29.06.2018 13:38

Điểm chính trong bức tranh kinh tế 6 tháng

Tính đến thời điểm 20/6, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,96% so với cuối năm 2017. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 6,35%.

 

Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,45%; quý II tăng 6,79%), là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở về đây.

Đăng ký doanh nghiệp

6 tháng đầu năm nay, cả nước có 64.531 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 649 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; có 16.449 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2018 là 52.803 doanh nghiệp, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 6 tháng đầu năm 2018 là 6.629 doanh nghiệp, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.

Bán lẻ

6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2.120,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cao hơn mức tăng 7,9% của cùng kỳ năm 2017).

Khách quốc tế

Khách quốc tế đến nước ta trong 6 tháng đầu năm nay ước tính đạt 7.891,5 nghìn lượt người, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 6.369,6 nghìn lượt người, tăng 22,2%; đến bằng đường bộ đạt 1.348,2 nghìn lượt người, tăng 63,7%; đến bằng đường biển đạt 173,7 nghìn lượt người, tăng 1,7%.

Hoạt động ngân hàng

Tính đến thời điểm 20/6/2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,96% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm trước tăng 5,69%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 7,78% (cùng kỳ năm 2017 tăng 5,89%); tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2018 đạt 6,35% (cùng kỳ năm trước tăng 7,54%). 

Mặt bằng lãi suất trong những tháng đầu năm 2018 được giữ ổn định, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm, trong đó các ngân hàng thương mại Nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm khoảng 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt. Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Cơ cấu tín dụng tiếp tục theo hướng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như cho vay bất động sản, cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính... để đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng.

Bảo hiểm

Thị trường bảo hiểm 6 tháng đầu năm duy trì tăng trưởng tích cực. Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng ước tính tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó: Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 32%; doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 13%.

Đầu tư

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2018 theo giá hiện hành ước tính đạt 747,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước và bằng 32,9% GDP.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt 8,37 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 6 tháng đạt 16.234 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2017. Có 2.749 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 4,1 tỷ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 6 tháng, hoạt động kinh doanh bất động sản thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 4.971,1 triệu USD, chiếm 42,1% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 6 tháng đầu năm 2018 đạt 263,1 triệu USD, trong đó lĩnh vực tài chính, ngân hàng đạt 106,2 triệu USD, chiếm 40,4% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 63,7 triệu USD, chiếm 24,2%; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 48,9 triệu USD, chiếm 18,6%. 

Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2018 ước tính đạt 582,1 nghìn tỷ đồng, bằng 44,1% dự toán năm; tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2018 ước tính đạt 586 nghìn tỷ đồng, bằng 38,5% dự toán năm. Mức bội chi ngân sách khoảng 3,9 nghìn tỷ đồng.

Xuất nhập khẩu

6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017. Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 111,22 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, nửa đầu năm nay Việt Nam xuất siêu 2,71 tỷ USD kim ngạch hàng hóa.

Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 7,5 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2017. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ 6 tháng ước tính đạt 8,8 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu dịch vụ trong 6 tháng là 1,3 tỷ USD, bằng 18% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.

CPI

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2018 tăng 0,61% so với tháng trước, là tháng Sáu có CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua. CPI tháng 6/2018 tăng 2,22% so với tháng 12/2017 và tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. 

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan