Trên cơ sở bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác nhằm kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Những thành tựu đạt được đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và được các tổ chức quốc tế, các công ty xếp hạng tín nhiệm đánh giá cao, qua đó nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhìn lại những kết quả và giải pháp trong điều hành CSTT giai đoạn 2011-2015, có thể thấy, NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ CSTT, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát và đưa lạm phát mức cao 23% vào tháng 8/2011 xuống còn 6,81% năm 2012, 6,04% năm 2013 và 1,84% năm 2014, CPI tháng 12/2015 tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua của chỉ số này1, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý2. Theo đó, từ năm 2011 đến nay, NHNN điều hành lượng tiền cung ứng một cách chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa giữa các kênh, trong điều kiện mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước nhưng đã linh hoạt hút tiền về để điều tiết tiền tệ phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống, nhờ vậy tổng phương tiện thanh toán tăng ở mức hợp lý, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế.
Lạm phát ổn định ở mức thấp, ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, thị trường ngoại hối, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục, thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện vững chắc là những yếu tố cơ bản được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế sử dụng làm căn cứ để nâng hệ số tín nhiệm của Việt Nam (Fitch nâng xếp hạng của Việt Nam lên mức BB-, Moody’s nâng xếp hạng của Việt Nam lên mức B1, tiến gần hơn đến ngưỡng khuyến nghị đầu tư)
NHNN đã điều hành lãi suất chủ động, linh hoạt, đạt được mục tiêu giảm mạnh mặt bằng lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát được lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ. NHNN đã chủ động, dẫn dắt thị trường, trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến lạm phát, thực hiện công bố định hướng điều hành lãi suất3. Trên cơ sở mục tiêu định hướng, chủ động điều chỉnh giảm các mức lãi suất chính sách với liều lượng và vào các thời điểm hợp lý4. Trong điều hành có sự kết hợp áp dụng biện pháp quản lý lãi suất huy động và cho vay phù hợp với điều kiện thị trường biến động nhưng đã từng bước nới lỏng và điều chỉnh giảm dần5; đồng thời có sự kết hợp đồng bộ với tỷ giá và các công cụ CSTT đảm bảo mức chênh lệch lợi tức hợp lý giữa việc nắm giữ VND và USD, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối;....
Tạo điều kiện cho việc tiếp cận vốn vay ngân hàng
Về hoạt động tín dụng, NHNN đã thực hiện các giải pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý, phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đi kèm với xử lý nợ xấu, qua đó nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn vay ngân hàng. Cụ thể, NHNN thực hiện giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD theo mục tiêu chung là dưới 20% trong năm 2011, từ năm 2012 đến nay phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo các nhóm, trong quá trình thực hiện, có linh hoạt điều chỉnh tăng cho một số TCTD có nhu cầu và có điều kiện mở rộng tín dụng an toàn; hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế; chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng như giảm lãi suất các khoản cho vay cũ, cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vốn vay, không thu lãi quá hạn, ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau, đổi mới quy trình cho vay...
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, chất lượng và hiệu quả tín dụng đã được nâng cao, tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn 2011-2014 bình quân khoảng 12,5% (năm 2015 dự kiến tăng khoảng 17%), thấp hơn so với mức tăng bình quân 33,3% của giai đoạn 2006-2010 nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt ở mức hợp lý. Điều này cho thấy điều hành CSTT đã gắn với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phù hợp với chủ trương từng bước giảm tỷ lệ cung cấp cho đầu tư phát triển từ hệ thống NHTM tại Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XI. Tín dụng đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu.
Giảm mặt bằng lãi suất – Phân bổ vốn hiệu quả
Với việc điều hành lãi suất chủ động, linh hoạt, NHNN đã thành công trong việc giảm mạnh mặt bằng lãi suất từ mức 20-25%/năm vào giữa năm 2011 đến nay chỉ còn 6-9%/năm, bằng khoảng 40% lãi suất cuối năm 2011 và thấp hơn giai đoạn 2005-2006 hỗ trợ tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Tính kỷ luật thị trường tiếp tục được tăng cường, mặc dù NHNN từng bước nới lỏng trần lãi suất huy động bằng VND, hiện chỉ duy trì trần lãi suất đối với kỳ hạn dưới 6 tháng nhưng mặt bằng lãi suất thị trường vẫn ổn định, không có sự xáo trộn và cạnh tranh lãi suất không lành mạnh để lôi kéo khách hàng giữa các TCTD. Đường cong lãi suất đã được hình thành ngày càng rõ nét, theo đó kỳ hạn ngắn có lãi suất thấp, kỳ hạn dài có lãi suất cao hơn, tạo điều kiện cho các TCTD huy động vốn với kỳ hạn dài hơn, ổn định kinh doanh và giúp cho việc phân bổ vốn hiệu quả hơn trong nền kinh tế.
Điều hành chính sách tỷ giá chủ động, linh hoạt
Với chính sách tỷ giá, công tác điều hành đã chủ động, linh hoạt, và gắn kết chặt chẽ với điều hành lãi suất, góp phần nâng cao niềm tin vào đồng Việt Nam, giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Nếu như trước đây tỷ giá thường xuyên biến động, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các nhà đầu tư thì từ cuối năm 2011 đến nay, thị trường ngoại hối và tỷ giá đã cơ bản ổn định, thị trường ngoại tệ tự do bị thu hẹp. Thanh khoản thị trường tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Vai trò dẫn dắt điều phối thị trường của NHNN ngày càng thể hiện rõ. Tại một số thời điểm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ có xáo trộn chủ yếu do yếu tố tâm lý và đã nhanh chóng ổn định sau các biện pháp điều hành đồng bộ của NHNN. Tỷ lệ giữa tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán giảm từ mức 16% năm 2011 đến nay còn khoảng 11%. Nhờ tỷ giá ổn định, tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế giảm, NHNN đã mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng mạnh dự trữ ngoại hối Nhà nước, góp phần tăng tiềm lực tài chính và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thanh khoản hệ thống được đảm bảo
Các công cụ CSTT được NHNN sử dụng linh hoạt theo mục tiêu kiểm soát lạm phát nhưng đã hỗ trợ tích cực đối với thanh khoản và đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD. Nếu như vào nửa cuối năm 2011, tình hình thanh khoản của một số TCTD bị thiếu hụt lớn và nằm trong tình trạng báo động, thị trường tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro bất ổn, có nguy cơ đổ vỡ hệ thống, lãi suất liên ngân hàng tăng cao,có lúc lên đến gần 40%/năm, có tình trạng các ngân hàng hạn chế cho vay lẫn nhau, thì từ đầu năm 2012 đến nay, thanh khoản hệ thống từng bước được cải thiện và đảm bảo, lãi suất liên ngân hàng hiện nay duy trì ổn định mức hợp lý 3-4%/năm; các TCTD về cơ bản hoạt động an toàn và ổn định, tỷ lệ tín dụng/huy động vốn bằng VND giảm từ trên 100% cuối năm 2011 xuống còn khoảng 90% hiện nay.
Tóm lại, từ năm 2011 đến nay, NHNN đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ điều hành CSTT, đạt được kết quả quan trọng trong kiểm soát lạm phát, và giữ lạm phát ổn định ở mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua, ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Mặt bằng lãi suất giảm mạnh, thanh khoản hệ thống ngân hàng từ chỗ thiếu hụt, tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ hệ thống đến nay đã cải thiện rõ rệt và ổn định bền vững, tỷ giá và thị trường ngoại hối từ chỗ thường xuyên xáo trộn thì từ năm 2012 đã cơ bản ổn định, tình trạng đô la hóa đã có giảm, NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục. Những thành tựu đạt được đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và được các tổ chức quốc tế, các công ty xếp hạng tín nhiệm đánh giá cao, qua đó nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
13.11.2024
30.10.2024