Thuế có vai trò rất quan trọng đối với Nhà nước và xã hội. Đây là nguồn thu chủ yếu và quan trọng nhất của Ngân sách, đồng thời là khoản đóng góp bắt buộc và là nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước. Trong những năm qua, chính sách thuế đã trải qua nhiều bước cải cách, thường xuyên có những sửa đổi, bổ sung thêm nhiều quy định mới đòi hỏi các doanh nghiệp phải nắm bắt kịp thời, vận dụng tốt vào thực tế của doanh nghiệp mình.
Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Luật hợp tác xã, vì vậy QTDND phải tuân thủ các quy định về Thuế trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh của mình. Việc hạch toán đúng nghiệp vụ, tính toán chính xác số thuế phải nộp sẽ giúp cho QTDND thực hiện tốt công tác nộp thuế vào NSNN và tạo thuận lợi cho QTDND hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, do đặc thù của cơ cấu tổ chức, hoạt động, tính kế thừa lịch sử hình thành, mô hình thành lập mà việc thực hiện đúng các quy định về Thuế của một số QTDND vẫn còn tồn tại những hạn chế cần phải được kịp thời khắc phục.
Trong thời qua, đồng hành cùng hệ thống QTDND, Hiệp hội QTDND Việt Nam (Hiệp hội) đã tiếp nhận những phản ánh của các QTDND và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam gặp khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các quy định của pháp luật, các văn bản chính sách của cơ quan quản lý ban hành đặc biệt các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách thuế.
Thực hiện vai trò là cầu nối giữa các QTDND, Ngân hàng Hợp tác xã với các cơ quan chức năng, ngày 12/10/2020, Hiệp hội đã có buổi làm việc Vụ Chính sách - Tổng cục Thuế.
Tại buổi làm việc, trao đổi về hoạt động của Hệ thống QTDND, lãnh đạo Hiệp hội đã chia sẻ về quy mô hoạt động, cơ cấu tổ chức, địa bàn hoạt động mang tính chất rất đặc thù và riêng biệt với mong muốn Tổng cục Thuế hiểu hơn về Hệ thống QTDND để có những chính sách, quy định phù hợp với Hệ thống QTDND.
Tại buổi làm việc hai bên đã cùng nhau tháo gỡ một số vướng mắc cụ thể trong thực tế hoạt động của QTDND như:
Cần cụ thể hóa hơn về các quy định của Nghị định số 114/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 về việc “quy định chi tiết thi hành Nghị định 116/2020/QH14 về “giảm 30% thuế TNDN năm 2020 cho các đơn vị có tổng doanh thu năm 2020 dưới 200 tỷ đồng”, phổ biến tuyên truyền đến các QTDND kịp thời tạo động lực cho các QTDND vượt qua khó khăn, phục hồi phát triển sau dịch bệnh COVID-19.
Về việc áp dụng quy định miễn lệ phí môn bài đối với hệ thống QTDND hiện nay đang thực hiện theo Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài có quy định miễn phí môn bài áp dụng với “Quỹ tín dụng nhân dân xã” đã được sửa đổi tại Nghị định số 22/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 quy định miễn phí môn bài áp dụng với “Quỹ tín dụng nhân dân”. Vì phí môn bài thực hiện nộp từ đầu năm tài chính nên Nghị định số 22/2020/NĐ-CP sẽ được áp dụng khi thực hiện tính nộp thuế môn bài cho năm 2021. Điều này sẽ tạo sự thống nhất cho việc thực hiện quy định trên giữa Chi cục Thuế địa phương và các QTDND. Ngoài ra, quy định về các khoản chi tại Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 26/6/2015, quy định về việc xuất hóa đơn đối với hàng biếu tặng khách hàng các QTDND cũng đã được đưa ra xem xét, tuy nhiên đối với các quy định này QTDND phải thực hiện đúng theo các quy định hiện hành.
Một trong những trọng tâm của buổi làm việc, Hiệp hội đưa ra những đặc thù hoạt động của các QTDND hoạt động theo mô hình hợp tác xã, có 70% QTDND hoạt động trên địa bàn nông thôn và các vùng sâu, vùng xa. Điều này cũng có nghĩa là nơi nào có QTDND thì thành viên, các hộ gia đình có điều kiện xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ tích cực cho địa phương phát triển kinh tế vùng, tận dụng được nguồn vốn nhàn rỗi trong cộng đồng dân cư, giúp người nông dân giải quyết được các khó khăn của họ. Bên cạnh đó, QTDND góp phần giảm thiểu tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn trên địa bàn quỹ hoạt động. Với vai trò và đóng góp của hệ thống của QTDND trong quá trình hoạt động của mình, Hiệp hội tiếp tục kiến nghị giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp cho hệ thống QTDND.
Ngoài ra, với 1.182 QTDND hoạt động trên 57 tỉnh, thành phố với 1,712 triệu thành viên (bình quân 1 quỹ có 1.448 thành viên), toàn hệ thống có tổng Vốn điều lệ 4,713 nghìn tỷ đồng (bình quân 3,987 tỷ/quỹ). Như vậy, mỗi QTDND thấp nhất cũng có gần 1.000 thành viên, cao cũng trên 10.000 thành viên, môi trường hoạt động khó khăn, quy mô nhỏ, thành viên nhiều, vốn góp ít (chỉ trên dưới 1 triệu đồng/1thành viên). Đối với thành viên góp vốn nhằm mục đích để sử dụng các dịch vụ tại QTDND thì bình quân số lãi một thành viên nhận được từ vốn góp dao động khoảng 30.000đ - 100.000đ/người/năm, số tiền thuế thu nhập cá nhân từ lợi ích góp vốn của một thành viên là từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng. Số tiền này đóng góp vào ngân sách không đáng kể nhưng làm gia tăng các thủ tục hành chính cho các QTDND. Vì vậy, tại buổi làm việc, Hiệp hội đã đề xuất kiến nghị Tổng cục Thuế xem xét bỏ quy định này đối với hệ thống QTDND.
Đối với vấn đề này, Tổng cục Thuế cho rằng kiến nghị của Hiệp hội là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của xã hội và sẽ tiếp nhận ý kiến để làm cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật. Hiện nay, theo quy định Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019 của Quốc Hội việc triển khai Quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2022 đã có quy định miễn thuế, giảm thuế “Cá nhân có số tiền thuế phát sinh phải nộp hằng năm sau quyết toán thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công từ 50.000 đồng trở xuống”.
Có thể nói, buổi làm việc nhận được đánh giá cao từ phía Vụ chính sách - Tổng cục Thuế. Qua đây, một số khó khăn, vướng mắc của hệ thống đã được cơ quan thuế giải đáp kịp thời đồng thời khẳng định vai trò cầu nối của Hiệp hội đối với hệ thống hội viên đến cơ quan chức năng. Trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò, chức năng của Hiệp hội, Hiệp hội sẽ kiên trì, tiếp tục nêu lên những đề xuất, kiến nghị chính đáng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên Hiệp hội.
Mai Hồng