28.09.2014 07:00

Hội thảo chuyên đề Quản trị rủi ro 2014

Ngày 26/9/2014, tại Hà Nội Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG tổ chức Hội thảo chuyên đề “Quản trị rủi ro 2014”. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Phước Thanh đã tới dự và phát biểu tại Hội thảo. Tham dự hội thảo có các nhà quản lý, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và quản trị rủi ro.



Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh phát biểu tại Hội thảo


Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho biết: Hiện nay ngành Ngân hàng đã có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động đối với quản trị rủi ro và đang triển khai thí điểm áp dụng các tiêu chuẩn của Basell II đối với 10 ngân hàng trong đó có Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, ... tiến tới áp dụng các quy định Basel II trong toàn hệ thống trong vòng 5 năm tới. Mặc dù, hiện còn có một số khó khăn trong quá trình triển khai như khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu nguồn nhân lực, hoặc cơ sở dữ liệu và hệ thống công nghệ thông tin còn bất cập nhưng đây là quyết tâm rất lớn của ngành Ngân hàng. Mục tiêu cơ bản của hoạt động này nhằm tăng cường năng lực của hệ thống ngân hàng để đối phó với các cú sốc về tài chính và kinh tế, đồng thời tăng cường khả năng quản trị rủi ro và nâng cao tính minh bạch của hoạt động ngân hàng.

Ngân hàng là trung gian tài chính, có tính liên kết hệ thống cao. Trong quá trình hoạt động các ngân hàng luôn phải đối phó với các loại rủi ro khác nhau như rủi ro lãi suất, tín dụng, thanh khoản, rủi ro hoạt động, ... Có một số quan điểm cho rằng, “công việc kinh doanh của ngân hàng là chấp nhận và quản trị rủi ro”; “quản trị rủi ro phải là một quá trình tính toán trước, chứ không phải là trốn tránh rủi ro”. Và thực tế hoạt động ngân hàng đang đặt ra một yêu cầu cấp bách đối với các tất cả các ngân hàng và TCTD, đó là phải quản lý được rủi ro để nâng cao năng lực hoạt động và phát triển bền vững.

Tại cuộc hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược NHNN cho biết, để quản lý rủi ro có chất lượng và hiệu quả cần có một bộ máy quản trị thống nhất, đi đôi với chiến lược quản trị rủi ro phù hợp với chiến lược phát triển của tổ chức. Khuôn khổ chính sách quản trị rủi ro phải được xây dựng một cách khoa học, toàn diện, có hệ thống hỗ trợ cho việc nhận dạng, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro.

Bên cạnh đó, ông Pierre Gaudin, Giám đốc cấp cao khối giải pháp quản trị rủi ro doanh nghiệp khu vực Châu Á – Thái Bình dương, Công ty Moody’s Analytics thì cho rằng cơ sở dữ liệu và thông tin có chất lượng, cùng với cách tiếp cận nhất quán về quản trị rủi ro là những yếu tố rất quan trọng để có một hệ thống quản lý rủi ro hiệu quả. Ông cũng phân tích thêm các yêu cầu của Basel II, III ảnh hưởng như thế nào đến luồng dữ liệu và cơ sở hạ tầng của quản trị rủi ro.

Về dữ liệu phục vụ công tác quản trị rủi ro, ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng Giám đốc Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) cho biết với kinh nghiệm 15 năm hoạt động trong lĩnh vực thông tin tín dụng, hiện nay CIC có thể cung cấp thông tin hỗ trợ các ngân hàng trong suốt chu kỳ tín dụng kể từ khâu chiến lược khách hàng, ra quyết định, giám sát sau cho vay và thu hồi, xử lý nợ. Trong thời gian tới CIC có định hướng xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia đầy đủ, thống nhất, tích hợp phản ánh được chính xác, đầy đủ, kịp thời dữ liệu về hoạt động của các đơn vị trong và ngoài ngành, tiến tới xây dựng các sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Cũng trong cuộc hội thảo, các chuyên gia và các đại biểu tham dự đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn về quản trị rủi ro tại các ngân hàng và tổ chức tín dụng, về xu hướng rủi ro công nghệ thông tin và ảnh hưởng của nó đối với các tổ chức tài chính.

Có thể nói, quản trị rủi ro ngày càng được quan tâm và tăng cường ở các ngân hàng trên thế giới trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế mạnh mẽ cùng với những biến đổi nhanh chóng và khó lường đoán ở cả trong và ngoài nước, quản trị rủi ro vừa là yêu cầu khách quan vừa là đòi hỏi nội tại của mỗi ngân hàng. Cuộc hội thảo đã cập nhật thông tin về thực trạng quản lý rủi ro hiện nay tại Việt Nam và các kinh nghiệm triển khai thực tiễn đồng thời đưa ra một số giải pháp, công cụ quản trị rủi ro giúp các ngân hàng, các TCTD đối mặt hiệu quả hơn với các rủi ro, thách thức đang hiện hữu và tiềm ẩn trong hoạt động.


VMH/SBV

Các tin liên quan