Đánh giá hiệu quả của chính sách tiền tệ là ở yếu tố tăng trưởng và lạm phát. Đặc biệt là lạm phát cơ bản đang được kiểm soát tốt cho thấy sự hiệu quả của chính sách tiền tệ.
Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 của Chính phủ nêu rõ, năm 2018 hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao (trong đó, 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch), góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra. Trong đó, đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức cao, chất lượng tăng trưởng cải thiện. Dự báo triển vọng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%, mô hình tăng trưởng dần dịch chuyển sang chiều sâu.
Ảnh minh họa
“Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực”, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ. Theo đó, tốc độ tăng giá tiêu dùng 3 năm qua liên tục được kiểm soát ở mức dưới 4%; điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ, giữ vững ổn định tỷ giá, lãi suất, đảm bảo thanh khoản, an toàn hệ thống, tăng trưởng tín dụng hợp lý (khoảng 17%), đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế…
Quả vậy, nói đến kiềm chế lạm phát, không thể không nói tới chính sách tiền tệ (CSTT). Không thể phủ nhận những năm qua CSTT đã được NHNN điều hành hết sức chủ động, linh hoạt, bám sát diễn biến của nền kinh tế. Còn nhớ, trước những khó khăn liên tục đến từ cả trong và ngoài nước trong năm 2016, NHNN đã chủ động nới lỏng hơn CSTT, thúc đẩy tín dụng tăng tốc ngay từ đầu năm, đưa tăng trưởng tín dụng cả năm 2016 đạt tới 18,71%. Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động kéo giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Nhờ đó, sau khi giảm tốc trong 2 quý đầu năm 2016, nền kinh tế đã lấy lại đà tăng trưởng trong nửa cuối năm, góp phần nâng mức tăng trưởng cả năm lên 6,21%.
Năm 2017 cũng vậy, diễn biến những tháng đầu năm dường như cũng lặp lại kịch bản của năm 2016 khi tăng trưởng quý I chỉ đạt 5,1%, thấp hơn nhiều mức tăng của quý I/2015 và 2016. Trong bối cảnh đó, NHNN đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT để ổn định thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi suất cho vay và tăng cường khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ước cả năm, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng khoảng 16%, sát với chỉ tiêu định hướng đề ra khoảng 16-18% từ đầu năm. Nhờ đó, nền kinh tế bắt đầu tăng tốc từ quý II và cả năm đạt tăng trưởng tới 6,81%, cao nhất trong 10 năm qua và cao hơn mục tiêu 6,7% mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.
Tuy nhiên bước sang năm 2018, trong khi nền kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ của những quý cuối năm 2017 thì áp lực lạm phát cũng lớn dần và diễn biến rất khó lường do giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới, đặc biệt là giá dầu thô tăng cao, trong khi Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất tới 4 lần trong năm. Kiềm chế lạm phát đã trở thành ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.
Trước thực tế đó, NHNN đã có bước chuyển hết sức kịp thời sang điều hành CSTT linh hoạt, thận trọng vừa kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 được kéo xuống thấp hơn các năm trước, chỉ khoảng 15-17%.
Tuy nhiên, để việc điều chỉnh này không ảnh hưởng tới đà tăng trưởng của nền kinh tế, NHNN đã thường xuyên nhắc nhở, chỉ đạo các TCTD hướng dòng tín dụng chảy vào sản xuất kinh doanh, vào nền kinh tế thực, đồng thời kiểm soát chặt dòng tín dụng chảy vào các thị trường tài sản mang tính đầu cơ và có mức độ rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán.
Song song với đó, NHNN cũng đôn đốc các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng đi đôi với việc xử lý quyết liệt nợ xấu. Nợ xấu giảm thấp khiến tăng trưởng tín dụng trở nên thực chất hơn, cũng như giải phóng thêm một lượng vốn lớn vào nền kinh tế. Nhờ đó, mặc dù tín dụng chỉ tăng khoảng 9,52% trong 9 tháng đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11% của 9 tháng năm 2017, song vẫn đủ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt tới 6,98%, mức tăng trưởng kinh tế 9 tháng cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây.
Trong khi việc thắt chặt hơn CSTT đã góp phần kiểm soát lạm phát cả năm, theo dự báo của Chính phủ, dưới 4% như mục tiêu đã đề ra. Đặc biệt, lạm phát cơ bản tháng 9 chỉ tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 1,41% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Xin mượn lời của TS. Trần Hoàng Ngân – Đại biểu Quốc hội TP.HCM để nói về điều hành CSTT của NHNN: “Đánh giá hiệu quả của CSTT là ở yếu tố tăng trưởng và lạm phát. Đặc biệt là lạm phát cơ bản đang được kiểm soát tốt cho thấy sự hiệu quả của CSTT”.
Thời báo Ngân hàng13.11.2024
30.10.2024