Trong 6 tháng đầu năm 2020, dư nợ hầu như không tăng trưởng, thậm chí dư nợ tại các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) giảm mạnh trong khi tiền gửi từ các QTDND dồn về khi tín dụng bị ngưng trệ bởi dịch bệnh Covid-19. Những khó khăn này chỉ dịu bớt trong những tháng gần đây. “Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam vẫn gồng mình gánh vác, đảm bảo vai trò “ngân hàng của các QTDND”, thực hiện mục tiêu kép, vừa hỗ trợ QTDND hoạt động hiệu quả, vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và đảm bảo các chỉ tiêu an toàn”, ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cho biết.
Hỗ trợ QTDND là trọng tâm
Vai trò ngân hàng của các QTDND càng thêm đậm nét khi năm 2020 bị chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19 kéo dài, khiến kinh tế đình trệ, đầu tư giảm, xu hướng tiết kiệm tăng, dẫn đến đa số các QTDND thừa vốn. Số dư tiền gửi của QTDND tại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tăng cao, trong khi đó dư nợ cho vay QTDND giảm.
Bài toán sử dụng nguồn vốn sao cho hiệu quả, đảm bảo có lãi để có tiềm lực tài chính hỗ trợ lại các QTDND trở thành bức thiết hơn bao giờ hết. Trước bối cảnh đó, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã nỗ lực mở rộng cho vay doanh nghiệp và khách hàng cá nhân đồng thời đã điều hành lãi suất linh hoạt, mở rộng hạn mức giao dịch liên ngân hàng với các TCTD, đẩy mạnh giao dịch mua bán trái phiếu để tăng thanh khoản cho hệ thống cũng như gia tăng lợi nhuận.
Song hành với việc điều hòa nguồn vốn dư thừa từ các QTDND gửi về, trong năm, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã tận lực hỗ trợ các QTDND vượt qua khó khăn, mở rộng cho vay và cung ứng dịch vụ hỗ trợ thành viên. Đối với các QTDND hoạt động hiệu quả, có nhu cầu vay vốn vượt mức cho vay tối đa để hoạt động, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cũng đã hỗ trợ kịp thời. Một số QTDND có nhu cầu vay vốn nhưng chưa đảm bảo được điều kiện vay vốn, về tài sản đảm bảo cũng được Trụ sở sở chính Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tháo gỡ khó khăn.
Với một số QTDND bị kiểm soát đặc biệt và khó khăn trong hoạt động, có đơn đề nghị cũng được Trụ sở chính Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam điều chỉnh lãi suất cho vay, tạo điều kiện hoạt động an toàn hiệu quả, có khả năng phục hồi. Nhờ thế, đã có một số QTDND được NHNN quyết định dỡ bỏ kiểm soát đặc biệt.
Tăng cường vai trò hỗ trợ hệ thống
Vai trò hỗ trợ hệ thống còn có thể thấy qua hoạt động nghiệp vụ quản lý của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. Hàng tháng, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thực hiện giám sát hệ thống QTND thông qua hệ thống báo cáo Cf-Emis; bắt đầu từ tháng 10/2020 thông qua hệ thống quản lý thông tin báo cáo QTDND (PRMS) - là phần mềm được kết nối với kho dữ liệu của NHNN để giám sát đánh giá tình hình hoạt động và thực hiện các chỉ tiêu an toàn theo quy định của NHNN, từ đó có những cảnh báo, tư vấn lại cho các QTDND đảm bảo an toàn hoạt động.
Với công tác kiểm tra toàn diện QTDND theo yêu cầu NHNN, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã triển khai kế hoạch kiểm tra đến 11 Chi nhánh và 18 QTDND. Các kết quả kiểm tra đã được tổng hợp gửi Cơ quan thanh tra, cho thấy có một số tồn tại chung cơ bản nhưng không phát hiện sai phạm nghiêm trọng. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cũng đã đề nghị các QTDND được kiểm tra bổ sung chỉnh sửa văn bản, quy chế nội bộ.
Cùng với đó, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã cử 34 cán bộ cốt cán từ các Chi nhánh đến đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, thủ quỹ tại một số QTDND đang được giám sát đặc biệt để vừa giám sát, vừa giúp các đơn vị xử lý những tồn tại đảm bảo ổn định, chấn chỉnh lại hoạt động.
