Lãnh đạo của MaritimeBank ông Trần Xuân Quảng đánh giá đây là động thái tích cực của các NHTM. Việc chủ động hạ LSHĐ để có điều kiện tốt hơn giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh tăng tín dụng chưa tốt. Lý giải thêm về nguyên nhân các NH đồng loạt giảm lãi suất, Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho biết: đó là động thái các NH tiết kiệm chi phí hoạt động. Khi thanh khoản đã ổn định và có dấu hiệu dư thừa thì bắt buộc các NH phải giảm chi phí thông qua hạ LSHĐ để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Tại SCB, LSHĐ áp dụng cho cá nhân và DN kỳ hạn ngắn đều giảm từ 0,3% - 0,5%/năm.
Việc các NH giảm mạnh LSHĐ khiến giới đầu tư lo lắng ảnh hưởng đến nguồn tiền gửi của NH nhất là các kênh đầu tư khác như chứng khoán đang diễn ra khá sôi động. Nhưng qua khảo sát thị trường, các nhân viên giao dịch của một số NH trên địa bàn Hà Nội cho biết, lượng khách gửi tiền mới không nhiều nhưng khách cũ lại có xu hướng chuyển đổi kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài. Chị Thu Trang – nhân viên giao dịch tại chi nhánh Eximbank trên địa bàn Hà Nội cho biết, rất nhiều khách hàng đổi sổ tiết kiệm dài hạn để hưởng lãi suất cao hơn. Các kỳ hạn 6, 12 và 15 tháng được khách hàng lựa chọn nhiều.
Theo ông Văn, các NH không nên quá lo đến vấn đề hạ lãi suất tiền lại chạy ra khỏi NH. Ông Văn lý giải cho nhận định của mình: có thể chúng ta hiểu nôm na là khi khách hàng thừa tiền chưa biết đầu tư hay mua sắm gì thì gửi NH. Khi cần tiền thì họ lại rút ra để mua sắm tài sản hoặc đầu tư. Lúc đấy người bán lại có tiền. Và tiền lại quay về hệ thống NH.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia NH thì việc chủ động giảm LSHĐ kỳ hạn ngắn, tăng lãi suất kỳ hạn dài đã giúp các NH thiết lập đường cong lãi suất tương đối chuẩn cho mình. Đây là cơ hội rất tốt để các NH thay đổi cơ cấu tiền gửi, huy động vốn trung, dài hạn nhiều hơn, tạo điều kiện cấp vốn dài hạn cho khách hàng… Chính vì vậy đây là cơ hội để NH giải được bài toán khó này nhiều năm qua.
Lãi suất cho vay có cơ hội giảm?
Sau động thái hạ LSHĐ lần này, các DN cũng kỳ vọng về đợt giảm lãi suất cho vay mới của NH. Giám đốc một DN xuất nhập khẩu cỡ vừa trên địa bàn Hà Nội cho biết: hiện lãi suất DN vay 11%/năm, nếu được giảm thêm 0,5% nữa cũng là rất ý nghĩa với DN trong thời điểm này.
Nhưng có luồng ý kiến cho rằng, chưa chắc các NH đã giảm lãi suất cho vay tương ứng với LSHĐ. Theo quan điểm của lãnh đạo Viện CIEM thì điều này cũng không có gì bất thường. Vì NH làm ăn khó khăn, tín dụng tăng khó trong khi họ vẫn phải có nguồn tiền để trích lập dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu nên khoảng cách LSHĐ và cho vay phải cao. “Tùy từng tính toán chiến lược của NH, nhưng tổng thể thì khó có thể giảm được margin của các NH. Chỉ khi kinh tế phục hồi, nợ xấu được xử lý nhanh hơn thì khoảng cách này mới có thể giảm bớt”, vị này nhấn mạnh.
Về phía mình, lãnh đạo một NHTM cho rằng, xét theo lý thuyết lẫn thực tế thì hạ LSHĐ thì đương nhiên NH giảm lãi suất cho vay. Đối với khoản vay mới chắc chắn được áp dụng lãi suất mới, còn những khoản vay lãi suất cao khách hàng hoàn toàn có thể đàm phán hạ lãi suất. Bản thân NH muốn giữ được khách hàng thì tự tìm đến để đàm phán chứ khách hàng không phải giục. Lãi suất cho vay phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của DN.
Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia NH cho rằng không nên can thiệp quá sâu cho ai vay, lãi suất bao nhiêu đều được NH tính toán phù hợp với túi tiền hay nói cách khác sức khỏe tài chính của khách hàng. “NH nào cũng biết trong bối cảnh hiện nay lãi suất thấp mời DN còn không vay huống chi lãi suất cao thì ai vay” - vị này nói thêm.