14.10.2014 06:52

Kon Tum - Nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Tín dụng nhân dân đáp ứng nhu cầu phát triển

Đến nay, toàn tỉnh có 5 QTDND, ở thành phố Kon Tum có 4 Quỹ và 1 Quỹ ở huyện Đăk Hà. Các QTDND trong tỉnh đã nỗ lực làm tốt công tác vận động, phổ biến chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác, về bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, khơi dậy tinh thần tương trợ cộng đồng thành viên làm kinh tế, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội, thực hiện xóa đói giảm nghèo trong cộng đồng dân cư. Đến thời điểm cuối năm 2013, số lượng thành viên tham gia lên đến 6.338 thành viên, dư nợ đạt 71 tỷ 182 triệu đồng, chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn. Các QTDND đã thực hiện nghiêm túc các qui định đã ban hành, nhất là trong việc thẩm định cho vay, xác định thời hạn cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh, lấy hiệu quả kinh tế, khả năng thu hồi vốn và khả năng trả nợ của người vay làm cơ sở để xét duyệt cho vay và thu nợ. Tích cực đẩy mạnh thu nợ đến hạn nhằm hạn chế nợ xấu ở mức thấp nhất. Đối với các khoản nợ xấu mới phát sinh xây dựng phương án thu hồi, đối với khoản nợ khó đòi, nợ không có khả năng thu hồi thì xác định rõ nguyên nhân để xử lý thông qua việc vận động, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái và kiên quyết thu hồi đầy đủ vốn. Tổ chức tốt việc kiểm tra, kiểm soát nội bộ, phát hiện sai sót nhằm uốn nắn kịp thời nên đến thời điểm hiện nay tỷ lệ nợ xấu rất thấp, chiếm 0,03% tổng dư nợ.
 
Được sự chỉ đạo, giám sát thường xuyên và quản lý sâu sát của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, các QTDND đi vào hoạt động ổn định thu hút được tiền vốn nhàn rỗi trong nhân dân và các thành phần kinh tế khác để đầu tư tại chỗ, phát triển sản xuất kinh doanh, mở mang ngành nghề, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, nạn bán lúa non, mì non trong nhân dân trên địa bàn. Các QTDND đã tích cực thực hiện phương châm huy động vốn tại chỗ, nhằm mục tiêu cho vay hỗ trợ cộng đồng thành viên, giúp đỡ các thành viên giải quyết khó khăn về vốn trong sản xuất kinh doanh và cải thiện thu nhập và đời sống. Các QTDND chủ yếu cho vay các nhu cầu vốn về phục vụ sản xuất nông nghiệp, thâm canh tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng và phát triển ngành nghề ở địa phương.
 
Địa bàn hoạt động của các QTDND nằm trong nội thị, vùng đông dân cư nên thuận lợi trong việc kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng, dễ thu hút tiền nhàn rỗi trong nhân dân, thủ tục vay vốn của các QTDND đơn giản, nhanh gọn, không gây phiền hà. Trong công tác huy động vốn, các QTDND đã tích cực, nhiệt tình vận động người có tiền nhàn rỗi tham gia gửi tiết kiệm để vừa có lợi cho bản thân, vừa giúp vốn cho cộng đồng thành viên có cơ hội được vay vốn sản xuất kinh doanh, mở rộng ngành nghề, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư trên địa bàn. Các QTDND chủ yếu cho vay nhỏ, lẻ phục vụ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh buôn bán nhỏ của hộ gia đình nên đa số thành viên khi có nhu cầu vay vốn luôn tin tưởng đến làm thủ tục vay tại QTDND, đồng thời, các hoạt động QTDND sát với dân, gần dân nên việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia thành viên, khuyến khích thành viên tham gia góp vốn và gửi tiền vào các QTDND để cho các thành viên khác có nhu cầu vốn được vay thuận lợi. Bởi vậy, bảo đảm hoạt động QTDND an toàn, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, duy trì sự liên kết chặt chẽ để hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng thành viên sản xuất, kinh doanh ổn định và phát triển bền vững.
 
Để đảm bảo an toàn cho hoạt động của mình trước mắt cũng như lâu dài, các QTDND tuân thủ theo đúng điều lệ hoạt động và phương án kinh doanh đã đề ra, chấp hành nghiêm túc các hệ số an toàn và qui chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước qui định, tham gia bảo hiểm tiền gửi, vừa có tác dụng thu hút tiền gửi, vừa làm cho người gửi tiền an tâm. Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn hoạt động làm chỗ dựa trong công tác tuyên truyền vận động, giải thích cho người dân hiểu rõ về thực chất hoạt động của QTDND, làm cho người dân có niềm tin, yên tâm gửi tiền và tham gia thành viên của QTDND. Trong hoạt động cần có sự linh hoạt, luôn tìm mọi biện pháp đơn giản về hồ sơ, thủ tục, mở rộng cho vay bằng tín chấp thông qua tổ, nhóm, mở rộng cho vay tiêu dùng đối với khách hàng có thu nhập ổn định với tinh thần thái độ phục vụ cởi mở, nhiệt tình, giải quyết nghiệp vụ nhanh gọn, thực hiện giảm lãi xuất linh hoạt, thích ứng, chủ động điều chỉnh lãi xuất cho vay phù hợp với thị trường. Đa dạng hóa các hình thức huy động, tăng cường mở rộng mạng lưới huy động vốn, tạo đủ nguồn cho vay kích thích sản xuất kinh doanh.
 
Thành lập thêm một số QTDND ở địa bàn các thị trấn, các xã vùng nông nghiệp, nông thôn nơi đông dân rất cần vốn cho sản xuất, kinh doanh phục vụ xây dựng nông thôn mới. Chú trọng việc thông tin, tuyên truyền đến người dân để hiểu rõ hơn về QTDND, mô hình kinh tế hợp tác trong thời kỳ hiện nay, mặt khác, các QTDND hoạt động cho vay chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nông thôn nên cần tận dụng những cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với hệ thống QTDND của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, góp phần xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng thành viên trên địa bàn, đóng góp phần mình vào việc phát triển kinh tế xã hội và tăng trưởng bền vững của tỉnh Kon Tum.

Trần Vĩnh

Các tin liên quan