Cùng với việc mở rộng và nâng cao công tác tín dụng, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cũng đã tập trung thực hiện đề án cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu. Cho đến nay, tỷ lệ nợ xấu đạt đã về dưới 2% tổng dư nợ.
Để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đề nghị: “Các Chi nhánh cần vượt qua khó khăn, nỗ lực vượt bậc, chạy đua với thời gian để thực hiện chỉ tiêu đã đặt ra. Đặc biệt trong bối cảnh khó lường đoán của dịch bệnh, với dự báo khó khăn trước mắt còn nhiều, các Chi nhánh phải cố gắng ở mức cao nhất. Ngay cả những Chi nhánh đã hoàn thành kế hoạch rồi cũng cần phải nỗ lực hơn nữa gánh vác, góp phần thực hiện chỉ tiêu chung hệ thống”.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh: đây cũng là thời điểm tốt để bàn về những việc cần triển khai sắp tới, tạo nền tảng tốt nhất cho hoạt động của hệ thống Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và hệ thống QTDND đang đứng trước yêu cầu và nhiệm vụ với nhiều thời cơ - thuận lợi, khó khăn - thách thức đan xen. Công tác tái cơ cấu đang chuyển sang giai đoạn mới với yêu cầu cao hơn, ngày càng đi vào chiều sâu, với mức độ khó khăn phức tạp lớn hơn. Trong bối cảnh đó, toàn bộ hệ thống Ngân hàng Hợp tác xã cần quyết liệt đổi mới từ suy nghĩ, phương pháp quản trị điều hành đến hoạt động theo yêu cầu mới trong tình hình hiện nay.
Trong đó, để thực hiện công tác tái cơ cấu Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam cũng như làm tốt hơn vai trò ngân hàng của các QTDND, ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh 3 mục tiêu mà Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cần tiếp tục triển khai là: Hoàn thiện hành lang pháp lý giữa Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam với QTDND và hệ thống quy trình nội bộ; Nâng cao năng lực tài chính, vốn và quản trị điều hành làm tốt vai trò ngân hàng đầu mối và là công cụ hữu hiệu của NHNN trong hỗ trợ hoạt động cho hệ thống QTDND; Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các cấp. Đây là vấn đề cần có những bàn tính cụ thể cho hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam trong 3 - 5 năm tới, đặc biệt là trong chiến lược kế hoạch hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam trong nhiệm kỳ tới.
Thời gian tới, các phòng ban và đơn vị cần có tổng kết khái quát lại quá trình tái cơ cấu và đánh giá hoạt động mức độ cao hơn, từ đó định ra hướng đi tiếp theo vừa an toàn phát triển vừa phải cân bằng các mục tiêu theo tôn chỉ mục đích hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. Đồng thời, cần thống nhất cách làm, nâng cao hiệu quả của Quỹ đảm bảo an toàn hệ thống QTDND với vai trò là một công cụ hỗ trợ cho QTDND khi khó khăn; Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát các QTDND về sử dụng vốn, phát huy vai trò là công cụ quản lý của NHNN đối với hệ thống QTDND. Cùng với đó là yêu cầu đầu tư công nghệ thông tin, nâng cao năng lực sử dụng công nghệ của toàn thể cán bộ nhân viên để triển khai các sản phẩm dịch vụ mới hỗ trợ QTDND cũng như tăng vai trò liên kết hệ thống…
Ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Phụ trách điều hành Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam trao tặng Giấy khen đã có nhiều đóng góp hỗ trợ hoạt động QTDND
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Phụ trách điều hành Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam trao tặng Giấy khen cho các tập thể, cá nhân đã có nhiều đóng góp hỗ trợ hoạt động QTDND
Ban lãnh đạo Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam tặng thưởng cho các Chi nhánh xuất sắc của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam
Ban lãnh đạo Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam trao thưởng cho các Chi nhánh tham dự và đoạt giải “Sáng tạo Video clip bài tập thể dục giữa giờ trong công nhân, viên chức, lao động”
Theo Website NHHT13.11.2024
30.10.2024