Ban lãnh đạo Ngân hàng Hợp tác đã quán triệt đến từng bộ phận phòng ban, Chi nhánh xác định công tác xử lý nợ xấu phải khẩn trương, quyết liệt, thống nhất trong toàn hệ thống.
Ông Trần Quang Khánh – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác phát biểu tại Hội nghị xử lý nợ xấu tại khu vực phía Nam ở Bình Thuận
Xử lý nợ xấu là vấn đề cấp bách hiện nay khi mà khối nợ xấu của hệ thống các TCTD giai đoạn trước vẫn chưa được xử lý triệt để, trong khi nợ xấu mới vẫn luôn tiềm ẩn và phát sinh hàng ngày. Quá trình tái cơ cấu của hệ thống các TCTD cũng khó có thể thành công nếu nợ xấu vẫn chưa được xử lý. Tính quan trọng và cấp thiết của vấn đề đã được thể hiện rõ qua việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD cũng như Quyết định 1058/QĐ của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020. Thống đốc NHNN Việt Nam cũng đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN để khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội và Quyết định 1058/QĐ của Thủ tướng trong toàn hệ thống.
Với Ngân hàng Hợp tác điều đó lại càng quan trọng khi mà vai trò “Ngân hàng của các QTDND”, đòi hỏi Ngân hàng Hợp tác không chỉ cung ứng các dịch vụ, mà còn phải có một năng lực tài chính ổn định vững mạnh, từ đó mới có thể phát huy công năng tối đa hỗ trợ hệ thống QTDND phát triển bền vững. Trong khi đó, địa bàn hoạt động của Ngân hàng Hợp tác và hệ thống QTDND lại chủ yếu là khu vực kinh tế nông nghiệp – nông thôn vốn chịu nhiều rủi ro bởi thời tiết thất thường, thị trường bấp bênh… Bởi vậy, Ngân hàng Hợp tác nhận thức rõ và quán triệt sâu sắc tầm quan trọng của công tác xử lý nợ xấu, đặc biệt là việc triển khai Chỉ thị số 06/CT-NHNN về thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội – công cụ quan trọng trong việc hỗ trợ tích cực, tạo điều kiện thuận lợi hơn, góp phần xử lý nhanh nợ xấu của TCTD.
Ngay sau khi Chỉ thị 06 của Thống đốc được ban hành, trong các ngày 29/7 và ngày 3/8/2017, Ngân hàng Hợp tác đã tổ chức 2 Hội nghị tại miền Bắc và miền Nam nhằm quán triệt tới các toàn hệ thống Ngân hàng Hợp tác, thể hiện quyết tâm của Ngân hàng Hợp tác cùng ngành Ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu.
Ông Trần Quang Khánh – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác cho biết, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD là cơ sở pháp lý quan trọng cho các TCTC; nó khẳng định quyền của chủ nợ trong xử lý tài sản nợ và được các cơ quan hữu quan hỗ trợ trong công tác thu hồi nợ. Nghị quyết cũng đã cho phép Ngân hàng xử lý các vấn đề vướng mắc về tài chính, hạch toán kế toán liên quan đến xử lý nợ xấu. Đặc biệt những quy định đã đơn giản nhiều thủ tục không chỉ liên quan đến hành chính, mà còn giảm nhiều thời gian tố tụng thu hồi nợ… Tuy nhiên, theo ông Nghị quyết 42 mới chỉ là điều kiện cần, để thu hồi nợ có hiệu quả, phải có điều kiện đủ đó là triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả nội dung Nghị quyết.
Ông Đỗ Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác phát biểu tại Hội nghị xử lý nợ xấu tại khu vực phía Bắc ở Hà Nội
… đến triển khai thực hiện
Với quyết tâm cao cùng ngành Ngân hàng trong việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, tại 2 Hội nghị Ngân hàng Hợp tác tổ chức quán triệt xử lý nợ xấu, ông Đỗ Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác đã quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam về vấn đề xử lý nợ xấu đến toàn thể cán bộ, nhân viên Ngân hàng Hợp tác.
Theo đó, Ngay sau khi Thống đốc NHNN Việt Nam ban hành chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 của NHNN về thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Quyết định 1058/QĐ của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020, Ngân hàng Hợp tác đã xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 – 2020 và triển khai đến toàn bộ các chi nhánh trên toàn quốc. Ngân hàng Hợp tác cũng đã đưa ra các mục tiêu cụ thể về giảm nợ xấu so với tổng dư nợ theo đúng định hướng của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị số 06/CT –NHNN: Đến cuối năm 2017 giảm 1% nợ xấu; Cuối năm 2018 giảm 1,5% nợ xấu; Cuối năm 2019 giảm 1,5% nợ xấu; Cuối năm 2020 giảm tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% so với tổng dư nợ.
Ông Đỗ Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác nhấn mạnh, Ban lãnh đạo Ngân hàng Hợp tác đã quán triệt đến từng bộ phận phòng ban, Chi nhánh xác định công tác xử lý nợ xấu phải khẩn trương, quyết liệt, thống nhất trong toàn hệ thống. Đồng thời triển khai bằng nhiều biện pháp nhưng phải đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ và đặt trong kế hoạch tái cơ cấu hệ thống, chấp hành nghiêm túc các cơ chế, chính sách của Quốc hội, Chính phủ và NHNN.
Ngân hàng Hợp tác cũng đã quán triệt sẽ phát huy tối đa mọi nguồn lực và năng lực hiện tại của toàn hệ thống Ngân hàng Hợp tác để xử lý nợ xấu vừa bảo đảm hài hoà lợi ích của Ngân hàng và các bên có liên quan; chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong việc xử lý nợ xấu. Việc xử lý nợ xấu phải đảm bảo công khai, minh bạch, theo nguyên tắc thị trường và đúng quy định; tránh để xảy ra tiêu cực trong quá trình xử lý nợ xấu. Không chỉ hướng tới mục tiêu kiểm soát nợ xấu ở mức an toàn, các giải pháp xử lý nợ xấu phải gắn liền với phòng ngừa, hạn chế và kiểm soát có hiệu quả nợ xấu phát sinh trong tương lai.
Để thực hiện kế hoạch xử lý nợ xấu hiệu quả, Ngân hàng đã thành lập Ban Chỉ đạo và 2 Tiểu ban xử lý nợ xấu phía Bắc và phía Nam với thành phần bao gồm: Một Phó tổng giám đốc – Thành viên Ban Chỉ đạo nợ xấu là Trưởng Tiểu ban và một số Trưởng, Phó phòng, chuyên viên tại Trụ sở chính là thành viên.
Khẳng định Ngân hàng Hợp tác coi việc thực hiện Nghị quyết 42 là một thời cơ để nâng cao năng lực hệ thống, tái cơ cấu hệ thống theo đề án mà NHNN đã phê duyệt năm 2014 cũng như các kế hoạch phát triển đến năm 2020, ông Hùng cũng cho biết thời gian tới Ngân hàng Hợp tác sẽ phối hợp tốt với VAMC giải quyết khoản nợ đã bán; đồng thời nâng cao năng lực hoạt động và giảm thiểu rủi ro, từ đó vừa có thể giảm tỷ lệ nợ xấu theo tỷ lệ tương đối và con số tuyệt đối.
“Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành đoàn thể như trong tinh thần Nghị quyết, tôi tin rằng sau giai đoạn thí điểm, chất lượng hoạt động của các TCTD sẽ được nâng lên với cơ cấu nợ xấu thấp, góp phần khơi thông điểm nghẽn vốn hỗ trợ nền kinh tế. Với Ngân hàng Hợp tác sẽ phát huy vai trò Ngân hàng của tất cả các QTDND, giúp hệ thống gia tăng năng lực vốn và khả năng phục vụ đáp ứng nhu cầu nền kinh tế”, ông Đỗ Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác tin tưởng.
Theo Ngân hàng Hợp tác13.11.2024
30.10.2024