“Với sự quan tâm, tạo điều kiện trong hoạt động từ cơ quan quản lý là NHNN Chi nhánh tỉnh và Chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã (NHHT) tỉnh Hà Nam, hệ thống QTDND trên địa bàn đã ghi mốc con số 10 quỹ với thành viên mới là QTDND Tiên Nội đi vào hoạt động tháng 10/2016. Nhưng quan trọng hơn cả, hệ thống QTDND Hà Nam đã góp phần thoả mãn nhu cầu tín dụng phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt các hộ nghèo. Để rồi từ sự phát triển các tế bào kinh tế nhỏ nhất những nền tảng hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang dần thành hiện thực”, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Nam Nguyễn Văn Hiếu cho biết.
Góp sức xây dựng nông thôn mới
Hoạt động trên một địa bàn nông thôn đời sống kinh tế của nhiều thành viên còn nhiều khó khăn. Phạm vi hoạt động QTDND chỉ cho vay thành viên, người nghèo có hộ khẩu thường trú trên địa bàn và khách hàng là tổ chức, cá nhân không phải là thành viên có tiền gửi tại QTDND để phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ và phục vụ đời sống của các thành viên nên hoạt động của QTDND bị ảnh hưởng một phần không nhỏ, bởi thực trạng sản xuất, kinh doanh khó khăn của toàn nền kinh tế.
Lại thêm những khó khăn trong thực tế khi thời gian qua, các QTDND vừa phải đổi mới hệ thống công nghệ thông tin, vừa tái cơ cấu đáp ứng những quy chuẩn hoạt động theo hướng an toàn hơn với hệ thống và tiện ích hơn, nên những khoảng trống trong quản lý, đào tạo, nguồn lực luôn là vấn đề sống còn đối với sự phát triển của các quỹ.
Chính vì vậy, hơn lúc nào hết sự hỗ trợ của NHNN trở thành bệ đỡ cho sự phát triển an toàn của hệ thống quỹ. Từ việc hỗ trợ các QTDND qua các khoá đào tạo về tin học, công nghệ, nâng cao trình độ cán bộ nhân viên quỹ các cấp, thanh tra và giám sát hoạt động cũng như chấp hành các quy định của NHNN đặt ra, Chi nhánh NHNN tỉnh đã dần giúp cán bộ, nhân viên làm việc thường xuyên của quỹ có sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động.
Không chỉ thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, các QTDND trên địa bàn đã cơ bản am hiểu về hoạt động và đặc thù của mô hình QTDND trong lĩnh vực ngân hàng. Hội đồng quản trị, ban kiểm soát và người điều hành đã cơ bản đáp ứng được các điều kiện theo quy định của NHNN Việt Nam…
Qua kết quả thanh tra và kiểm tra trực tiếp của Chi nhánh NHNN tỉnh cho thấy, các QTDND trên địa bàn đã có nhiều cố gắng trong hoạt động kinh doanh. Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 8.585 thành viên, giảm 2.460 thành viên so với đầu năm.
Tuy nhiên, số lượng thành viên giảm là do việc rà soát lại các quy định về điều lệ hoạt động của các QTDND. Còn về hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn trong những năm qua đặc biệt là năm 2016 có bước tăng trưởng khá, bước đầu đáp ứng được nhu cầu vốn cho các thành viên để phát triển kinh tế gia đình.
Chất lượng hệ thống QTDND ngày càng ổn định và nâng cao là nền tảng để các QTDND có thể phát huy vai trò của mình trong cộng đồng với sự trợ lực của Chi nhánh NHHT Hà Nam đặc biệt là vai trò điều hoà vốn. Không chỉ cung ứng vốn giúp các QTDND có sự tăng trưởng dư nợ ổn định, Chi nhánh cũng đã tích cực phối hợp cùng các QTDND trong công tác quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm mới như cho vay hợp vốn của NHHT đến người dân, cho vay đến với khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, đặc biệt là đối tượng CBCNV và các hội viên làng nghề, hội viên của Hội phụ nữ, cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, góp phần đa dạng nguồn thu cho hệ thống QTDND.
Tính đến cuối năm 2016, tổng nguồn vốn của hệ thống các QTDND trên địa bàn đạt 714 tỷ đồng, tăng 42% so với đầu năm. Trong đó, vốn vay của các QTDND tại NHHT Chi nhánh Hà Nam gần 157,55 tỷ đồng, tăng 118,39% so với đầu năm 2016. Hiệu ứng hoạt động của các QTDND trong đời sống càng thấy rõ qua doanh số cho vay trong năm đạt 935,95 tỷ đồng.
QTDND Yên Bắc nổi lên không chỉ là quy mô nguồn vốn hoạt động lớn nhất 127,34 tỷ đồng mà cũng là quỹ có doanh số cho vay lớn nhất đạt 173,3 tỷ đồng. Ngay cả QTDND Tiên Nội, dù mới hoạt động chưa đầy 3 tháng, doanh số cho vay cũng đạt 9,77 tỷ đồng, trong khi dư nợ thấp nhất đến cuối năm là 8,824 tỷ đồng.
Đáng nói là sự bứt phá trong quy mô hoạt động của nhiều QTDND. Tính đến cuối năm 2016, dư nợ cho vay thành viên của các QTDND trên địa bàn đạt hơn 637,27 tỷ đồng, tăng 45,3% so với đầu năm. Trong đó, QTDND có dư nợ tăng trưởng cao nhất là Ngọc Lũ với mức tăng 73,57% tương đương 41,877 tỷ đồng. QTDND có mức tăng trưởng thấp nhất là Hoàng Đông cũng đạt mức 34,27%, tương đương với giá trị tăng tuyệt đối là 6,336 tỷ đồng.
Gia tăng trụ cột vốn cho nông thôn
Nhìn lại hoạt động năm 2016, các QTDND trên địa bàn đều có lãi kể cả QTDND Tiên Nội vừa mới đi vào hoạt động từ tháng 10/2016. Nợ xấu toàn hệ thống chỉ chiếm 0,105% tổng dư nợ. Quan trọng hơn nguồn lực từ NHHT và hệ thống QTDND trên địa bàn đã góp thêm động lực giúp thành viên nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, dịch vụ tạo ra khả năng cạnh tranh mới để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn mới, cải thiện đời sống cộng đồng thành viên.
Kết quả bước đầu đã tạo khí thế làm ăn mới của các thành viên, củng cố mối liên kết hệ thống, cộng đồng dân cư tin tưởng hơn vào hoạt động của QTDND, các QTDND cũng tin tưởng và gắn kết hơn với hoạt động của toàn hệ thống.
Trong chặng đường phía trước, cũng như năm 2017, trên một địa bàn “khát vốn” để phát triển khu vực nông thôn như Hà Nam, các QTDND càng tỏ rõ mong muốn chung tay hỗ trợ các thành viên mở rộng sản xuất, nâng cao đời sống. Điều này có thể nhìn thấy rõ thông qua các chỉ tiêu mà NHNN cùng các QTDND đặt ra trong năm 2017 với việc mở rộng hoạt động tín dụng, dịch vụ đến 10.150 thành viên, tăng 1.565 thành viên so với cuối năm 2016.
Dư nợ cho vay cũng đặt kỳ vọng tăng trưởng 30% và nợ xấu dưới 1%. Tổng nguồn vốn đạt 930 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ đạt 51,567 tỷ đồng, huy động đạt 633,645 tỷ đồng. Như vậy, khoảng trống huy động vốn còn lại sẽ phải cần có sự trợ lực rất nhiều từ NHHT Chi nhánh Hà Nam, đặc biệt là sự phân bổ hỗ trợ vốn từ NHHT Việt Nam – Ngân hàng của hệ thống QTDND. Thực tế cho thấy dư nợ cho vay QTDND của Chi nhánh NHHT trong tháng 1 tăng 15.583 triệu đồng (tỷ lệ tăng 9,9%) so với 30/11/2016, đạt 172.879 triệu đồng.
Tổng giám đốc NHHT Đỗ Mạnh Hùng cho biết, để trợ lực cho hệ thống, NHHT sẽ chỉ đạo chi nhánh tăng cường đẩy mạnh huy động vốn phục vụ dự trữ thanh khoản, đồng thời sẽ hỗ trợ tối đa chi nhánh để thực hiện tốt công tác điều hòa vốn, hỗ trợ các QTDND chi trả tiền gửi, cho vay thành viên QTDND.
Cùng với đó NHHT sẽ tăng cường công tác hỗ trợ các QTDND nâng cao trình độ thẩm định, kiểm tra, giám sát vốn vay để đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích ghi trong hợp đồng tín dụng; tăng cường kiểm tra, kiểm toán nội bộ về chất lượng tín dụng, kịp thời phát hiện khách hàng có biểu hiện khó khăn trả nợ để có biện pháp xử lý phù hợp nhằm hạn chế rủi ro phát sinh và đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng.
Bệ đỡ hỗ trợ các QTDND càng thêm vững chắc với sự quản lý, giám sát và hỗ trợ từ NHNN Chi nhánh tỉnh. Giám đốc NHNN Chi nhánh Hà Nam Nguyễn Văn Hiếu cho biết, trong năm 2017, chi nhánh sẽ tăng cường triển khai tổ chức và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động của các QTDND. Đồng thời tiếp tục tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại hệ thống QTDND, phương án chuyển tiếp và phương án bổ sung của QTDND mà Giám đốc NHNN tỉnh đã phê duyệt thực hiện các quy định của NHNN.
Cùng với đó, Chi nhánh NHNN sẽ tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại cán bộ, chú trọng tập trung đào tạo về tin học để đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Với các cán bộ làm việc thường xuyên tại Quỹ không đáp ứng được yêu cầu, NHNN sẽ kiên quyết đề nghị các quỹ phải tìm người thay thế ngay trong nhiệm kỳ 2017 – 2022 để đảm bảo nâng cao sức cạnh tranh và hoạt động an toàn hiệu quả.
Đặc biệt, NHNN sẽ tăng cường phối hợp với các ngành các cấp để có kế hoạch thành lập mới và phát triển hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung ưu tiên thành lập mới QTDND có trụ sở hoạt động ở địa bàn nông nghiệp, nông thôn và ở những nơi chưa có phòng giao dịch của các QTDND và các NHTM trên địa bàn.
13.11.2024
30.10.2024