09.08.2013 13:49

Hệ thống QTDND tỉnh Hải Dương sau 12 năm thực hiện Chỉ thị 57 của Bộ Chính trị


Ngày 27/7/1993, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 390/TTg cho phép triển khai Ðề án thí điểm thành lập Quỹ tín dụng Nhân dân (QTDND). Thực tế hoạt động đã khẳng định những đóng góp to lớn của hệ thống QTDND trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn như: Cung ứng vốn cho thành viên và nhân dân đến tận thôn, xã; góp phần xoá đói giảm nghèo, làm giàu cho kinh tế hộ gia đình và cho xã hội, đồng thời đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi tại địa bàn nông thôn. Những kết quả đạt được trong quá trình thí điểm đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Ðảng và Nhà nước về phát triển mô hình QTDND. Tuy nhiên, sau giai đoạn thí điểm thành lập, chất lượng hoạt động của hệ thống QTDND bộc lộ nhiều yếu kém: Nợ quá hạn quá cao (chiếm 7,55% tổng dư nợ), cho vay ngoài thành viên, cho vay ngoài địa bàn hoạt động diễn ra tràn lan. Chính vì vậy, Chỉ thị số 57-CT/TW ngày 10/10/2000 của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND (Chỉ thị 57) đã ra đời nhằm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại yếu kém của giai đoạn thí điểm, tiến hành củng cố, hoàn thiện mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động cho hệ thống QTDND.

1. Quá trình triển khai thực hiện
 
Ngày 10/4/2001, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 57 của Bộ Chính trị, tiếp theo đó là chỉ đạo tổ chức các Hội nghị sơ kết theo định kỳ để kịp thời đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế trong triển khai thực hiện. Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 57 trên cơ sở 100% các QTDND tổng kết đánh giá tại địa phương.

Trong chỉ đạo triển khai, Ban thường vụ Tỉnh ủy có Chỉ thị số 28/CT-TU ngày 05/6/2000 về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND sau giai đoạn thí điểm; UBND tỉnh đã ra Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo các cấp từ tỉnh đến huyện về củng cố, chấn chỉnh hoạt động QTDND, yêu cầu Ban Chỉ đạo thường xuyên báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh về kết quả hoạt động, những vướng mắc cần tháo gỡ; giao NHNN chi nhánh tỉnh là cơ quan đầu mối nắm bắt và báo cáo kết quả hoạt động của hệ thống QTDND cho Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo; tổ chức Hội nghị chuyên đề về hoạt động QTDND đến lãnh đạo cấp ủy chính quyền địa phương nơi có QTDND hoạt động để triển khai phổ biến những văn bản pháp quy của nhà nước và của Ngành, trao đổi tọa đàm về mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý, thống nhất chương trình phối kết hợp giữa NHNN với các cấp, các ngành trong công tác quản lý hoạt động QTDND.


2. Những kết quả đạt được trong thực hiện Chỉ thị 57

Thứ nhất, củng cố, chấn chỉnh hoạt động của hệ thống QTDND
Về quản trị điều hành, kiểm soát: Công tác quản trị, điều hành và kiểm soát nội bộ của các Quỹ được chấn chỉnh, củng cố, hoàn thiện và có đổi mới. Các vi phạm về nghiệp vụ huy động vốn, cho vay, quản lý chi tiêu tài chính đã được các QTDND khắc phục triệt để.
Về công tác quản lý, sử dụng và đào tạo cán bộ QTDND: Công tác cán bộ và đào tạo cán bộ được đặc biệt quan tâm nhằm đảm bảo trình độ của đội ngũ cán bộ hệ thống QTDND cơ sở đáp ứng quy định của NHNN và UBND tỉnh (đã đào tạo tổng số trên 1.600 lượt cán bộ), đội ngũ cán bộ được bổ sung, thay thế cơ bản phù hợp với yêu cầu công việc. Khi có sự thay đổi, bổ sung cán bộ luôn có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa QTDND, cấp ủy chính quyền địa phương và NHNN chi nhánh tỉnh Hải Dương (thay thế cán bộ kiêm nhiệm, vi phạm, không đủ điều kiện 127 cán bộ). Ðến nay, về cơ bản, bộ máy tổ chức của hệ thống QTDND trên địa bàn Hải Dương đã hoàn chỉnh theo quy định, đặc biệt khi xây dựng Ðề án củng cố (năm 2000), chỉ 13 quỹ có đủ số lượng Ban Kiểm soát 3 người, hiện nay, gần 100% các quỹ đủ số lượng tối thiểu 3 người. Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 57, NHNN chi nhánh tỉnh vẫn tiếp tục trình UBND tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí đào tạo hàng năm cho cán bộ quỹ; năm 2013, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức các lớp tập huấn chế độ, chính sách liên quan đến thuế, bảo hiểm của hệ thống QTDND.


Về công tác thanh lý, giải thể, xử lý những quỹ yếu kém: Có 8 QTDND bị thanh lý giải thể, công tác thanh lý giải thể được thực hiện tương đối an toàn, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của các QTDND khác, quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm, giữ gìn được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.


Công tác xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các QTDND yếu kém có nguy cơ mất khả năng thanh toán: Tại thời điểm xây dựng Ðề án củng cố, có 3 quỹ thuộc nhóm yếu kém có nguy cơ mất khả năng thanh toán, đã có 2 quỹ khắc phục tốt, còn 01 quỹ không khắc phục được phải thanh lý giải thể. Trong quá trình thực hiện Ðề án củng cố chấn chỉnh, có 6 quỹ lâm vào tình trạng khó khăn nhưng đến nay, với sự phối kết hợp chặt chẽ, thống nhất phương án giải quyết của Cấp ủy chính quyền địa phương và NHNN việc xử lý các QTDND hoạt động yếu kém của Hải Dương tương đối hợp lý, phù hợp điều kiện thực tế của từng quỹ, đã giúp cho các quỹ hoạt động ổn định, đi vào nề nếp.


Kết quả hoạt động của hệ thống QTDND đến ngày 31/12/2012 so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 57 của Bộ Chính trị.


Từ biểu số liệu cho thấy, quy mô hoạt động của hệ thống QTDND được mở rộng cả về số lượng và chất lượng: Năm 2000, toàn tỉnh có 74 QTDND hoạt động trên địa bàn 82 xã và 46.823 thành viên, thì đến 31/12/2012, có 71 QTDND với 40 phòng giao dịch hoạt động trên phạm vi 122 xã, với  91.194 thành viên, tỷ lệ tăng 94,7%. Tổng nguồn vốn hoạt động đạt 3.208 tỷ, tăng gấp 21,7 lần. Trong đó: Vốn tự có đạt trên 200 tỷ đồng, bình quân 2,8 tỷ đồng/quỹ (Vốn điều lệ đạt 98,6 tỷ, gấp 10 lần); vốn huy động tiền gửi dân cư đạt 2.771 tỷ đồng, gấp 26 lần và chiếm 87,4% tổng nguồn vốn hoạt động; vốn vay QTDND Trung ương (nay là Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam) 180 tỷ đồng, tăng gấp 8,5 lần (chiếm 5,6% tổng nguồn vốn). Tổng dư nợ tín dụng đạt 2.609 tỷ, gấp 20,5 lần. Doanh số cho vay đạt 3.915 tỷ, tăng 18,6 lần. Chênh lệch thu chi đạt 38 tỷ, gấp 14,6 lần.


Từ năm 2002, thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn, giảm qua ưu đãi đầu tư và cấp bù ngân sách cho hệ thống QTDND cơ sở đến nay được tổng số tiền là 16,3 tỷ đồng, chiếm khoảng 11% tổng nguồn vốn tự có của cả hệ thống; hàng năm, UBND tỉnh cấp hỗ trợ kinh phí đào tạo, hỗ trợ kinh phí cho các hội đồng thanh lý giải thể, cấp hỗ trợ ngân sách cho các xã nghèo có vay QTDND để thanh toán trả nợ…


Kết quả hoạt động của hệ thống QTDND đến ngày 31/12/2012 so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 57 của Bộ Chính trị (Bảng 1)



Sự hỗ trợ của tỉnh vào việc ban hành các văn bản chỉ đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh còn hỗ trợ cơ sở vật chất như:


- Cơ sở vật chất: 100% quỹ có trụ sở làm việc đáp ứng yêu cầu hoạt động, 80% quỹ được cấp đất, nhiều quỹ xây dựng trụ sở khang trang và bề thế.



- Về hiện đại hóa hoạt động ngân hàng và mở rộng dịch vụ ngân hàng: Ðến năm 2004, đã có 100% các QTDND trên địa bàn đã ứng dụng công nghệ ngân hàng vào hoạt động nghiệp vụ. Hải Dương là một trong số ít tỉnh đi đầu thực hiện hiện đại hóa công nghệ ngân hàng vào nghiệp vụ của hệ thống QTDND, đến nay, ứng dụng tương đối toàn diện vào nghiệp vụ. Ngoài dịch vụ truyền thống, một số dịch vụ mới cũng được nhiều QTDND mạnh dạn thực hiện: Dịch vụ đại lý chi trả kiều hối cho các NHTM (43 quỹ), đại lý chuyển tiền trong nước (31 quỹ). Năm 2012 các quỹ có quy mô tài sản từ 50 tỷ trở lên đã thực hiện kiểm toán độc lập.


Thứ hai, hoàn thiện tổ chức hoạt động của hệ thống QTDND


Thực hiện hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động từ mô hình 3 cấp chuyển sang mô hình 2 cấp, sáp nhập QTDND khu vực vào QTDND Trung ương thành lập chi nhánh QTDND Trung ương tại Hải Dương, khai trương hoạt động từ tháng 6/2001. Hoạt động của chi nhánh QTDND Trung ương từ khi chuyển đổi đến nay rất có hiệu quả, đáp ứng vai trò đầu mối của hệ thống QTDND trên địa bàn, từng bước hoàn thiện bộ máy điều hành, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ để năng động hơn và xử lý linh hoạt các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Hiện nay, chi nhánh đang hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để chuyển đổi hoạt động theo mô hình ngân hàng hợp tác xã.


Ðến ngày 31/12/2012, QTDND Trung ương chi nhánh Hải Dương có tổng số thành viên là 72 QTDND (01 quỹ thuộc tỉnh Quảng Ninh), tăng 6 quỹ do thành lập mới từ năm 2007 với tổng nguồn vốn hoạt động đạt 722 tỷ đồng, gấp 24 lần. Trong đó: Tiền gửi dân cư đạt 151 tỷ đồng, gấp 13 lần; tiền gửi của QTDND cơ sở đạt trên 410 tỷ đồng, gấp 136 lần; vốn tài trợ, ủy thác qua QTDND Trung ương gấp trên 8 lần (Năm 2001 có 2 nguồn AIF và ADB; đến nay có 7 nguồn). Tổng dư nợ đạt 347 tỷ đồng, gấp 8 lần, trong đó: Dư nợ cho vay QTDND cơ sở: 192 tỷ, chiếm 55,3% tổng dư nợ, gấp 11 lần; nợ xấu chiếm 0,6%/tổng dư nợ.


3. Ðánh giá tổng quát kết quả thực hiện Chỉ thị 57


Những đóng góp tích cực


Sau 20 năm xây dựng và phát triển, nhất là sau 12 năm thực hiện củng cố, chấn chỉnh theo tinh thần Chỉ thị 57, hệ thống QTDND Hải Dương đã có chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả rất đáng khích lệ: Công tác quản trị, điều hành có nhiều tiến bộ rõ rệt qua từng giai đoạn, hệ thống QTDND đã đủ sức đứng vững trong hoạt động, khẳng định được vai trò, vị trí của loại hình kinh tế hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng hoạt động trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, đóng góp tích cực vào việc xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thể hiện trên các mặt sau:


- Về kinh tế: Hệ thống QTDND của tỉnh Hải Dương đã phục vụ trực tiếp công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân, làm nhiệm vụ cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và đời sống cho nhân dân đến các thôn, xã; là địa chỉ tin cậy cho bà con nông dân gửi tiền và vay tiền thuận lợi, thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong mọi tầng lớp dân cư tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, cho gần 800 ngàn lượt người vay với doanh số cho vay lên tới gần 15.000 tỷ đồng để phát triển sản xuất kinh doanh, xoá đói giảm nghèo, làm giàu kinh tế gia đình và cho xã hội, cải thiện đời sống…


- Về chính trị: Có ý nghĩa trong việc từng bước thực hiện đường lối đổi mới của Ðảng đa dạng hoá các thành phần kinh tế: QTDND là loại hình TCTD hợp tác hoạt động ổn định và có hiệu quả nhất trong các loại hình HTX, góp phần hỗ trợ vốn cho kinh tế hộ, thực hiện được mục tiêu tương trợ cộng đồng. Ðồng thời, góp phần giúp cho ngành Ngân hàng thực hiện được chủ trương đổi mới và đa dạng hoá các loại hình các TCTD, phục vụ phát triển kinh tế nhiều thành phần của Ðảng và Nhà nước, đặc biệt ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết Trung ương V đề ra.


- Về xã hội: Tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động khu vực nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân (trong đó có trên 729 lao động là cán bộ nhân viên QTDND), góp phần to lớn vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo của Ðảng và Nhà nước; hạn chế nạn cho vay nặng lãi tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn. QTDND thực sự trở thành ngân hàng của xã phục vụ cho nhân dân vay, gửi tiền thuận tiện, an toàn, được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ; hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh cho đến hôm nay đã thực sự xoá đi sự mặc cảm và dư âm đổ vỡ của HTX tín dụng cũ, đưa dịch vụ ngân hàng đa dạng, tiện ích phục vụ người dân tới tận thôn, xã.


Những kết quả đã đạt khẳng định sự cố gắng phấn đấu của toàn thể cán bộ nhân viên QTDND; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của NHNN Việt Nam, các cấp ủy Ðảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã, các ngành liên quan, đặc biệt là đông đảo tầng lớp nhân dân dày công vun đắp. Nhiều tập thể, cá nhân nhiều năm đạt được thành tích xuất sắc trong quá trình hoạt động đã được Ðảng, Nhà nước ghi nhận và khen thưởng qua các năm, từng thời kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá.


Một số tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm


- Tồn tại, hạn chế:


Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chỉ thị 57 của Bộ Chính trị tại tỉnh Hải Dương vẫn còn những tồn tại hạn chế, đó là:


Công tác quản trị, điều hành, kiểm soát nội bộ còn hạn chế do trình độ quản lý và trình độ nghiệp vụ chuyên môn của một bộ phận cán bộ còn yếu kém; chưa có tầm nhìn chiến lược, dự tính, dự báo chủ động trong hoạt động kinh doanh. Một số Quỹ chưa bám sát mục tiêu hoạt động của mô hình QTDND là tương trợ cộng đồng, giúp đỡ thành viên mà chạy theo động cơ lợi nhuận đơn thuần đã dẫn tới vi phạm chế độ, vi phạm pháp luật. Tính liên kết trong hệ thống của QTDND Trung ương (nay là Ngân hàng Hợp tác) với các QTDND cơ sở chưa cao, đôi lúc chưa thực hiện được chức năng tương trợ, hỗ trợ nhau, nhất là những lúc khó khăn sóng gió như năm 2008 - 2009, mà vẫn dựa vào vai trò “Bà đỡ” của NHNN chi nhánh tỉnh. Mặt khác, vai trò quản lý của Cấp ủy chính quyền địa phương các cấp, sự phối kết hợp của các ngành chức năng ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, nhất là công tác quản lý, bố trí, sắp xếp cán bộ chủ chốt của QTDND.


- Bài học kinh nghiệm:


+ Về tổ chức và cán bộ: Phải xác định yêu cầu về đội ngũ cán bộ là một trong những điều kiện quan trọng bậc nhất khi QTDND ra đời, đó là một bộ máy cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có đủ trình độ năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc, yêu cầu về công tác tổ chức quản lý, tự giác chấp hành chính sách pháp luật, điều lệ của QTDND.


+ Về vai trò quản lý của NHNN: Chủ động, tích cực, phát huy vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành trong việc hỗ trợ hoạt động của hệ thống QTDND, đồng thời tham mưu đắc lực cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong lĩnh vực quản lý QTDND. Làm tốt công tác thanh tra, giám sát hoạt động của QTDND nhằm ngăn ngừa và sớm phát hiện những sai phạm, xử lý nghiêm minh, kịp thời.


+ Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Ðảng, chính quyền: Hoạt động của QTDND cơ sở phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên và sâu sát của cấp ủy chính quyền các cấp cũng như có sự phối kết hợp, giám sát chặt chẽ của các ngành chức năng có liên quan.


+ Ban hành cơ chế chính sách: Phải kịp thời và đồng bộ phù hợp với loại hình QTDND; có chính sách hỗ trợ thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho QTDND hoạt động và phát triển.


+ Công tác tuyên truyền, thi đua khen thưởng phải được quan  tâm thường xuyên, kịp thời và đúng mức nhằm tạo động lực thúc đẩy tinh thần  yêu nước, xây dựng QTDND của mọi thành viên và toàn thể nhân dân.



4. Các giải pháp cần tập trung thực hiện thời gian tới



Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, công tác quản lý Nhà nước của NHNN và chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành. Ðối với các QTDND: Thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Ðảng chính quyền, báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc để có những giải pháp xử lý thích hợp, giúp cho quỹ hoạt động an toàn, bền vững.


Thứ hai, thực hiện nghiêm túc phương án tái cơ cấu đã xây dựng theo đúng lộ trình từ nay đến  năm 2015. Bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống quy chế nội bộ phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành (hiện 100% các quỹ đã có báo cáo Phương án tái cơ cấu về NHNN chi nhánh tỉnh và đang từng bước thực hiện lộ trình tái cơ cấu).


Thứ ba, thực hiện tiết kiệm chi phí, tăng tích lũy, tăng vốn góp từ thành viên, tăng quy mô hoạt động, nâng cao năng lực tài chính từ đó tăng khả năng cạnh tranh trong sân chơi bình đẳng hiện nay với các ngân hàng. Trong hoạt động tín dụng phải lấy chất lượng tín dụng làm trọng tâm, không vì mục tiêu phát triển quy mô mà tăng trưởng nóng, hạ thấp điều kiện cho vay... Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm đảm bảo cho sự phát triển an toàn, hiệu quả, lành mạnh, bền vững.


Thứ tư, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của NHNN tỉnh đối với hoạt động QTDND, phát hiện xử lý kịp thời sai phạm.


Thứ năm, chú trọng, quan tâm công tác đào tạo, nâng cao trình độ, hướng tới chuẩn hóa cán bộ quỹ trong thời gian sớm nhất; củng cố và hoàn thiện bộ máy tổ chức cán bộ tinh gọn, hiệu quả; thay thế, bổ sung đội ngũ cán bộ có đủ tài, đức đáp ứng được công việc theo yêu cầu mới.


Thứ sáu, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nâng cao vai trò, trách nhiệm của mọi thành viên, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị ở nông thôn. Coi trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương của Ðảng và Nhà nước đối với QTDND, kết quả hoạt động của hệ thống QTDND.


5. Ðề xuất, kiến nghị


(1) Ðối với Cấp ủy chính quyền tỉnh Hải Dương


- Về chính sách thuế: Tiếp tục đề nghị với Quốc hội thực hiện miễn thuế cho hệ thống QTDND như với HTX nông nghiệp hoặc nếu có thu thì ở mức thuế suất thấp hơn các ngân hàng thương mại.


- Ðề nghị UBND tỉnh quan tâm hàng năm tiếp tục hỗ trợ kinh phí đào tạo để tổ chức các lớp đào tạo, bối dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ công tác tại QTDND cơ sở.


(2) Ðối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam


- Ðề nghị NHNN khi ban hành chế độ, hoặc phối hợp với các Bộ, ngành, hoặc tham mưu với Chính phủ ban hành các chính sách, cơ chế liên quan hoạt động của ngành phù hợp với đặc thù của hệ thống QTDND, cụ thể: Có cơ chế riêng trong việc ban hành quy chế đánh giá xếp loại QTDND; việc trích lập dự phòng rủi ro; các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động…


Tóm lại: Nhìn lại chặng đường đã qua, nhất là sau 12 năm củng cố và hoàn thiện theo tinh thần Chỉ thị 57 của Bộ Chính trị - hệ thống QTDND của tỉnh Hải Dương đã có bước phát triển mạnh mẽ và tương đối toàn diện, thực sự trở thành ngân hàng của nông nghiệp, nông dân và nông thôn, vì nông dân mà phát triển và thực sự là người bạn đồng hành của nông dân, sát cánh cùng nông dân trên con đường xây dựng nông thôn mới. Kết quả đó thật đáng trân trọng. Chặng đường tiếp theo dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Phát huy kết quả đã đạt được, với sự chỉ đạo sát sao của Cấp ủy, chính quyền địa phương và NHNN chi nhánh tỉnh, hệ thống QTDND Hải Dương sẽ vững bước tiếp trên những chặng đường mới, vượt qua gian nan thử thách, góp phần vào công cuộc đổi mới của Ðảng, tham gia vào quá trình hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn và xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhà.



Nguyễn Thị Bài - Giám đốc
NHNN Chi nhánh Hải  Dương

Các tin liên quan