Mục tiêu của Đề án đến năm 2020
Theo đó, mục tiêu của chung Đề án là đẩy mạnh thanh toán đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội qua ngân hàng, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2020, đối với dịch vụ thu ngân sách, 80% giao dịch nộp thuế tại các thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh thực hiện qua ngân hàng; 100% Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Kho bạc Nhà nước quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng phục vụ việc thu ngân sách nhà nước.
Đối với dịch vụ thanh toán tiền điện, 70% công ty điện lực chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền điện qua ngân hàng; tại địa bàn thành phố, quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phấn đấu 70% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng; đối với dịch vụ thanh toán tiền nước, 70% công ty nước chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền nước qua ngân hàng; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng; đối với dịch vụ thanh toán tiền học phí: 100% trường đại học, cao đẳng chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng và 80% số sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng nộp học phí qua ngân hàng; đối với dịch vụ thanh toán viện phí: phấn đấu 50% bệnh viện tại các thành phố lớn chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng. Đối với dịch vụ chi trả an sinh xã hội: Tại địa bàn thành phố, quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phấn đấu 20% số tiền chi trả an sinh xã hội được thực hiện qua ngân hàng.
Triển khai ứng dụng các hình thức, phương thức thanh toán mới, hiện đại
Đề án đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Trong đó, quan trọng là triển khai ứng dụng các hình thức, phương thức mới, hiện đại phục vụ thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội. Cụ thể, tiếp tục mở rộng thêm mạng lưới thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước, các bệnh viện, trường học để phục vụ thanh toán qua ngân hàng.
Bên cạnh đó, áp dụng các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp, thuận lợi cho khách hàng trong thu, nộp thuế, thanh toán hóa đơn định kỳ (tiền điện, tiền nước, học phí), viện phí, chi trả lương, trợ cấp từ bảo hiểm xã hội; chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và có thể áp dụng đối với những đối tượng khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng.
Nghiên cứu, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong giải pháp xác thực, nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử cho phép ngân hàng có thể nhận diện chính xác được khách hàng, từ đó phát triển thêm các phương tiện thanh toán mới tạo thuận lợi cho khách hàng dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán của ngân hàng.
Phát triển thêm các sản phẩm thẻ ngân hàng đa năng, đa dụng cho phép thực hiện các giao dịch thu, nộp thuế, thu phí cầu đường, nhận tiền bảo hiểm xã hội, nộp học phí, viện phí với nhiều hình thức thanh toán: thanh toán trực tuyến, thanh toán trên ứng dụng điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc, thanh toán trường gần trên di động (NFC) và các dịch vụ thanh toán hiện đại khác; khuyến khích các mô hình hợp tác giữa ngân hàng với các tổ chức trung gian thanh toán để cung cấp các sản phẩm dịch vụ thanh toán phù hợp với đặc thù dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội.
Hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống thanh toán bù trừ tự động cho các giao dịch bản lẻ nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán mọi thời điểm (24/7) của các tổ chức và cá nhân.
Bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán
Giải pháp khác là tiếp tục đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, tạo niềm tin cho khách hàng. Theo đó, cập nhật và áp dụng các biện pháp tiên tiến bảo đảm an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán, các sản phẩm dịch vụ thanh toán; tăng cường sự giám sát của cơ quan quản lý, sự phối hợp giữa ngân hàng với các đơn vị liên quan trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ về an ninh, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin nhằm hạn chế các rủi ro; đồng thời phát hiện sớm các vi phạm để chấn chỉnh đảm bảo tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Kiểm tra, rà soát hệ thống máy giao dịch tự động (ATM) và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS); tăng cường hệ thống đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch qua ATM, POS và các giải pháp xác thực khách hàng để phòng, chống các hành vi gian lận; chủ động theo dõi và xử lý kịp thời những vướng mắc, sai sót; đồng thời có biện pháp khuyến cáo, hướng dẫn khách hàng phòng tránh các rủi ro, thủ đoạn gian lận.
Nhiệm vụ của ngành Ngân hàng
Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao các nhiệm vụ cụ thể cho Bộ tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân cac tỉnh, thành phố để tăng cường chỉ đạo trển khai thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng. Ngoài việc phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương, ngành Ngân hàng được giao triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo việc tổ chức, hoàn thiện hạ tầng thanh toán điện tử của hệ thống ngân hàng để phục vụ cho việc thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội; Chỉ đạo các ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ kết nối với các đơn vị cung ứng dịch vụ công; đa dạng các dịch vụ, phương thức thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội; Các ngân hàng chú trọng phát triển các chương trình hướng dẫn, hỗ trợ đào tạo khách hàng về quy trình thanh toán tạo thói quen cho khách hàng trong việc thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai, theo dõi đôn đốc thực hiện Đề án; tổng hợp, đề xuất các biện pháp tháo gỡ, xử lý những khó khăn, vướng mắc báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức tổng kết vào cuối năm 2020.
13.11.2024
30.10.2024
Ngày 23/02/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội.