Phó TTK Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Việt Nam Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết, với vai trò cầu nối QTDND với các cơ quan quản lý nhà nước, trong những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2019, Hiệp hội đặc biệt chú trọng mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý đối với hoạt động của các QTDND phù hợp với thực tế hoạt động, những thay đổi của thị trường đồng thời hỗ trợ, tư vấn, đào tạo và kết nối hội viên một cách tích cực, giúp hệ thống phát triển ổn định và bền vững.
Khơi thông hành lang pháp lý
Nhìn nhận việc hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như tháo gỡ khó khăn là nền tảng cho các QTDND hoạt động ổn định và phát triển, trong năm Hiệp hội QTDND đã đổi mới phương thức hoạt động cũng như kết nối thành viên. Không chỉ tiếp nhận và giải đáp hàng trăm ý kiến thắc mắc cho QTDND hội viên về nhiều nội dung như chế độ, chính sách bảo hiểm cán bộ, độ tuổi lao động, chính sách thuế, đất đai trụ sở, chế độ tài chính, các vướng mắc về hóa đơn và thủ tục hành chính thông qua con đường văn bản, Hiệp hội đã chủ động đến thăm và làm việc với trên 400 cán bộ lãnh đạo QTDND thuộc một số cụm các QTDND trên địa bàn Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Lâm Đồng, Bình Dương...
Điều đó tạo thêm sự gắn kết giữa Hiệp hội với các hội viên, từ đó có những đề xuất, kiến nghị sát và kịp thời với các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm tháo gỡ, hỗ trợ các QTDND gặp khó khăn. Cũng từ việc tiếp cận thực tế này, Hiệp hội càng thêm thấu hiểu những khó khăn trong hoạt động của các QTDND, từ đó đã có văn bản đề nghị với UBND xã, huyện tạo điều kiện thuận lợi cho QTDND Quang Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình hoạt động; hay như đề nghị Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Ban Thường vụ huyện ủy và Đảng bộ khối doanh nghiệp huyện Thường Tín về việc xin điều chuyển sinh hoạt Chi bộ Đảng cho 6 QTDND trên địa bàn huyện Thường Tín, Hà Nội...
Hiệp hội tăng cường đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ QTDND theo chuẩn quy định của NHNN
Những kiến nghị của các QTDND được truyền tải tới các cơ quan quản lý để chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của hệ thống QTDND. Đồng thời, Hiệp hội cũng theo dõi sát sao các thông tin, các thay đổi về cơ chế chính sách để trao đổi, làm việc với đơn vị soạn thảo văn bản để giải thích rõ hơn những vướng mắc về cơ chế chính sách đối với hoạt động của các QTDND làm cơ sở cho các cơ quan quản lý, xây dựng chính sách điều chỉnh cho phù hợp.
Bên cạnh việc thường xuyên tham gia ý kiến nhiều dự thảo thông tư, quy định về hoạt động QTDND, Hiệp hội thường xuyên trao đổi, làm việc với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng về các vấn đề liên quan đến hoạt động của các QTDND nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của các QTDND theo hướng phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm giữ an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống, tăng cường tính minh bạch, công khai, cạnh tranh và phù hợp với những thông lệ quốc tế tốt nhất. Hiệp hội cũng đã làm việc với Bộ Tài chính về việc giảm thuế thu nhập cá nhân từ lợi tức vốn góp của các thành viên QTDND; gửi văn bản lên Văn phòng Chính phủ về nội dung liên quan đến tuyến trình khen thưởng đối với hệ thống QTDND...
Trong năm 2019, Hiệp hội đã đẩy mạnh công tác tư vấn hỗ trợ; kết hợp với tuyên truyền chủ trương, chính sách và pháp luật về QTDND, góp phần nâng cao nhận thức về hoạt động QTDND. Các văn bản, quy định mới được Hiệp hội cập nhật liên tục và triển khai hiệu quả dưới nhiều hình thức: trực tiếp tại các hội nghị triển khai hoạt động với các văn phòng đại diện Hiệp hội, hoặc tại các buổi làm việc với các QTDND thuộc nhiều tỉnh, thành trên cả nước, tại các khóa đào tạo nghiệp vụ QTDND hoặc đăng tải trên Website và gửi email thông báo tới toàn thể hội viên...
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Một vai trò quan trọng khác mà NHNN đã giao cho Hiệp hội QTDND là chuẩn hóa chất lượng nguồn nhân lực QTDND qua công tác đào tạo. Để thực hiện mục tiêu này, Hiệp hội đã bám sát yêu cầu đào tạo thực tế, từ đó phối hợp chặt chẽ với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, NHHTX, Liên minh HTX và cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tổng thể giai đoạn 2018-2020 theo Quyết định số 1534/QĐ-NHNN và triển khai công tác đào tạo. Đồng thời, tiến hành khảo sát thực tế để xác định nhu cầu đào tạo của các QTDND, trên cơ sở đó mở các khóa đào tạo phù hợp; chủ động làm việc với cơ sở đào tạo nâng cao chất lượng và nội dung giảng dạy, bám sát yêu cầu thực tiễn và cập nhật những văn bản, kiến thức mới.
Kết quả năm 2019, Hiệp hội đã hoàn thành 15 khoá đào tạo trên cả nước theo Quyết định 1011/QĐ-NHNN cho 1.168 học viên, gồm các đối tượng: Thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban Giám đốc... cán bộ QTDND và các đối tượng khác, chuẩn bị kiến thức làm việc tại QTDND. So với năm 2018, số lượng học viên được đào tạo trong năm 2019 của Hiệp hội đã tăng thêm 25%.
Song song với đó, Hiệp hội đã tổ chức 8 khóa tập huấn chuyên đề như PR, truyền thông và xử lý thông tin kỹ năng quản lý nguồn nhân lực và lập kế hoạch phát triển QTDND, kỹ năng lãnh đạo... cho gần 1.000 cán bộ.
Trên tinh thần tương trợ các QTDND và trên cơ sở đề nghị của QTDND, cùng ý kiến của NHNN chi nhánh tỉnh thành phố, trong năm 2019, Hiệp hội tiếp tục miễn giảm một phần chi phí đào đạo cho một số quỹ gặp khó khăn trong quá trình hoạt động, không đủ kinh phí tham dự các khóa đào tạo do Hiệp hội tổ chức và miễn, giảm hội phí đối với các hội viên gặp khó khăn trong hoạt động hoặc đang trong quá trình kiểm soát đặc biệt…
Đặc biệt, Hiệp hội đã nghiên cứu, xây dựng các tài liệu tham khảo phục vụ hoạt động QTDND như đáp ứng yêu cầu cấp thiết của các QTDND trong công tác tín dụng theo các quy định tại Thông tư 39/TT-NHNN và phù hợp với hoạt động thực tiễn của các QTDND, Hiệp hội đã phối hợp với các chuyên gia và các đơn vị có liên quan nghiên cứu và hoàn thiện bộ hồ sơ tín dụng, tài liệu mẫu cho QTDND tham khảo, sử dụng. Đồng thời chủ động tổ chức 4 lớp tập huấn cho các QTDND trên cả nước, với tổng số 1.264 cán bộ tham dự. Đến nay, các tài liệu mẫu đã được phổ biến và giúp cho các QTDND từng bước chuẩn hóa công tác tín dụng.
Với mục tiêu hỗ trợ, nâng cao hiệu quả của công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ, Hiệp hội đã chủ động nghiên cứu, xây dựng tài liệu về “Hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ của QTDND”. Hiệp hội cũng nghiên cứu, tìm hiểu và xây dựng tài liệu mẫu về quy định quản lý tiền gửi tiết kiệm và quản lý ấn chỉ trắng theo đúng quy định tại Thông tư số 48/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Thống đốc NHNN về tiền gửi tiết kiệm để gửi tới toàn thể QTDND hội viên.
Năm 2019 đánh dấu cho nhiều hoạt động của công ty tin học trực thuộc Hiệp hội cũng như sự phát triển của phần mềm ITD-VAPCF bao gồm công tác nâng cấp phần mềm, triển khai cho các QTDND, hỗ trợ và đào tạo... Hiện công ty tin học đã triển khai phần mềm giao dịch ngân hàng bán lẻ (ITD-VAPCF) cho 453 QTDND trên toàn quốc. Đồng thời, công ty đã hỗ trợ kịp thời đối với các QTDND khi mở phòng giao dịch mới, xử lý chuyển đổi mô hình từ điểm giao dịch thành phòng giao dịch, tách phòng giao dịch, cài đặt mô hình giao dịch online và dữ liệu tập trung cho các QTDND; Cung ứng dịch vụ SMS Banking đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin kịp thời cho thành viên và khách hàng gửi tiền tại quỹ. Hiện đã được cài đặt cho 140 QTDND trên cả nước; Xây dựng mới cách tính quản lý hồ sơ tín dụng giúp cho các quỹ cập nhật và quản lý thông tin chính xác, kịp thời và hiệu quả...
Trong năm 2020, “Hiệp hội sẽ tập trung bám sát hoạt động của các hội viên để triển khai có hiệu quả Thông tư 21/2019/TT-NHNN và các Chỉ thị, văn bản của Chính phủ, NHNN về hoạt động QTDND; kịp thời hỗ trợ, giải đáp các vướng mắc và tiếp nhận ý kiến, phản ánh các vướng mắc về cơ chế chính sách của các hội viên tới cơ quan quản lý Nhà nước, để từng bước hỗ trợ xây dựng khung pháp lý phù hợp với thực tế hoạt động của các QTDND. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với NHHTX, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc triển khai đào tạo theo Quyết định 1011; Phát triển giảng viên kiêm chức...; tổ chức các lớp chuyên đề và các khóa khảo sát, học tập kinh nghiệm cho các hội viên trên cơ sở tìm hiểu, xây dựng chủ đề, nội dung đào tạo bám sát thực tế hoạt động, chú trọng những nghiệp vụ mà cán bộ hệ thống hiện còn yếu và thiếu...”, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết.