Các chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng cho rằng, thanh khoản hệ thống vẫn đang khá tốt.
Từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11, một số NHTM đã điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động VND ở kỳ hạn ngắn. Đơn cử như NHTMCP Đông Á (DongABank) điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm VND đối với nhiều kỳ hạn với mức từ 0,2-0,5%, áp dụng từ ngày 28/10. Trước đó, Viet Capital Bank tăng lãi suất gửi tiền đồng thêm 0,2%/năm cho nhiều kỳ hạn. Techcombank cũng đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi tăng 0,2-0,4% đối với các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên...
Không chỉ có các NH bậc trung mà mới nhất, “ông lớn” VietinBank cũng vừa đưa ra biểu lãi suất huy động VND mới, trong đó lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 đến dưới 12 tháng được điều chỉnh tăng từ 0,2-0,5%... Vậy, động thái của việc nâng lãi suất huy động vào thời điểm “nhạy cảm” cuối năm này có phải do thanh khoản ở một số NH có vấn đề, hay do phản ứng tự nhiên của thị trường?
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia NH cho rằng, hiện nay về cơ bản thanh khoản của hệ thống NH vẫn được đảm bảo. Điều này được thể hiện qua tỷ lệ cho vay trên vốn huy động khoảng 82%, thấp hơn so với thời kỳ năm 2011 khoảng 103% và năm 2012 là 100%. Như vậy có thể thấy so với trước đây, tình hình thanh khoản hiện nay đã tốt lên.
Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thấp cũng cho thấy các NH biểu hiện còn dư địa nguồn vốn, khi NHNN cho phép các NHTM sử dụng 60% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn nhưng hiện nay các NHTM gần như không dùng hết tỷ lệ này.
Còn PGS-TS. Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, động thái điều chỉnh lãi suất huy động của một số NH vừa qua là bình thường, khi các NH cần nguồn vốn cho vay phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh cuối năm của DN.
Khẳng định thanh khoản thị trường của hệ thống đang khá tốt, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc NHTMCP Quốc tế (VIB) phân tích: Tăng trưởng tín dụng với tăng trưởng huy động vốn không chênh lệch lớn đến thời điểm này. Ông cũng đồng tình với phân tích của TS. Cấn Văn Lực rằng, chỉ số huy động vốn trên cho vay của toàn hệ thống chỉ hơn 80% nên có thể loại trừ khó khăn về thanh khoản. Bên cạnh đó, lãi suất thị trường liên ngân hàng cũng đang ở mức thấp.
Lãnh đạo một số NHTM cũng cho rằng, không phải cứ thấy điều chỉnh lãi suất huy động tăng là “quy đồng” thanh khoản hệ thống NH có vấn đề, mà đôi khi sự điều chỉnh này là theo tín hiệu thị trường thông thường, hoặc chiến lược kinh doanh của các NH. Bởi trong hoạt động NH có 5 yếu tố có thể dẫn tới việc điều chỉnh lãi suất huy động.
Thứ nhất là trạng thái của NH. Trong hoạt động, NH có thể huy động từ kỳ hạn qua đêm cho đến 20 hoặc 36 tháng, mỗi kỳ hạn có sự chênh lệch giữa huy động và cho vay. Ví dụ, vốn huy động chủ yếu ở kỳ hạn 3 tháng nhưng đa số các kỳ hạn cho vay 12 tháng, giới NH gọi là chênh lệch rủi ro giữa tài sản nợ và tài sản có, nên buộc các NH phải điều chỉnh lại để làm sao dòng tiền chảy vào được cân đối, hợp lý hơn.
Thứ hai là các NH phải quan sát đối thủ cạnh tranh trực diện của mình. Nếu NH có 10 đối thủ (cùng nhóm NH) thì NH phải xem xét các đối thủ chào lãi suất như thế nào. Thứ ba là chiến lược của NH, muốn huy động tăng hay là tăng cho vay lên. Thứ tư là điều chỉnh theo xu thế thị trường. Có nghĩa rằng, xu thế thị trường được dự báo lãi suất 3 tháng, 6 tháng tới như thế nào thì điều chỉnh lại đường cong lãi suất cho phù hợp. Cuối cùng là yếu tố thị trường mà NH phải xem xét lãi suất hiện nay cao quá hay thấp quá để cân đối, điều chỉnh cho hợp lý.
“Không phải một yếu tố đã khiến NH điều chỉnh lãi suất mà qua 5 yếu tố đó, mỗi yếu tố có trọng số nhất định, NH sẽ đưa ra để tính toán và điều chỉnh”, ông Lê Quang Trung lý giải và cho rằng, động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động lần này mang tính thị trường hơn.
Theo Quang Cảnh/TBNH
13.11.2024
30.10.2024