Hiệp hội Quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam (Hiệp hội) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 05/01/2006. Ra đời và hoạt động trong điều kiện cơ sở vật chất rất thiếu thốn, nhưng với sự cố gắng nỗ lực của tập thể Ban chấp hành và đội ngũ cán bộ nhân viên Hiệp hội cũng như sự ủng hộ nhiệt tình của các Hội viên nên Hiệp hội đã vượt qua những khó khăn ban đầu đi vào hoạt động ổn định,triển khai nhiệm vụ của tổ chức đầu mối liên kết.
Đến nay, Hiệp hội có 1.106 hội viên, bao gồm: Ngân hàng Hợp tác và 1.105 QTDND hội viên hoạt động trên 57 tỉnh, thành phố. Phát huy vai trò hỗ trợ, đại diện bảo vệ quyền lợi và làm cầu nối gữa hội viên và các cơ quan chức năng Nhà nước. Hiệp hội đã tham gia xây dựng định hướng phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đến năm 2020, góp ý các dự thảo luật chuyên ngành liên quan đến hoạt động của hệ thống QTDND (bao gồm Luật Các TCTD, Luật thuế, Luật HTX sửa đổi, Nghị định về Tổ chức Hội và quản lý Hội…); Đồng thời, chủ động đề xuất kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và NHNN… về những chính sách liên quan đến hoạt động của hệ thống QTDND. (Như lãi suất huy động, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập từ lợi tức vốn góp của thành viên QTDND, cơ chế tài chính cho hệ thống QTDND…)
Trong hoạt động tư vấn, Hiệp hội thường xuyên tư vấn, giải đáp thắc mắc về công tác quản trị điều hành, các vướng mắc trong nghiệp vụ cho vay,tiền gửi, tài sản thế chấp, quyền thừa kế, thuế, thủ tục đăng ký kinh doanh, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc. Nhờ đó các QTDND dễ dàng tiếp cận và xử lý các vướng mắc trong hoạt động của mình và được các QTDND hội viên đánh giá cao.
Về hoạt động đào tạo cán bộ cho hệ thống QTDND, với số lượng gần 1.200 QTDND hoạt động trên cả nước, số lượng lãnh đạo và cán bộ lên tới hàng vạn người thì nhu cầu đào tạo, nhân lực của hệ thống QTDND là rất lớn và yêu cầu tổ chức thường xuyên, liên tục các lớp và chương trình đào tạo. Với vai trò là tổ chức đầu mối của hệ thống Hiệp hội đã xác định công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho cán bộ hệ thống QTDND luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Xây dựng đội ngũ cán bộ QTDND đủ mạnh, vừa có chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, điều hành vừa có đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu công việc. Thời gian qua, Hiệp hội tập trung tổ chức công tác đào tạo trong 04 lĩnh vực chính sau:
+ Đào tạo chuẩn hóa nghiệp vụ QTDND theo Quyết định số 31/2006/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN (nay được thay thế bởi Thông tư số 04/2015/TT-NHNN và Quyết định số 1011/QĐ-NHNN về việc ban hành Chương trình đào tạo nghiệp vụ QTDND).
+ Đào tạo cơ bản: Trung cấp, cao đẳng, đại học…;
+ Bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ;
+ Khảo sát học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài nước;
Đối với Công tác đào tạo cán bộ QTDND theo tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 31/2006/QĐ-NHNN (nay được thay thế bởi Thông tư số 04/2015/TT-NHNN và Quyết định số 1011/QĐ-NHNN về việc ban hành Chương trình đào tạo nghiệp vụ QTDND) của Thống đốc NHNN: Đến thời điểm 30/06/2017, Hiệp hội đã phối hợp với Học viện Ngân hàng và Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh tổ chức đào tạo được 67 lớp với 5.367 học viên đến từ các QTDND trên cả nước tham gia. Qua đó, đã góp phần tăng cường chuẩn hóa đội ngũ cán bộ QTDND theo quy định của NHNN, giúp cho công tác quản trị điều hành có kết quả ở các QTDND hội viên và thúc đẩy hệ thống QTDND thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn trong hoạt động của QTDND do Thống đốc NHNN ban hành.
Đối với công tác đào tạo cơ bản cho cán bộ QTDND: Hiệp hội đã làm việc và được Học viện Tài chính và Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh tạo điều kiện chấp thuận cho cán bộ hệ thống QTDND tham gia đào tạo hệ Đại học vừa học vừa làm. Thông qua khoá học, học viên không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn có nhiều kinh nghiệm trong công việc thực tế. Vì vậy, đây thật sự là cơ hội tốt để cán bộ hệ thống QTDND nâng cao trình độ của mình. Hiệp hội đã tổ chức được nhiều lớp trung cấp, đại học cho hàng ngàn cán bộ của các QTDND hội viên. (Đây là những hoạt động đào tạo nền tảng đầu tiên cho việc nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ ngân hàng ở cấp bậc đại học cho đội ngũ cán bộ QTDND);
Đối với các khoá đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu: Hiệp hội đã mở gần 70 khóa đào tạo cho hơn 6.000 cán bộ QTDND trên cả nước tham gia tập huấn, đào tạo về các chuyên đề: Kiến thức pháp luật trong hoạt động Ngân hàng và QTDND, về Bộ Luật Dân sự, Luật Đất đai và giao dịch đảm bảo; Nghiệp vụ tín dụng, Marketing, kế toán và kho quỹ... ;
Học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài nước, nâng cao kỹ năng quản trị: Hiệp hội đã phối hợp với Sở Giao dịch 3 - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tổ chức 5 khóa đào tạo nâng cao và phát triển “Kỹ năng Lãnh đạo QTDND” cho gần 700 học viên là Lãnh đạo các QTDND tại 03 miền (Bắc - Trung - Nam) tham gia với kết quả tốt đẹp và được các học viên là lãnh đạo QTDND đánh giá cao, cho rằng đây là chương trình rất bổ ích đối với đội ngũ lãnh đạo QTDND.
Hiệp hội cũng đã tổ chức 18 chuyến khảo sát cho gần 500 cán bộ QTDND trên cả nước tham gia khảo sát và học hỏi kinh nghiệm tại Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia. Bên cạnh đó cũng đã tổ chức các chuyến khảo sát giao lưu học hỏi trong nước cho các lãnh đạo và cán bộ QTDND giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các khu vực, vùng miền…
Thời lượng các lớp đào tạo nghiệp vụ không nhiều (3 - 5 ngày) tuy nhiên lớp học rất chú trọng đến chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất. Giảng viên được mời tham gia đều là những chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ Học viện Ngân hàng, Đại học Luật Hà Nội, NHNN Việt Nam, Đại học ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công An… nên thu hút lượng lớn các học viên tham gia và được đánh giá đem lại kiến thức bổ ích, thiết thực đối với hoạt động của hệ thống QTDND.
- Công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tin học cho các QTDND:
Một mặt Hiệp hội tiếp tục mở rộng, triển khai cài đặt phần mềm ngân hàng bán lẻ (ITD-VAPCF) cho các QTDND; Nâng cấp phần mềm đảm bảo đáp ứng kịp thời công tác báo cáo của QTDNDThông tư 35/2015/TT-NHNN của NHNN; Hoàn thiện hệ thống phần mềm giám sát từ xa đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động của các QTDND của chi nhánh NHNN trong khuôn khổ dự án nghiên cứu khoa học “Nâng cao chất lượng giám sát QTDND qua phần mềm kết nối thông tin với NHNN tỉnh”.
Trong quá trình triển khai phần mềm cho các QTDND, Hiệp hội cũng tiến hành đào tạo và nâng cao trình độ tin học, sử dụng phần mềm đáp ứng yêu cầu hoạt động của QTDND và giúp cho quá trình khắc phục xử lý sự cố phần mềm được thuận lợi hơn. Hiệp hội đã phối hợp với Phân viện Phú Yên cũng để cài đặt và tạo lập môi trường đào tạo phần mềm ITD-VAPCF để qua đó Phân viện tổ chức lớp đào tạo phần mềm cho các QTDND.
Với trách nhiệm tổ chức đầu mối hệ thống; để tìm nguồn hỗ trợ kinh phí đào tạo cho các QTDND, Hiệp hội đã chủ động kết nối với các đơn vị đào tạo, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố đề xuất xin nguồn kinh phí hỗ trợ học phí cho các học viên…
Thông qua việc triển khai các hoạt động đào tạo mà Hiệp hội thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe được nhiều ý kiến từ phía các Hội viên; từ đó có những điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo, khảo sát học tập kinh nghiệm cho phù hợp với nhu cầu của các QTDND.
Để chuẩn hóa công tác đào tạo cán bộ cho hệ thống QTDND, Hiệp hội đã phối hợp với Học viện Ngân hàng, Vụ Tổ chức cán bộ và Cơ quan TTGS Ngân hàng hoàn thành việc chỉnh sửa bộ giáo trình đào tạo gồm 08 mô đun học theo Quyết định số 31/2006/QĐ-NHNN (nay là Thông tư số 04/2015/TT-NHNN) trình Thống đốc NHNN xem xét phê duyệt. Ngày 23/5/2017, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1011/QĐ-NHNN về việc Ban hành Chương trình đào tạo nghiệp vụ Quỹ tín dụng nhân dân và Quyết định số 1012/QĐ-NHNN về việc Ban hành Bộ tài liệu đào tạo nghiệp vụ QTDND,trong đó đã chuẩn hóa và quy định rất cụ thể:
- Về đối tượng đào tạo, gồm: Thành viên Hội đồng quản trị QTDND gồm: Chủ tịch Hội đồng quản trị và các thành viên khác trong Hội đồng quản trị; Thành viên Ban kiểm soát QTDND gồm: Trưởng Ban kiểm soát và các thành viên Ban kiểm soát; Người điều hành QTDND gồm: Giám đốc và các Phó giám đốc; Cán bộ chuyên trách làm việc tại QTDND;
- Về mục tiêu đào tạo: Trang bị các kiến thức, kĩ năng chuyên môn nghiệp vụ cần thiết theo yêu cầu, vị trí làm việc trong hoạt động của QTDND. Đáp ứng điều kiện để thực hiện, tham gia hoạt động quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ của QTDND.
- Về cấu trúc, thời lượng đào tạo: Chương trình đào tạo gồm 08 học phần, tổng thời lượng đào tạo là 248 tiết, gồm:
+ Những vấn đề cơ bản về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng trong nền kinh tế thị trường
+ Quản lý rủi ro trong hoạt động của QTDND
+ Pháp luật Ngân hàng - Chương trình đào tạo cán bộ QTDND
+ Nghiệp vụ tín dụng của QTDND
+ Nghiệp vụ Kế toán QTDND
+ Kiểm soát, kiểm toán QTDND
+ Kỹ năng giao dịch QTDND
+ Phân tích và quản lý tài chính QTDND
- Về Tiêu chuẩn giảng viên:
+ Tiêu chuẩn giảng viên thuộc cơ sở đào tạo: Đạt tiêu chuẩn giảng viên theo quy định hiện hành (Thông tư liên tịch số 06/2011/TTLT-BNV-BGD&ĐT ngày 06/6/2011 của Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và đào tạo hướng dẫn tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc, chính sách đối với giảng viên tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng); Có ít nhất 01 năm giảng dạy nội dung liên quan đến học phần đào tạo nghiệp vụ QTDND tương ứng.
+ Tiêu chuẩn giảng viên kiêm chức: Là cán bộ công tác trong ngành Ngân hàng, có ít nhất 01 năm kinh nghiệm công tác liên quan đến hoạt động của QTDND;Có bằng cấp từ bậc đại học trở lên, chuyên ngành đào tạo phù hợp với nội dung giảng dạy trong Chương trình; Có khả năng thuyết trình mạch lạc, rõ ràng.
Đồng thời, giảng viên thuộc cơ sở đào tạo và giảng viên kiêm chức có trách nhiệm tích cực, thường xuyên nghiên cứu tài liệu, cập nhật các văn bản mới, kiến thức mới, tập hợp các bài tập, tình huống điển hình trong thực tiễn về QTDND để bảo đảm giảng dạy có chất lượng Chương trình đào tạo này, phù hợp với các quy định hiện hành và đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động QTDND.
- Về yêu cầu đối với việc học tập của học viên: Học viên phải hiểu rõ vị trí, chức trách, nhiệm vụ và những yêu cầu đối với vị trí công việc đang hoặc sẽ đảm nhận; Chấp hành nghiêm túc quy chế học tập. Học viên vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm quy chế học tập sẽ bị đình chỉ học tập; Tham dự ít nhất 80% thời lượng mỗi học phần. Nghỉ học phải có lý do chính đáng, có đơn đề nghị và được cơ sở đào tạo chấp thuận.
- Về kiểm tra, đánh giá học tập, cấp chứng chỉ, ra quyết định công nhận hoàn thành chương trình đào tạo: Đã quy định rõ công tác kiểm tra, đánh giá học tập. Kiểm tra bao quát các nội dung chính của Chương trình đào tạo và học viên phải hoàn thành các yêu cầu học tập, có kết quả các bài kiểm tra từ 5 điểm trở lên được cấp Chứng chỉ hoàn thành Chương trình đào tạo nghiệp vụ QTDND. Hiệp hội ra quyết định công nhận học viên hoàn thành Chương trình đào tạo trên cơ sở bảo đảm việc tuân thủ các tiêu chuẩn, yêu cầu đối với giảng viên, giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá của Chương trình đào tạo.
Có thể nói đây là cơ sở pháp lý quan trọng và điều kiện hết sức thuận lợi để Hiệp hội phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Ngân hàng Hợp tác xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các khóa đào tạo nghiệp vụ QTDND, phát triển đội ngũ giảng viên đủ tiêu chuẩn theo quy định của Chương trình đào tạo, chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên kiêm chức của NHNN… đáp ứng kịp thời nhu cầu đào tạo của hệ thống QTDND trong giai đoạn tới đây.
Hiện nay, nhu cầu đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống QTDND là rất lớn với hàng vạn học viên và phải được tổ chức thường xuyên, liên tục. Mặt khác, các QTDND trong quá trình thực hiện tái cơ cấu cũng phải đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực theo Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 của Thống đốc NHNN về thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Quyết định 1058/QĐ của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020”; Quyết định 1533/QĐ-NHNN ngày 20/7/2017 ban hành Kế hoạch hành động ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020”; Theo đó, các QTDND phải nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện, trình độ cán bộ, quản lý, nghiệp vụ đối với Chủ tịch, Giám đốc, cán bộ QTDND; xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng đến năm 2020 dành cho cán bộ của QTDND. Xây dựng đội ngũ cán bộ QTDND đủ mạnh, vừa có chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, điều hành, vừa có đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu công việc. Thường xuyên đào tạo và đào tạo lại cán bộ nhằm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời gắn với việc bồi dưỡng, giáo dục đạo đức nghề nghiệp.
Để làm tốt công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống QTDND đáp ứng yêu cầu hoạt động QTDND trong giai đoạn mới và đúng với chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam, góp phần cho hệ thống QTDND phát triển an toàn, bền vững, Hiệp hội phải tập trung giải quyết một số nội dung căn bản dưới đây:
Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ của các vụ, cục chức năng thuộc NHNN Trung ương, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố và đặc biệt là Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai các khoá đào tạo nghiệp vụ QTDND theo Chương trình đào tạo...
Thứ hai, Thường xuyên đánh giá và bám sát nhu cầu đào tạo cán bộ của QTDND để tổ chức các lớp, chương trình đào tạo kịp thời, hiệu quả.
Thứ ba, tổ chức tốt công tác đào tạo, chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, công tác giáo vụ, theo dõi đánh giá chất lượng giảng viên, việc chấp hành nội quy quy chế của học viên để việc dạy và học ngày một chất lượng.
Thứ tư, tìm nguồn hỗ trợ kinh phí đào tạo cho các QTDND, chủ động kết nối với các đơn vị đào tạo, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Liên minh Hợp tác xã các tỉnh đề xuất xin nguồn kinh phí hỗ trợ học phí cho các học viên.
Thứ năm, thực hiện tốt việc tư vấn, công tác thông tin tuyên truyền để QTDND hội viên hiểu rõ mục tiêu hoạt động của hệ thống QTDND; Đặc biệt trong công tác đào tạo nguồn nhân lực của Quỹ. Thông qua việc triển khai các hoạt động đào tạo, Hiệp hội thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe được nhiều ý kiến từ phía các Hội viên; từ đó có những điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu của các QTDND.
13.11.2024
30.10.2024