04.01.2018 07:00

Hệ thống QTDND: Cần chuyên môn hóa công tác đào tạo

Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một yêu cầu cấp bách để nâng cao năng lực quản trị và năng lực cạnh tranh cho hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) nhằm đáp ứng với tình hình mới. Việc tập trung công tác đào tạo cho hệ thống QTDND về một đầu mối là Hiệp hội QTDND Việt Nam sẽ góp phần chuyên môn hóa công tác đào tạo này.

Đòi hỏi cấp bách

Do đặc thù là tổ chức kinh tế hợp tác do các cá nhân, hộ gia đình tự nguyện góp vốn thành lập, nên thời gian qua việc sắp xếp nhân sự tại các QTDND thường ưu tiên cho những người sáng lập. Theo đánh giá của các cơ quan quản lý cũng như các chuyên gia, cách tuyển dụng, bố trí nhân sự như vậy không thể đảm bảo tiêu chuẩn cần thiết về năng lực chuyên môn, kỹ năng giao tiếp…

 

Hơn thế nữa, cũng do đặc thù là một loại hình TCTD quy mô nhỏ, hoạt động chủ yếu ở địa bàn nông thôn, nên công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại hầu hết các QTDND chưa được quan tâm đúng mực.

Vì thế, hiện nguồn nhân lực tại các QTDND vừa yếu lại vừa thiếu, cần phải được đào tạo, đào tạo lại đáp ứng cho công tác phát triển của đơn vị cũng như những yêu cầu mới theo “Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020” mà Chính phủ vừa phê duyệt, và những thách thức mới từ cuộc CMCN 4.0.

Thời gian qua, NHNN chi nhánh, Hiệp hội QTDND Việt Nam đã phối hợp với các trường, trung tâm đào tạo tổ chức các chương trình đào tạo hỗ trợ hệ thống. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là các chương trình đào tạo riêng lẻ, chưa có tính hệ thống xuyên suốt và nhất quán.

Đó chính là lý do ngày 23/5/2017, Thống đốc NHNN Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1011/QĐ-NHNN về việc Ban hành Chương trình đào tạo nghiệp vụ QTDND và Quyết định số 1012/QĐ-NHNN về việc Ban hành Bộ tài liệu đào tạo nghiệp vụ QTDND - một bộ giáo trình có tính pháp lý chính thống cho hệ thống QTDND. Điều đó cho thấy tính cấp bách của việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là những nhân lực chủ chốt cho hệ thống QTDND.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch Hiệp hội QTDND Việt Nam, bộ giáo trình mà NHNN đã chuẩn y chính là một tham chiếu mang tính pháp lý cho các QTDND nhìn lại công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực của mình. Giáo trình được xây dựng trên cơ sở gắn với quá trình quản lý nhà nước nhằm giảm thiểu rủi ro đạo đức, nâng cao nhận thức về nghiệp vụ chuyên môn.

Việc xây dựng, chuẩn hóa bộ giáo trình đào tạo cán bộ QTDND thay thế cho bộ giáo trình hiện hành tạo thuận lợi cho Hiệp hội QTDND Việt Nam làm cơ sở để đào tạo cho cán bộ QTDND, nhằm nâng cao trình độ cán bộ QTDND, giảm thiểu rủi ro đạo đức trong quá trình hoạt động.

Đồng thời, việc xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ, am hiểu các quy định hiện hành, đặc biệt là phát huy đội ngũ giảng viên kiêm chức của NHNN đã nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước của NHNN đối với các QTDND trên phạm vi cả nước.

Tập trung để nâng cao hiệu quả

Cũng tại Quyết định 1011/QĐ-NHNN, lần đầu tiên NHNN giao cho Hiệp hội QTDND Việt Nam làm đầu mối thiết kế xây dựng và vận hành các chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ cho các học viên, và chứng chỉ này được xem là điều kiện trong quá trình tuyển dụng và đề bạt các vị trí lãnh đạo của QTDND.

Ông Ngô Chung - Giám đốc Trường Đào tạo Bồi dưỡng nghiệp vụ ngân hàng - NHNN cho biết, đây là một giải pháp hợp lý vừa đáp ứng nhu cầu đào tạo của các quỹ, vừa đáp ứng nhu cầu giám sát quản lý chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống QTDND. Bởi trước đây rõ ràng là có việc nhiều nguồn đào tạo cũng dẫn tới việc các QTDND cân nhắc trong việc lựa chọn, chưa kể có nhiều chương trình trùng lắp, trong khi có nhiều mảng nghiệp vụ, cán bộ QTDND mong muốn lại chưa được thỏa mãn.

“Chính vì vậy, việc tập trung về một đầu mối đã góp phần chuyên môn hóa công tác đào tạo cho hệ thống QTDND. Và hơn ai hết, Hiệp hội QTDND Việt Nam là nơi lắng nghe và hiểu rõ nhất yêu cầu, nhu cầu đào tạo của các hệ thống cũng như gắn kết các quy định của Ngành, xu thế phát triển của hệ thống vào công tác đào tạo nên nội dung và chất lượng đào tạo sẽ ngày càng đáp ứng nhu cầu của học viên. Đồng thời, phát huy vai trò hỗ trợ, đại diện bảo vệ quyền lợi và làm cầu nối giữa hội viên và các cơ quan chức năng Nhà nước”, ông Ngô Chung cho biết thêm.

Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015 quy định về QTDND đã quy chuẩn điều kiện đối với Thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, kiểm soát viên chuyên trách và giám đốc các QTDND. Theo đó đối với các chức danh nêu trên phải có văn bằng (hoặc chứng chỉ) chứng minh đã được đào tạo nghiệp vụ QTDND.

Vì vậy, việc đưa đào tạo về một đầu mối quản lý sẽ góp phần gắn văn bằng chứng chỉ với chất lượng nguồn nhân lực. NHNN cũng như các đơn vị quản lý có thêm cơ sở, niềm tin về chất lượng đào tạo cũng như kỹ năng của cán bộ QTDND làm cơ sở đề bạt, thành lập mới.

Đối với các đối tượng không thuộc thành phần bắt buộc trong Thông tư 04, việc tham gia các khóa học này cũng hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, mặc dù yêu cầu với các cán bộ tín dụng của TCTD hợp tác không cần chuyên môn cao như các NHTM lớn, nhưng vì bản chất cho vay nông nghiệp nông thôn là một lĩnh vực nhiều rủi ro, nên các cán bộ cũng cần có những kỹ năng nhất định để có thể hoạt động tốt trong mô hình này. Và chỉ khi cán bộ đạt đến trình độ tối thiểu cần thiết thì mới có khả năng gia tăng hiệu quả hoạt động, hiện đại hóa QTDND.

Hơn thế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, với sự phát triển nhanh và rộng của các loại hình tín dụng vi mô và cuộc chạy đua giành thị phần khu vực nông nghiệp nông thôn của các TCTD, đòi hỏi các cán bộ của các QTDND phải dùng kiến thức để phát huy lợi thế với chất lượng sản phẩm và dịch vụ ngày càng tốt hơn, cạnh tranh được với các loại hình tín dụng khác, có như vậy, mô hình mới phát triển bền vững.

Bộ tài liệu đào tạo nghiệp vụ QTDND gồm 8 học phần, tổng thời lượng đào tạo là 248 tiết. Trong đó tập trung cơ bản vào nội dung đào tạo về Quản lý rủi ro trong hoạt động của QTDND, Pháp luật Ngân hàng - Chương trình đào tạo cán bộ QTDND, Nghiệp vụ tín dụng, Kế toán, Kiểm soát, kiểm toán QTDND và Phân tích và quản lý tài chính QTDND.

Nội dung Chương trình đào tạo nghiệp vụ QTDND đã được quy định cụ thể cho từng đối tượng đang tham gia hoạt động của QTDND từ thành viên HĐQT QTDND gồm: Chủ tịch HĐQT và các thành viên khác trong HĐQT; Thành viên Ban kiểm soát QTDND; Người điều hành QTDND, cán bộ QTDND; Các cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý đào tạo nguồn, mở rộng hệ thống QTDND.

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan