Những năm qua, hệ thống QTDND ở tỉnh Bình Định - chủ yếu hoạt động ở khu vực nông thôn - đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện cho thành viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, góp phần hạn chế hoạt động “tín dụng đen” ở nông thôn, ổn định xã hội.
Đồng hành cùng thành viên
Bà Đặng Thị Nha, Giám đốc QTDND Nhơn Lộc (TX An Nhơn), cho biết: “Quỹ hoạt động trên địa bàn 4 xã: Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn Tân, Nhơn Phúc với gần 6.000 thành viên được vay vốn dư nợ 67 tỉ đồng. Hiện tổng nguồn vốn huy động của quỹ 114 tỉ đồng, nguồn vốn hoạt động 126 tỉ đồng, điều kiện thanh khoản tốt”.
Anh Trần Văn Khoa, ở thôn Thọ Lộc 1, xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn) là một trong những điển hình sử dụng tốt vốn vay từ QTDND.
Anh Trần Văn Khoa, ở thôn Thọ Lộc 1, xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn), bộc bạch: “Cách đây 12 năm, tôi được QTDND Nhơn Lộc cho vay 20 triệu đồng để mua máy móc mở cơ sở xay xát mì, bắp, gạo. Cơ sở của tôi phát triển, mở rộng quy mô sản xuất dần. Vừa rồi tôi đầu tư hơn 1,2 tỉ đồng mở rộng sản xuất và được quỹ cho vay 600 triệu đồng. Mỗi năm gia đình tôi thu nhập gần 100 triệu đồng, có điều kiện trả nợ vay, lại còn tạo việc làm cho 4 lao động ở địa phương với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng”.
Cũng nhờ nguồn vốn vay của QTDND để đầu tư chăn nuôi heo, gia đình ông Bùi Văn Ngọc, ở thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh (huyện Phù Cát) đã có cuộc sống ổn định. Ông Ngọc chia sẻ: “Năm 2009, gia đình tôi nuôi 100 con heo, được QTDND thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát) cho vay 50 triệu đồng. Làm ăn dư giả, tôi đã trả được nợ vay. Sau đó tôi tiếp tục vay 200 triệu đồng để nhân rộng đàn heo lên 600 con, mỗi năm cho thu nhập hơn 150 triệu đồng. Nhờ vốn vay của quỹ nên cuộc sống gia đình mới khấm khá và trả nợ được 100 triệu đồng”.
Nhờ nguồn vốn vay của QTDND, gia đình ông Bùi Văn Ngọc, ở thôn Phú Nhơn, xã Cát Trinh (huyện Phù Cát) phát triển nghề nuôi heo hiệu quả.
Một cách lặng lẽ, các QTDND đã lan tỏa về thôn, xóm, chủ động tìm đến các hộ dân thu hút tiền gởi và xúc tiến việc cho vay đến các hộ có nhu cầu. Theo bà Phan Thị Lộc, Giám đốc QTDND thị trấn Ngô Mây, nhờ làm tốt công tác huy động vốn nên Quỹ đảm bảo đủ nguồn vốn hoạt động, không có nợ khó đòi. Đến cuối năm 2018, nguồn vốn huy động đạt 106 tỉ đồng, tổng dư nợ cho vay hơn 88 tỉ đồng, nợ quá hạn chỉ có 20 triệu đồng. Còn theo ông Phan Thành Trung, Giám đốc QTDND Phước Sơn (huyện Tuy Phước), 3 năm trước, Quỹ còn vay 10 tỉ đồng tại Ngân hàng HTX Việt Nam - Chi nhánh Bình Định để về cho vay lại; đến nay nhờ huy động vốn tốt, Quỹ không chỉ dư vốn hoạt động mà còn gửi 18 tỉ đồng tại Ngân hàng HTX Việt Nam - Chi nhánh Bình Định.
Anh Trần Quốc Quân, ở thôn Mỹ Trung, xã Phước Sơn là một trong hàng trăm hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ vốn vay từ Quỹ TDND, phấn khởi kể: “Năm 2002, tôi vay 20 triệu đồng từ QTDND Phước Sơn, đầu tư vào chăn nuôi heo, gà. Lấy ngắn nuôi dài, 6 năm sau tôi mở rộng quy mô sản xuất và vay của Quỹ 350 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp để làm dịch vụ gặt lúa, có thu nhập cao”. Hiện anh Quân có tới 4 dàn máy gặt đập liên hợp để làm dịch vụ, mỗi năm thu nhập 400 triệu đồng, không chỉ trả được nợ vay mà còn có dư gửi ở Quỹ.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động
Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, toàn tỉnh hiện có 27 QTDND. Tính đến cuối tháng 11/2018, tổng nguồn vốn hoạt động của các QTDND đạt 1.672 tỉ đồng, nguồn vốn huy động 1.470 tỉ đồng, dư nợ cho vay 485 tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu chiếm 0,56%. Hầu hết các QTDND đều hoạt động có hiệu quả, thực hiện đúng quy định pháp luật, ngày càng tạo được niềm tin trong nhân dân, thực sự là “bà đỡ” cho các thành viên trong việc phát triển kinh tế hộ, qua đó góp phần phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Bên cạnh những thuận lợi, thực tế hoạt động của các QTDND còn nhiều hạn chế, như chưa có hệ thống quản lý và kiểm soát thông tin khách hàng tốt, chưa có chế tài đủ mạnh để bắt buộc người vay trả nợ. Việc thu hút thành viên mới cũng gặp nhiều khó khăn do người dân chỉ có nhu cầu tham gia quỹ để vay vốn mà không muốn gửi tiền tại quỹ...
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống QTDND, ông Phan Phú Hải, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ thường xuyên rà soát tình hình hoạt động các QTDND trên địa bàn tỉnh, kịp thời báo cáo về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chính quyền địa phương các vấn đề phát sinh và đề xuất phương án xử lý theo quy định. Tăng cường chất lượng công tác thanh tra, giám sát đối với QTDND, kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm, ngăn ngừa rủi ro. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia QTDND. Đồng thời, chú trọng hướng dẫn các QTDND triển khai xây dựng phương án cơ cấu lại QTDND gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020...”.
Theo Báo Bình Định13.11.2024
30.10.2024