19.09.2018 09:10

Đảm bảo ổn định hệ thống quỹ tín dụng nhân dân

Thông tư 23 được đánh giá là khá đầy đủ, toàn diện nhằm tái cơ cấu hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả

Tại Hội nghị chuyên đề về QTDND, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh, thời gian tới các QTDND phải đặc biệt quan tâm và coi an toàn hoạt động lên hàng đầu. 

Thống đốc yêu cầu Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phải tổng rà soát lại các văn bản pháp lý, các thông tư, để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách cho hệ thống QTDND, đảm bảo các quỹ hoạt động theo đúng bản chất, tôn chỉ, mục tiêu được quy định tại Luật Các TCTD và Luật Hợp tác xã. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng sẽ phối hợp với các vụ, cục liên quan triển khai xây dựng Chỉ thị riêng cho hệ thống các QTDND để các quỹ tự rà soát, chấn chỉnh đảm bảo an toàn hoạt động của mình trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện, phê duyệt Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Đối với chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố, Thống đốc yêu cầu phải quán triệt tiếp tục kiểm tra giám sát các đề án cơ cấu lại các Quỹ đã được phê duyệt. Tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động. 

 

Sắp xếp lại hệ thống QTDND hiệu quả và minh bạch

NHNN vừa ban hành Thông tư số 23/2018/TT-NHNN quy định về tổ chức lại, thu hồi Giấy phép và Thanh lý tài sản của QTDND và bắt đầu có hiệu lực từ 1/11/2018. Mặc dù không phải lần đầu tiên có quy định liên quan đến các vấn đề trên, nhưng Thông tư 23 được đánh giá là khá đầy đủ, toàn diện nhằm tái cơ cấu hệ thống QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả. Đánh giá tổng thể về chính sách mới này, một lãnh đạo vụ chức năng cho biết, Thông tư quy định toàn bộ các hình thức hoạt động có thể diễn ra đối với QTDND như từ hình thức chia, tách QTDND đến hợp nhất, sáp nhập, hình thành QTDND mới, QTDND thực hiện tổ chức lại…

Về nguyên tắc tổ chức lại QTDND, tại Điều 6 nêu rõ, việc tổ chức lại QTDND được thực hiện trên cơ sở phương án tổ chức lại được NHNN chi nhánh phê duyệt phù hợp với quy định pháp luật. Trong quá trình thực hiện tổ chức lại phải bảo đảm hoạt động an toàn và liên tục của Quỹ cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên QTDND, khách hàng. Việc chuyển nhượng, mua bán tài sản trong quá trình tổ chức lại QTDND phải đảm bảo công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật và thỏa thuận của các bên, đảm bảo an toàn tài sản và không ảnh hưởng đến quyền lợi của QTDND thực hiện tổ chức lại, tổ chức và cá nhân liên quan đến việc tổ chức lại. QTDND sau khi tổ chức lại kế thừa quyền và nghĩa vụ của QTDND thực hiện tổ chức lại theo quy định của pháp luật và thỏa thuận giữa các bên.

Thông tư cũng đưa ra quy định về công bố thông tin khá đầy đủ chi tiết đối với tổ chức lại QTDND để đảm bảo tính công khai minh bạch hoạt động của QTDND. Cụ thể, sau khi NHNN chi nhánh chấp thuận nguyên tắc tổ chức lại, QTDND thực hiện tổ chức lại phải niêm yết đầy đủ thông tin như tên, địa chỉ trụ sở chính, vốn điều lệ, người đại diện theo pháp luật... của QTDND thực hiện tổ chức lại tại trụ sở chính, phòng giao dịch của Quỹ, trụ sở UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn hoạt động của Quỹ, công bố trên đài truyền thanh hoặc đài phát thanh xã nơi đặt trụ sở chính Quỹ trong 7 ngày làm việc.

Để đảm bảo hoạt động của QTDND sau tổ chức lại hiệu quả, an toàn, Thông tư đưa ra nhiều yêu cầu trong phương án tổ chức lại QTDND. Ngoài những yêu cầu thông thường cần phải có, Thông tư còn đưa ra quy định khá khắt khe như về giá trị thực của vốn điều lệ, nợ xấu tính đến thời điểm nộp hồ sơ đến việc tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của QTDND thực hiện tổ chức lại trong năm liền kề trước thời điểm nộp hồ sơ. Phương án kinh doanh dự kiến của từng năm trong 3 năm tiếp theo của QTDND sau khi tổ chức lại; biện pháp chuyển đổi hệ thống công nghệ thông tin quản lý, hệ thống truyền dữ liệu, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ để đảm bảo thông suốt hoạt động trong và sau khi hoàn tất quá trình tổ chức lại; Dự trù chi phí phát sinh và nguyên tắc phân bổ chi phí đối với QTDND thực hiện tổ chức lại; Đánh giá tác động của việc tổ chức lại QTDND và phương án xử lý các tồn tại, yếu kém (nếu có) nhằm đảm bảo hoạt động an toàn và liên tục của QTDND trong quá trình tổ chức lại; Phương án xử lý khoản vay đặc biệt đã vay (nếu có)... là những quy định bắt buộc phải có trong phương án tổ chức lại của QTDND.

Bên cạnh yêu cầu đối với QTDND, tại Thông tư 23 cũng đưa ra những yêu cầu đối với cơ quan quản lý để hỗ trợ hoạt động tổ chức lại của QTDND thành công. Cụ thể, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, NHNN chi nhánh ra quyết định chấp thuận tổ chức lại QTDND; Cấp, sửa đổi, bổ sung Giấy phép cho QTDND sau khi tổ chức lại. Trường hợp không chấp thuận, NHNN chi nhánh có văn bản nêu rõ lý do...

Tạo điều kiện QTDND thanh lý tài sản hiệu quả

Bên cạnh quy định “mềm” giúp cho các QTDND có cơ hội để  cơ cấu lại hoạt động, tại Thông tư 23 cũng đưa ra 7 trường hợp có thể bị thu hồi giấy phép nếu không hoạt động nghiêm túc. Một là, QTDND tự nguyện xin giải thể khi có khả năng thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Hai là, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép QTDND có thông tin gian lận để có đủ điều kiện được cấp Giấy phép. Ba là, QTDND hoạt động không đúng nội dung quy định trong Giấy phép. Bốn là, QTDND vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động. Năm là, QTDND không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quyết định xử lý của NHNN chi nhánh để bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng. Sáu là, QTDND bị chia, sáp nhập, hợp nhất, phá sản. Và bảy là, QTDND hết thời hạn hoạt động không xin gia hạn hoặc xin gia hạn nhưng không được NHNN chi nhánh chấp thuận bằng văn bản.

Cơ chế hoạt động, vốn góp... của QTDND khác với NHTMCP nên cơ chế  thanh lý tài sản của QTDND cũng có nhiều điểm khác biệt.  Chẳng hạn như đối với quy định về Hội đồng thanh lý,  trường hợp QTDND giải thể tự nguyện, Hội đồng thanh lý do Đại hội thành viên QTDND quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản trị QTDND. Thành phần Hội đồng thanh lý QTDND bao gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trưởng Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên chuyên trách, Giám đốc, Kế toán trưởng và tất cả các thành viên của QTDND có vốn góp từ 5% vốn điều lệ trở lên và 5 khách hàng có số dư tiền gửi lớn nhất tại QTDND (trong trường hợp các khách hàng này đồng ý tham gia Hội đồng thanh lý) tại thời điểm đề nghị giải thể hoặc thời điểm NHNN chi nhánh có văn bản yêu cầu QTDND lập hồ sơ đề nghị giải thể. Còn trường hợp QTDND bị thu hồi Giấy phép, Giám đốc NHNN chi nhánh quyết định thành phần Hội đồng thanh lý.

Nhằm tạo điều kiện cho QTDND thực hiện thanh lý tài sản đạt hiệu quả cao nhất, Thông tư 23 cho phép thời hạn thanh lý QTDND có thể được gia hạn, nhưng mỗi lần gia hạn không quá 12 tháng. Nhưng ngược lại trách nhiệm Hội đồng thanh lý phải nâng cao hơn để đảm bảo thực hiện thanh lý tài sản của QTDND theo phương án thanh lý được NHNN chi nhánh phê duyệt, tuân thủ quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan, tìm mọi biện pháp để thu hồi nợ và các tài sản của QTDND. Mọi khoản thu của QTDND phải được sử dụng để thanh toán cho các chủ nợ theo quy định tại Điều 26 Thông tư này... Về phía cơ quan quản lý, Thông tư cho phép Giám đốc NHNN chi nhánh quyết định việc thành lập Tổ giám sát thanh lý để giám sát việc thanh lý tài sản của QTDND trên địa bàn, chỉ định Tổ trưởng Tổ giám sát thanh lý, quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ trưởng và các thành viên Tổ Giám sát thanh lý. 

Theo Thời báo Ngân hàng

Các tin liên quan