Hiện trên địa bàn thành phố có 26 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đang hoạt động thu hút đông đảo các thành viên gửi và vay vốn tại chỗ. Hoạt động của các QTDND góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, hạn chế tác động xấu của “tín dụng đen” trên địa bàn nông thôn, ngoại thành.
Hỗ trợ nông dân làm giàu
Việc các QTDND giúp nông dân vay vốn phát triển sản xuất không chỉ kịp thời hỗ trợ bà con cải thiện cuộc sống, mà còn góp phần ổn định an ninh trật tự khu vực nông thôn, tránh những tiêu cực xã hội liên quan đến tín dụng “đen”. Với nguồn vốn vay của QTDND, nhiều hộ từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Trường hợp ông Vũ Bá Lê, thôn 3, xã An Hồng (huyện An Dương) sử dụng vốn vay của QTDND mang lại kết quả rõ nét là ví dụ điển hình. Cách đây hơn 1 năm, ông Lê vay hơn 300 triệu đồng từ QTDND An Hồng, đầu tư mua máy thái bì, máy thái thịt, ép thịt, xây dựng nhà xưởng sản xuất nem chua. Đến nay, ông Lê tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động với mức thu nhập ổn định, doanh thu của cơ sở mỗi năm đạt gần 1 tỷ đồng. Ông Lê cho biết, trước đây, vay vốn khó khăn, bà con nông dân thường tìm đến kênh tín dụng “đen”, luôn lo trả nợ với lãi suất cao. Kể từ khi được vay vốn từ QTDND xã với lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản, bà con chấm dứt cảnh “vay lãi ngày” để đầu tư sản xuất kinh doanh (SXKD). Quỹ luôn tạo điều kiện để bà con vay vốn thuận lợi nhất. Khi người dân có dự án hay có nhu cầu nhập hàng cần vay vốn, đều được cán bộ tín dụng QTDND đến làm việc, xét duyệt và thẩm định hồ sơ kịp thời thủ tục chỉ mất 1-2 ngày.
Từ nguồn vốn vay từ QTDND ông Vũ Bá Lê mở rộng cơ sở sản xuất nem chua tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương
Với số tiền 200 triệu đồng vay từ QTDND xã Minh Tân (huyện Thủy Nguyên), anh Vũ Đình Hằng ở thôn Lê Lợi có điều kiện mở rộng diện tích trồng cây sưa, keo và hàng chục loại cây ăn quả trên hơn 2 héc-ta đồi, kết hợp chăn nuôi dê. Sau thời gian nuôi thử nghiệm, từ 70 con dê ban đầu, đến nay đàn dê của anh phát triển hơn 100 con, xuất bán thu trên 3 triệu đồng/con, mang lại lợi nhuận khá cao. Anh Hằng cho biết, khi quyết định nhận đất sản xuất, gia đình cần nhiều vốn mua cây giống, con vật nuôi, máy làm đất. Tiếp cận được nguồn vốn từ QTDND, anh không phải đi vay nặng lãi.
Theo ông Đào Quốc Khánh, Chủ tịch Liên minh HTX và Doanh nghiệp thành phố, hiện trên địa bàn thành phố có 26 QTDND đang hoạt động. Các đơn vị thu hút các nguồn vốn nhàn rỗi tại địa phương, cho xã viên vay đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, thủ công nghiệp. Nguồn vốn QTDND cho vay góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển kinh tế hộ xã viên, bảo đảm an sinh xã hội, thiết thực hỗ trợ bà con vươn lên làm giàu.
Sớm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế
Với quy trình, thủ tục giải quyết cho vay đơn giản, thuận tiện, nhanh gọn, QTDND kịp thời giải quyết nhu cầu vay vốn cho người dân. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hoạt động của các QTDND còn gặp không ít vướng mắc khó khăn, cần được quan tâm, tháo gỡ.
Ông Nguyễn Đức Thạnh, Giám đốc QTDND An Hồng chia sẻ, QTDND là nơi an toàn thuận lợi để người dân gửi các khoản tiền nhàn rỗi sau thu hoạch mùa vụ, với mục tiêu tương trợ lẫn nhau phát triển kinh tế, không chạy theo lợi nhuận đơn thuần. Nhưng hiện nay, ngoài phí bảo hiểm tiền gửi như các tổ chức tín dụng khác, quỹ còn phải đóng thêm phí an toàn hệ thống lên tới 0,08% tổng nguồn vốn. Do đó, hằng năm phí an toàn của quỹ phải nộp về hệ thống tương đối cao, trở thành “gánh nặng”, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Ngoài ra, mỗi thành viên khi tham gia phải nộp phí 300 nghìn đồng, góp vốn tối thiểu 100 nghìn đồng/năm. Số tiền tuy không lớn, nhưng là “rào cản” với không ít người có nhu cầu tham gia quỹ. Mặt khác, nhiều người mua đất xây nhà, sinh sống ổn định tại địa phương, nhưng chưa chuyển khẩu về địa phương, nên cũng không được tham gia vay và gửi tiền tại quỹ. Các QTDND chỉ được cho hộ gia đình, cá nhân vay, còn doanh nghiệp nhỏ có nhu cầu chưa thể tiếp cận nguồn vốn...
Để khắc phục những vướng mắc trên, cơ quan chức năng cần xem xét và sớm điều chỉnh cơ chế phù hợp, thúc đẩy hoạt động của QTDND. Mặt khác, các QTDND khai thác tối đa lợi thế của mô hình HTX hoạt động trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, bám sát mục tiêu hoạt động theo quy định là liên kết, hợp tác và cùng phát triển của các thành viên, tiến tới chuyên nghiệp hóa, từng bước khẳng định là người bạn đồng hành người dân trong phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Theo http://www.tinhaiphong.vn/13.11.2024
30.10.2024