12.07.2016 12:51

Khai mạc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long 2016

Ngày 11/7/2016, tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh Hậu Giang, các bộ, ngành Trung ương, UBND Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức tổ chức lễ khai mạc Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (MDEC) 2016 với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững“.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Vương Đình Huệ đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng tại Lễ khai mạc Diễn đàn MDEC. Tham dự Lễ khai mạc còn có các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Tây Bắc, Tây Nguyên, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL; Tổng Lãnh sự các nước Hàn Quốc, Lào, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Hoa, Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc; các tổ chức hiệp hội quốc tế, cùng đông đảo doanh nghiệp và dân cư trên địa bàn Hậu Giang và các tỉnh ĐBSCL.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Lễ khai mạc Diễn đàn MDEC

 Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nêu bật ĐBSCL là một trong những vùng đồng bằng màu mỡ và có sản lượng lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đứng đầu Việt Nam khi chiếm 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây, đóng góp trên 95% lượng gạo xuất khẩu và 65% sản lượng cá xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, do đặc thù địa lý, ĐBSCL là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, khô hạn, xâm nhập mặn và nước biển dâng đã gây nên những thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản cũng như đời sống và sinh kế của người dân trong vùng.

Trong bối cảnh đó, với tầm nhìn “An toàn, Trù phú và Bền vững” làm trọng tâm, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Đảng và chính quyền các tỉnh trong vùng đã và đang hướng tới các giải pháp tổng hợp, vừa mang tính cấp bách cũng như những chiến lược lâu dài, có tính chất liên vùng, liên ngành để hội nhập quốc tế, thích ứng biến đổi khí hậu. Qua Diễn đàn này, Phó Thủ tướng mong muốn, các doanh nghiệp, các nhà tài trợ và các địa phương sẽ tìm ra những cơ hội tốt để hợp tác đầu tư; Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL có chính sách, biện pháp hỗ trợ thiết thực các nhà đầu tư phù hợp với chính sách chung và điều kiện thực tế của địa phương; Làm tốt cải cách hành chính, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam tới năm 2020. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và nỗ lực của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ban Tổ chưc diễn đàn, các Bộ, ban ngành và địa phương trong việc tổ chức Diễn đàn với nội dung phong phú và thiết thực.

Phó Thủ tướng Chính phủ hy vọng các đại biểu tham dự Diễn đàn sẽ thảo luận sôi nổi, thực chất, sát thực tiễn để có nhiều kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, các địa phương trong vùng để hoàn thiện khung cơ chế chính sách, hành động ngay không chậm trễ vì mục tiêu “phát triển an toàn, trù phú và bền vững” cho ĐBSCL.

Diễn đàn MDEC 2016 sẽ diễn ra từ ngày 11-15/7/2016 tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang với nhiều sự kiện, hội thảo khoa học nhằm tập trung giải quyết các vấn đề khó khăn đang đặt ra của vùng như: Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn; hỗ trợ đổi mới khoa học công nghệ ứng dụng vào hoạt động sản xuất - kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp; thảo luận và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho doanh nghiệp, nông dân vùng ĐBSCL chủ động gia nhập và phát triển bền vững. Thông qua Diễn đàn, tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng, đẩy mạnh hợp tác, đầu tư; kết nối cung cầu và quảng bá, tiềm năng thế mạnh của vùng, tiến tới thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL được tổ chức thường niên nhằm tăng cường hợp tác, liên kết giữa các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL; Tăng cường hợp tác kinh tế, xây dựng các chương trình hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong vùng với nhau, với các tỉnh, thành phố trong cả nước và với các Bộ, ngành Trung ương; Khai thác có hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có của từng địa phương và vùng, đem lại sự tăng trưởng bền vững. Các hoạt động thiết thực của MDEC cũng đã góp phần tăng cường hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

Từ Diễn đàn này, nhiều sáng kiến, đề xuất được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, cụ thể hóa thành các chủ trương, chính sách, định hướng phát triển cho vùng ĐBSCL. Các Bộ, ngành, địa phương đã rất chú trọng đến việc đưa ra các giải pháp, chính sách chung và đặc thù để hỗ trợ vùng ĐBSCL phát triển. Năm 2015, NHNN đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 55/ 2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó những điểm mới của chính sách sẽ tạo bước đột phá trong đầu tư tín dụng phục vụ quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Bên cạnh chính sách tín dụng chung, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Vùng. Gần đây nhất, để kịp thời ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ngày 09/3/2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn và khôi phục sản xuất tại các tỉnh ĐBSCL. Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng đã tập trung nguồn lực, tích cực triển khai hoạt động tín dụng đầu tư cho khu vực ĐBSCL. Tính đến cuối tháng 6/2016, dư nợ tín dụng vùng ĐBSCL đạt gần 400.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Trước khi diễn ra Lễ khai mạc Diễn đàn MDEC, ngày 11/7/2016, tại thành phố Cần Thơ, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng và Quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam ông Achim Fock đã ký hiệp định cho các khoản vay và tín dụng trị giá 560 triệu USD hỗ trợ Dự án “Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị” và Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long”, kịp thời bổ sung cho nguồn lực trong nước để triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ nhằm giảm thiểu tác động bất lợi của biến đổi khí hậu; đảm bảo sản xuất bền vững; giải quyết những khó khăn trước mắt và lâu dài của vùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của khu vực ĐBSCL.

Thông qua Diễn đàn, công tác an sinh xã hội cũng được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Qua các kỳ MDEC, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương vận động, chăm lo cho công tác an sinh xã hội vùng ĐBSCL. Ngành Ngân hàng luôn đi đầu trong công tác này. Tính từ năm 2001 đến 2016, toàn ngành Ngân hàng đã tài trợ an sinh xã hội cho vùng ĐBSCL số tiền hơn 2.700 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm đến nay, số tiền do ngành Ngân hàng và thành phố Hà Nội hỗ trợ, 13 tỉnh thành ĐBSCL vận động được, đã đạt được 927 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội. Trong đó, các tỉnh ĐBSCL vận động được hơn 638 tỷ đồng; Thành phố Hà Nội hỗ trợ 19 tỷ đồng; TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 13 tỷ đồng; Ngành Ngân hàng hỗ trợ 257 tỷ đồng để xây dựng 07 trường học, 03 trạm y tế, 2046 căn nhà tình nghĩa và nhiều chương trình khác như học bổng, thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong sự kiện này, ngành Ngân hàng đã giúp tỉnh Hậu Giang xây dựng Trường mẫu giáo Tuổi Thơ, tại thị trấn Ngã Sáu, Huyện Châu Thành, trị giá 10 tỷ đồng.

 

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trao tượng trưng kinh phí ASXH của ngành Ngân hàng dành cho vùng ĐBSCL

 

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trao tượng trưng kinh phí xây dựng Trường mẫu giáo Tuổi Thơ, Thị trấn Ngã Sáu, Huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang

Cũng tại Lễ khai mạc, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã trao bảng vàng vinh danh các đơn vị, các doanh nghiệp tiêu biểu có đóng góp tích cực trong công tác ASXH cho vùng ĐBSCL, trong đó một số ngân hàng tiêu biểu như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Kiên Long, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam.

 

Các tổ chức, doanh nghiệp nhận Bảng vàng vinh danh tại Lễ khai mạc MDEC 2016

Trong khuôn khổ Diễn đàn MDEC – Hậu Giang 2016, sẽ diễn ra các hoạt động và hội thảo chính như Lễ khai mạc MDEC - Hậu Giang 2016 (20h00 ngày 11/7); Hội nghị Đồng bằng sông Cửu Long - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững (ngày 12/7); Hội thảo về hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL(ngày 12/7); Diễn đàn Doanh nghiệp vùng ĐBSCL năm 2016 (ngày 13/7); Hội thảo về các giải pháp kiểm soát mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL; Hội thảo Hỗ trợ và thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; Hội nghị Ban Chỉ đạo và bế mạc MDEC - Hậu Giang 2016; các sự kiện kết hợp do các Bộ, Ngành và tỉnh Hậu Giang tổ chức.

Hội thảo hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL sẽ tập trung thảo luận và trao đổi xoay quanh các nội dung: Đánh giá chính sách tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL; Vấn đề quy hoạch vùng, liên kết vùng, miền, địa phương gắn với phân bổ nguồn lực, cơ cấu đầu tư tín dụng cho vùng ĐBSCL; Đánh giá nhu cầu tín dụng cho các chương trình chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL nhằm đối phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng; Liên kết sản xuất trong nông nghiệp và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam; Kiến nghị cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh dòng vốn tín dụng ngân hàng khuyến khích đầu tư, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cải thiện an sinh xã hội tại các tỉnh ĐBSCL.

VMH

Các tin liên quan

Hiệp hội quỹ tín dụng nhân dân việt nam

Vietnam Association of people's Credit Funds

@Bản quyền thuộc về Hiệp hội Quỹ tín dụng Nhân dân Việt Nam

Giấy phép số 109/GP-BC-BVHTT ngày 28/04/2006

Ghi rõ nguồn vapcf.org.vn khi phát hành lại thông tin từ website này!