Sáng ngày 26/4/2016 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, ngành Ngân hàng đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 3.
Dự Lễ kỷ niệm có Đ/c Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Đ/c Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Đ/c Nguyễn Sinh Hùng - nguyên Chủ tịch Quốc hội, Đ/c Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo ngành Ngân hàng qua các thời kỳ, các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế…
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo tổ chức kỷ niệm 65 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam điều hành Lễ mít tinh
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: Ngày 06/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, tiền thân của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày nay. Đây là sự kiện đánh dấu sự khởi đầu của hệ thống tiền tệ quốc gia độc lập, mở ra một trang sử mới cho sự nghiệp xây dựng và phát triển vẻ vang và tự hào của ngành Ngân hàng Việt Nam.
Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc, kịp thời của Nhà nước và Chính phủ, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng Việt Nam đã nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức và cả những mất mát, hy sinh, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Chặng đường 65 năm qua, ngành Ngân hàng Việt Nam đã dày công xây dựng và từng bước phát triển các hoạt động tiền tệ, ngân hàng, tạo dựng nền tảng vững chắc và toàn diện cho sự phát triển nhanh và bền vững ở những giai đoạn tiếp theo. Đến nay, hệ thống ngân hàng đã phát triển theo hướng đa sở hữu và đã xây dựng được thể chế ngân hàng tương đối hoàn chỉnh, khuôn khổ pháp lý điều tiết hoạt động ngân hàng đã liên tục được hoàn thiện phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng ngày càng được nâng cao; chính sách tiền tệ ngày càng được hoàn thiện về lý luận và nhận thức, được tổ chức, hoạch định và điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống giám sát an toàn hoạt động ngân hàng ngày càng hoàn thiện đồng bộ hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng mở rộng và phát triển, góp phần thu hút các nguồn lực quốc tế để phát triển kinh tế đất nước và thúc đẩy quá trình tiếp cận với công nghệ, dịch vụ ngân hàng hiện đại và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng. Cùng với đó, mô hình ngân hàng một cấp trong thời kỳ quản lý kinh tế tập trung đã chuyển sang mô hình hai cấp. Trong đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và vai trò của Ngân hàng Nhà nước ngày càng được hoàn thiện và nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ và chỉ đạo hoạt động ngân hàng; hệ thống các tổ chức tín dụng được tái cơ cấu mạnh mẽ với quy mô ngày càng lớn và chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao, đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu sử dụng dịch vụ tiền tệ - ngân hàng của nền kinh tế và tiến gần hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Thống đốc NHNN cho biết, ngành Ngân hàng đã xây dựng các nội dung về tiền tệ, ngân hàng trong chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2016-2020. Hiện NHNN đang xây dựng Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trước mắt, trong giai đoạn 2016 – 2020, NHNN sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chặt chẽ nhằm ổn định giá trị đồng tiền; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động tiền tệ, ngân hàng, bảo đảm đồng bộ với hệ thống phát luật nói chung, phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế. Tiếp tục thực hiện toàn diện, sâu rộng hơn Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, Đề án xử lý nợ xấu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, bảo đảm an toàn hệ thống; tăng cường và mở rộng quan hệ quốc tế trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng. Thực hiện tốt vai trò đại diện và nâng cao vị thế của Việt Nam tại các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế; chủ động và tích cực tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế trong khu vực và trên thế giới.
Thống đốc NHNN nhấn mạnh, toàn ngành Ngân hàng tin tưởng rằng, với truyền thống vẻ vang, hào hùng và những thành quả quý giá đạt được trong 65 năm qua, cùng với tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng, sự năng động, sáng tạo, bản lĩnh vững vàng và sự gắn kết hệ thống chặt chẽ, thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng hôm nay sẽ tiếp bước các thế hệ cha anh tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và viết tiếp những trang sử đáng tự hào trên chặng đường phát triển và hội nhập, xứng đáng với niềm tin, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Ghi nhận những đóng góp của ngành Ngân hàng, trong 65 năm qua Đảng, Nhà nước đã trao tặng ngành Ngân hàng nhiều danh hiệu cao quý. Tại Lễ kỷ niệm này, thay mặt Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 3 cho ngành Ngân hàng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 3 cho ngành Ngân hàng
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tích và những đóng góp to lớn của ngành Ngân hàng đã đạt được trong suốt 65 năm qua. Trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, song hành cùng đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ và triển biển, ngành ngân hàng đã viết nên “Huyền thoại con đường tiền tệ” anh hùng, sáng tạo, quả cảm. Từ khi đất nước được thống nhất, ngành Ngân hàng luôn đóng vai trò là hệ thống huyết mạch cung cấp tín dụng cho nền kinh tế.
Những năm gần đây, ngành Ngân hàng tiếp tục đi tiên phong, không ngừng nỗ lực sáng tạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần kiểm soát lạm phát, điều hành linh hoạt lãi suất và tỉ giá, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý; đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu, từng bước thiết lập trật tự kỷ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo đảm an toàn hệ thống; tạo nền tảng phát triển bền vững thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương thành tích của ngành Ngân hàng
Tiếp bước truyền thống hào hùng của ngành Ngân hàng, Thủ tướng tin tưởng ngành Ngân hàng phát huy, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, chủ động, linh hoạt và sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao. Thủ tướng đã chỉ ra 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà ngành ngân hàng cần tập trung thực hiện tốt thời gian tới.
Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực và hiệu quả chỉ đạo điều hành. Theo dõi, dự báo sát tình hình kinh tế trong và ngoài nước. Điều hành linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách khác, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, ổn định thị trường ngoại tệ, giảm dần tiến tới chấm dứt tình trạng đô la hoá, tăng dự trữ ngoại hối.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu quyết liệt, hiệu quả theo lộ trình và nâng cao chất lượng tín dụng; Tập trung nâng cao năng lực tài chính, quản trị ngân hàng và hiệu quả hoạt động, chú trọng các biện pháp phòng ngừa và xử lý rủi ro của các tổ chức tín dụng, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, bảo đảm an toàn hệ thống. Tích cực thực hiện các giải pháp phát triển mạnh hệ thống thanh toán qua ngân hàng, hạn chế sử dụng tiền mặt, góp phần tăng cường minh bạch, phòng, chống tham nhũng, rửa tiền.
Ba là, tập trung làm tốt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá quy trình, hồ sơ, thủ tục vay vốn, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng vốn tín dụng hiệu quả. NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí, bảo đảm lãi suất cho vay phù hợp, tập trung vốn tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức đối thoại thường xuyên, thực chất với các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, khách hàng để cùng tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bốn là, tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) về xây dựng Đảng và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ ngành ngân hàng vững vàng về tư tưởng chính trị, có tư duy đổi mới, có phẩm chất, năng lực, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Đ/c Cao Sỹ Kiêm - Nguyên Thống đốc NHNN phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Đ/c Cao Sỹ Kiêm – Nguyên Thống đốc NHNN tin tưởng rằng các cán bộ, công chức viên chức ngành Ngân hàng hiện nay tiếp bước thế hệ cha anh tiếp tục đổi mới, xây dựng hệ thống ngân hàng theo hướng hiện đại, hội nhập với khu vực và quốc tế, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đóng góp tích cực hơn nữa vào công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.
Thay mặt thế hệ trẻ đang công tác trong ngành Ngân hàng, Đ/c Phan Hà Trang - Đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đang công tác tại Học viện Ngân hàng đã phát biểu thể hiện quyết tâm trong phấn đấu, học tập, rèn luyện, phát huy tính xung kích đi đầu trong mọi hoạt động, mọi lĩnh vực hoạt dộng ngân hàng, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành Ngân hàng, tiếp bước và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cao đẹp của ngành Ngân hàng trong 65 năm qua.
Theo NHNN Việt Nam
13.11.2024
30.10.2024