Khởi động thí điểm từ 2009 – 2012, trong khuôn khổ dự án “Liên kết nông thôn thành thị góp phần chống đói nghèo” đến nay dịch vụ ngân hàng điện tử đã được triển khai rộng trong hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) với việc triển khai có hiệu quả dự án ngân hàng điện tử (CF-eBank).
Không chỉ là một dịch vụ mới thiết thực với các thành viên của các QTDND, đây còn là sợi dây tạo sự gắn bó hơn giữa Ngân hàng Hợp tác (NHHT) với QTDND, góp phần nâng cao uy tín của QTDND trên địa bàn, thực hiện chủ trương của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về chương trình ngân hàng phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn.
Lan toả hiệu ứng
Giám đốc QTDND thị trấn Cổ Lễ (Nam Định) Nguyễn Mậu Thiềng chia sẻ về hiệu ứng của việc triển khai ngân hàng điện tử của chi nhánh với các QTDND trên địa bàn, đã cho biết: Đến nay, 18/41 QTDND trên địa bàn tỉnh Nam Định đã sử dụng dịch vụ này và được phòng thanh toán NHHT đánh giá là làm rất tốt, ít xảy ra sai sót.
Kết quả này là nhờ sự hỗ trợ, tư vấn tận tình của NHHT Chi nhánh Nam Định. Chi nhánh đã tiến hành đào tạo tập huấn cho toàn bộ đội ngũ cán bộ hệ thống tham gia chuyển tiền điện tử. Đồng thời hướng dẫn cụ thể các lỗi thường gặp trong thanh toán chuyển tiền.
Dịch vụ này ngày càng thẩm thấu vào đời sống khi Chi nhánh giúp các QTDND chuẩn bị các thông báo, bài viết về ngân hàng điện tử cho các QTDND để liên tục tuyên truyền quảng cáo trên loa đài, phương tiện truyền thanh, báo chí của địa bàn và các xã lân cận cũng như các hội nghị khách hàng, thành viên…
Cùng với việc QTDND trang bị máy móc vi tính tốt và có cán bộ được đào tạo nắm chắc về tin học, công tác chuyển tiền của các QTDND đã được vận hành thông suốt. Ví như QTDND thị trấn Cổ Lễ, những nỗ lực tự thân và sự trợ giúp từ NHHT đã giúp quỹ có thêm sản phẩm thiết thực cho thành viên và có thể cùng phát triển khi xung quanh quỹ có tới 5 ngân hàng cũng làm dịch vụ này.
Đó chỉ là một trong những hiệu ứng triển khai dịch vụ ngân hàng điện tử của NHHT trong hệ thống QTDND. Chỉ tính riêng năm 2015, giao dịch qua hệ thống thanh toán nội bộ có doanh số chuyển tiền đi đạt 208.639 tỷ đồng, doanh số chuyển tiền đến đạt 204.015 tỷ đồng.
Bên cạnh kênh thanh toán chuyển tiền điện tử nội bộ, NHHT còn mở rộng thanh toán qua các kênh như: thanh toán điện tử liên ngân hàng (Citad), thanh toán đa phương với các ngân hàng... Số liệu giao dịch thanh toán chuyển tiền ra ngoài hệ thống qua kênh thanh toán điện tử liên ngân hàng và thanh toán đa phương: doanh số chuyển tiền đi đạt 48.272 tỷ đồng, doanh số chuyển tiền đến đạt 46.091 tỷ đồng.
NHHT tiếp tục duy trì và phát hành thẻ ghi nợ nội địa cho khách hàng của 27 Chi nhánh, 60 Phòng giao dịch và 38 QTDND liên kết. Trong năm, NHHT đã phát hành thêm được gần 2.500 thẻ ghi nợ, nâng tổng số thẻ đã phát hành lên hơn 6.000 thẻ.
Tỷ lệ thẻ hoạt động là 100%, các tra soát khiếu nại của khách hàng đã được xử lý nhanh chóng, đảm bảo dịch vụ và giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng. Các giao dịch thẻ đều được xử lý nhanh chóng, an toàn qua hệ thống nội bộ của NHHT và liên minh thẻ.
