15.01.2018 07:00

Khuôn khổ chính sách tiền tệ nào của Việt Nam trong trong tương lai

Một điều ai cũng phải thừa nhận rằng, chính sách tiền tệ (CSTT) là một công cụ quản lý kinh tế vĩ mô, vì vậy trong bất cứ bối cảnh nào chính sách tiền tệ cũng theo đuổi mục tiêu chung là ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với bản chất là công cụ quản lý vĩ mô linh hoạt, chính sách tiền tệ theo đuổi thực hiện nhiều mục tiêu. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong quá trình thực thi chính sách tiền tệ đã đưa ra 6 mục tiêu cơ bản của chính sách tiền tệ[1] là: (i) Tăng trưởng kinh tế, (ii) Ổn định giá cả, (iii) Công ăn việc làm cao, (iv) Ổn định lãi suất; (v) Ổn định thị trường ngoại hối; và (vi) Ổn định thị trường tài chính. Sáu mục tiêu này chứa đựng những nguyên lý cơ bản của tiền tệ tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế. Do vậy, mặc dù thị trường tài chính tiền tệ, tình hình kinh tế có trải qua những bước thăng trầm, cơ chế tiền tệ và tỷ giá có nhiều thay đổi, mà sự thay đổi lớn nhất là hệ thống Bretton Woods sụp đổ, nhưng mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ về cơ bản không thay đổi.

Thực tế cũng cho thấy, tùy theo tình hình cụ thể các Quốc gia đã lựa chọn khung chính sách tiền tệ phù hợp với bối cảnh lúc đó nhằm đạt được mục tiêu mong muốn. Quĩ Tiền tệ quốc tế IMF đã tổng kết sau sụp đổ hệ thống Bretton Woods, là có 3 khung CSTT được hầu hết các NHTW sử dụng, đó là khuôn khổ CSTT kiểm soát khối lượng; khuôn khổ CSTT kiểm soát giá (lãi suất hoặc tỷ giá) và khuôn  khổ CSTT lạm phát mục tiêu. Điểm đáng chú ý ở đây là những nước áp dụng khuôn khổ CSTT kiểm soát khối lượng là những nước có thị trường tài chính kém phát triển, đi kèm với khuôn khổ này là các công cụ tiến tệ trực tiếp, như hạn mức tín dụng, kiểm soát trần sàn lãi suất..; những nước có thị trường phát triển, chủ yếu là những nước phát triển thường áp dụng khuôn khổ CSTT kiểm soát giá và sử dụng công cụ tiền tệ gián tiếp, chủ yếu là công cụ lãi suất áp dụng nguyên tắc Taylor để xác định lãi suất chủ đạo của NHTW. Tuy nhiên trong những thập kỷ 70-90 lạm phát cao là mối đe dọa của các quốc gia, trong hầu hết các nền kinh tế tiên tiến, ngân hàng trung ương hoạt động theo một chiến lược phù hợp với cách tiếp cận lý thuyết lạm phát mục tiêu linh hoạt và nhằm đạt được lạm phát thấp, hoặc ổn định giá cả, như một mục tiêu chính, một số nước đã thiết lập một khuôn khổ CSTT mới đó là khuôn khổ CSTT lạm phát mục tiêu, với việc sử dụng lãi suất ngắn hạn như là một cụ chính để đạt được mục tiêu. Bắt đầu là New Zealand áp dụng khuôn khổ này từ năm 1989, tiếp đó là gần 30 nước áp dụng khuôn khổ này. Kết quả cho thấy các quốc gia áp dụng khuôn khổ lạm pháp mục tiêu tỷ lệ lạm pháp đã giảm đáng kể từ mức trung bình 9,2% xuống còn 3,2%. Điều quan trọng là lạm pháp giảm đi kèm với sự giảm biến động lạm phát và ổn định được kỳ vọng lạm phát. Cũng trong giai đoạn này cũng không ít quốc gia không áp dụng khuôn khổ CSTT lạm phát mục tiêu nhưng lạm pháp cũng vẫn suy giảm hơn trước đó.

Chính vì vậy, khi khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu năm  2007- 2008 xảy ra, nhiều học giả đã phê phán khuôn khổ chính sách này, họ cho rằng các ngân hàng trung ương đã  tập trung quá mức vào sự ổn định của lạm phát và ít quan tâm đến sự phát triển tài chính, chẳng hạn như sự gia tăng nhanh chóng của giá nhà hoặc sự gia tăng tỷ số đòn bẩy của các định chế tài chính trước khủng hoảng tài chính. Đặc biệt, sau gần mười năm phục hồi kinh tế sau khủng khoảng, NHTW Mỹ Fed, ngân hàng TW châu âu đã khằng định được vai trò quan trọng của CSTT trong việc hỗ trợ quá trình phục hồi đó. Thông qua sự kết hợp của việc cắt giảm lãi suất và mở rộng của bảng cân đối kế toán của NHTW, một số ngân hàng trung ương áp dụng chính sách lãi suất âm để phục hồi kinh tế. NHTW Châu Âu (ECB) và Fed đã  cung cấp mức độ cần thiết các gói kích thích tiền tệ để ngăn chặn một cuộc suy thoái sâu hơn, thậm chí có tính chu kỳ và để ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ giảm phát. Việc tiếp tục kích thích tiền tệ như vậy vẫn là quan trọng để đảm bảo một sự điều chỉnh bền vững của quá trình kiểm soát lạm phát với mức độ phù hợp đảm bảo mục tiêu ổn định giá cả của khu vực ECB và của nước Mỹ.

Từ thực tế đó, các nền kinh tế tiên tiến, nhiều nhà bình luận đã bắt đầu thảo luận về việc ngân hàng trung ương cuối cùng sẽ trở lại hiện trạng trước khủng hoảng, hoặc cho dù nhiều công cụ sáng tạo lắp ráp để ứng phó với cuộc khủng hoảng sẽ là một tính năng vĩnh viễn hoặc thậm chí cho dù khuôn khổ chính sách tiền tệ cần trải qua một cuộc đại tu lớn.Vì vậy, vấn đề đang được các học giả trên thế giới đang tranh luận hiện nay là:

 (i) những gì nên là mục tiêu CSTT của Ngân hàng Trung ương;

 (ii) các công cụ nào họ nên sử dụng để đạt được mục tiêu đó.

Trong bài giảng của Victor Constancio, Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu tại Instituto Superior de Economia e Gestão, Lisbon, ngày 25 tháng 5 năm 2017 về Tương lai của các khuôn khổ chính sách tiền tệ, sau hàng loạt những lập luận, cuối cùng ông đã đưa ra kết luận cho tương lai của CSTT, đó là chính sách tiền tệ sẽ cố gắng duy trì khuôn khổ chính sách lạm phát mục tiêu linh hoạt, đi cùng với các chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng. Điều này có nghĩa là sự trở lại của bảng cân đối kế toàn và lãi suất sẽ là những công cụ chính của CSTT, tuy nhiên vẫn cần có các công cụ khác cho các tình huống ít thường xuyên hơn. Ông tin tưởng rằng một chiến lược lạm phát mục tiêu linh hoạt này có thể giữ vai trò trung tâm cho bất kỳ khuôn khổ chính sách tiền tệ trong tương lai.

Tuy nhiên, một trong những bài học từ cuộc khủng hoảng là cần phải có những cơ chế tốt hơn để giảm thiểu rủi ro về ổn định tài chính, các ngân hàng trung ương cần có nhiều công cụ vĩ mô để bổ sung cho bộ công cụ chính sách của họ. Trong tương lai, khi đã đạt được sự thống nhất bền vững với mục tiêu lạm phát của chúng ta, việc quản lý lãi suất ngắn hạn một lần nữa trở thành công cụ chính của chính sách tiền tệ. Song chính sách lãi suất này cần có sự tính toán thận trọng, nhất là khi sử dụng chính sách lãi suất âm hoặc chính sách lãi suất bằng 0 cần phải xét tới giới hạn dưới, cái gọi là Effective Lower Bound (ELB) đề đảm bảo hiệu quả cao nhất của CSTT. Một số nghiên cứu cũng đã khẳng định, khi công cụ lãi suất ở giới  hạn dưới, thì công cụ truyền thông có vai trò hỗ trợ quan trọng để đảm bảo hiệu quả của CSTT.

Đối với Việt Nam thì sao?

Bắt đầu từ năm 1992, CSTT mới bắt đầu hình thành ở Việt Nam, trong giai đoạn này Việt nam đang trong thời kỳ lạm phát cao, kinh tế tăng trưởng thấp (giai đoạn cuối của thời kỳ lạm phát siêu mã), nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi. CSTT lúc này tập trung cao vào kiểm soát lạm phát cho đến năm 1996. Để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, nguyên tắc điều hành  đầu tiên của NHNN lúc đó là kiềm chế khối lượng tiền tăng thêm hàng năm, đặc biệt là chấm dứt hẳn cung ứng tiền cho mục tiêu bù đắp thâm hụt ngân sách, qua việc kiểm soát mức tăng tiền cơ sở MB. Nguyên tắc này được xây dựng dựa trên sự nhận thức lúc đó là ổn định tiền tệ là tiền đề cho sự phát triển trong nền kinh tế lạm phát cao. Công cụ lúc đó được sử dụng là dự trữ bắt buộc để  kiểm soát mức tăng MB. Chính sách lãi suất lúc này của của NHNN là chính sách lãi suất thực dương và qui định cụ thể mức lãi suất cho vay và lãi suất huy động cho các NHTM. Đến năm 1996 chuyển sang qui định trần lãi suất cho vay, lãi suất huy động được tự do hóa.

Có thể nói trong giai đoạn này, CSTT tuy mới sơ khai nhưng mục tiêu điều hành là hướng vào hạn chế những nguyên nhân gây lạm phát, tạo nhân tố thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, chẳng hạn như hướng nguồn vốn tín dụng vào các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, đi kèm với những giải pháp cung tiền cho mục tiêu tín dụng là việc cải tổ, chuyển đổi mô hình hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi phương thức quản lý từ kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường có định hướng của Nhà nước. Chính vì vậy mà siêu lạm phát bị đẩy lùi, tăng trưởng kinh tế được phục hồi. Cụ thể là lạm phát đã được kiềm chế xuống mức 17,5%, năm 1992 thấp hơn nhiều so với mức lạm phát năm 1991 và những năm trước đó; năm 1993 lạm phát tiếp tục xuống mức 5,2%, năm 1994 là 14,4%, năm 1995 là 12,7%, năm 1996 là 4,5%. Đồng thời tăng trưởng kinh tế đạt mức cao năm 1992 là 8,7%, các năm tương ứng là 8.1% , 8.8% , 9.5% , 9.3% .

Cuộc khủng hoảng kinh tê Châu Á năm 1997-1998, mặc dù nền kinh tế Việt Nam lúc đó mức độ hội nhập còn thấp, song chịu ảnh hưởng không nhỏ. Thị trường tiền tệ biến động mạnh, nhất là tỷ giá, lạm phát có xu hướng giảm nhưng mức độ biến động còn cao (năm 1997 lạm phát 3,6%, năm 1998 lạm phát 9,2%, năm 1999 lạm phát 0,1%), hệ thống ngân hàng có dấu hiệu bất ổn, nợ đọng cao. Do vậy, CSTT lúc này ngoài việc vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu kiểm soát lạm phát thì tập trung vào bình ổn tỷ giá, bình ổn thị trường tiền và ổn định hệ thống ngân hàng. NHNN đã sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc để thực hiện cơ cấu một số ngân hàng thương mại yếu kém và đã đạt được kết quả mong muốn.

Dưới tác động của khủng hoảng, nền kinh tế Việt Nam năm 1999 bước vào suy thoái, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 4,8% và lạm phát chỉ ở mức 0,1% và lạm phát ở mức dưới 5% kéo dài đến năm 2003; thị trường tiền tệ tương đối ổn định, hệ thống các TCTD trên đà phát triển, chính vì vậy trong giai đoạn từ 1999-2003, CSTT lúc này tập trung chủ yếu vào phục hồi kinh tế, nhiều gói kích cầu được thực hiện, tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh. Công cụ chủ yếu lúc này được NHNN sử dụng  để điều tiết cung tiền là công công cụ dự trữ bắt buộc. NHNN đã giảm mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc để tăng cung tiền. Đồng thời đây là điều kiện thuận lợi để NHNN thực hiện đổi mới các công cụ CSTT, như đổi mới điều hành cơ chế tỷ giá, từng bước thực hiện tự hoa hòa lãi suất, hình thành công cụ nghiệp vụ thị trường mở.

Tuy nhiên thực tế đã chứng minh, những động thái chính sách của NHNN trong giai đoạn này cùng với các chính sách kích cầu đầu tư khác, nhất là chính sách tài khóa, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề trước mắt, chủ quan với mức lạm phát thấp, mà nguyên nhân thấp chủ yếu là do giá lương thực và thực phẩm, giá dầu thấp. Chính vì vậy, khi giá lương thực thực phẩm tăng cao và sự biến động mạnh của giá dầu thế giới từ năm 2004, thì hậu quả của cung tiền và kích cầu đầu tư kém hiệu quả tạo cú huých làm giá tăng lạm phát  bắt đầu từ cuối năm 2004 đạt 9,5% ( năm 2003 là 3,6%) và đạt đỉnh điểm 19,98% năm 2008.

 

Trong khi kinh tế lạm phát đang có xu hướng tăng, thì Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Điều này  gây ra những cộng hưởng bất lợi khó lường: Việt Nam gia nhập WTO ký kết năm 2006 và chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2007 đã thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào mạnh làm tăng khối lượng tiền trong nền kinh tế, tăng nguồn vốn đầu tư tín dụng của các NHTM, VNĐ lên giá. Chính sách tiền tệ lúc này tập trung vào kiểm soát lạm phát, nhưng các động thái chính sách đã không có tác động làm giảm cung tiền, lượng tiền mua ngoại tệ lớn để VNĐ không lên giá quá cao ảnh hưởng đến xuất khẩu, nhưng mức độ trung hòa hóa dòng tiền thấp, nên các NHTM huy động được nhiều tiền nên hạ thấp điều kiện vay vốn, dẫn đến tăng trưởng tín dụng tăng cao, hiệu quả thấp. Trong tình hình này, mặc dù NHNN áp dụng công cụ hạn mức tín dụng, nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng vượt quá cao so với mục tiêu đặt ra. Tiếp đến là khủng hoảng kinh tế thế giới  năm 2008 xẩy ra, tác động trước hết đến giảm dòng vốn ngân hàng, nhất là nguồn ngoại tệ làm cho tỷ giá tăng vọt (VNĐ mất giá), trong khi đó tín dụng vẫn tăng trưởng mạnh. Lúc này NHNN hạn chế cung tiền để hạn chế tăng trưởng tín dụng, cùng với việc bán dự trữ ngoại tệ để ổn định tỷ giá dẫn đến thanh khoản hệ thống ngân hàng bị de dọa, các NHTM đua nhau tăng lãi suất đề đảm bảo thanh khoản. Thị trường tiền tệ, thị trường vàng bất ổn. Thêm vào đó các doanh nghiệp do khủng hoảng làm ăn thua lỗ không trả nợ được ngân hàng, nợ xấu tăng cao, đẩy hệ thống ngân hàng lúc này đứng trên bờ vực thẳm.

 Có thể nói động thái CSTT trong giai đoạn khủng  hoảng ( 2008-2011) là : (i) cùng một lúc theo đuổi nhiều mục tiêu, vừa kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bằng các gói khích cầu (năm 2009 khi tăng trưởng thấp), lại thiếu triệt để; (ii) Các công cụ CSTT còn ít, nhưng quan trọng hơn, là chưa phân định rõ chức năng của từng công cụ, dẫn đến việc phối hợp các công cụ CSTT đôi khi còn lúng túng, và tính hiệu quả của từng công cụ còn hạn chế,  chẳng hạn như  việc xác định mức lãi suất TCV, lãi suất cho vay qua đêm còn mang nặng tính cảm tính; nghiệp vụ thị trường mở xác định vốn khả dụng còn thiếu nhiều thông tin…; tỷ giá vừa được coi là công cụ vừa là mục tiêu điều hành…;(iii) trong điều hành bị động, chạy theo xử lý những vấn đề trước mắt, chưa thấy được độ trễ của tác động chính sách.Với bản chất của CSTT là tác động trễ đến các biến kinh tế vĩ mô, do vậy để đảm bảo kiểm soát lạm phát có hiệu quả, sát với mục tiêu, ngoài việc phân tích và đánh giá các yếu tố về chính trị, xã hội, thì vấn đề tối quan trọng là các nhà hoạch định và thực thi CSTT phải nắm bắt, dự báo được các nhân tố kinh tế tác động đến lạm phát những tháng tiếp theo phù hợp với độ trễ tác động của những thay đổi CSTT, song trên thực tế điều này không được coi trọng.

Chính vì, mà tác động của CSTT cùng với sự thiếu đồng bộ của các chính sách kinh tế vĩ mô khác đã làm trầm trọng thêm những ảnh hưởng  bất lợi của khủng hoảng, lạm phát tiếp tăng cao năm 2011 ở mức 18,13%, kinh tế chưa có dấu hiệu phục hồi, thị trường tiền tệ, thị trường vàng vẫn bất ổn, thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp, hàng hóa tồn kho ở mức cao, sức mua của dân chúng giảm, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường vốn ảm đảm và hoạt động của hệ thống ngân hàng - trung gian tài chính trọng yếu trong nền kinh tế phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn, nhiều doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất, dừng hoạt động hoặc giải thể.

Trước thực trạng như vậy, từ cuối năm 2011 đến nay CSTT đã có sự chuyển hướng căn bản từ bị động sang chủ động, kiên trì theo đuổi mục tiêu kiểm chế lạm coi là mục tiêu hàng đầu. Đồng thời cũng hỗ trợ tích cực chống suy giảm kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp đến là ổn định cho được thị trường tiền tệ: giảm mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, chấm dứt tình trạng thiếu thanh khoản trên thị trường; củng cố tính lành mạnh của hệ thống ngân hàng, từng bước hạn chế tình trạng đôla hóa.Trong điều hành chính sách tiền tệ có tính quyết liệt cao để đạt được mục tiêu, các công cụ CSTT được phối hợp sử dụng đồng bộ, phát huy tính hiệu quả của từng công cụ trong những bối cách cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề cấp cách và  những vấn đề mang tính lâu dài. Chẳng hạn như để giải quyết vấn đề cấp bách NHNN đã phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT, trong đó thực hiện hạn mức tín dụng cùng với việc hạ thấp mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự chênh lệch giữa lãi suất VNĐ và lãi suất USD, thiết lập lại kỷ luật thị trường tiền tệ  thực sự đã mang lại những hiệu ứng tích cực, trước hết là đến thanh khoản hệ thông, thị trường tiền tệ, ổn định tỷ giá,  kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Điều đáng nói ở đây, là NHNN đã nhận thức được tầm quan trọng về tác động trễ của chính sách, nên đã quan tâm phát triển công tác dự báo thị trường, dự báo diễn biến kinh tế vĩ mô, trước hết là thiết lập được hệ thông tin thị trường cập nhật, nâng cao năng lực dự báo của cán bộ và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để phục vụ công tác dự báo. Bên cạnh, để giải quyết những bất cập trong giai đoạn khủng hoảng, NHNN đã sử dụng  công cụ truyền thông, minh bạch hóa chính sách từng bước tạo lập lại lòng tin thị trường.

Kết quả, lạm phát đã được kiểm soát có xu hướng giảm đần từ năm 2011 đến nay, lạm phát trung bình đến năm 2017 so với cùng kỳ ở mức thấp 3.53%; tăng trưởng kinh tế bắt đầu phục hồi, năm 2017 đạt mức tăng trưởng 6,85%. Đặc biệt là thị trường tiền tệ, thị trường vàng  ổn định, nhất là tỷ giá, NHNN mua được một lượng lớn dự trữ ngoại tệ mức kỷ lục 54,5 tỷ USD vào 10/1/2018, lãi suất thị trường giảm mạnh so với năm 2011; hệ thống ngân hàng về cơ bản khắc phục được những bất cập của thời kỳ khủng hoảng: thanh khoản hệ thống trong tầm kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu được giảm thấp, qui mô vốn tăng cao, năng lực quan trị điều hành được nâng lên đáng kể…

Từ những kết quả đạt được như vậy, cho thấy sự chuyển đổi khuôn khổ chính sách tiền tệ trong giai đoạn này là phù hợp với tình hình kinh tế và diễn biến thị trường tài chính trong nước và quốc tế nên đã phát huy hiệu quả. Đó là khuôn khổ chính sách chủ động, kiên trì theo đuổi mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm trong trung và dài hạn gắn với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và lành mạnh hệ thống ngân hàng. Cơ chế điều hành linh hoạt, chủ động, phối hợp hiệu quả các công cụ CSTT truyền thống đi kèm với các công cụ đặc thù gắn với việc lành mạnh hóa các TCTD, qua đó thúc đẩy hơn tính hiệu quả của CSTT.   

Khuôn khổ CSTT nào cho Việt Nam trong tương lai?      

Từ bản chất của CSTT, những  khuôn khổ CSTT được các nước trên thế giới áp dụng trong nhiều thập kỷ qua, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng và hậu khủng hoảng 2008 vừa qua, trong đó có Việt Nam cho thấy, không có một khuôn khổ CSTT nào tối ưu một quốc gia ở tất cả các giai đoạn, mà khuôn khổ CSTT tối ưu chỉ có được khi quốc gia đó phát huy tối đa bản chất của CSTT áp dụng vào những điều kiện cụ thể của tình hình trong nước. Quá trình điều hành CSTT từ khi đổi mới đến nay, như đề cập phần trên đã thấy được, CSTT của Việt Nam cũng đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau, cũng có lúc thành công, cũng có lúc thất bại. Bài học thành công trong giai đoạn từ  năm 2011 đến nay là cơ sở quan trọng cho việc thiết lập một khuôn khổ CSTT hiệu quả cho Việt Nam trong tương lai.

Thực tế đó cho thấy, Chiến lược chính sách tiền tệ tối ưu cho Việt Nam trong tương lai là cần  đạt được những yếu tố cơ bản sau:

- (i) lựa chọn đúng mục tiêu theo đuổi, trong đó phải coi mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm luôn là mục tiêu trung hạn mà CSTT cần được ưu tiên theo đuổi;

- (ii)  Cùng với nó là cơ chế vận hành các công cụ CSTT linh hoạt, đồng bộ, sáng tạo, phát huy tối đa tính hiệu quả của từng công cụ. Sử dụng truyền thông về các giải pháp CSTT như là một công cụ hỗ trợ quan trọng khi mà các công cụ truyền thống dư địa hoạt động kém hiệu quả, chẳng hạn như chính sách lãi suất dưới mức ELB ;

(iii) quan trọng là tạo dựng kênh truyển tải CSTT với sự phản ứng nhanh kịp thời của thị trường, theo đó thiết lập kỷ luật thị trường nghiêm ngặt và củng cố tính lành mạnh, hiệu quả của các định chế tài chính luôn là mục tiêu song hành trong quá trình vận hành CSTT và;

(iv) sự phối hợp đồng bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô là điều tối cần thiết trong quá trình vận hành  CSTT.

Ngoài ra, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng vào thị trường tài chính quốc tế, trong khi mức độ phát triển thị trường tiền tệ của Việt Nam còn thấp so với quốc tế, thị trường còn phản ứng chưa nhanh nhạy với những động thái CSTT và CS kinh tế vĩ mô như thị trường quốc tế. Vì vậy khuôn khổ CSTT của Việt Nam trong tương lai, ngoài việc phải đạt được những yếu tố cơ bản trên, thì cần phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các công cụ CSTT, xây dựng mô hình xác định mức lãi suất chính sách hiệu quả, xây dựng hệ thống thông tin thị trường nhằm giảm đến mức thấp nhất bất đối xứng về thông tin, nâng cao năng lực dự báo, luôn đảm  “looking forward” trong điều hành CSTT.

Thay cho lời kết, vì những diễn biến khó lương của thị trường trong tương lai, vì thế  chúng ta không nên cố gắng để dự đoán những gì xa hơn trong tương lai có thể mang lại. Các ngân hàng trung ương cần phải mở ra nhiều cách giải quyết những thách thức trong tương lai, khi mà kiến trúc hệ thống tài chính phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến, có thể vượt qua công nghệ 4.0 hiện nay, và đừng cho rằng khủng hoảng sẽ không xảy ra nữa. Như Voltaire nói: "Chúng ta không nên xúc phạm tương lai bằng cách cố gắng để tiên đoán nó".


[1]Federic S.Miskin (1995): Ngân hàng và thị trường tài chính.

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh

Các tin liên quan