15.03.2016 07:00

Mở lối đi mới cho hợp tác xã kiểu mới ở Trà Vinh

Sau một thời gian dài, đa phần hoạt động sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã(HTX)nông nghiệp ở tỉnh Trà Vinh đều nằm trong tình cảnh lao dốc. Tuy nhiên, 2 năm qua, với sự quan tâm hỗ trợ về nhiều mặt của tỉnh, kinh tế tập thể nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng ở Trà Vinh đã có lối đi mới với cung cách quản lý và làm ăn kiểu mới, vừa nâng cao tính hiệu quả, vừa góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển. 

Với nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nên tỉnh Trà Vinh rất chú trọng đến công tác xây dựng và phát triển tổ hợp tác và HTX nông nghiệp, hướng đến mục tiêu phát huy sức mạnh tập thể để xây dựng một nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại.Theo đó, tại các địa phương trong tỉnh chỉ trong vòng vài năm đã vận động hộ nông dân tham gia thành lập được 1.765 tổ hợp tác nông nghiệp, với hơn 35.600 thành viên và 42 HTX nông nghiệp, thủy sản, sinh vật cảnh. Tuy nhiên,theo khảo sát đánh giá của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh, đến đầu năm 2015, toàn tỉnh chỉ có 48,9% tổ hợp tác nông nghiệp hoạt động theo đúng nội dungNghị định 151/2007/NĐ – CP của Chính phủ. Còn đối với HTX nông nghiệp có đến 56% làm ăn kém hiệu quả, nhiều HTX chỉ hữu danh vô thực.

Đánh giá về nguyên nhân yếu kém của kinh tế tập thể, nhất là với HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua, theo ông Đinh Công My, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh,do đa số các tổ hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh có nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, khoa học công nghệ, trình độ quản lý,… Thực tế đã qua cho thấy, các tổ hợp tác nông nghiệp sau khi thành lập, hoạt động chính của tổ hợp tác gần như chỉ là sự tương trợ nhau về lịch thời vụ, khoa học kỹ thuật, ngày công lao động. Còn lại các yếu tố về huy động nguồn vốn, kế hoạch tận dụng nguồn lực đất đai, cơ giới hóa trong sản xuất,..chưa thật sự cộng đồng trách nhiệm để hướng tới con đường sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường, tăng thu nhập. Còn đối với các HTX nông nghiệp, hầu hết bộ máy quản lý điều hành đều hạn chế về năng lực, thụ động trước cơ chế thị trường, chưa thể hiện được vai trò là tổ chức liên kết của cá nhân, hộ gia đình, cung cấp các dịch vụ đầu vào và dịch vụ đầu ra, các khâu của quá trình sản xuất. Không phát huy được vị thế của HTX, làm cho thành viên và hộ gia đình cũng không phát huy được vị thế trong quan hệ liên kết 4 nhà kể cả đầu vào và đầu ra.

Xuất phát từ thực trạng yếu kém của kinh tế tập thể, cuối năm 2014, Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành Nghị quyết số 16 – NQ/TU về “Xây dựng và phát triển kinh tế tập thể tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2015 – 2020”. Đây được xem là động lực mới, lối đi mới cho HTX kiểu mới trong tỉnh phát triển theo đúng “quỹ đạo” là đúng Luật Hợp tác xã năm 2012, đúng nhu cầu lợi ích cho hộ nông dân và góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Để phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy,UBND tỉnh Trà Vinh  đã đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cho kinh tế tập thể, như: đẩy mạnh việc triển khai các chính sách ưu đãi của tỉnh đối với kinh tế tập thể về thuế, tín dụng, đất đai; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HTX được tiếp cận và tham gia vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Bằng nguồn ngân sách tỉnh, hàng năm các địa phương phối hợp cùng  các sở, ngành tỉnh tổ chức  đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người quản lý điều hành HTX. Bên cạnh đó, tỉnh Trà Vinh huy động từ các nguồn lực xã hội để hỗ trợ cho HTX đào tạo tay nghề cho xã viên, người lao động; xây dựng chặt chẽ mối liên kết “bốn nhà”; tiếp cận các hoạt động khuyến nông – khuyến ngư; xây dựng thương hiệu hàng hóa để nâng cao giá trị và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, UBND tỉnh Trà Vinh dành nguồn ngân sách gần 62 tỷ đồng để hỗ trợ khuyến khích các HTX, liên hiệp HTX liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản với qui mô là trang trại, cánh đồng lớn, cơ sở chế biến lớn. HTX, liên hiệp HTX khi tổ chức sản xuất đạt tiêu chí theo qui định sẽ được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho xã viên, nông dân theo hợp đồng sản xuất; hỗ trợ 30% trong năm đầu và 20% năm thứ 2 về chi phí thực tế thuốc bảo vệ thực vật, công thuê lao động, thuê máy móc thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật chung cho các thành viên; hỗ trợ một lần 30% chi phí giống cây trồng đạt chất lượng từ giống cấp xác nhận trở lên; hỗ trợ 100% chi phí lưu kho theo hợp đồng với nông dân.

 Cùng với việc tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ hợp tác, HTX đang hoạt động trên địa bàn tỉnh và giải thể dứt điểm các HTX, liên hiệp HTX đã ngưng hoạt động, năm 2016, tỉnh Trà Vinh đưa vào vận hành Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, với nguồn vốn 5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Mục đích của Quỹ là hỗ trợ kinh phí cho các HTX trên địa bàn thay đổi máy móc thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất để tăng năng suất,chất lượng sản phẩm.

Qua chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự hỗ trợ của UBND tỉnh và các ngành chuyên môn,nhiều HTX sau khi được củng cố, thành lập mới đã hoạt động theo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012 và làm ăn có hiệu quả. Điển hình như: HTX nông nghiệp Nhị Trường (huyện Cầu Ngang), HTX thủy nông Định An (huyện Trà Cú), HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu (huyện Châu Thành ), HTX nông nghiệp Thành Công (huyện Trà Cú),HTX nuôi nghêu Tiến Thành (huyện Châu Thành),HTX nuôi nghêu Ba Vinh (huyện Duyên Hải),…

Đến thăm HTX nông nghiệp Thành Công, ở xã Ngọc Biên huyện Trà Cú, nhìn không khí làm việc nhộn nhịp của gần 100 lao động ở đây đã cho biết sự ăn nên làm ra của HTX. Giám đốc HTX Từ Ngọc Ngà phấn khởi nói: “Làm ăn theo kiểu mới, lấy lợi ích của thành viên và nông dân làm đầu nên ai cũng nhiệt tâm trong công việc của mình. Năm 2015, người góp vốn 300 triệu đồng được chia lợi nhuận 102 triệu đồng, đó là chưa tính khoản chiết khấu từ việc quản lý cung ứng vật tư nông nghiệp….”

HTX nông nghiệp Thành Công được thành lập từ tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp vào đầu năm 2014, với 7 thành viên, vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng và do Giám đốc mới 35 tuổi đời  Từ Ngọc Ngà quản lý điều hành. Qua 2 năm hoạt động, số thành viên đã tăng lên 18 người, số nông dân tham gia sản xuất cho HTX lên đến gần 300 người, với diện tích đất 150 ha chuyên trồng cây ớt chỉ thiên và cà nâu. Số nhân công lao động làm các công việc sơ chế ớt mỗi ngày hơn 100 người, với mức thu nhập từ 60.000 – 200.000 đồng/người/ngày.

Được Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh, chính quyền địa phương hỗ trợ về thủ tục pháp lý, tập huấn về chuyên môn cùng với sự năng động dám nghĩ dám làm của Giám đốc trẻ Từ Ngọc Ngà nên hoạt động của HTX nông nghiệp Thành Công ngay từ ngày đầu đã nền nếp, thành công như tên gọi. Anh Ngà cho biết, trong quá trình làm các thủ tục thành lập HTX, anh đã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm ớt chỉ thiên và đầu vào vật tư nông nghiệp cho nông dân. Cụ thể là anh ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm với 3 công ty tại TP. HCM và Tây Ninh; ký kết mua vật tư nông nghiệp với HTX Sao Mai tại TP. Trà Vinh. Chủ động được đầu vào, đầu ra, công việc còn lại là các thành viên HTX phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động ký kết với nông dân cung ứng vật tư, giống ớt, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Mỗi thành viên được phân công đảm nhận 1 tổ hợp tác trồng ớt, chịu trách nhiệm toàn bộ từ việc cung ứng vật tư, giống ớt, thu mua sản phẩm. Theo đó, thành viên nào vận động được nhiều nông dân tham gia sản xuất, cung ứng được nhiều vật tư nông nghiệp thì được hưởng nhiều khoản chiết khấu.Kể cả hộ nông dân nếu tổ chức được tổ sản xuất ký kết với HTX vẫn được hưởng quyền lợi như thành viên. Với phương thức làm ăn năng động nên 2 năm liền sản phẩm ớt chỉ thiên của HTX luôn đảm bảo ở mức 20 tấn/ngày để cung ứng cho các công ty. Nông dân trồng ớt bán cho HTX luôn đảm bảo lợi nhuận 50 triệu đồng/ha theo giá bao tiêu và khi giá ớt thị trường tăng cao thì mức lợi nhuận tăng theo.

Tạo được bước chuyển biến mới cho kinh tế tập thể, UBND tỉnh Trà Vinh đã đề ra kế hoạch trong giai đoạn 2016 – 2020, mỗi năm phấn đấu thành lập mới 40-50 tổ hợp tác, 8-10 HTX và phát triển tối thiểu 3 liên hiệp HTX. Đây là mục tiêu được tỉnh Trà Vinh xác định là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy nhanh chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn mới hiệu quả,bền vững./.


 Sơn Thị Hiệp

                    Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế - Hội LHPN tỉnh Trà Vinh

Các tin liên quan