Trong các ngày 29/6 và 1/7, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức hai cuộc họp hội viên ở phía Bắc và phía Nam, nhằm vận động các ngân hàng ủng hộ chỉ đạo giảm lãi suất của Chính phủ.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký VNBA, xung quanh về vấn đề này.
Thưa bà, các ngân hàng đã thống nhất như thế nào trước hối thúc của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ?
Trong thâm tâm, các ngân hàng thương mại không mong muốn huy động lãi suất cao để cho vay lãi suất cao so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp.
Hiệp hội đã kêu gọi và đi đến thống nhất nên duy trì lãi suất huy động ở mức khoảng 11%/năm, với biên độ +/- 0,2%/năm; chẳng hạn, lãi suất huy động đang ở mức 11,5%/năm, có thể xuống 11,2%/năm. Khi đã hạ được lãi suất huy động, sẽ có điều kiện hạ lãi suất cho vay, đồng thời có điều kiện cải thiện giới hạn chênh lệch lãi suất giữa đầu vào và đầu ra cho các ngân hàng.
Tôi nghĩ, đó là bước điều chỉnh hợp lý, chứ không nên hạ “rụp” một cách đột ngột. Còn việc hạ lãi suất huy động ở mức 10% như Thủ tướng yêu cầu thì phải chờ thêm một thời gian nữa; còn hiện tại buộc ngân hàng thương mại hạ ngay xuống 10% là không thể được.
Thứ hai, đối tượng được thụ hưởng chính sách này là doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ và cho vay khu vực nông thôn. Tất nhiên, không phải cứ nằm trong đối tượng đó đến ngân hàng là được vay. doanh nghiệp phải chứng minh được hiệu quả khi sử dụng vốn, có lịch sử quan hệ tín dụng tốt với ngân hàng…thì mới được vay. Ngược lại, doanh nghiệp mới thành lập, làm ăn chưa hiệu quả thì phải chịu mức lãi suất “đánh đổi rủi ro” thôi, đó là đạo lý bình thường trong câu chuyện làm ăn.
Hiện tại, các ngân hàng thương mại đang gặp rất nhiều khó khăn trên thị trường 1 do chênh lệch lãi suất giữa đầu vào và đầu ra rất thấp, chỉ ở mức trên một phẩy mấy phần trăm, có ngân hàng chỉ 1,5% hoặc 1,7% trong khi tỷ lệ này phải ở mức 3% trở lên thì ngân hàng thương mại mới duy trì được hoạt động và có lãi chút ít.
Các ngân hàng thương mại “kêu” thế nhưng kết quả hoạt động 6 tháng, 1 năm, có ngân hàng nào nói mình lỗ đâu, thưa bà?
Trong bảng báo cáo tài chính ngân hàng thì cơ cấu lợi nhuận có rất nhiều hạng mục khác nhau và phần lãi chủ yếu được bù đắp bởi khu vực dịch vụ và/hoặc đầu tư…; còn lãi từ tín dụng rất thấp, thậm chí có những lúc không đủ bù đắp chi phí.
Có lo ngại rằng, nếu hạ lãi suất huy động xuống 11%/năm, người dân sẽ không gửi tiếp hoặc rút tiền về để đầu tư vào lĩnh vực khác, ảnh hưởng tới dòng tiền gửi. Bà nghĩ sao?
Về nguyên lý có thể sẽ có hiện tượng như vậy, tuy nhiên, nếu tất cả các ngân hàng đều thống nhất như nhau thì đó không phải là mối lo lớn lắm. Thực tế, rút tiền về để đầu tư thì không phải ai cũng có khả năng này, hơn nữa, gửi ở ngân hàng vẫn được coi là một kênh đầu tư vừa an toàn, vừa hiệu quả cơ mà.
Chỉ đáng ngại, ông này hạ, ông kia không thì mới nảy sinh ra tiền chạy lòng vòng giữa ngân hàng này sang ngân hàng khác.
Nhiều ngân hàng than phiền rằng, lãi suất phải để cho thị trường điều tiết và nên giảm thiểu can thiệp hành chính đến hoạt động kinh doanh của họ. Ý kiến bà ra sao?
Vấn đề lãi suất nên để cho thị trường quyết định, nếu cứ dùng các biện pháp hành chính can thiệp là không nên.
Tôi ví dụ, từ nay đến cuối năm, lạm phát bị kích lên thì ai chịu lỗ cho ngân hàng? Và làm sao hạ được lãi suất? Tôi nói vậy, có nghĩa là muốn hạ lãi suất thì phải kiểm soát lạm phát, có thể hiện tại, lạm phát đang thấp nhưng còn quý 3, quý 4, ai biết tình hình sẽ thế nào?
Theo bà, trong bối cảnh tồn kho doanh nghiệp đang rất cao, có phải cứ hạ lãi suất thì sẽ kích thích doanh nghiệp sản xuất?
Việc hạ lãi suất phải nằm trong một bài toán tổng thể, ngoài vấn đề lạm phát phải ổn định thì cần phải lưu tâm đến một số yếu tố khác.
Tổng cục Thống kê vừa công bố, so sánh thời điểm 1/6/2010 với 1/6/2009, chỉ số tồn kho của sản xuất công nghiệp tăng 27,5%. Tồn kho cao thì không kích thích doanh nghiệp vay vốn để sản xuất, chứ không cứ phải hạ lãi suất là doanh nghiệp vay! Doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa nhưng không bán được hàng thì làm sao bơm tiếp được tín dụng?
Hoặc, nếu nhập siêu, đầu tư tràn lan, bội chi ngân sách lớn thì làm sao một mình Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất thành công. Vì thế, các chính sách về đầu tư, tài khóa, tiền tệ, thương mại phải gắn với nhau.
Một tình trạng nữa mà tôi cũng muốn đề cập là ngay hôm 1/7, vẫn có khách hàng là tổ chức kinh tế cả ở Hà Nội và Tp.HCM mang hàng trăm tỷ đến ngân hàng mặc cả lãi suất tiền gửi ở mức 13%/năm mới chịu gửi. Một câu hỏi đặt ra, tại sao doanh nghiệp nhiều tiền thế không đầu tư vào sản xuất mà lại mang gửi ngân hàng để lấy lãi, trong khi lại muốn lãi suất cho vay thấp thì ngân hàng nào chịu nổi?
Ngoài ra, còn có chuyện các doanh nghiệp bất động sản triển khai dự án này dự án kia, mặc dù đang ở trên giấy nhưng cứ thu tiền trước của dân, rồi mang tiền đến gửi ngân hàng mặc cả 13%/năm.
Nói tóm lại, với chức năng là hiệp hội của một ngành, chúng tôi đã làm hết sức để ủng hộ định hướng giảm lãi suất của Chính phủ nhưng tôi nghĩ, việc hạ lãi suất phải nằm trong lời giải bài toán tổng thể. Hơn nữa, muốn hạ cũng phải có lộ trình để thị trường có thời gian chấp nhận, chứ không thể muốn ngay là được.
Theo Vneconomy