03.08.2017 11:15

Hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Đề án cơ cấu lại QTDND gắn với...

Ngày 2/8/2017 tại Hà Đông, Hà Nội NHNN Chi nhánh Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Đề án cơ cấu lại Quỹ tín dụng nhân dân gắn với xử lý nợ xấu trên địa bàn.

 

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội phát biểu khai mạc Hội nghị

Đến dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số Vụ, Cục NHNN Việt Nam; đại diện một số sở ban ngành của Hà Nội, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam Chi nhánh Hà Nội; Ban Lãnh đạo NHNN Chi nhánh và các phòng ban liên quan; cùng toàn thể Chủ tịch, Giám đốc QTDND trên địa bàn. Hội nghị tập trung quán triệt tới toàn thể Chủ tịch, Giám đốc QTDND nắm rõ tinh thần Nghị quyết 42, từ đó các QTDND biết tận dụng lợi thế để tái cơ cấu cho giai đoạn 2016-2020, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, thực hiện công cuộc xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội cho biết, Nghị quyết 42 tạo thuận lợi cho ngành Ngân hàng trong việc thực hiện tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Trong 4 năm qua, việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng đã thu được nhiều kết quả, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, còn tồn tại lượng lớn tài sản đảm bảo chưa được xử lý. “Nếu khơi thông được nguồn vốn, giải quyết được tài sản đang chôn vùi ở nợ xấu này thì chúng ta sẽ có nguồn lực lớn đưa vào lưu thông, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, có điều kiện tốt để giảm lãi suất”, ông Tuấn nói.

Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội cho rằng, một loạt những văn bản và chỉ đạo của Chính phủ đã thể hiện tính quyết liệt, sự vào cuộc rất tích cực của Chính phủ trong triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội. Ngay sau đó, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 06 chỉ đạo các đơn vị, vụ, cục, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng, trong đó có hệ thống QTDND triển khai một số nhiệm vụ thực hiện tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu. Thống đốc cũng ban hành Quyết định 1533 về kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng, đưa ra lộ trình, giải pháp cụ thể triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 (Đề án 1058).

Tại Hội nghị, ông Phạm Văn Vũ, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội đã trình bày một số nội dung cơ bản về Nghị quyết 42 cũng như Đề án 1058, trong đó có đề cập tới một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu. Có thể nói tới như việc theo Luật Đất đai hiện nay chỉ cho phép tổ chức tín dụng nhận bảo đảm quyền sử dụng đất còn tài sản gắn liền trên đất thì chưa. Nhiều TCTD, trong đó có các QTDND xử lý vấn đề này còn rất nhiều vướng mắc. Ông Vũ cũng cho biết, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng. Nếu nợ xấu không được xử lý triệt để sẽ gây khó trong việc khơi thông dòng chảy tín dụng, doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận vốn, ảnh hưởng phát triển kinh tế.

 

 Các đại biểu dự Hội nghị

Tham luận tại Hội nghị, nhiều ý kiến của các Chủ tịch, Giám đốc QTDND đã đưa ra để cùng tìm ra giải pháp tháo gỡ, giúp cho việc hoạt động của các QTDND thực chất và hiệu quả nhất. Các ý kiến cho rằng, để Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Chính phủ đạt kết quả cao, NHNN và các bộ, ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong việc xử lý các vấn đề liên quan tới các TCTD, quan tâm hơn nữa đến hoạt động của các TCTD nói chung, đặc biệt là hệ thống QTDND nói riêng. Bên cạnh đó, NHNN cùng các cơ quan liên quan sớm ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời, quan tâm hơn tới công tác đào tạo cho cán bộ, nhân viên các QTDND nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc, giúp cho các QTDND hoạt động ngày càng an toàn, ổn định và bền vững.

Nhiều Chủ tịch và Giám đốc QTDND cũng đồng tình với việc NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội yêu cầu mỗi QTDND tiếp tục xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng trong việc cơ cấu các mặt hoạt động của đơn vị mình cụ thể theo thời gian và định kỳ báo cáo về NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội là thực sự cần thiết.

Ông Trương Anh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát hệ thống ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng có ý kiến: Các QTDND cần nâng cao năng lực quản trị, cân đối danh mục đầu tư để tránh trường hợp quá tập trung vào một ngành, nghề hoặc phân khúc nào đó. Đồng thời tăng cường vai trò ban kiểm soát và kiểm toán nội bộ, phải có tính độc lập tương đối với ban điều hành thì mới có hiệu lực.

Trên địa bàn TP. Hà Nội có 98 QTDND, sau quá trình tái cơ cấu và chấn chỉnh hoạt động giai đoạn 2011-2016 chất lượng hoạt động đã có sự chuyển biến khá tốt và có sự tăng trưởng đều qua các năm. 

Theo SBV

Các tin liên quan