Kỳ vọng và bứt phá
Để có được kết quả bước đầu thực hiện dự án CF-eBank này, NHHT đã đầu tư rất lớn cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật từ việc xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung, hệ thống phần mềm, hệ thống cấp phát và quản lý chữ ký số, sử dụng thiết bị mã khóa và khóa ký thông minh, đến việc nâng cấp hệ thống quản lý, cấp phát thẻ; Xây dựng hệ thống quản lý tài khoản tập trung Minicore.
Trong quá trình triển khai, NHHT cũng không ngừng cải tiến kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng, bổ sung chức năng tiện ích trên hệ thống phần mềm quản lý nghiệp vụ, phát triển thêm các ứng dụng trong thanh toán, tăng cường các giải pháp bảo mật an toàn trong giao dịch điện tử nhằm mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng, nâng cao tính hiệu quả, an toàn, tiện lợi cho hoạt động thanh toán, tạo tiền đề để phát triển các sản phẩm dịch vụ trong thời gian tới.
Đến nay, NHHT đã triển khai và đưa vào vận hành Trung tâm dữ liệu tập trung tại Hưng Yên, trung tâm dự phòng, mạng truyền thông, hệ thống an toàn bảo mật giao dịch điện tử. Cùng với đó, là việc xây dựng và đựa vào hệ thống ngân hàng lõi (corebanking).
NHHT cũng đã xây dựng các văn bản quản lý và vận hành tuân thủ theo đúng quy định trong công tác thanh toán của NHNN. Chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao với việc NHHT chú trọng đầu tư về nguồn nhân lực, đào tạo nâng cao trình độ cán bộ và bố trí đội ngũ cán bộ kỹ thuật và nghiệp vụ tại Trụ sở chính và cán bộ nghiệp vụ tại các Chi nhánh NHHT để hỗ trợ nghiệp vụ cho các QTDND.
Công tác tập huấn đào tạo chuyển giao sản phẩm công nghệ được triển khai bài bản từ lãnh đạo đến các nhân viên QTDND, cho đến hết năm 2015, NHHT đã đào tạo nghiệp vụ ngân hàng điện tử cho 1353 cán bộ của 451 QTDND của 47 tỉnh thành phố, và trên 350 QTDND đã tham gia kết nối thanh toán chiếm trên 30% tổng số các QTDND trong hệ thống.
Để giúp các QTDND thông qua đầu mối NHHT thực hiện giao dịch thanh toán đến các ngân hàng trên phạm vi toàn quốc, NHHT luôn phải đảm bảo một nguồn vốn lớn để đảm bảo khả năng thanh khoản, phục vụ và đáp ứng nhu cầu thanh toán, chuyển tiền ngay của các QTDND. Như đầu tư giấy tờ có giá để xây dựng hạn mức nợ ròng và dự trữ hàng trăm tỷ đồng trên tài khoản để đảm bảo khả năng thanh toán của QTDND.
Cùng với đó là việc duy trì chi phí thường xuyên cho việc tham gia và kết nối giao dịch với các hệ thống thanh toán và các liên minh thẻ như: hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống thanh toán bù trừ điện tử, hệ thống thanh toán đa phương với các ngân hàng, Banknetvn…
Những kết quả bước đầu thực hiện dự án CF-ebank đã giúp cho các QTDND trong hệ thống cung ứng dịch vụ chuyển tiền phục vụ thành viên và dân chúng ở khu vực nông thôn. Đây là nền tảng để NHHT tiếp tục phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, mang lại lợi ích cao nhất cho thành viên của hệ thống được sử dụng các dịch vụ ngân hàng hiện đại, thực hiện mục tiêu của NHHT là phát triển thành một ngân hàng đa năng hiện đại, làm tốt vai trò đầu mối của hệ thống QTDND.
Dự kiến trong năm 2016 NHHT sẽ triển khai hệ thống CF-eBank đến các QTDND, dự kiến triển khai tới 150 QTDND đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của NHHT để thực hiện dịch vụ thanh toán chuyển tiền.
Đặc biệt, NHHT sẽ tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển thêm tính năng tiện ích của sản phẩm dịch vụ hiện có, nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ mới để triển khai áp dụng đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống, đồng thời góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại cho đông đảo người dân tại các khu vực nông thôn.
13.11.2024
30.10.2024