29.08.2018 10:05

Hệ thống QTDND tỉnh Phú Thọ: Trên bước đường đi lên chuyên nghiệp hoá

Hệ thống QTDND đang không ngừng hiện đại hoá công tác quản trị để đáp ứng yêu cầu hoạt động trong bối cảnh hội nhập, vừa đảm bảo không một ngóc ngách nào trên khắp vùng nông thôn Phú Thọ thiếu vốn, vừa giữ được an toàn đồng vốn.

Kết thúc năm 2017, chất lượng hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh Phú Thọ dần được trong sạch, lành mạnh, các đơn vị đều kinh doanh có lãi. Những “quả ngọt” gặt hái được hôm nay chính là nhờ nỗ lực quyết liệt tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu cùng với toàn bộ hệ thống các TCTD của quê hương Đất Tổ. Không những vậy, hệ thống QTDND cũng đang không ngừng hiện đại hoá công tác quản trị để đáp ứng yêu cầu hoạt động trong bối cảnh hội nhập, vừa đảm bảo không một ngóc ngách nào trên khắp vùng nông thôn Phú Thọ thiếu vốn, vừa giữ được an toàn đồng vốn.

 

Hoạt động của Hệ thống QTDND tỉnh Phú Thọ ngày một bài bản, chuyên nghiệp hơn 

Kiểm soát rủi ro, tăng cường tự chủ

Đánh giá tổng quan về kết quả thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 của hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Phú Thọ 6 tháng đầu năm 2018, NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ khẳng định, năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát của các QTDND đã được nâng lên một bước. Theo đó, cơ bản quản trị được hoạt động, kiểm soát được rủi ro và hoạt động an toàn.

NHNN tỉnh đã chỉ đạo các quỹ tín dụng bám sát “Ðề án xử lý nợ xấu của các TCTD, chi nhánh TCTD trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020" để tổ chức triển khai thực hiện. Kết quả, đến 30/6/2018 nợ xấu của hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giữ được ở mức 1,15% trên tổng dư nợ cho vay. Nợ xấu giảm tập trung vào một số quỹ tín dụng có tỷ lệ nợ xấu cao (Thanh Thuỷ, Phú Lộc, Thụy Vân…) do các quỹ này tập trung triển khai đồng bộ các biện xử lý nợ xấu như tăng cường công tác phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương thành lập Ban thu hồi nợ xấu tại địa phương, phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai các biện pháp thu hồi nợ, bám sát nguồn thu, động viên thành viên chấp hành trả nợ… Các QTDND tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vốn cho vay thành viên, mở rộng tín dụng đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, hạn chế nợ quá hạn, nợ xấu phát sinh.

Tổng nguồn vốn hoạt động của hệ thống QTDND tỉnh Phú Thọ đến 30/6/2018 là 3.688 tỷ đồng (bình quân 94,5 tỷ đồng/quỹ), so với cuối năm 2017 tăng 283 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 8,4%. Trong đó có 3 quỹ có nguồn vốn hoạt động cao trên 150 tỷ đồng (Hùng Lô, Thạch Sơn, Dữu Lâu).

Đặc biệt, các quỹ tiếp tục tăng cường huy động vốn tại địa phương, nhất là vốn trong thành viên nhằm tự chủ về nguồn vốn, dần hạn chế vay Ngân hàng Hợp tác xã để có điều kiện giảm lãi suất cho vay thành viên. Nhờ đó, đến 30/4/2018 hầu hết các QTDND trên địa bàn tỉnh có tổng vốn huy động trong thành viên đạt từ 50 - 65% tổng nguồn vốn huy động. Có 31/39 quỹ có nguồn vốn huy động trên tổng nguồn vốn đạt từ 70 - 80% trở lên. Vốn vay Ngân hàng Hợp tác xã tiếp tục giảm so với 31/12/2017. Trong đó có 16 quỹ chủ động hoàn toàn được nguồn vốn, không phải vay vốn từ Ngân hàng Hợp tác xã.

Nhờ đó, các QTDND nâng cao năng lực tài chính tập trung chủ yếu vào kế hoạch tăng vốn điều lệ trên cơ sở kế hoạch hoạt động nhiệm kỳ của từng quỹ và theo quy mô hoạt động, tiết kiệm chi phí, tăng cường trích lập cho các quỹ (quỹ dự phòng tài chính, quỹ phát triển nghiệp vụ) từ lợi nhuận hàng năm.

Từ nhận thức đến sức mạnh tổng hợp

Với đặc thù môi trường hoạt động chủ yếu là khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng đồng bào; thành viên còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp; hạ tầng cơ sở còn chưa phát triển… con đường chuyên nghiệp hoá của hệ thống QTDND nói chung chắc chắn sẽ còn nhiều chông gai. Tuy nhiên, đây đều là những vấn đề đã được Ban lãnh đạo Chi nhánh NHNN tỉnh Phú Thọ nhận diện đầy đủ để đưa ra giải pháp khắc phục.

Ông Phạm Trường Giang, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ cho biết, QTDND là TCTD được xây dựng dưới mô hình hợp tác xã, đội ngũ cán bộ ít, một bộ phận hoạt động mang tính nhiệm kỳ do vậy ảnh hưởng tới tính chuyên nghiệp. Một số không nhỏ năng lực, trình độ còn hạn chế, chưa thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao. Thực hiện quy trình, quy định hoạt động mang tính chất gia đình, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm… Chính vì mức độ tự chủ về tài chính và khả năng cạnh tranh còn hạn chế, nên mặc dù được NHNN tạo điều kiện ưu đãi hơn về lãi suất kể cả huy động và cho vay, nhưng mức độ rủi ro tại hệ thống này vẫn cao hơn so với các TCTD khác. Cũng chính bởi vậy, công tác chuyên nghiệp hoá hệ thống QTDND trên địa bàn chưa khi nào bị lơ là.

Ông Giang cho biết, công tác phát triển thành viên là một trong những vấn đề luôn được đặt lên hàng đầu. Đến 30/6/2018 hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh có 42.441 thành viên tham gia góp vốn (bình quân 1.088 thành viên/quỹ); so với cuối năm 2017 giảm hơn 1.700 thành viên. Nguyên nhân là do các QTDND thực hiện rà soát và cho ra đối với những thành viên không đáp ứng các điều kiện theo quy định của Thông tư 04 của NHNN Việt Nam trên cơ sở đã tuyên truyền, phổ biến đầy đủ và sự tự nguyện của thành viên.

Hiện nay, toàn bộ 39/39 QTDND trên địa bàn tỉnh Phú Thọ chấp hành nghiêm túc địa bàn hoạt động, không có đơn vị  nào vi phạm các quy định về địa bàn hoạt động theo quy định tại Thông tư 04 của NHNN Việt Nam. Các QTDND trên địa bàn tình Phú Thọ không có thành viên ngoài địa bàn, hầu hết thành viên đủ điều kiện theo quy định. Đến hết ngày 30/4/2018, số thành viên tham gia góp vốn thường niên năm 2016 và năm 2017 đã cơ bản hoàn thành; các quỹ tiếp tục rà soát, thống kê và động viên thành viên tiếp tục góp vốn thường niên theo quy định, trường hợp không đáp ứng điều kiện, sẽ cho ra khỏi quỹ trong năm 2018.

Đối với việc chấp hành các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động và các nội dung chuyển tiếp theo Thông tư 04, các QTDND trên địa bàn cơ bản đã chấp hành tốt. Có thời điểm, có đơn vị vi phạm tỷ lệ về khả năng chi trả, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn, dư nợ cho vay thành viên vượt 95% tổng nguồn vốn; có quỹ vi phạm cho vay vượt 15% vốn tự có, tuy nhiên qua giám sát và đôn đốc của cán bộ chuyên quản, đến nay, hầu hết các QTDND trên địa bàn đã chấp hành tốt các tỷ lệ đảm bảo an toàn này.

Bên cạnh đó, các quỹ tín dụng rất chú trọng trang bị cơ sở vật chất phục vụ trong hoạt động như một số quỹ đã đầu tư máy chủ, máy tính cấu hình cao, trang bị máy phát điện, hệ thống giám sát an ninh… để đảm bảo an toàn hoạt động và duy trì việc truyền tin thông suốt, kịp thời đến NHNN tỉnh.

Công tác an toàn kho quỹ đã được các quỹ chú trọng, kết quả các tồn tại qua kiểm tra 6 tháng đầu năm 2018 của NHNN chi nhánh tỉnh đến nay cơ bản đã được khắc phục. Các quy trình thu, chi, vận chuyển tiền đã được các quỹ coi trọng đảm bảo đúng quy trình không xảy ra mất an toàn khi vận chuyển và trong hoạt động.

Cùng với đó, công tác quản trị của các QTDND đã có nhiều tiến bộ, đảm bảo an toàn hệ thống, giảm thiểu rủi ro, kiểm soát nợ xấu phát sinh. Hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ đã góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý các rủi ro. Hàng tháng, đã kiến nghị, cảnh báo cho quỹ và báo cáo về NHNN chi nhánh những diễn biến trong hoạt động của đơn vị.

Những kết quả đạt được trên con đường chuyên nghiệp hóa của hệ thống QTDND tỉnh Phú Thọ càng khẳng định vai trò quản lý nhà nước của NHNN chi nhánh về lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng; vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn đối với các quỹ tín dụng ngày càng cụ thể, sâu sát. Nhờ đó, hệ thống QTDND toàn tỉnh đã duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả. Kết quả xếp loại năm 2017, các QTDND được đánh giá, xếp hạng A và B chiếm đại đa số.

Tổ chức và hoạt động QTDND dần đi đúng nguyên tắc, tôn chỉ, mục đích và từng bước đáp ứng quy định của Nhà nước đối với loại hình TCTD này. Quy mô hoạt động tăng lên cả về vốn góp, vốn huy động và đầu tư cho vay, kết quả kinh doanh. Chất lượng hoạt động, kể cả một số quỹ tín dụng tuy còn tiểm ẩn rủi ro song đã dần bộc lộ, phản ánh chính xác làm cơ sở cho áp dụng các biện pháp xử lý có hiệu quả hơn.

Từ sự tăng trưởng cả về quy mô, nâng cao về chất lượng và hiệu quả hoạt động QTDND đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, cải thiện an sinh, trật tự xã hội từng địa phương nói chung và đời sống thành viên QTDND theo đúng mục tiêu đề ra. Đó là nhờ nhận thức đúng đắn về sự tồn tại, phát triển của quỹ tín dụng gắn với lợi ích chung, gắn với việc làm và thu nhập của bản thân để tạo thành sức mạnh tổng hợp xây dựng quê hương Đất Tổ ngày một giàu đẹp. 

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan