25.06.2018 07:00

Lãi suất huy động giảm

Tuần qua thị trường tiếp tục chứng kiến lãi suất huy động (LSHĐ) của nhiều NHTM được điều chỉnh. Không chỉ các NHTM Nhà nước mà cả các NHTMCP nhỏ cũng đã điều chỉnh giảm LSHĐ. 

 

Cập nhật đến ngày 22/6, LSHĐ kỳ hạn 1 tháng của các NHTM Nhà nước như Vietcombank, BIDV, VietinBank và NHTMCP lớn phổ biến ở mức 4,1% đến 4,6%/năm, kỳ hạn 3 tháng 4,6%/năm. Các kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng LSHĐ phổ biến từ 5,1% đến 6,4%/năm. LSHĐ cùng kỳ hạn ở các NHTMCP nhỏ thường nhỉnh hơn từ 0,1- 0,3% so với nhóm NHTM lớn.

So sánh với thống kê của NHNN từ báo cáo của các TCTD, tuần từ  ngày 4 đến 8/6/2018  LSHĐ của các TCTD kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là  4,3 - 5,5%/năm; 5,3% - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5% - 7,3%/năm. Những con số này cho thấy giảm LSHĐ đã trở thành xu hướng. 

Theo phân tích của các chuyên gia việc LSHĐ giảm có nhiều nguyên nhân như: những tháng qua tốc độ huy động vốn đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, tính đến thời điểm trung tuần tháng 6/2018 tín dụng đã tăng 6,16% so với cuối năm 2017. Trong khi đó, theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong 5 tháng đầu năm, huy động vốn bằng VND đã tăng 7,4% - cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ 2017.

Từ đầu năm đến nay vốn tạm thời nhàn rỗi của các TCTD khá dồi dào với mức dư thừa dự trữ bắt buộc gửi tại NHNN cao. Chính vì thế ngày càng có nhiều hơn NHTM điều chỉnh giảm LSHĐ để tiết giảm chi phí. Nhưng liệu việc NHTM giảm LSHĐ có khiến nguồn vốn huy động của ngân hàng sụt giảm trong thời gian tới?

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, tiết kiệm vẫn đang là lựa chọn hàng đầu của nhiều người dân. Bởi có thể thấy các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản đang tiềm ẩn khá nhiều rủi ro khi thị trường lên xuống thất thường với biên độ điều chỉnh khá mạnh. Vàng, tỷ giá lâu nay không còn hấp dẫn.

Và quan trọng nhất, theo nhận định của lãnh đạo một NHTM: Các ngân hàng đang có sự “đồng thuận” cao trong giảm LSHĐ lần này. Nếu như trước đây họ khá e dè trong điều chỉnh giảm LSHĐ vì sợ khách chạy sang ngân hàng khác, thì nay thị trường đã vào quy củ, không có chuyện tranh giành, cạnh tranh không lành mạnh. Do đó khi LSHĐ cả thị trường cùng lên, cùng xuống thì nguồn tiền gửi sẽ chủ yếu phụ thuộc vào thương hiệu, uy tín của một ngân hàng. Mặt khác, nhìn chung trên biểu LSHĐ của các ngân hàng, lãi suất kỳ hạn ngắn ngày càng “bỏ xa” kỳ hạn dài cho thấy chủ ý cơ cấu lại nguồn vốn của TCTD.

Việc LSHĐ giảm sẽ có thêm điều kiện để các TCTD giảm lãi suất cho vay theo định hướng của Chính phủ. Các chuyên gia dự báo nếu đà giảm LSHĐ mạnh hơn thì lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên sẽ giảm trước trong khi lãi suất cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro sẽ khó được điều chỉnh, bởi NHNN không khuyến khích cho vay đối với các lĩnh vực này.

Đối với khách hàng - những người chọn tiết kiệm là kênh đầu tư chắc chắn sẽ vẫn được đảm bảo mức lãi suất thực dương như lâu nay các TCTD vẫn duy trì cho dù thị trường có nhiều hay không biến động. Với những khách hàng có nguồn tiền nhàn rỗi lớn, trong thời hạn từ 6 tháng trở lên, khả năng chịu rủi ro thấp có thể chọn đầu tư vào trái phiếu DN. Hiện nhiều trái phiếu DN đang được các quỹ đầu tư mời chào với lãi suất hấp dẫn, lên đến 7%/năm cho chu kỳ đầu tư 6 tháng; 7,5%/năm chu kỳ 13 tháng; và trên 8,6%/năm nếu khách hàng đầu tư trong 24 tháng. Độ rủi ro thấp hơn nhiều so với đầu tư chứng khoán, lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm, trái phiếu doanh nghiệp được dự báo sẽ trở thành kênh đầu tư phổ biến hơn trong thời gian tới.  

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan