17.03.2011 08:44

Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam với dự án “Liên kết nông thôn – thành thị góp phần chống đói nghèo”...

 Theo TS. Trần Quang Khánh, Chủ tịch HĐQT QTDND Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội QTDND Việt Nam thì “việc tăng cường liên kết cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ mới với hình thức thống nhất và chuyên nghiệp trong toàn hệ thống QTDND đồng thời nâng cao cấp độ thống nhất, một yếu tố quyết định sự bền vững của hệ thống QTDND”.

Dự án “Liên kết nông thôn – thành thị góp phần chống đói nghèo” là Dự án hỗ trợ kỹ thuật quốc tế quan trọng đối với hệ thống QTDND Việt Nam. Dự án này nhằm mục đích nâng cao nhận thức về hoạt động ngân hàng dành cho người nghèo, chủ yếu tại các vùng nông thôn Việt Nam trong việc sử dụng các dịch vụ tài chính – ngân hàng thông qua việc mở rộng liên kết giữa các tổ chức cấu thành hệ thống QTDND Việt Nam do QTDND Trung ương làm đầu mối triển khai thực hiện. Dự án cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ phát triển các kỹ năng và vật chất cần thiết để nâng cao mối quan hệ liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức cấu thành hệ thống QTDND; qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động của hệ thống QTDND Việt Nam lên một tầm cao mới, thể hiện cụ thể như sau:

 TÁC ĐỘNG CỦA DỰ ÁN TỚI HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG QTDND TẠI VIỆT NAM

Mô hình QTDND được thành lập theo Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 27/7/1993 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến 31/12/2010, sau hơn 17 năm xây dựng và phát triển, hệ thống QTDND đã bao gồm 1.053 QTDND cơ sở hoạt động trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố; 01 QTDND Trung ương với trụ sở chính tại Hà Nội và 25 chi nhánh hoạt động trên phạm vi toàn quốc; đồng thời được sự chấp thuận của NHNN Việt Nam và Bộ nội vụ, các QTDND cơ sở và QTDND Trung ương đã cùng nhau thành lập Hiệp hội QTDND Việt Nam với tư cách là tổ chức đại diện quyền lợi và liên kết phát triển chung cho toàn hệ thống. Hoạt động của hệ thống QTDND đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông nghiệp - nông thôn. Những kết quả đạt được đã khẳng định QTDND là một mô hình kinh tế hợp tác kiểu mới trong lĩnh vực hoạt động tiền tệ, tín dụng ngân hàng đã được xây dựng và phát triển thành công tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hệ thống QTDND hiện nay cũng đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn, đặc biệt là từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO và thực hiện mở cửa thị trường dịch vụ tài chính. Với quy mô hoạt động nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, sản phẩm dịch vụ đơn điệu và khả năng quản trị, điều hành kém hơn so với các loại hình tổ chức tín dụng (TCTD) khác sẽ khiến cho các QTDND ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong hoạt động. Trong những năm tới, khi mức độ cạnh tranh về dịch vụ ngân hàng ở khu vực thành thị ngày càng quyết liệt thì các TCTD sẽ có xu hướng mở rộng hoạt động tại thị trường nông thôn. Điều đó đồng nghĩa với việc các QTDND sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các TCTD khác. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập về hoạt động Tài chính – Ngân hàng; đồng thời phải hạn chế tăng trưởng tín dụng để kiềm chế lạm phát, nhiều Ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ ngày càng quan tâm hơn đến việc đầu tư phát triển công nghệ và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ; áp dụng “core banking”, ngân hàng “online”, các dịch vụ mới như dịch vụ thẻ, dịch vụ ngân hàng bán lẻ,… Điều đó càng tạo áp lực ngày càng gay gắt đối với sự tồn tại và phát triển bền vững đối với các QTDND cơ sở.

Để có thể tăng cường năng lực cạnh tranh, hệ thống QTDND cần phải có những bước đột phá từ việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức, cải thiện năng lực quản trị điều hành, nâng cao khả năng tài chính và đầu tư công nghệ. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quyết định sự sống còn của hệ thống QTDND là khả năng thu hút thành viên - những người vừa đóng vai trò là chủ sở hữu đồng thời vừa là khách hàng của QTDND. Để làm được điều đó, các QTDND phải khẳng định được tính ưu việt của mình, đặc biệt là thông qua chất lượng, tính tiện ích và sự đa dạng của các dịch vụ cung cấp cho thành viên và khách hàng. Cho đến nay, các sản phẩm dịch vụ của QTDND nói chung còn rất đơn điệu, tính tiện ích rất hạn chế so với dịch vụ các NHTM. Trong khi tại bất kỳ một NHTM nào, nhất là các NHTM có mạng lưới hoạt động rộng, các khách hàng của họ đều có thể gửi tiền tại một chi nhánh nhưng có thể rút tiền ở rất nhiều nơi trong mạng lưới hoạt động của các chi nhánh của NHTM đó phân bố trên phạm vi toàn quốc thì các thành viên và khách hàng của mỗi QTDND cơ sở lại chỉ có thể giao dịch gửi tiền và rút tiền tại chính QTDND đó. Đây là nhược điểm do thiếu tính liên kết chặt chẽ giữa QTDND cơ sở và QTDND Trung ương trong hệ thống QTDND hiện nay. Vì vậy, các QTDND cơ sở sẽ khó có thể giữ được khách hàng nếu không khắc phục được nhược điểm này.

Hiện nay các QTDND cơ sở mới chỉ được thực hiện các nghiệp vụ chủ yếu là huy động và cho vay; còn các sản phẩm dịch vụ ngân hàng khác đều chưa được NHNN Việt Nam cho phép triển khai thực hiện. Những hạn chế này trước hết xuất phát từ mục tiêu hoạt động của các QTDND cơ sở chủ yếu là huy động nguồn vốn tại chỗ để cho vay tại chỗ đối với các thành viên. Mặt khác với năng lực tài chính hạn chế thì từng QTDND riêng lẻ không có khả năng cung cấp và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại một cách có hiệu quả. Để làm được điều đó, các QTDND cần phải liên kết với nhau thông qua sự điều phối chung của tổ chức đầu mối liên kết kinh tế. Ngoài ra để có thể cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho thành viên và khách hàng ngày một tốt hơn, các QTDND cũng phải thường xuyên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ như: đào tạo nhân lực; kiểm toán, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật; công nghệ thông tin… Thông qua việc liên kết với nhau trong việc cung cấp và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ nói trên, các QTDND mới có thể tiết giảm được các chi phí hoạt động, đồng thời nâng cao khả năng phục vụ cho thành viên và khách  hàng của mình.

Như vậy, có thể thấy việc thiết lập và củng cố mối liên kết chặt chẽ giữa các bộ phận cấu thành hệ thống QTDND là một nhu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững các QTDND trong bối cảnh cạnh tranh càng ngày càng gay gắt. Trong khi với năng lực tài chính hạn chế và công nghệ tin học lạc hậu như hiện nay, các QTDND cơ sở khó có thể giải quyết được vấn đề này nếu không có sự hỗ trợ từ tổ chức đầu mối liên kết là QTDND Trung ương và Hiệp hội QTDND Việt Nam.

Hiện nay trong hệ thống QTDND, chỉ có QTDND Trung ương với tư cách là tổ chức đầu mối liên kết kinh tế giữ vai trò quan trọng trong việc điều hòa vốn cho hệ thống QTDND, đồng thời cũng là TCTD duy nhất trong hệ thống có đủ điều kiện năng lực về tài chính, trình độ và công nghệ để đầu tư xây dựng sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại để cung cấp cho các QTDND cơ sở khai thác, sử dụng. Đây là hướng đi hoàn toàn đúng đắn trong việc tăng cường mối liên kết của hệ thống vì một mặt nó vừa tiếp cận các loại hình sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, một mặt vừa tiết kiệm được chi phí, nâng cao hiệu suất sử dụng hạ tầng công nghệ do QTDND Trung ương xây dựng cho không chỉ riêng đối với bản thân mình mà còn phục vụ chung cho toàn hệ thống QTDND. 

Là một tổ chức tư vấn kỹ thuật quốc tế giàu kinh nghiệm và thường xuyên hỗ trợ Việt Nam từ những ngày đầu thành lập hệ thống QTDND cho đến nay, DID nhận thấy sự cần thiết của việc tăng cường mối liên kết giữa các QTDND và mong muốn được hỗ trợ cả về kỹ thuật lẫn vật chất cho hệ thống QTDND thông qua việc thực hiện Dự án “Liên kết Nông thôn - Thành thị góp phần chống đói nghèo” do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ.

Việc triển khai thí điểm Dự án này mang lại nhiều lợi ích và kết quả thiết thực đối với hệ thống QTDND cũng như đối với thành viên và người dân trên địa bàn hoạt động của QTDND; cụ thể như sau:

Đối với thành viên QTDND và người dân:

- Giúp các thành viên và khách hàng được sử dụng nguồn tài chính của mình tại nhiều địa điểm khác nhau một cách thuận lợi; qua đó giảm thiểu chi phí giao dịch của thành viên và khách hàng.

- Cho phép các thành viên và khách hàng đi lại mà không cần mang một lượng tiền lớn theo mình; đồng thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu cơ bản của thành viên và người dân trong khi lại nâng cao được tính an toàn đối với người sử dụng sản phẩm dịch vụ này trong cộng đồng.

- các thành viên và khách hàng của QTDND cơ sở sẽ được sử dụng dịch vụ chuyển tiền ngày càng thuận tiện hơn giữa các đơn vị trong cùng hệ thống QTDND và kể cả đối với các TCTD ngoài hệ thống QTDND;qua đó giúp cho các thành viên và khách hàng của QTDND được tiếp cận với hệ thống phân phối sản phẩm và dịch vụ ngân hàng ngày càng đa dạng với mức chi phí thấp hơn.

- Cuối cùng, các thành viên của QTDND sẽ được hưởng lợi từ nhiều yếu tố thuận lợi khác nhờ sự phát triển vững mạnh của hệ thống QTDND thể hiện qua việc hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn và liên kết chặt chẽ hơn.


- Tăng cường liên kết chặt chẽ giữa các QTDND với tổ chức đầu mối liên kết của hệ thống sẽ giúp duy trì sự vận hành của hệ thống và các hoạt động kiểm tra, giám sát của tổ chức đầu mối liên kết đối với các bộ phận cấu thành của hệ thống QTDND một cách hiệu quả hơn.

- Việc tăng cường liên kết cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ mới với hình thức thống nhất và chuyên nghiệp trong toàn hệ thống QTDND; đồng thời khuyến khích các QTDND cơ sở tham gia hệ thống và nâng cao cấp độ thống nhất chung trong hoạt động nghiệp vụ của hệ thống QTDND - một yếu tố quyết định sự bền vững của hệ thống QTDND.

- Việc tăng cường liên kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cụ thể và nhanh chóng những đặc trưng cơ bản của các loại hình tổ chức tín dụng hợp tác trong hệ thống, đó là sự luân chuyển nguồn tài chính giữa các tổ chức trong cùng hệ thống; đồng thời thúc đẩy các QTDND có năng lực tài chính mạnh tăng cường hỗ trợ bằng việc phân phối các dịch vụ đến các QTDND yếu.

- Trong quá trình triển khai các sản phẩm liên kết, các QTDND cũng phải thực hiện hoạt động kiểm tra nội bộ một cách chặt chẽ hơn thông qua việc thực hiện các quy tắc, quy trình và kỹ thuật để giám sát toàn bộ giao dịch; đồng thời tạo điều kiện cho việc tăng cường giám sát các QTDND khi các thanh tra viên và kiểm toán viên được truy cập vào dữ liệu của các QTDND từ xa.

Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, khi mà mối liên kết trong hệ thống QTDND chưa thực sự vững chắc,  dịch vụ do các QTDND cung cấp còn rất đơn điệu thì NHNN Việt Nam phải dành một nguồn lực không nhỏ cho việc giám sát hoạt động và các hỗ trợ khác nhằm đảm bảo cho hệ thống QTDND đạt được sự an toàn cần thiết.

Với mục tiêu đặt ra là tăng cường liên kết hệ thống, kết quả hoạt động của Dự án sẽ giúp NHNN giảm bớt nguồn lực dành cho hệ thống QTDND nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững của nó. Về lâu dài, NHNN có thể giao cho Hiệp hội QTDND Việt Nam thực hiện một số nhiệm vụ như: xây dựng và triển khai định hướng hoạt động; thu thập, phân tích và xử lý thông tin tổng hợp; thực hiện kiểm toán và quản lý Quỹ an toàn đối với các QTDND; phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống QTDND cơ sở;…. Đây sẽ là những đóng góp không nhỏ của Dự án đối với sự phát triển của hệ thống QTDND.

Nếu tận dụng tốt sự hỗ trợ thiết thực này, hệ thống QTDND Việt Nam sẽ có cơ hội nhanh chóng rút ngắn lộ trình hoàn thiện mô hình liên kết, hướng tới hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững; qua đó, góp phần tích cực hơn nữa vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.

 VAI TRÒ CỦA HIỆP HỘI QTDND VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI DỰ ÁN

Hiệp hội QTDND Việt Nam được thành lập với vai trò là tổ chức liên kết hệ thống giữa QTDND Trung ương với các QTDND cơ sở cũng như giữa các QTDND cơ sở với nhau nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của các QTDND cũng như góp phần thúc đẩy từng QTDND cũng như cả hệ thống QTDND trên phạm vi toàn quốc phát triển ổn định, an toàn và bền vững.

Để thực hiện tốt vai trò liên kết hệ thống của mình, Hiệp hội QTDND Việt Nam có các chức năng và nhiệm vụ riêng có và thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo dành cho cán bộ QTDND, tư vấn về luật pháp, cơ chế chính sách, trợ giúp về nâng cao trình độ và ứng dụng công nghệ thông tin cho các hội viên; cung cấp thông tin và phản ảnh hoạt động của hệ thống QTDND thông qua Bản tin và Website của Hiệp hội.

 Với chức năng và nhiệm vụ như trên, Hiệp hội QTDND Việt Nam đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng cáo, giới thiệu về tầm quan trọng của dự án “Liên kết nông thôn – thành thị góp phần chống đói nghèo” đối với việc tăng cường tính liên kết hệ thống cũng như khả năng cạnh tranh của hệ thống QTDND đối với các loại hình tổ chức tín dụng khác; đồng thời tập trung giới thiệu về sản phẩm Liên kết mà Dự án sẽ triển khai để thông qua đó giúp cho các QTDND cơ sở hiểu rõ thêm về sản phẩm mới của hệ thống được triển khai cũng như về sự cần thiết và cấp bách đối với việc đầu tư và đưa vào triển khai sản phẩm liên kết đối với hoạt động của hệ thống QTDND.

Với sự hỗ trợ tích cực của dự án DID (Canada), Công ty tin học trực thuộc Hiệp hội QTDND Việt Nam đã xây dựng và phát triển thành công phần mềm quản lý Quỹ Tín dụng nhân dân (ITD-VAPCF); đồng thời thí điểm triển khai tại 10 QTDND cơ sở ở những địa phương có nhiều QTDND cơ sở trên phạm vi toàn quốc. Phần mềm ITD - VAPCF là chương trình phần mềm quản lý nghiệp vụ QTDND đồng nhất và hoàn chỉnh về các hoạt động nghiệp vụ của QTDND, đáp ứng yêu cầu hoạt động hiện tại và cũng phù hợp lộ trình phát triển trong tương lai của hệ thống QTDND cơ sở.

Với phần mềm quản lý thống nhất này, Hiệp hội QTDND Việt Nam có điều kiện cài đặt hỗ trợ cho các QTDND cơ sở tham gia Dự án có điều kiện trang bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mới nhất, đồng bộ và thuận lợi cho việc triển khai các sản phẩm liên kết.

Bên cạnh các hoạt động nói trên, Hiệp hội QTDND Việt Nam có thể phối hợp với QTDND Trung ương trong việc đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ của các QTDND cơ sở các kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và tin học để tiếp nhận, triển khai các sản phẩm liên kết một cách thuận tiện và hiệu quả; đồng thời phối hợp với QTDND Trung ương trong việc thực hiện các hoạt động Makerting và phân phối các sản phẩm liên kết đến các QTDND hội viên và các thành viên của họ một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Với sự quan tâm và hỗ trợ của tổ chức DID (Canada), sự chỉ đạo điều hành của NHNN Việt Nam, vai trò đầu mối tích cực của QTDND Trung ương, sự tham gia nhiệt tình của các QTDND cơ sở và sự phối hợp tích cực của Hiệp hội QTDND Việt Nam, chúng ta tin tưởng rằng hệ thống QTDND Việt Nam đã tiếp nhận có hiệu quả giai đoạn thí điểm Triển khai Dự án “Liên kết nông thôn – thành thị góp phần chống đói nghèo” tại QTDND Trung ương và 8 QTDND cơ sở tại các tỉnh, Thành phố Hà Nội, An Giang, Lâm Đồng và Thành phố Hồ Chí Minh cũng như sẽ triển khai thành công Dự án này, góp phần đưa hệ thống QTDND Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới./.

TS. Trần Quang Khánh

Các tin liên quan

Hiệp hội quỹ tín dụng nhân dân việt nam

Vietnam Association of people's Credit Funds

@Bản quyền thuộc về Hiệp hội Quỹ tín dụng Nhân dân Việt Nam

Giấy phép số 109/GP-BC-BVHTT ngày 28/04/2006

Ghi rõ nguồn vapcf.org.vn khi phát hành lại thông tin từ website này!