Vai trò cầu nối hội viên với các cơ quan quản lý Nhà nước đã được Hiệp hội triển khai tích cực và hiệu quả
Với một hiệp hội ngành nghề kinh doanh tiền tệ có điều kiện theo mô hình HTX như QTDND, việc tham gia Hiệp hội QTDND của các thành viên mang tính ràng buộc để đảm bảo tính liên kết hệ thống và hơn thế, như Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh trong buổi làm việc mới đây với Hiệp hội QTDND: “Nếu mục tiêu cuối cùng của Ngân hàng Hợp tác (NHHT) là bảo toàn hệ thống, thì Hiệp hội chính là một công cụ để ngăn chặn sự đổ vỡ của hệ thống QTDND...”.
Vai trò cầu nối hội viên với các cơ quan quản lý Nhà nước đã được Hiệp hội triển khai tích cực và hiệu quả
Từ vai trò cầu nối, liên kết hệ thống
Nhìn lại năm 2018, vai trò cầu nối hội viên với các cơ quan quản lý Nhà nước đã được Hiệp hội triển khai tích cực và hiệu quả. Có thể kể đến như cuộc tọa đàm trao đổi kinh nghiệm giữa các QTDND tại Mộc Châu đã giúp nhiều qũy cùng nhau chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm trong quá trình hoạt động, tháo gỡ những vướng mắc. Hiệp hội cũng đã tổ chức một chuyến khảo sát học tập kinh nghiệm tại Hồng Kông cho 45 lãnh đạo QTDND các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Đáng nói nữa là Hiệp hội đã chủ động tiếp xúc trực tiếp với các QTDND để tìm hiểu hoạt động cũng như tâm tư nguyện vọng của các hội viên.
Đó là những buổi làm việc với các chi nhánh NHNN chi nhánh tỉnh như Hà Nam, Hưng Yên... và với một số QTDND tại Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương, An Giang nhằm tăng cường sự phối hợp với các cơ quan quản lý và nắm bắt được tình hình cụ thể của các quỹ.
Trong năm qua, Hiệp hội cũng đã phát huy vai trò là cầu nối với các cơ quan quản lý chính sách để giải quyết các khó khăn vướng mắc cho QTDND như: kết hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết vấn đề truy đóng bảo hiểm xã hội cho cán bộ quỹ từ khi thành lập đến năm 2003. Trên cơ sở thống kê từ các QTDND, Hiệp hội đã thành lập được danh sách 73 cán bộ trong cả nước thuộc đối tượng này để trình Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sớm giải quyết quyền lợi.
Văn phòng Hiệp hội cũng đã phối hợp chặt chẽ với NHHT trong việc nắm bắt tình hình hoạt động của QTDND và cũng đã kịp thời giải đáp những vướng mắc về cơ chế chính sách cho hội viên khi nhận được yêu cầu như vướng mắc trong triển khai Thông tư 21/2017/TT-NHNN về quy định phương thức giải ngân, cho vay, Thông tư 39 về nghiệp vụ cho vay, Thông tư 20 quy định về tài chính của các QTDND… Đồng thời, chủ động trao đổi, tiếp nhận các ý kiến phản hồi từ QTDND khi thực hiện các quy định của Nhà nước (Thông tư 03/2014/TT-NHNN và Thông tư 04/2015/TT-NHNN). Một mặt Hiệp hội tích cực tuyên truyền vận động các QTDND thực hiện nghiêm túc, mặt khác đã làm việc trực tiếp với Cơ quan Thanh tra giám sát của NHNN để tiếp tục kiến nghị, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong hoạt động QTDND.
Nâng cao năng lực nội tại cho quỹ
Trong bối cảnh công nghệ là động lực thúc đẩy đổi mới phát triển, công tác hỗ trợ tin học cho các QTDND đã được Hiệp hội đẩy mạnh. Công ty tin học trực thuộc Hiệp hội đã tiếp tục mở rộng, triển khai cài đặt phần mềm ngân hàng bán lẻ (ITD-VAPCF) cho các QTDND trên địa bàn Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, BếnTre, Kon Tum, Cà Mau, đưa số QTDND sử dụng phần mềm lên hơn 400. Công ty cũng đã nâng cấp, hoàn thiện và cài đặt miễn phí phần mềm theo yêu cầu của NHNN và tổ chức hướng dẫn triển khai cho các QTDND đang triển khai phần mềm ITD-VAPCF để đảm bảo đáp ứng kịp thời công tác báo cáo của QTDND theo yêu cầu của NHNN.
Hiệp hội cũng đã hoàn thiện hệ thống phần mềm giám sát từ xa, đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động của các QTDND của chi nhánh NHNN trong khuôn khổ dự án nghiên cứu khoa học “Nâng cao chất lượng giám sát qua phần mềm kết nối thông tin với NHNN”.
Với vai trò là một công cụ trong việc ngăn chặn những rủi ro của hệ thống, trong thời gian qua, cùng với việc mở rộng công tác truyền thông, cảnh báo, Hiệp hội đã trở thành một trụ cột trong công tác đào tạo nâng cao năng lực hệ thống theo yêu cầu phát triển cũng như quy định của NHNN. Trong năm 2018, thực hiện công tác đào tạo theo Quyết định 1011/QĐ-NHNN của NHNN, Hiệp hội QTDND đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức được 12 khoá đào tạo nghiệp vụ QTDND cho 868 học viên là cán bộ QTDND và các đối tượng khác trên cả nước.
Hiệp hội cũng đã mở 5 khóa đào tạo chuyên đề hỗ trợ các QTDND về nghiệp vụ kiểm toán và kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro pháp luật ngân hàng…Với một số quỹ gặp khó khăn trong quá trình hoạt động, không đủ kinh phí tham dự, Hiệp hội hỗ trợ một phần kinh phí tham gia các khóa đào tạo do Hiệp hội tổ chức.
Hiệp hội cũng đã chủ động kết nối với các đơn vị đào tạo, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam các tỉnh Quảng Bình, Tiền Giang, Trà Vinh và các Văn phòng dự án của các tổ chức tài chính quốc tế để đề xuất về nguồn kinh phí hỗ trợ học phí cho các học viên.
Cuối năm 2018 cũng ghi nhận một bước chuyển mới trong hoạt động của Hiệp hội với việc khai trương trụ sở làm việc khang trang cho riêng mình.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã nhiều lần nhấn mạnh, Hiệp hội QTDND phải thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đại diện quyền lợi và định hướng hoạt động chung cho toàn hệ thống QTDND; tham gia xây dựng cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động của QTDND và thực hiện vai trò cầu nối giữa hệ thống QTDND với các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức quốc tế…; tăng cường tính liên kết trong hoạt động của hệ thống QTDND. Trong năm 2019, cùng với việc tiếp tục triển khai có hiệu quả những nhiệm vụ này, Hiệp hội sẽ tăng cường công tác đào tạo, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm phát triển nhằm hỗ trợ các QTDND đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN cũng như yêu cầu phát triển của chính QTDND.
Đánh giá công tác đào tạo - hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc chấn chỉnh hoạt động của các QTDND, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng đã chỉ đạo Hiệp hội làm việc với NHNN, NHHT và Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng để rà soát lại nội dung, chương trình, giáo trình đào tạo và đặt ra khung quy định cũng như phương án hỗ trợ phù hợp. Và ngoài đào tạo 4 nội dung nghiệp vụ cơ bản (tín dụng, kho quỹ, kế toán, kiểm soát), cũng cần bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo QTDND trong việc nhận thức sâu và rõ ràng về tôn chỉ, mục đích của QTDND, bên cạnh phổ biến những văn bản về cơ chế chính sách do các cơ quan quản lý Nhà nước ban hành.
Đặc biệt, để thực hiện thành công các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN nhằm củng cố, phát triển và ngăn chặn sự đổ vỡ của toàn hệ thống, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, Hiệp hội cần tích cực thể hiện tiếng nói, vai trò của mình và xác định rõ mối quan hệ giữa Hiệp hội với các hội viên cũng như với các cơ quan liên quan. Theo đó, Hiệp hội cần rà soát lại cơ chế liên quan đến vai trò chức năng của mình đối với hội viên, trên cơ sở đó xây dựng cơ chế liên kết để phân định rõ mối quan hệ cũng như trách nhiệm của Hiệp hội đối với hội viên và trách nhiệm của hội viên đối với Hiệp hội; mặt khác, cần nâng cao quyền lợi cho hội viên Hiệp hội. Đồng thời, cần nghiên cứu, xây dựng mối liên kết với các QTDND thông qua công tác truyền thông; Hỗ trợ tư vấn cho QTDND thông qua đề xuất những kiến nghị của hội viên lên cơ quan quản lý (NHNN, Bộ Tài chính…) hoặc hướng dẫn, hỗ trợ khi hội viên gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động... Hiệp hội cũng cần củng cố, hoàn thiện bộ máy của mình, trong đó có việc nghiên cứu kiện toàn đối với chức danh Tổng thư ký Hiệp hội; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hiệp hội để thực sự là người tư vấn, người đồng hành với hội viên của mình.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú một lần nữa khẳng định, nâng cao vai trò của Hiệp hội là nhiệm vụ cần thiết và trong quá trình triển khai các nhiệm vụ đó, Hiệp hội sẽ luôn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện và phối kết hợp của NHNN Trung ương, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, NHHT cũng như các cơ quan, đơn vị liên quan.
Theo Thời báo Ngân hàng