoá tài chính để nợ xấu không ảnh hưởng đến lợi nhuận của quỹ”, bà Hương chia sẻ.
Ông Trương Anh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát hệ thống ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng nêu ý kiến: Các QTDND cần nâng cao năng lực quản trị, cân đối danh mục đầu tư để tránh trường hợp quá tập trung vào một ngành, nghề hoặc phân khúc nào đó. Đồng thời tăng cường vai trò ban kiểm soát và kiểm toán nội bộ, phải có tính độc lập tương đối với ban điều hành thì mới có hiệu lực…
Theo Thời báo Ngân hàng
13.11.2024
30.10.2024