09.10.2017 08:52

Giữ kết nối để hiểu doanh nghiệp hơn

Đây là chia sẻ của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú với các NHTM tại Hội thảo “Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” do NHNN phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều ngày 5/10, tại Hà Nội.

Tham dự và chủ trì Hội thảo còn có TS. Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI; ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế NHNN. Hội thảo còn có sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính – ngân hàng, đại diện Hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng…

 

Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo 

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa quan hệ tín dụng hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đẩy mạnh nguồn vốn vào nền kinh tế, đưa ra những giải pháp khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, giúp DNNVV phát triển ngày càng ổn định, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI cho biết: DNNVV hiện chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, DNNVV đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu việc làm. Bên cạnh những đóng góp cho sự phát triển kinh tế, cộng đồng DN này còn góp phần tạo công ăn việc làm cũng như khắc phục rủi ro cho nền kinh tế, đưa nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững.

Khẳng định DNNVV là động lực phát triển của nền kinh tế quốc dân, là một trong năm lĩnh vực ưu tiên cần đầu tư vốn để phát triển, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong những năm qua, NHNN đã chủ động, linh hoạt sử dụng và điều hành các công cụ chính sách tiền tệ nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định và từng bước hạ lãi suất, kiểm soát tỷ giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và mở rộng tín dụng hiệu quả; chỉ đạo các TCTD cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV.

Theo Phó Thống đốc, giải pháp tín dụng cho DNNVV không phải chủ đề mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ bởi thực tế hiện nay, phía DN vẫn kêu khó tiếp cận nguồn vốn, trong khi ngân hàng thương mại cũng gặp khó khăn khi mở rộng tín dụng cho DNNVV, song Phó Thống đốc cho rằng “chúng ta đừng kêu khó mà hãy đề xuất các biện pháp để giải quyết những khó khăn. Chính những giải pháp này sẽ giúp cơ quan quản lý sớm hoàn thiện được giải pháp gỡ vướng cho DNNVV”.

Đứng trên quan điểm của các DNNVV, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội nhấn mạnh vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng ngân hàng đối với DNNVV. Tuy nhiên theo ông, bản thân các DN phải tìm cách sử dụng vốn có hiệu quả, tăng nhanh chóng vòng quay vốn, đảm bảo tỷ suất lợi nhuận phải lớn hơn lãi suất ngân hàng thì mới trả được nợ và kinh doanh có lãi.

 

 Quang cảnh Hội thảo

Đồng tình như vậy, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, các DN đặc biệt là DNNVV cần phải có chiến lược hoạt động hiệu quả và minh bạch thông tin trong báo cáo tài chính. Có như vậy ngân hàng chắc chắn sẽ là người bạn đồng hành cùng DNNVV.

Đại diện các TCTD tham dự Hội thảo cũng đã có nhiều trao đổi về các giải pháp tài chính toàn diện cho DNNVV, lắng nghe tiếng nói từ phía các DN chia sẻ về thực tế vay vốn của DN mình cùng những kiến nghị, đề xuất… Ông Nguyễn Đình Vinh – Phó Tổng giám đốc VietinBank cho biết, ngân hàng đã xây dựng giải pháp tài chính toàn diện để phục vụ và đáp ứng tốt nhất nhu cầu đa dạng của nhóm khách hàng này.

Đại diện đến từ VPBank nhấn mạnh thêm rằng: “Ngân hàng muốn các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa cần chứng minh 3 vấn đề: Làm ăn nghiêm chỉnh, minh bạch về thông tin với ngân hàng, có sự tâm huyết về ngành kinh doanh đang làm. Nếu đáp ứng được ba yêu cầu trên thì DN có thể tiếp cận vốn một cách dễ dàng”.

Các đại biểu tham dự hội thảo đều đồng tình rằng, giải pháp tín dụng cho DNNVV không chỉ phụ thuộc vào DN và các TCTD mà còn cần các giải pháp mang tính tổng thể với sự vào cuộc và phối hợp đồng bộ của nhiều Bộ ngành, địa phương và các giải pháp phát triển thị trường vốn.

Thời gian tới, để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của DNNVV, ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) nhấn mạnh ngành Ngân hàng sẽ tập trung triển khai một số giải pháp.

Cụ thể, thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát, kiểm soát tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN, trong đó có các DNNVV. Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV đã được quy định trong Luật hỗ trợ DNNVV.

Song song với đó tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN; tạo điều kiện thuận lợi cho các DN (đặc biệt là DNNVV) tiếp cận vốn tín dụng.

Đồng thời NHNN chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát để cải tiến thủ tục vay vốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa TCTD và DN; tích cực triển khai chương trình Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Khuyến khích các TCTD phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng, trong đó có các sản phẩm tín dụng đặc thù cho đối tượng DNNVV và các sản phẩm mới; đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.

Đánh giá cao những ý kiến đóng góp tại hội thảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng đề nghị VCCI tiếp tục tổ chức các diễn đàn để kết nối DN trong và ngoài nước. Phó Thống đốc nhấn mạnh, việc các ngân hàng thương mại cần thường xuyên giao lưu, kết nối với các hiệp hội DN để hiểu và có cái nhìn tích cực hơn với các DN.

“Các TCTD phải coi trách nhiệm với DNNVV không chỉ là quyền lợi để đảm bảo yêu cầu, mục tiêu kinh doanh của mình mà còn là trách nhiệm. Đây không chỉ là trách nhiệm của các NHTM Nhà nước mà còn là NHTMCP, bởi không có DN thì ngân hàng không tồn tại được. DNNVV đang trên đà phát triển, Luật hỗ trợ DNNVV có hiệu lực từ đầu năm 2018, các ngân hàng nào chậm chân hay không quan tâm lĩnh vực này thì luật cũng không cho phép đứng ngoài cuộc. Về phía DNNVV, yêu cầu phải ngày càng minh bạch hơn về tài chính, dòng tiền, quan hệ, gắn bó sâu sắc với ngân hàng”, Phó Thống đốc đề nghị.

Khẳng định Chính phủ và NHNN đều mong muốn giảm được lãi suất cho vay và nếu điều kiện cho phép NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất, song Phó Thống đốc cũng cho biết, ngân hàng chỉ là trung gian, việc tăng hay giảm lãi suất còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện của nền kinh tế.

 

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan