22.06.2006 15:42

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà nội tiếp cận với nguồn vốn Ngân hàng nhằm phát triển sản xuất kinh doanh

1. Thực trạng phát triển và những đóng góp của các Doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với nền kinh tế xã hội của đất nước nói chung và Thủ đô nói riêng:
 
Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta rất đa dạng nhưng phần lớn là doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân, có quy mô hoạt động nhỏ cả về vốn, lực lượng lao động; ra đời và phát triển nhanh trong những năm đổi mới, thể hiện sự phát triển đa dạng của các thành phần kinh tế đúng với chủ trương phát triển một nền kinh tế thị trường của Đảng, Nhà nước.
 
Doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước ta phát triển rất nhanh bao gồm cả ở các thành phố, thị xã và nông thôn nhưng chiếm số đông vốn là ở khu vực nông thôn. HIện nay cả nước đã có khoảng 100.000 Doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi trước năm 2000, cả nước mới có 45.000 Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra cũng phải kể tới nhiều cơ sở kinh doanh có những đặc trưng của Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm khoảng 60.000 trang trại nông nghiệp, khoảng 6.000 hợp tác xã kiểu mới ở nông thôn, gần 1.000 Quỹ tín dụng nhân dân... Riêng trên địa bàn Hà nội có 14.404 Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng trên địa bàn thành phố và các huyện ngoại thành, trong đó doanh nghiệp nhà nước chiếm 7,4%, còn lại là các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, các làng nghề, trang trại nông nghiệp và hợp tác xã kiểu mới.
 
Về hoạt động, tuy quy mô nhỏ nhưng các Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có những đóng góp quan trọng cho phát triển nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta. Vai trò của loại hình doanh nghiệp này trong nền kinh tế được thể hiện trên một số mặt cụ thể sau:
 
Một là, huy động được nguồn vốn đáng kể trong xã hội, thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, với mức vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp là 1,5 tỷ đồng, với lực lượng trên 100.000 Doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổng vốn đăng ký lên tới khoảng 150 ngàn tỷ đồng, trong đó trên địa bàn Hà nội tổng vốn kinh doanh là khoảng 10.478 tỷ đồng, bình quân mỗi doanh nghiệp là 1,285 tỷ đồng nhưng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ chiếm 28,8% trên tổng nguồn vốn hoạt động, số vốn còn lại cho hoạt động của các doanh nghiệp này là phải huy động từ các nguồn trong xã hội. Về vốn lưu động đầu tư cho hoạt động còn lớn hơn nhiều, gấp khoảng 3 lần so với vốn đăng ký, ước tính khoảng trên 300.000 tỷ đồng.
 
Trong những năm qua, số vốn Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đóng góp hàng năm khoảng 15.000 tỷ đồng để phát triển kinh tế, chiếm tỷ trọng trên 10% vốn đầu tư của toàn xã hội, trong đó đầu tư khu vực tư nhân chiếm 31,1% tổng đầu tư toàn thành phố. Hàng năm nộp ngân sách khoảng 460 tỷ đồng.
 
Khu vực Doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế không những trong nông nghiệp mà trong toàn bộ nền kinh tế. Khu vực này đã đóng góp khoảng 26% GDP của nền kinh tế và tạo ra 31% giá trị sản xuất công nghiệp. Đặc biệt ở một số địa phương, Doanh nghiệp nhỏ và vừa của các làng nghề ở nhiều xã, phường đã tạo ra giá trị sản lượng tiểu thủ công nghiệp từ 150-250 tỷ đồng/ năm, chiếm tới trên 90% GDP của các xã đó.
 
Hai là, đóng góp đáng kể cho kim ngạch xuất khẩu. Các Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta không chỉ sản xuất hàng hoá, tham gia thị trường trong nước mà còn trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu. Nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lâm thuỷ sản, may mặc, tiêu dùng có giá trị cao của các Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tham gia tích cực vào thị trường xuất khẩu; có nhiều doanh nghiệp tuy không sản xuất nhưng thông qua mạng lưới khai thác cũng đã tham gia trực tiếp vào hoạt động này. Chỉ tính riêng hàng thủ công mỹ nghệ và hàng lâm sản mà phần lớn do Doanh nghiệp nhỏ và vừa làm ra đã đem lại kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh trong những năm qua, năm 2002 cả nước ước tính đạt khoảng 700 triệu USD. Đáng chú ý là đã có nhiều làng nghề hàng năm, kim ngạch xuất khẩu khá lớn như Bát Tràng xuất khẩu 10 triệu USD, La Phù (Hà Tây) xuất khẩu 15 triệu USD...
 
Ba là, hàng vạn doanh nghiệp tư nhân và các cơ sở tiểu thủ công nghiệp đã thu hút hơn 10 triệu lao động có việc làm, chiếm khoảng 27% lực lượng lao động đang làm trong các ngành kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân, với thu nhập khoảng 500-700 ngàn đồng/ tháng. Năm 2002, số lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp ngoài quốc doanh của Hà nội lên tới 34.700 người, đáp ứng 60-70% nhu cầu việc làm hàng năm của thành phố. Đây là một đóng góp tích cực, có ý nghĩa xã hội to lớn của các Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Như chúng ta biết với đặc điểm hoạt động có quy mô nhỏ, nhiều doanh nghiệp sản xuất có tính chất sử dụng nhiều lao động thủ công, các nghệ nhân, hoặc lao động giản đơn, vì vậy đã thu hút tận dụng được rất nhiều lực lượng lao động nhàn rỗi, tạo ra nhiều việc làm mới cho những người chưa có cơ hội, điều kiện được đào tạo cơ bản, góp phần giảm tải sức ép về thiếu việc làm ở nhiều vùng nông thôn, thành thị.
 
Xuất phát từ một nước nông nghiệp sản xuất hàng hoá nhỏ, đang phấn đấu xây dựng một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó có nền nông nghiệp hàng hoá lớn, phát triển bền vững, có sức cạnh tranh cao trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn tất yếu phải dựa vào sự phát triển của những vùng sản xuất hàng hoá tập trung, chuyên canh, dựa vào những hộ nông dân sản xuất hàng hoá có quy mô kinh doanh ngày càng lớn ở mức hợp lý để ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, đủ sức cạnh tranh quốc tế. Số hộ nông nghiệp, người làm nông nghiệp ngày càng giảm đi, lao động dư thừa của nông thôn dịch chuyển sang khu vực phi nông nghiệp là xu thế tất yếu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhưng nếu lao động trong nông nghiệp giảm dần mà không tìm kiếm được việc làm, thì quá trình hiện đại hoá nông nghiệp lại tạo ra lực lượng lao động thất nghiệp trong nông thôn, nông dân mất đất, mất việc làm, lâm vào khó khăn; do vậy số lao động tách khỏi nông nghiệp tập trung vào đô thị lớn để tìm kiếm việc làm cũng gia tăng hơn, dẫn đến việc tạo ra sức ép lớn cho các đô thị, làm nảy sinh nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, môi trường. Lợi thế của Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn nói chung, ở ngoại thành Hà nội nói riêng là với số vốn không lớn, không những đã góp phần tạo đầu ra về nguyên liệu từ nông nghiệp, nâng cao giá trị của nông sản hàng hoá, đồng thời sử dụng lao động dôi dư từ nông nghiệp, để họ có ngay việc làm tại địa bàn, đem lại lợi ích kép về xã hội, đó là: vừa không để xảy ra tình trạng mất việc làm, vừa tạo ra nhiều đô thị nhỏ, kiềm chế tình trạng lao động nông thôn đổ xô về đô thị. Sự phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã góp phần làm hài hoà các mối quan hệ giữa nông nghiệp và công nghiệp, giữa người làm nông nghiệp và người làm phi nông nghiệp, giữa ngoại thành và nội thành, góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô của đất nước.

Từ thực tiễn hoạt động và những đóng góp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho nền kinh tế đất nước nói chung, kinh tế Thủ đô nói riêng trong thời gian qua, chúng ta thấy rõ xu hướng phát triển ngày càng lớn mạnh của loại hình doanh nghiệp này. Với những lợi thế vốn hoạt động nhỏ, quy mô kinh doanh không lớn, lao động nhàn rỗi nhiều, năm 1999 chỉ có 4.449 doanh nghiệp nhưng đến năm 2002 đã lên tới 14.404 doanh nghiệp với tổng vốn là 16.840 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2001, Hà nội có thêm 4.100 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 4.200 tỷ đồng. Cùng với số lượng tăng lên thì cơ cấu loại hình thành phần kinh tế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có sự thay đổi đáng kể: loại hình doanh nghiệp nhà nước giảm, các doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung chi phối các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, số còn lại phải sắp xếp lại, một số có xu thế chuyển sang loại hình Công ty cổ phần hoặc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Bên cạnh đó là các doanh nghiệp dân doanh phát triển mạnh, trong đó hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần là chủ yếu.

Trong nền kinh tế thị trường với cơ chế hoạt động linh hoạt, sự cạnh tranh khốc liệt đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược kinh doanh cụ thể, hợp lý và đúng pháp luật. Để đứng vững và phát triển, doanh nghiệp phải cụ thể hoá chiến lược nhân sự, chiến lược khách hàng, chiến lược sản phẩm, như: tuyển chọn cán bộ có năng lực, trình độ, nhanh nhẹn, có khả năng giao tiếp; tổ chức chương trình khuyến mại giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng; nâng cao công nghệ kỹ thuật, tìm kiếm mở rộng thị trường sản phẩm đầu vào và sản phẩm đầu ra sao cho tối thiểu chi phí và tối đa hoá lợi nhuận; đặc biệt chú trọng chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Châu Âu, thị trường nước Mỹ, Nga và các nước trong khu vực ...

 
 2. Hạn chế trong việc tiếp cận vốn ngân hàng của các Doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua:
 
Ngay từ giai đoạn đầu đổi mới kinh tế, ngành ngân hàng đã tích cực tham gia cho vay hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, việc đầu tư tín dụng này mới chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp hoạt động lâu năm, có uy tín, có tài sản thế chấp. Đến nay, sau Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, 7 đặc biệt là Nghị quyết lần thứ 9, vấn đề phát triển kinh tế khu vực nông thôn, thành phần kinh tế tư nhân được quan tâm và được coi là một loại hình kinh tế có tiềm năng phát triển. Từ đó, ngành Ngân hàng đã chú trọng và đẩy mạnh cho vay đến các Doanh nghiệp nhỏ và vừa cả ở nông thôn và thành thị, tạo kênh dẫn vốn đến các doanh nghiệp, đến các hộ gia đình để mở rộng sản xuất, duy trì ngành nghề thủ công truyền thống, chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang hướng sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có khả năng xuất khẩu, góp phần xoá đói giảm nghèo, ổn định phát triển, tăng trưởng kinh tế vùng và đất nước.
 
Tín dụng ngân hàng đến với các doanh nghiệp qua nhiều hình thức khác nhau và đã được lồng ghép với các chương trình, dự án kinh tế khác như chương trình JICA, JIBIC, AIF... để phát huy hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ đói, nghèo, khuyến khích các nữ doanh nhân tham gia kinh doanh và đứng vững trên thương trường, từng bước trang bị cho các doanh nghiệp nhỏ những phương cách sản xuất mới, giúp họ tự vươn lên thoát khỏi sự khó khăn, tăng cường nội lực hoà mình với sự phát triển chung của đất nước.
 
Tuy nhiên, bản thân hoạt động của các Doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung cũng như các Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hà nội nói riêng còn nhiều yếu kém và khiếm khuyết. Số vốn của từng cơ sở rất nhỏ ngoại trừ một số làng nghề truyền thống như Bát Tràng. Bình quân vốn sản xuất của một doanh nghiệp công nghiệp phục vụ nông thôn khoảng gần 400 triệu đồng, trong đó có doanh nghiệp sản xuất ngành nghề phục vụ nông nghiệp chỉ có 20 - 30 triệu đồng. Vốn nhỏ có ảnh hưởng tới khả năng phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sản phẩm của các doanh nghiệp này nói chung chất lượng kém, sức cạnh tranh thấp. Đối với các làng nghề, sản phẩm chủ yếu là hàng thủ công truyền thống mẫu mã thiếu hấp dẫn, chất lượng thấp, do thiếu vốn đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật, giá thành cao, kỹ nghệ chưa tinh xảo nên khó tiêu thụ. Phần lớn sản phẩm làm ra chưa có thương hiệu riêng, phần lớn chưa được bán trực tiếp trên thị trường thế giới. Tuy vậy, cũng có một số làng nghề nổi tiếng, có vốn đầu tư lớn (gốm sứ Bát Tràng), sản phẩm có uy tín trên thị trường nhưng vẫn gặp một số khó khăn cơ bản như các làng nghề khác hiện nay, như: thiếu vốn đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ còn chưa cao, qua khảo sát cả làng nghề mới có khoảng 3-4 lò ga còn lại toàn bộ là lò than kiểu cũ rất ảnh hưởng đến môi trường và khó sản xuất được những sản phẩm tinh xảo; chúng tôi biết nhiều nghệ nhân, hộ gia đình muốn chuyển đổi sang công nghệ mới này nhưng rất khó khăn về vốn mặc dù yêu cầu không phải là lớn lắm, nếu tính để chuyển đổi 1 lò than sang lò ga cần khoảng từ 100 - 150 triệu đồng, nhưng thực tế hiện nay việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng rất khó vì toàn bộ dân cư của làng nghề hiện chưa có sổ đỏ để thế chấp ngân hàng.
Việc tiếp cận vốn tín dụng của Doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn. Trong thực tế, Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài phần vốn tự có (kể cả vay mượn của người thân thuộc) thì có thể tiếp cận các nguồn vốn: vốn vay từ ngân hàng thương mại, vốn vay từ quỹ hỗ trợ phát triển, vốn từ quỹ xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, từ nguồn ODA của các nước... Nhưng thực tế, với những thủ tục, yếu tố tâm lý phát sinh đã làm cho bản thân các Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó vay được vốn từ ngân hàng, mà chủ yếu dựa vào vốn tự có hoặc vay mượn của người thân, có khi vay nóng lãi suất cao ở các kênh tín dụng ngầm để hoạt động. Riêng đối với vốn tín dụng thương mại, Doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn vay số vốn hàng trăm triệu đồng trở lên, thời gian vay dài hơn (như từ 3-5 năm) gặp rất nhiều khó khăn.
 
Hiện nay số lượng Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thủ đô khá lớn, trong tương lai sẽ càng phát triển mà chủ yếu là doanh nghiệp dân doanh, thu hút nhiều lao động, gánh vác một phần nhiệm vụ kinh tế - xã hội rất nặng nề. Bản thân các doanh nghiệp phải tự vươn lên, nhưng họ cũng không thể giải quyết được mọi khó khăn, để phát triển bền vững. Họ cần chính quyền các cấp giúp đỡ, nhưng trách nhiệm chủ yếu của cấp uỷ, chính quyền địa phương là định hướng và tạo môi trường đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng..., tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ tự thân vận động. Trong cơ chế thị trường, hàng loạt vấn đề đặt ra của các Doanh nghiệp nhỏ và vừa, đòi hỏi phải mở rộng liên kết, hợp tác để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Đó chính là yếu tố thúc đẩy các Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Hà nội phát triển.
 
3. Các giải pháp để các Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Nội dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng:
 
Thực tiễn những năm qua và quá trình khảo sát một số doanh nghiệp làng nghề truyền thống chúng tôi thấy hiện nay phần lớn các Doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ, trong khi đó khả năng, điều kiện để tiếp cận vay vốn các tổ chức tín dụng lại rất hạn chế.
 
Xuất phát từ thực tiễn, với những khó khăn cơ bản mà Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hà nội gặp phải trong việc tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng nêu trên, xin được nêu ra một số giải pháp tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ và phát triển các Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Hà nội hiện nay như sau:
 
a. Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách tiền tệ tín dụng phù hợp với việc đầu tư vốn cho các Doanh nghiệp nhỏ và vừa, các làng nghề truyền thống mở rộng quy mô hoạt động. Vì hiện nay nhiều doanh nghiệp thương mại, làng nghề muốn vay số vốn hàng trăm triệu đồng trở lên, thời gian 3-5 năm để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao dây chuyền công nghệ sản xuất nhưng nhà xưởng thế chấp chưa đủ yếu tố pháp lý (như sổ đỏ), hoặc tài sản thế chấp không đủ giá trị cần thiết và nhiều thủ tục quy định khác mà ngân hàng không thể cho vay... Do vậy, cùng với việc ban hành các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho Ngân hàng và doanh nghiệp thì Nhà nước mà trước hết là Hà Nội cũng cần xúc tiến nghiên cứu thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng để trợ giúp Doanh nghiệp nhỏ và vừa khi không đủ tài sản thế chấp có thể vẫn vay được nguồn vốn cần thiết phục vụ sản xuất kinh doanh.
 
