03.08.2016 16:03

Dấu ấn Ngân hàng Hợp tác Việt Nam: Điểm tựa hỗ trợ cho sự phát triển QTDND

Một phần năm thế kỷ, so với bề dày lịch sử của ngành ngân hàng và nhiều TCTD không hẳn là một chặng đường dài. Song, từ QTDND Trung ương năm 1995 đến Ngân hàng Hợp tác xã (Co-opBank) hiện nay là một hành trình nhiều cam go, thử thách mà tập thể Ban lãnh đạo và cán bộ toàn hệ thống qua các thời kỳ đã quyết tâm nỗ lực vượt qua, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao phó, đặc biệt là làm tốt vai trò là một tổ chức đầu mối liên kết làm điểm tựa hỗ trợ cho sự phát triển mô hình QTDND.

Là một người có mặt từ những ngày đầu kiến tạo, ông có thể nói rõ hơn về hành trình phát triển của Co-opBank?

20 năm qua, sự lớn mạnh của Co-opBank được ghi dấu qua hai lần chuyển đổi mô hình, với những tên gọi khác nhau gắn với những nhiệm vụ khác nhau theo từng thời kỳ.

Từ những ngày đầu thành lập với muôn vàn khó khăn gian khó, nguồn nhân lực cũng như năng lực tài chính còn rất hạn hẹp, QTDND Trung ương đã dần hoàn thiện với mô hình hai cấp, nâng cao năng lực tài chính nhằm phát huy vai trò đầu mối hỗ trợ và tăng cường tính liên kết trong hệ thống QTDND. Đặc biệt, sau hơn 12 năm củng cố, chấn chỉnh (từ năm 2001 – tháng 6/2013) số vốn điều hòa trong hệ thống QTDND tăng trưởng 29 lần, dư nợ cho vay trong hệ thống tăng 27 lần…

Tuy nhiên, trong bối cảnh tích lũy dân cư ngày càng cao, kinh tế nông nghiệp hướng tới mô hình sản xuất hàng hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, nhu cầu của các thành viên quỹ TDND không chỉ đơn thuần là vốn, mà còn là nhu cầu về các sản phẩm dịch vụ tín dụng, thanh toán hiện đại. Thêm một lần nữa, mô hình của QTDND Trung ương cần chuyển đổi cho thích ứng để có thể hỗ trợ quỹ TDND hiện đại hóa, cung ứng được những dịch vụ tín dụng cơ bản và hiện đại đến các thành viên.

Tháng 7/2013 đã đánh đấu mốc lịch sử mới của QTDND Trung ương, với việc chuyển đổi và chính thức vận hành theo mô hình ngân hàng HTX. Qua 4 năm chuyển đổi, Co-opBank không những vẫn giữ vững được sự phát triển ổn định của mình mà còn góp phần tích cực hỗ trợ, bảo đảm cho hệ thống quỹ TDND phát triển ổn định, an toàn và bền vững.

Thưa ông, với tên gọi Ngân hàng Hợp tác cũng đã cho thấy những kỳ vọng mới cũng như nhiệm vụ mà Chính phủ, NHNN đặt lên vai Co-opBank trong vai trò hỗ trợ, không chỉ điều hòa vốn mà còn là ngân hàng của hệ thống. Vậy thời gian qua, Co-opBank đã và đang làm gì để gánh vác trọng trách này?

Bốn năm qua, cơ cấu hoạt động của Co-opBank đang dần hoàn thiện đáp ứng với những trọng trách mới. Co-opBank đã triển khai thành công tái cơ cấu mô hình tổ chức hoạt động. Đồng thời vẫn đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng đầu mối liên kết, hỗ trợ cho toàn hệ thống QTDND phát triển bền vững.

Điều này có thể nhìn thấy rõ qua những kết quả hoạt động mang tính đột phá trên nhiều phương diện của Co-opBank thời gian qua. Đó là hệ thống mạng lưới ngày càng mở rộng với 27 chi nhánh, 67 phòng giao dịch phục vụ cho 1.148 quỹ TDND tại 56/63 tỉnh, thành phố với 2.831 xã, phường, thị trấn (chiếm 25,4% số xã, phường, thị trấn trên cả nước) và gần 2,1 triệu thành viên là các hộ gia đình chủ yếu ở khu vực nông nghiệp – nông thôn.

Tính đến 31/12/2015, tổng nguồn vốn hoạt động của Co-opBank và hệ thống QTDND là 98.990 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 75.893 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là cho vay nông nghiệp nông thôn. Trong đó, tổng nguồn vốn hoạt động của Co-opBank là 22.389 tỷ đồng; nguồn vốn chủ sở hữu đạt 3.474 tỷ đồng (vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng).

Co-opBank có nhiều bước tiến quan trọng trong triển khai các dự án công nghệ thông tin, tạo nền móng công nghệ cơ bản cho một ngân hàng hiện đại, cho phép triển khai và ứng dụng nhiều dịch vụ ngân hàng hiện đại phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa…

Nhìn nhận nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững, những năm qua, Co-opBank luôn chú trọng công tác tổ chức cán bộ, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng làm việc cho cán bộ toàn hệ thống Co-opBank cũng như các QTDND.

Vị thế và uy tín của Co-opBank ngày càng được khẳng định, với việc chủ động mở rộng mối quan hệ với các tổ chức tín dụng và hỗ trợ phát triển quốc tế. Hàng chục dự án tín dụng hợp tác cũng như hỗ trợ kỹ thuật đã được triển khai với tổng nguồn vốn hàng trăm triệu USD.

Đây là những nền tảng để Co-opBank và QTDND mang lại lợi ích cho thành viên và khách hàng, tăng cường tính liên kết hệ thống, tạo uy tín và hình ảnh, chỗ dựa tin cậy cho toàn hệ thống QTDND.

Thưa ông, thị trường tài chính ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế theo các hiệp định FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới sẽ có không ít khó khăn đối với các quỹ TDND trong quá trình phát triển cạnh tranh. Vậy Co-opBank đã có những kế hoạch gì để có thể hỗ trợ các QTDND phát triển và nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường?

Chúng tôi cũng đã nhìn nhận về vấn đề này và ý thức rất rõ những nhiệm vụ trước mắt cũng như trong dài hạn để có thể làm tốt vai trò ngân hàng của hệ thống quỹ TDND.

Trong thời gian tới, Co-opBank sẽ tích cực tham mưu với NHNN về định hướng, chủ trương nhằm phát triển Co-opBank và các QTDND ổn định, an toàn, bền vững.

Ông Nguyễn Văn Kiệt, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Kiên Giang 

“…Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển với 3 giai đoạn: thí điểm thành lập, củng cố chấn chỉnh và phát triển. Đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 22 QTDND, với đơn vị đầu mối là Co-opBank Chi nhánh Kiên Giang. Thời gian qua, Co-opBank Chi nhánh Kiên Giang đã thể hiện rõ vai trò tích cực là tổ chức đầu mối của các QTDND trong việc điều hòa vốn, cung ứng các dịch vụ và hỗ trợ kỹ thuật nghiệp vụ hệ thống; thực sự là cánh tay đắc lực của Chi nhánh NHNN trong quá trình quản lý, giám sát và củng cố, phát triển các QTDND trên địa bàn…”.

Ông Tăng Hải Châu, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Đăk Lăk


“…Co-opBank đóng vai trò quan trọng trong quá trình cơ cấu lại hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk. Nhờ đó, đến nay, hệ thống QTDND trên địa bàn không những hoạt động hiệu quả và phát triển mạnh mẽ hơn, mà sự liên kết hệ thống cũng chặt chẽ hơn rất nhiều, qua đó càng gia tăng tính an toàn trong hoạt động của từng QTDND cũng như cả hệ thống…”.

Cùng với đó, Co-opBank cũng đã chủ động nghiên cứu chiến lược phát triển Co-opBank và hệ thống QTDND trên cơ sở những định hướng mục tiêu chủ yếu của NHNN về phát triển hệ thống tổ chức tín dụng là HTX. Đồng thời, tập trung các nguồn lực để chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật trong hoạt động thông tin công nghệ, ngân hàng nhằm thực hiện mục tiêu là phát triển Co-opBank thành một ngân hàng đa năng, hiện đại, để làm tốt vai trò đầu mối của hệ thống QTDND.

Bên cạnh đó, Co-opBank cũng rất cần sự trợ lực hơn nữa từ phía cơ quan quản lý nhà nước để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động hỗ trợ thành viên hệ thống. Như việc ban hành cơ chế cho phép sáp nhập, hợp nhất giữa các QTDND với nhau và giữa QTDND với Co-opBank để tạo cơ sở pháp lý cho việc hỗ trợ củng cố, chấn chỉnh hoạt động của quỹ TDND; có cơ chế xử lý rủi ro trong việc cho vay hỗ trợ xử lý khó khăn thanh khoản của Co-opBank đối với quỹ TDND thành viên…

Tôi tin rằng với tuổi 20 sức trẻ, khí thế và khát vọng mãnh liệt, các thế hệ cán bộ Co-opBank sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để tiếp nối và phát huy truyền thống vẻ vang của đơn vị, xây dựng Co-opBank thành một ngân hàng đa năng, hiện đại, phát triển hệ thống QTDND theo hướng tăng trưởng – an toàn, phát triển – bền vững, tiếp tục giữ vai trò là một trong những đối tác quan trọng trên thị trường tài chính nông thôn, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước.

Theo Thời báo Kinh doanh

Các tin liên quan