23.06.2020 07:00

Hội thảo khoa học Phát triển bền vững hệ thống QTDND

Ngày 21/6/2020, Học viện Ngân hàng Phân viện Phú Yên phối hợp với Hiệp hội QTDND Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển bền vững Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân”. Chủ trì Hội thảo là PGS.TS. Đào Minh Phúc - Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng; Đồng chủ trì hội thảo là TS. Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Tổng thư ký Hiệp hội QTDND Việt Nam và Ông Trần Bùi Quốc Tuệ - Giám đốc HVNH, Phân viện Phú Yên. Với ý nghĩa hết sức cần thiết và quan trọng đối với hệ thống QTDND, Hội thảo thu hút sự quan tâm và tham dự của đại diện Lãnh đạo NHNN chi nhánh các tỉnh: Phú Yên, An Giang, Nam định, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Bình Thuận và đại diện lãnh đạo các Phòng, Ban, đơn vị thuộc HVNH, Phân viện Phú Yên cùng sự góp mặt của gần 30 đại biểu là lãnh đạo các QTDND đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

 

PGS.TS. Đào Minh Phúc - Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng chủ trì tại Hội thảo  

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Đào Minh Phúc khẳng định với sự góp mặt của đại diện một số NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Hiệp hội QTDND và các QTDND tiêu biểu cho hơn 1000 QTDND trên cả nước, Hội thảo sẽ ghi nhận được những ý kiến đóng góp hữu ích cho hoạt động của hệ thống dưới góc độ của các nhà quản lý, của đơn vị đầu mối liên kết cũng như những chia sẻ kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động của các nhà điều hành QTDND. Tại Hội thảo, ông Phúc cũng nhận xét và đánh giá cao vai trò quan trọng của QTDND đóng góp vào sự phát triển nông nghiệp nông thôn ở nước ta với quy mô 1.183 QTDND hoạt động trên 57 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, ông cho rằng thực trạng hoạt động của QTDND vẫn tồn tại một số quỹ hoạt động chưa lành mạnh và có sai phạm. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý phải đưa ra những cơ chế chính sách phù hợp để điều chỉnh hoạt động, tháo gỡ khó khăn và ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn để đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống. Bên cạnh đó, ông cũng nêu lên vai trò quan trọng của các tổ chức đầu mối liên kết đối với hoạt động của hệ thống QTDND đặc biệt trong hoạt động quản lý, hỗ trợ của Ngân hàng HTX đối với thành viên và công tác kết nối hệ thống, hỗ trợ hội viên của Hiệp hội. Ông tin tưởng rằng nhng tham luận và ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ phần nào trả lời những vấn đề đặt ra và đưa ra những giải pháp, đề xuất hữu ích cho sự phát triển bền vững của hệ thống QTDND.

Trong phần tham luận được trình bày tại Hội thảo của các Giảng viên HVNH, Phân viện Phú Yên, các đại biểu được lắng nghe những nhận định và cảnh báo về sự mất an toàn trong hoạt động của QTDND hay nói cách khác là những vấn đề được coi là then chốt và khóa an toàn trong hoạt động QTDND cùng với những đề xuất giải pháp giảm thiểu sự mất an toàn trong hoạt động. Một hướng đi mới cho hoạt động của QTDND với tham luận “Cho vay khẩn cấp dành cho người thu nhập thấp tại QTDND - Công cụ hỗ trợ thoát nghèo bền vững” mang ý nghĩa giảm thiểu rủi ro hoặc có thể coi là một tấm đệm để chống đỡ rủi ro mỗi khi có tác động không mong muốn xảy đến với khách hàng thành viên. Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, đại diện các QTDND cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích trong công tác quản lý, điều hành hoạt động cũng như phát triển sản phẩm, dịch vụ tại các QTDND. Kinh nghiệm rất ý nghĩa và thiết thực của một đại diện lãnh đạo QTDND chia sẻ đó là bên cạnh công tác điều hành hoạt động quỹ phải đảm bảo luôn bám sát tôn chỉ hoạt động theo đúng quy định và hướng dẫn của cơ quan quản lý thì cần coi trọng yếu tố đạo đức nghề nghiệp thì hoạt động của QTDND mới tồn tại và phát triển bền vững.

Tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh - Phó Tổng thư ký Hiệp hội đề cập về vấn đề làm thế nào để nâng cao tiếp cận tài chính ngân hàng với người dân, chia sẻ những ý nghĩa to lớn của việc phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam. Bà khẳng định vai trò hết sức quan trọng của hệ thống QTDND trong việc giúp người dân nghèo vùng sâu, vùng xa tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng - điều mà hệ thống NHTM khó có thể thực hiện được. Theo bà Thanh, vấn đề đặt ra ở đây chính là QTDND phải làm gì để đứng vững trong hệ thống tài chính Việt Nam. Bà cho rằng yêu cầu đặt ra đối với một tổ chức muốn hoạt động tốt thì cần có chiến lược phát triển và có tầm nhìn dài hạn. Bên cạnh đó, Bà cũng cho rằng những chính sách phù hợp với thực tiễn từ phía cơ quan quản lý; sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN với các tổ chức đầu mối là NHHT, Hiệp hội QTDND Việt Nam; sự gắn kết, hỗ trợ giữa các tổ chức đầu mối với hệ thống QTDND cũng như giữa các QTDND với nhau hay sự tương trợ của QTDND đối với thành viên… là những yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững của hệ thống QTDND.

Phát biểu tại Hội thảo, dù dưới góc độ nhà quản lý hay với góc độ quan điểm cá nhân, đại diện NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố đều cho rằng cần có những đề xuất và giải pháp phù hợp để hoạt động của QTDND đảm bảo tính an toàn và bền vững. Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra cơ chế phù hợp để phát triển hệ thống QTDND. Song song với đó, vai trò của NHHT và Hiệp hội QTDND cần được tăng cường và thể hiện rõ nét hơn qua công tác hỗ trợ cho hoạt động của hệ thống. Đối với bản thân các QTDND, các nhà quản lý cho rằng để hạn chế rủi ro, QTDND cần nhìn về tương lai và tính bền vững để đánh giá và nhìn nhận đúng đắn về hoạt động của mình; chú trọng công tác quản trị điều hành, ban hành quy chế quy trình nội bộ và phổ biến đầy đủ tới CBNV, chăm lo đào tạo nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật… QTDND thực hiện tốt những điều này cũng chính là chia sẻ và giảm bớt áp lực trong công tác quản lý hoạt động QTDND đối với các nhà quản lý. Bên cạnh đó, đại diện các nhà quản lý mong muốn NHHT sẽ ngày càng phát huy mạnh mẽ vai trò của mình để trở thành “Ngân hàng Trung ương” của hệ thống QTDND. Đặc biệt đối với công tác đào tạo cán bộ, đại diện NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố đề nghị Hiệp hội QTDND phối hợp với Học viện Ngân hàng tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn những nghiệp vụ mà các Quỹ hiện nay còn thiếu và yếu để đem lại những kiến thức cần thiết và hỗ trợ hiệu quả trong hoạt động của QTDND. Đại diện cơ quan quản lý cũng khẳng định, đối với một số bất cập của văn bản chính sách của cơ quan quản lý, NHNN chi nhánh sẽ có ý kiến cùng Hiệp hội QTDND đề xuất với NHNN Trung ương để có thể đưa ra những văn bản chính sách phù hợp, tháo gỡ phần nào khó khăn trong hoạt động của các quỹ.

Phát biểu bế mạc Hội thảo khoa học, với tư cách là người đứng đầu của Học viện Ngân hàng, đơn vị phối hợp và hỗ trợ tích cực cho Hiệp hội QTDND trong các hoạt động đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ hệ thống QTDND, PGS.TS. Đào Minh Phúc một lần nữa đánh giá cao và khẳng định ý nghĩa to lớn của những thông tin, kiến thức cũng như những kinh nghiệm của các nhà quản lý NHNN, các nhà khoa học và các nhà điều hành QTDND được chia sẻ tại Hội thảo. Liên quan đến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ hệ thống, Ông Phúc nhấn mạnh trong thời gian tới, công tác tổ chức các khóa đào tạo thiết thực sẽ hướng đến đối tượng nguồn của QTDND. Ông cũng chia sẻ, việc thay đổi cơ cấu tổ chức NHNN tuy đã có nhiều thay đổi trong hoạt động quản lý của QTDND nhưng thông qua các tổ chức đầu mối liên kết hệ thống là NHHT và Hiệp hội QTDND Việt Nam, những khó khăn vướng mắc của hệ thống QTDND sẽ được tổng hợp gửi Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng III - Cơ quan quản lý, giám sát trực tiếp hoạt động của hệ thống QTDND để đề xuất, kiến nghị cơ quan quản lý các cấp xem xét và tháo gỡ dần những khó khăn trong hoạt động của quỹ hướng tới hoạt động của hệ thống QTDND luôn đi đúng hướng, hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững.

Bảo An

Các tin liên quan