b. Trên cơ sở chiến lược tổng thể và chiến lược định hướng phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, các Tổ chức tín dụng cần bám sát các chương trình phát triển các làng nghề truyền thống, các hộ gia đình phát triển trang trại, kinh doanh... để xác định điểm đầu tư và định mức đầu tư đối với các loại hình làng nghề chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến nông - lâm - thuỷ sản để tăng cường phục vụ, cải tiến đầu tư, mở ra khả năng tiếp cận vốn rộng rãi hơn. Có như vậy các làng nghề truyền thống mới có thể đi vào công nghiệp hoá - hiện đại hoá, hình thành các cụm công nghiệp và dịch vụ lớn, thu hút lao động nhàn rỗi, đưa văn minh công nghiệp vào các làng nghề truyền thống.
 
c. Các tổ chức tín dụng cần có các biện pháp khuyến khích các Doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh như nâng mức cho vay không có đảm bảo đối với các cơ sở sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công, hàng may mặc xuất khẩu... Bên cạnh việc thẩm định giá tài sản thế chấp là nhà xưởng, đối với nhà, tài sản gắn liền với đất đã trong vòng quy hoạch ổn định, có đầy đủ hồ sơ pháp lý thì nên cân nhắc để có định giá hợp lý nhằm nâng mức vay có thế chấp tương ứng giá trị tài sản đảm bảo. Vấn đề này trong luật đất đai chúng ta đang cố gắng tiếp cận và trao quyền rộng rãi hơn cho người sử dụng đất..
 
d. Để tháo gỡ khó khăn khi vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh khắc phục tình trạng thiếu tài sản thế chấp, các Tổ chức tín dụng cần mở rộng hoạt động tín dụng cho thuê tài chính nhằm mở rộng đầu tư thiết bị công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại, giảm áp lực tài sản đảm bảo khi vay vốn ngân hàng.
 
e. Để giảm thiểu thời gian thẩm định dự án, tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp nhỏ và vừa nhanh chóng tiếp cận vốn vay, các Tổ chức tín dụng cần bố trí cán bộ thẩm định dự án đầu tư chuyên trách ở từng đơn vị trực tiếp cho. Đây là vấn đề mà thực tế cho thấy chuyên môn hoá trong hoạt động ngân hàng nói chung và trong lĩnh vực cho vay nói riêng, đặc biệt là cho vay các Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tạo ra những hiệu quả nhất định trong việc phục vụ các yêu cầu của khách hàng, đảm bảo an toàn cho nguồn vốn của ngân hàng.
 
g. Cần có chính sách khuyến khích phát triển, mở rộng các Tổ chức tín dụng cổ phần, các Quỹ tín dụng nhân dân ở các xã, phường, làng nghề truyền thống để tạo thêm kênh dẫn vốn đến các Doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chủ trang trại, các Hộ sản xuất, kinh doanh; đặc biệt là mô hình Quỹ tín dụng nhân dân có nhiều ưu điểm thuận lợi với các làng nghề, địa bàn nông thôn, cơ chế tín dụng cũng thuận lợi, nhanh chóng hơn. Qua khảo sát tại Bát Tràng và một số xã ở Hà Nội, chúng tôi thấy nhiều địa phương có nguyện vọng rất muốn thành lập Quỹ tín dụng nhân dân để tạo điều kiện cho thành viên trên địa bàn tiếp cận với nguồn vốn tín dụng tại chỗ nhưng vì nhiều lý do, hoặc do cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa mạnh dạn đứng ra chủ trì, xúc tiến.
 
Một số ý kiến về hỗ trợ đầu tư tín dụng giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Hà Nội tiếp cận với nguồn vốn nêu trên có thể chưa bao quát hết những nội dung cần trao đổi. Song có một thực tế là các chủ trương hay giải pháp mà chúng ta đặt ra có thể rất nhiều nhưng để đi đến thực tế lại là một vấn đề hết sức cam go. Những vấn đề nêu trên có thể đã được đặt ra ở khía cạnh này hay khía cạnh khác, và để nó trở thành hiện thực thiết nghĩ cần phải có một cơ quan, một tổ chức đứng ra chủ trì đề xuất, kiến nghị theo đuổi đến cùng. Theo chúng tôi Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân Thành phố cần chủ động có những chủ trương, dự án thích hợp để kêu gọi, huy động tiềm năng từ các tổ chức tín dụng trên địa bàn, các kênh tạo vốn khác để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thêm cơ hội phát triển. Những nội dung của các giải pháp nêu trên là rộng lớn, cần yêu cầu trách nhiệm vào cuộc của nhiều cơ quan, tổ chức, nếu chúng ta không có tấm lòng và trách nhiệm thì đó là một con đường không đơn giản.
 
Nguồn: Quỹ tín dụng Nhân dân Trung ương

Các tin liên quan